Suy nghĩ của em về câu: Biết tự khẳng định mình là một đòi hỏi bức thiết đối vói mỗi con người trong cuộc sống hôm nay – Ngữ văn 12

Suy nghĩ của em về câu: Biết tự khẳng định mình là một đòi hỏi bức thiết đối vói mỗi con người trong cuộc sống hôm nay – Ngữ văn 12

Hướng dẫn

Loading…

Nghị luận xã hội về vấn đề tự khẳng định mình

Đề bài

Biết tự khẳng định mình là một đòi hỏi bức thiết đối vói mỗi con người trong cuộc sống hôm nay.

Anh (chị) hãy viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề trên.

Hướng dẫn làm bài:

Đề này đòi hỏi người viết trình bày suy nghĩ về một vấn đề liên quan đến đời sống của mọi cá nhân trong xã hội: vấn đề tự khẳng định mình. Phải tập trung trả lời những câu hỏi: Thế nào là tự khẳng định mình? Khẳng định mình bằng cách nào? Tại sao trong cuộc sống hôm nay, khẳng định mình trở nên một đòi hỏi bức thiết? Có thể có những sai lạc trong việc tìm cách khẳng định mình hay không?

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

– Khẳng định mình là phát huy cao nhất năng lực, in dấu ấn cá nhân trong môi trường và lĩnh vực hoạt động của mình. Trong cuộc sống, con người không thể tách khỏi mối quan hệ với cộng đồng. Mỗi cá nhân chỉ là một đơn vị trong tổng thể, có ý nghĩa hay không là tuỳ thuộc vào vai trò đối với tổng thể. Khẳng định mình, vì thế, là tự xác định được giá trị của bản thân giữa cộng đồng, là cất lên tiếng nói đầy tự tin: tôi đã có mặt giữa cuộc đời này! Nếu không biết khẳng định mình, con người sẽ bị chìm lẫn vào số đông, mờ mờ như một bản sao, sống theo kiểu tầm gửi, vô vị, nhạt nhẽo.

Xem thêm:  Suy nghĩ của em về tuổi hai mươi
Loading…

Khẳng định mình phải là hành động có tính chất tự chủ, tự thân. Trước hết, đó phải là sự lựa chọn và nỗ lực của cá nhân, xuất phát từ nhu cầu nội tại chứ không phải từ sự thúc ép bên ngoài. Nó như một động cơ tự vận hành chứ không phải là thứ “rơ moóc” được kéo bởi một cỗ xe.

Ở các thời đại và xã hội khác nhau, con người tự khẳng định mình theo những tiêu chuẩn và lí tưởng không giống nhau. Thời phong kiến, con người bị chi phối bởi lí tưởng trung quân. Những tiêu chuẩn đạo đức thời đó đòi hỏi con người hạn chế tối đa nhu cầu thể hiện bản ngã. Đó là những trở lực không nhỏ ngăn cản việc tự khẳng định mình của mọi người. Ý thức hệ tư sản ra đời, yêu cầu giải phóng cái tôi cá nhân được đặt lên hàng đầu. Nó cho rằng, cá nhân là một giá trị. Cuộc sống con người chỉ thực sự có ý nghĩa khi tự khẳng định được mình. Thậm chí, sự cổ xuý ấy đã có lúc đẩy con người đến cực đoan cá nhân chủ nghĩa: Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất / Không có chi bè bạn nổi cùng Ta (Xuân Diệu).

– Trong thời đại ngày nay, tự khẳng định mình là một yêu cầu bức thiết. Xã hội hiện đại phát triển về nhiều mặt, và ở bất cứ lĩnh vực nào, nó cũng đòi hỏi ở con người khả năng, trình độ cao. Sự cạnh tranh gay gắt về công ăn việc làm khiến con người không thể không cố gắng thể hiện tối đa năng lực của mình. Biếng nhác, thụ động, thiếu tinh thần tự chủ, thiếu sáng tạo đồng nghĩa vói việc tự đào thải. Thời gian qua, một số cơ quan đã tổ chức thi tuyển để chọn nhân sự vào một số vị trí chủ chốt. Trong những cuộc thi sòng phẳng, chiến thắng tất yếu sẽ thuộc về những ai biết cách tự khẳng định mình.

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về sự lười biếng – văn lớp 12

Nhìn từ mặt khác, sự phát triển mạnh mẽ của nền văn minh vật chất cũng đang đưa tới nguy cơ làm tha hoá con ngưòi, khiến con người dễ sống buông thả, phó mặc cho sự lôi cuốn của dòng đời. Tình hình ấy càng đòi hỏi cá nhân phải thể hiện bản lĩnh sống vững vàng, không bị lung lay chao đảo, không bị nhào nặn bởi hoàn cảnh tiêu cực. Nói cách khác, muốn chống lại sự tha hoá, con người phải tự khẳng định mình một cách quyết liệt.

– Muốn khẳng định mình, truớc hết cần có lí tưởng đúng. L. Tolstoi cho rằng: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”. Có lí tưởng, con ngưòi sẽ hướng mọi hoạt động của mình tới mục đích nhất định, nhờ đó, niềm tin vào những gì tốt đẹp của cuộc sống sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.

Khẳng định bản thân là biết đặt kế hoạch rèn luyện để có được những phẩm chất xứng đáng, đáp ứng tốt những yêu cầu của lĩnh vực hoạt động mà mình tham gia, có thể khiến cộng đồng phải tôn trọng. Mọi kết quả đều phụ thuộc vào năng lực của chính mình. Bởi thế, rèn luyện tư duy, bồi đắp năng lực, gắn nhận thức với hành động, sống có trách nhiệm… là con đường tự khẳng định mình phù họp và đúng đắn. Mọi sự chủ quan, ngộ nhận, thiếu căn cứ không phải là sự tự khẳng định mình đúng nghĩa.

Xem thêm:  Tuyển chọn đề thi Ngữ Văn kì thi THPT – Đề số 15

– Khi khẳng định bản thân là khi chúng ta thực sự thúc đẩy sự phát triển bền vững của cuộc sống, của xã hội. Sự tự khẳng định mình không nhất thiết phải gắn liền với những kế hoạch đầy tham vọng. Nó có thể được bắt đầu từ những việc làm nhỏ, trên tinh thần trung thực, trọng thực chất và hiệu quả. Mặt khác, khẳng định mình cũng không đồng nghĩa với việc lao theo những Sự dị kì, quái đản hoặc tạo ra những xì căng đan nhằm thu hút sự chú ý của số đông. Khẳng định mình theo cách đó là tự dựng nên một hình ảnh lố bịch, kệch cỡm, và chỉ nhận được sự coi thường của người khác mà thôi.

Lưu ý. Người viết có thể trình bày vấn đề bắt đầu bằng việc phân tích chính trường hợp cá nhân của mình, cần nêu được cách tự khẳng định phù hợp với điều kiện sống và học tập, lao động của bản thân.

Theo hoctotnguvan.vn

Bài liên quan

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt…
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *