Em có suy nghĩ gì về xác hàng thịt trong vở kịch Hồn Trương Ba da Hàng Thịt?
Hướng dẫn
Em có suy nghĩ gì về xác hàng thịt trong vở kịch Hồn Trương Ba da Hàng Thịt?
Hồn Trương Ba da Hàng thịt là một trong những vở kịch xuất sắc của Lưu Quang Vũ. Tác phẩm đánh một đòn tâm lý rất mạnh vào tiềm thức và suy nghĩ của khán giả. Ở đó, mỗi nhân vật đều đóng một vai trò quan trọng và có ý nghĩa truyền tải những thông điệp sâu sắc tới mọi người. Nếu như Hồn Trương Ba là đại diện của lương tâm, của tâm hồn, của những điều tốt đẹp, thì xác Hàng Thịt lại là sự hiện diện của thói hư tật xấu, của những ham mê trần tục tầm thường. Dù vậy, nhưng hắn lại có sức mạnh ghê gớm, có thể lấn át cả tâm hồn trong sạch và thanh cao của Trương Ba. Càng tìm hiểu sâu về xác Hàng Thịt, ta càng thấy ở cuộc đời này có không ít kẻ đang sống với những đam mê như hắn, những đam mê làm vấy bẩn cả tâm hồn.
Trương Ba bị chết oan nên được Đế Thích cho sống lại bằng cách nhập hồn vào xác Hàng Thịt vừa mới chết. Nhưng éo le thay, hai con người với hai tính cách hoàn toàn trái ngược nhau, làm sao có thể sống hòa hợp với nhau. Nhất là khi họ lại phải sống chung trong một cơ thể, một cuộc đời.
Xác Hàng Thịt thô lỗ, vũ phu và tục tĩu. Hắn là hiện thân cho những thói hư tật xấu của cuộc sống thường ngày. Ham mê rượu thịt và ái tình, xác hàng thịt làm theo những gì mình muốn. Dù đôi lúc bị Hồn Trương Ba khống chế nhưng sức mạnh của hắn và cả những cám dỗ bên ngoài đã đánh gục cái linh hồn thanh cao đang ngày ngày cùng hắn tồn tại. Nếu không có hắn làm nơi trú ẩn cho linh hồn thì Trương Ba cũng không thể nào sống lại. Nhưng dù có thanh cao đến mấy mà linh hồn không điều khiển được thể xác thì tất cả cũng trở thành vô nghĩa. Bởi người đời vẫn thường nhìn hành mà đánh giá một con người, ít ai đã phân tích cặn kẽ từng sự tình, từng khúc mắc trước khi đi đến kết luận cuối cùng.
Có lẽ Lưu Quang Vũ đã cố tình sắp đặt tình huống trớ trêu cho hai tính cách gặp nhau để nói lên những con người không có bản lĩnh, không có chính kiến, sống và hành động theo cảm giác chứ không phải lý trí. Cũng giống như cái xác của anh hàng thịt. Dù bên trong cơ thể ấy là một tâm hồn rất trong sáng, rất thanh cao nhưng làm sao cho cái xác có thể chối từ được những quyến rũ của xác thịt, những hấp dẫn của các thói đời vô bổ? Linh hồn của Trương Ba lúc này còn có ý nghĩa gì nữa không khi không thể khống chế và điều khiển được cái thể xác kềnh càng, thô lỗ? Và dù sao đi chăng nữa, mỗi cuộc chè chén nhậu nhẹt của xác hàng thịt chắc chắn ít nhiều đều có sự tham dự hưởng thụ của hồn Trương Ba. Làm sao có thể tránh khỏi những phút giây lầm lỡ khi tiếng nói của tâm hồn đã bị cái thể xác đui mù kia lấn chiếm.
Hắn chính là đại diện cho những kẻ đang sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo. Các bạn trẻ vẫn thường mơ đến những tương lai sáng lạn, những công việc đầy danh dự và uy quyền nhưng bản thân lại không chịu cố gắng học hành, phấn đấu. Ý chí các bạn còn quá non yếu để bắt bản thân mình từ bỏ những thú vui ngoài sách vở như điện tử, chát chít…Đó cũng chính là một trường hợp giống như xác hàng thịt trong vở kịch xuất sắc của Lưu Quang Vũ. Chỉ khi nào ý chí và bản thân cùng đồng tâm hiệp lực, cùng thống nhất vươn lên mới có thể đạt được những thành quả tốt đẹp. Nhưng không ít bạn đã để mình rơi vào tình trạng giống như xác hàng thịt: nghĩ một đằng làm một nẻo. Suy nghĩ cao xa nhưng hành động lại thiếu ý thức…
Trong cuộc đối thoại với Hồn Trương Ba, xác hàng thịt đã liên tục đưa ra những lý lẽ đầy ti tiện: “Xác thịt có tiếng nói đấy! Ông đã biết tiếng nói của tôi rồi, đã luôn bị tiếng nói ấy sai khiến. Chính vì âm u đui mù mà tôi có sức mạnh ghê gớm, lắm khi át cả cái linh hồn cao khiết của ông đấy”. Sự mỉa mai mà xác hàng thịt dành cho Hồn Trương Ba cũng chính là một sự thật phũ phàng của cuộc sống thực tại. Rất nhiều người đã bị thể xác sai khiến, hành động mà không có lý trí, không suy nghĩ. Ví như một tên trộm, biết rằng việc làm của mình là sai nhưng lấy tiền bạc ăn chơi sa đọa vẫn thích thú hơn. Dù cho Hồn Trương Ba cố khẳng định mình và xua đuổi “sức mạnh ghê gớm” của cái xác đui mù, nhưng sự thật nó vẫn luôn tồn tại. “Mày chỉ là cái vỏ bên ngoài, không có ý nghĩa gì hết, không có tư tưởng, không có cảm xúc”. Có lẽ, Trương Ba vì quá thất vọng chăng? Vì trên thực tế, hồn và xác luôn đi liền với nhau. Ta có cảm giác đau khi bị một tác động trực tiếp từ bên ngoài vào chính xác thịt. Các xung thần kinh nhận phản ứng và dẫn truyền lên não. Như vậy, xác thịt không có cảm xúc nhưng là nơi chứa đựng cảm xúc. Vì thế, dù lý lẽ của xác hàng thịt có ti tiện nhưng vẫn là sự thật. “Để thỏa mãn tôi, chẳng lẽ ông không tham dự vào chút đỉnh gì? Nào hãy thành thật trả lời!”. Câu nói của xác hàng thịt như một hồi chuông đánh động vào mỗi người, nhắc nhở mỗi người hãy tự vấn lại bản thân mình, xem mình đã làm gì, đã làm đúng hay sai?
Càng tìm hiểu, ta càng thấy sự nguy hiểm của xác thịt. Đồng thời, đây cũng chính là lời cảnh báo sâu sắc của Lưu Quang Vũ gửi tới khán giả về việc ý thức bản thân, kiểm soát chính mình. Mỗi người hãy tự xem xét, kiểm điểm mình, hãy nâng cao tinh thần và ý chí, sống theo những gì mình nghĩ chứ đừng như xác anh hàng thịt chạy theo những thứ tầm thường, bỉ ổi. Muốn như vậy, mỗi người phải thật bản lĩnh, thật mạnh mẽ và can đảm, giống như ai đó đã từng nói “kẻ thù lớn nhất là chính mình” chứ không phải bất kỳ một người nào khác.