Giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân
Hướng dẫn
Giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân
Trong những năm 1945, đất nước ta đã phải trải qua nạn đói vô cùng thảm hại, thê lương. Ranh giới giữa sự sống và cái chết dường như quá mong manh. Xác chết nằm đó, còn kẻ sống dật dờ như những bóng ma. Giữa lúc ấy, chỉ cần có được miếng ăn thôi cũng đã là một chuyện quá lớn lao rồi. Ấy vậy mà Kim Lân – một nhà văn lớn của dân tộc – lại táo bạo dựng nên cảnh “nhặt” vợ của một anh cu Tràng vừa xấu vừa nghèo xuất thân từ xóm ngụ cư. Câu chuyện có nhiều hình ảnh chân thực vừa hài hước vừa xúc động về nạn đói khủng khiếp năm 1945. Qua đó thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc mà tác giả đã gửi gắm vào tác phẩm của mình.
Kim Lân cũng xuất thân từ một gia đình nghèo khó, ông là một trong những cây bút tài giỏi chuyên viết truyện ngắn về đề tài nông thôn và người nông dân. Ông đã có những trang viết rất đặc sắc về phong tục và đời sống làng quê Bắc Bộ. Văn ông rất chân thực, xúc động về cuộc sống và người dân thôn quê bởi nhà văn có sự thấu hiểu cảnh ngộ và tâm lý của họ – những con người gắn bó tha thiết với quê hương và cách mạng. Trong những tác phẩm của Kim Lân, ta thường thấy những cảnh làng quê Việt Nam nghèo khổ, thiếu thốn mà vẫn yêu đời; thật thà chất phác mà thông minh, hóm hỉnh, tài hoa. Năm 2001 Kim Lân được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
“Vợ nhặt” là tác phẩm xuất sắc nhất của Kim Lân in trong tập “Con chó xấu xí” viết về cuộc sống khổ cực của những người nông dân trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 với giá trị nhân đạo rất sâu sắc.
Tác phẩm là tiếng lòng xót thương, cảm thông và đồng cảm cho số phận người nông dân trong nạn đói cùng cực thê lương. Đến ngay cả niềm hạnh phúc vốn có là lấy vợ lấy chồng cũng trở nên xa xỉ khi mà manh áo, bát cơm là niềm khát khao lớn của mỗi người. Ngay khi mở đầu tác phẩm, Kim Lân đã trực tiếp bộc bạch như một lời xót thương: Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Người dân tứ xứ dắt díu nhau đổ về xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không khí vẩn mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người. Ở thời điểm này, ranh giới giữa sự sống và cái chết dường như không còn. Đến nỗi, người chết còn không có người chôn, để mùi gây bốc lên hôi thối làm u ám cả một vùng. Những hình ảnh chân thực được xuất phát từ lòng cảm thương, xót xa của tác giả dành cho những người dân lương thiện đang đi dần vào ngõ cụt, họ không có cách nào hoặc đúng hơn là không đủ sức để chống lại cả một thế lực phong kiến tàn ác, bất nhân.
Vậy mà, trong lúc miếng ăn còn không đủ, trong lúc cả làng đang chết dần chết mòn vì đói thì Tràng lại xuất hiện cùng một người đàn bà lạ với vẻ mặt phởn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh. Sự đối lập giữa thái độ của Tràng và cảnh đói đang hoành hành lại càng khắc họa rõ nét hơn sự cùng cực của người dân giữa nạn đói.
Việc Tràng lấy vợ diễn ra hết sức ngẫu nhiên và hài hước. Chỉ qua vài câu hò, qua một lần đãi bánh đúc mà Trang nghiễm nhiên có vợ. Thật đúng là vợ “nhặt”. Vì trong một cuộc hôn nhân bình thường, hai người đến với nhau sau một thời gian tìm hiểu nhau, yêu thương nhau, có sự đồng ý của họ hàng hai bên rồi mới đi đến kết hôn. Nhưng ở đây, mọi chuyện hoàn toàn ngược lại. Tràng và thị chưa một lần hẹn hò, chưa một lần trò chuyện hay hỏi han về hoàn cảnh, tính cách của nhau. Có lẽ, trong thời buổi ấy, không cần phải hỏi mọi người cũng tự nhận biết được thân phận và hoàn cảnh của nhau như thế nào. Và rồi, ngay cả mẹ Tràng cũng không khỏi bất ngờ. Cuộc “nhặt” vợ đầy thú vị này vừa là tình huống hài hước trong truyện, vừa là sự cảm thông cho những số phận đói khổ đang lay lắt vượt qua từng ngày trong nạn đói thảm hại thê lương.
