Không thể sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn
Hướng dẫn
Không thể sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn
Mỗi ngày, tôi vẫn thường dành ra 30 phút suy ngẫm về những việc đã xảy ra trong ngày hôm nay, để suy xét xem việc gì đúng, việc gì sai. Trong lúc những suy nghĩ đang miên man, tôi chợt giật mình nhớ đến câu nói của Hồn Trương Ba trong bài “Hồn Trương Ba da Hàng Thịt” mà mình đã học trong tiết văn sáng nay. Vở kịch do nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ dựng lên. Trương Ba bị chết oan, Đế Thích đã giúp ông được sống lại bằng cách nhập hồn vào xác Hàng Thịt vừa mới chết. Nhưng sau những đảo lộn và trái ngang của cuộc sống mới, Trương Ba đã không chịu đựng được và buộc phải lên tiếng: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Một cơ thể nhưng hai số phận. Một là xác Hàng Thịt đã chết, hai là Hồn Trương Ba còn sống. Nhưng điều đáng nói là giữa hai thân phận này có tính cách và quan điểm sống trái ngược nhau hoàn toàn. Một bên hướng đến những lý tưởng sống cao đẹp, còn một bên lại chìm đắm trong những đam mê trần tục tầm thường. Hai người không thống nhất được nhau. Thế nên câu nói của Trương Ba không những ước muốn của chính bản thân ông lúc này mà còn là một bài học sâu sắc cho tất cả mọi người cùng nghĩ suy.
Câu nói trên vừa là mệnh lệnh vừa là lời khẩn cầu mà Trương Ba nói với Đế Thích sau bao nhiêu ngày chịu đựng cái xác thô tục và tầm thường của anh Hàng Thịt. Trương Ba vốn tính thanh cao, luôn hướng đến những điều tốt đẹp. Ngược lại, Hàng Thịt lại có những thói xấu như hay đánh đập vợ, thích ăn uống rượu thịt… Trong khoảng thời gian trú ngụ trong xác anh ta, Trương Ba đã gặp biết bao rắc rối: vợ Hàng Thịt đòi chồng, gia đình chưa quen nên cũng chưa thể chấp nhận một người có tính cách phàm phu tục tĩu là Trương Ba ở trong nhà. Mọi thứ bị đảo lộn. Dần dà, Hồn Trương Ba đôi khi không thể khống chế được những ham mê tầm thường của xác thịt. Ông nhận ra tâm hồn trong sáng và thanh cao của mình đang bị xâm lấn bởi những thú vui của xác Hàng Thịt. Nhiều lần ông tự vấn cái xác nhưng càng suy nghĩ, ông càng thất vọng. Bởi mình không đủ sức chống lại những thói hư tậ xấu ấy hay tại những hấp dẫn của chúng quá mạnh khiến ông không thể nào chối bỏ được? Dù là gì đi nữa, Trương Ba lúc này cũng chỉ khát một là được trở về làm chính mình, hai là chết hẳn không còn tồn tại nữa. Thế nên ông khẩn khoản với Đế Thích: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo. Tôi muốn được là tôi vẹn toàn”.
Hoàn cảnh trớ trêu và câu nói của Trương Ba như một lời cảnh tỉnh cho tất cả mọi khán giả cũng như bạn đọc về lối sống phức tạp hiện nay. “Bên trong một đằng bên ngoài một nẻo” nghĩa là suy nghĩ và hành động không thống nhất nhau. Nghĩ đằng làm một kiểu. Ý nghĩa sâu sắc của câu nói chính là hiện trạng của rất nhiều người hiện nay. Một chị con dâu trong lòng lúc nào cũng xung khắc với gia đình chồng, ngấm ngầm những ý nghĩ xấu xa, thậm chí đi nói xấu sau lưng, đặt điều này nọ nhưng trước mặt mẹ chồng lại luôn ngon ngọt những lời nịnh bợ, điêu ngoa. Một anh nhân viên cấp dưới dù ghét xếp lắm nhưng vẫn phải tâng bốc xếp hết lời để mong được tăng lương, mong giữ được vững chiếc ghế… Hay như trường hợp trong một bộ phận công chức giáo viên, ai cũng biết những tắc trách mà cấp trên phạm phải nhưng không một ai dám lên tiếng vì sợ bị trù dập, bị mất việc…
Họ sống bên trong một đằng bên ngoài một nẻo vì những lý do vô vàn khác nhau. Nhưng suy cho cùng, tất cả đều là dối trá và giả tạo. Và hậu quả của nó là một tâm hồn bị xáo trộn, một con người nhưng sống cho nhiều thân phận khác nhau. Kết quả được gì chứ? Lương tăng? Nhiều tiền bạc? Nhưng cái cốt yếu, cái nguyên bản của bản thân mình đâu mất rồi? Tiền tài có ý nghĩa gì không khi phải sống trong giả tạo? Lừa người và lừa cả chính mình.
Không ai có thể sống hai lần trên một cuộc đời. Vì vậy, đừng tham lam sống cho quá nhiều thân phận. Hãy là chính bản thân mình chứ không phải ai khác. Như Trương Ba đã nói: “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Rõ ràng tôi là tôi, nhưng phải là “tôi toàn vẹn”, “tôi” không muốn sống mà bị chi phối bởi bất kỳ điều gì bên ngoài bản thân “tôi”. “Tôi” muốn sống bên trong như thế nào thì bên ngoài y nguyên như vậy.
Nhưng làm thế nào để “tôi” được là “tôi toàn vẹn”? Như ai đó đã từng nói “kẻ thù lớn nhất chính là bản thân mình” chứ không phải bất kỳ một ai khác. Thật vậy, vì bản thân ham mê danh lợi, tiền tài nên không thể thẳng thẳn biểu lộ những chính kiến của mình, mà ngược lại luôn khúm núm nịnh bợ kẻ đương quyền để được “thơm lây”. Thơm đâu chẳng thấy, chỉ thấy trước mắt là một con người bị tha hóa, bị biến chất. Vì vậy, để là “tôi toàn vẹn” cần có sự bản lĩnh rất cao ở mỗi người. Nếu như người con dâu kia thẳng thắn kiểm điểm bản thân mình, phân biệt phải trái, sống hòa hợp, công bằng với mọi người thì đâu có những chuyện rắc rối đôi co này nọ xảy ra. Và nếu anh nhân viên tự đi lên được bằng chính đôi chân của mình chứ không phải bằng những lời nịnh bợ thì vinh quang ấy mới thực sự xứng đáng và tỏa sáng. Nếu mỗi một người tự ý thức được bản thân mình, tự biết mình nên làm gì và không nên làm gì thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp biết mấy. Nhưng đâu phải ai cũng có bản lĩnh để chối bỏ những thứ đầy hấp dẫn như tiền, như bạc, như chức danh…
“Không thể sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Và tôi cũng thế, tôi cũng muốn bản thân mình luôn can đảm, luôn cố gắng sống là chính mình. Nếu phải sống vì cái nọ vì cái kia thì cuộc sống đâu còn là món quà vô giá nữa? Lúc ấy, nó trở thành một trò chơi, một kiếp nợ mất rồi. Càng ngẫm nghĩ về câu nói của Trương Ba, tôi càng thấy thấm thía. Mong sao mọi khán giả cũng như bạn đọc hãy cùng nhau thực hiện ước mơ của Trương Ba. Một ước mơ thật giản dị nhưng cũng chất đầy khó khăn đối với những kẻ yếu mềm: Tôi muốn được là tôi toàn vẹn.