Đồng thời, việc Tràng lấy vợ giữa nạn đói khủng khiếp còn là sự ngợi ca tinh thần yêu cuộc sống, bất chấp hoàn cảnh và dám vượt qua số phận để dành lấy hạnh phúc cho chính mình. Tràng không sợ khó khăn dù biết rõ trước mắt mình sẽ là những ngày tháng đói khổ, lay lắt. Thậm chí là có thể chết vì đói nhưng vì niềm hạnh phúc nhỏ nhoi ngày hôm nay, Tràng vô tư bỏ mặc những lo toan ấy và “chậc kệ” một cái rất điềm nhiên. Cuộc “nhặt” vợ đầy éo le nhưng lại là niềm hi vọng, là sự can đảm dám vượt lên số phận của Tràng, của những con người cùng khổ với Tràng. Đây có thể coi là một hiện tượng lạ trong làng khiến ai cũng ngỡ ngàng, từ người già đến trẻ nhỏ. Rồi ngay cả chính Tràng là người trong cuộc cũng chưa thực sự tin đây là sự thật. Hắn có những cảm giác đến lạ lùng. Giữa lúc đói như vậy mà hắn dám đãi thị một chập bốn bát bánh đúc liền. Rồi đưa thị vào chợ tỉnh bỏ tiền ra mua cho thị một cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt và ra hàng cơm đánh một bữa thật no nê. Thì ra, Tràng tuy xấu xí, nghèo nàn túng thiếu nhưng cũng vẫn hào phóng và đầy tình thương. Đối với người khác có một miếng ăn là mừng rỡ lắm, xa xỉ lắm. Vậy mà, chỉ trong chốc lát, Tràng chẳng tiếc bỏ tiền ra đãi thị – một người vợ Tràng vừa “nhặt” được. Có thể nói, ở giữa cảnh thê lương ấy vẫn có những niềm vui, niềm tin và hi vọng. Tràng vui vui, phởn phơ, còn thị e thẹn, ngượng ngùng đúng kiểu “dâu mới về”. Còn một nhân vật nữa là bà cụ Tứ – mẹ Tràng. Biết con mình có vợ, bà vừa mừng vừa lo. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp con mình. Nhưng rồi bà cũng mừng vì đứa con vừa nghèo vừa xấu của mình cũng lấy được vợ. Mà thực chất là “nhặt” được vợ.
Qua cuộc “nhặt” vợ đầy éo le, nhà văn Kim Lân đã lên tiếng tố cáo bọn thực dân, phong kiến tàn ác bất nhân bất nghĩa. Chúng đẩy con người vào cảnh bần cùng, khổ cực. Đến ngay cả niềm hạnh phúc vốn có là lấy vợ lấy chồng của họ cũng trở nên xa xỉ bởi sức nặng của miếng cơm manh áo. Bọn chúng bắt nhân dân phải phá lúa trồng đay. Mà đay nào có ăn được. Chúng muốn triệt đường sống của nhân dân đến tận cùng.
Nhưng rồi, dù có thê lương đến mấy, thảm hại đến mấy, giữa những cái bóng dật dờ của người đói lang thang như những hồn ma, vẫn tồn tại những niềm hi vọng, niềm hạnh phúc dù nhỏ nhoi của Tràng, vợ Tràng và mẹ Tràng. Trong buổi sáng của ngày đầu tiên có vợ, mọi thứ đã thay đổi hẳn. Ngòi bút của Kim Lân cũng không xoáy vào những tiếng quạ réo, những làn khói u uất hay mùi gây thối của xác người chết nữa. Ngược lại, trong căn nhà nhỏ lụp xụp, bừa bộn trước đó nay đã trở nên gọn gàng, sáng sủa. Cả ba thành viên trong căn nhà ấy ai cũng mang một niềm phấn chấn, vui vẻ. Mỗi người một việc, không ai bảo ai. Nhất là anh cu Tràng, hắn chắp hai tay su lưng lững thững bước ra sân. Ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa xói vào ai con mắt còn cay sè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái, và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có cái gì vằ thay đổi mới mẻ, khác lạ. Rồi hắn tự ý thức được rằng hắn đã có một gia đình. Hai từ “gia đình” nghe sao thiêng liêng và ấm áp quá. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng. Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phẩn phải lo lắng cho vợ con sau này. Vậy đấy, đến ngay cả một kẻ xấu xí, ngờ nghệch như Tràng còn ý thức được những điều đó huống chi người bình thường. Những chi tiết này càng gieo vào lòng người đọc những tình cảm mến thương dành cho người nông dân tuy nghèo nhưng có tâm hồn thanh khiết. Mạch cảm xúc của Tràng lại khiến ta liên tưởng đến hình ảnh Chí Phèo của Nam Cao. Chí cũng từ một kẻ chuyên rạch mặt ăn vạ, sống chỉ biết đến rượu nhưng sau khi được Thị Nợ – một kẻ dở hơi để ý đến, hắn cũng trở nên thay đổi. Mà thực chất không phải thay đổi, là hắn quay trở lại với bản chất hiền lành, lương thiện của chính mình trước đây. Sau cơn say, sau bát hành tình nghĩa của Thị Nợ, Chí cũng đã cảm nhận được cuộc sống bình dị xung quanh mình mà bao lâu nay hắn chìm sâu vào rượu nên không nhận ra.
Đến sau cùng, tất cả đều được thắp lên ngọn lửa hi vọng vào một ngày mai tươi sáng. Sau cuộc “nhặt” vợ, sau những cảm xúc miên man của ngày đầu có vợ, khung cảnh nhân dân phá kho thóc của Nhật hiện ra trong đầu mọi người. Nhất là hình ảnh lá cờ đỏ tươi càng thôi thúc mọi người đứng lên chiến đấu, giành lại độc lập, tự do giải thoát chính mình.
Tác phẩm đã mang lại giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc cùng với nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, tạo ấn tượng mạnh cho người đọc. Với những ngôn từ hài hước, hóm hỉnh, khung cảnh xóm ngụ cư dù thê lương thảm hại trong nạn đói khủng khiếp nhưng vẫn toát lên bao niềm hi vọng về một ngày mai tươi sáng. Cho đến nay, đất nước đã hòa bình, độc lập tự do nhưng giá trị của tác phẩm vẫn còn nguyên vẹn.