Nghị luận xã hội về sự chủ động trong cuộc sống – Ngữ Văn 12
Hướng dẫn
Nghị luận xã về sự chủ động trong cuộc sống
Đề bài
Đi dọc đất nước với tâm nguyện tìm hiểu cội nguồn bằng sự trải nghiệm của chính mình, chàng trai Việt kiều Tran Hung John có một nhận xét:
“Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải người tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn.
Anh (chị) có đồng tình vói ý kiến trên không? Hãy trao đổi vói Tran Hung John và bày tỏ quan điểm sống của mình (bài viết khoảng 600 chữ).
(Đề thi tuyển sinh đại học môn Ngữ văn, khối D, năm 2013)
Hướng dẫn làm bài
Ý kiến của Tran Hung John là nhận xét về một nét tính cách tiêu cực của người Việt. Bàn về ý kiến đó, người viết phải lựa chọn một quan điểm rõ ràng, dứt khoát: tán đồng hoặc phản đối, nhất trí hoàn toàn hoặc có phần nhất trí, có chỗ cần trao đổi lại với tác giả. Việc bày tỏ thái độ phải được trình bày bằng những lập luận trên cơ sở kết hợp giữa lí lẽ và các dẫn chứng lấy từ thực tế. Nêu quan điểm sống của bản thân phải nhất quán với những đánh giá vừa trình bày ở phần trên.
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
– Giải thích ý kiến:
+ Thụ động là chịu sự chi phối, chỉ biết nghe theo, làm theo người khác, thiếu sự chủ động, sáng tạo.
+ Ý kiến này đề cập đến tính cách thụ động, được xem là tính cách của phần nhiều người Việt Nam, trước hết thụ động trong việc lựa chọn, dấn thân, mở lối cho cuộc sống của mình; đồng thời nêu ra một vài biểu hiện cũng như nguyên nhân dẫn tới tính cách này.
– Trao đổi với Tran Hung John: Người viết có thể đồng tình, không đồng tình hoặc chỉ đồng tình phần nào ý kiến của Tran Hung John. Dù theo khuynh hướng nào thì khi trao đổi cũng phải có lí lẽ, có căn cứ xác đáng và có thái độ bàn luận nghiêm túc, thiện chí.
– Quan điếm sống của bản thân:
+ Từ việc trao đổi với ý kiến của Tran Hung John, ngưòi viết tự đề ra quan điểm sống cho bản thân mình, đề ra phương hướng hành động để thực hiện quan điểm sống ấy.
+ Người viết được tự do bày tỏ quan điểm sống của mình, nhưng phải dựa trên thái độ chân thành, nghiêm túc, cầu tiến.
Bài văn tham khảo:
Nghệ An, ngày 10 tháng 7 năm 2013
Xin chào anh Tran Hung John!
Đầu tiên, em xin tự giới thiệu, em là học sinh tại một trường Trung học phổ thông ở một huyện của tỉnh Nghệ An – một tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ của đất nước Việt Nam. Em đã được biết khá nhiều thông tin về anh và cũng rất ngưỡng mộ những trải nghiệm của anh cùng những thành tích mà anh đã đạt được. Hôm nay, viết bức thư này, em muốn trao đổi với anh về một số vấn đề xung quanh nhận định của anh về con người Việt Nam được in trong cuốn sách John đi tìm Hùng. Trong cuốn sách ấy, anh đã viết: “Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải người tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ đi theo chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn”.
Thưa anh, vấn đề anh nêu ra thật đáng suy ngẫm. Biết đâu có ai đó sẽ phản ứng vì cho rằng, anh đã thiếu niềm tin vào người Việt. Riêng em, em đồng tình với ý kiến của anh. Em cũng thấy tính cách thụ động là một điều rất đáng lo ngại ở dân mình, và hình như nó đã trở thành một thứ căn tính. Theo em hiểu, thụ động là ngoan ngoãn, cúi đầu làm theo những gì đã sẵn có. Nó luôn đi theo những lề lối đã được định sẵn. Nó không bao giờ đòi hỏi con người phải có sự chủ động, sáng tạo trong mọi suy nghĩ, hành động. Người thụ động không hề biết đến kế hoạch cho những công việc của mình. Thụ động thì luôn luôn chịu sự tác động từ bên ngoài, xem bắt chước là cách duy nhất để giải quyết mọi chuyện. Đáng buồn thay, lối sống thụ động là điều hết sức phổ biến trong xã hội chúng ta ngày nay, không kể lứa tuổi nào.
Em đã thấy nhiều bạn bè của em đang ngồi trên ghế nhà trường có một lối học tập hết sức thụ động. Đó là kiểu học vẹt, làm bài theo mẫu có sẵn, thích thụ hưởng những kết quả của người khác bằng những cách quay cóp tinh vi… Đôi lần trò chuyện vời các bạn cùng lớp, em nghe có bạn thẳng thừng tuyên bố: “Mình cứ thủ sẵn những gì thầy cho ghi, chẳng cần đọc sách tham khảo ở đâu cho mất thời gian, hễ có cơ hội là mình cóp. Mệt óc như mấy đứa, rốt cuộc đã chắc ai hơn ai”. Những học sinh như bạn ấy hẳn là những người hết sức thụ động phải không anh? Thưa anh, em nghĩ rằng, bài giảng của thầy cô trên lớp là những tri thức rất quý. Tuy nhiên, nếu ta chỉ bằng lòng với chừng ấy, không tìm tòi suy nghĩ, không mở rộng, đào sâu, thì sự hiểu biết của ta phải chăng cũng có hơn gì cái máy ghi âm? Cũng có nghĩa ta đã rơi vào tình thế thụ động mà nhiều khi không tự biết.
Đó là những chuyện trong nhà trường, chúng em thường xuyên tiếp xúc. Còn trong cuộc sống hiện nay, tình trạng sống thụ động cũng xuất hiện khắp nơi. Nhứng người già cả nếu có thụ động thì cũng là điều dễ hiểu. Nhưng lớp trẻ, những người lẽ ra phải tràn trề nhiệt huyết, phải sục sôi hoài bão, dám phiêu lưu mạo hiểm, dám dấn bước trên những nẻo đường đầy thử thách… thì đáng buồn thay, phần đông trong số họ vẫn sống theo triết lí an phận thủ thường. Họ luôn nhìn trước ngó sau, cố tìm những lối mòn người khác đã đi, sống ỷ lại, dễ dàng chấp nhận sự sắp đặt của người khác, không bao giờ dám thể hiện khát vọng của riêng mình. Họ muốn cuộc sống phải thật an toàn, dù sống theo kiểu bằng lặng, nhạt nhẽo. Những con người như vậy có bao giờ dám sống đúng là mình, dám bày tỏ chính kiến riêng, càng không bao giờ dám vạch cho mình một hướng đi riêng.
Thưa anh, một cái nhìn rộng ra như vậy đã đủ để ta khái quát rằng, con người Việt Nam đã nhiễm quá sâu triết lí sống thụ động? Công bằng mà nói, trong xã hội ta hiện nay, có không ít người thành đạt. Con đường sự nghiệp của họ không thể nói là bằng phẳng, ngược lại, cũng đầy gập ghềnh, chông gai. Đó là Đoàn Nguyên Đức – ông chủ tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, là Đặng Lê Nguyên Vũ với thưong hiệu cà phê Trung Nguyên, là Trương Gia Bình – ông chủ tập đoàn FPT, là Phạm Nhật Vượng – tỉ phú đô la đầu tiên của Việt Nam theo sự bình chọn của tạp chí Forbes… Họ – những người lừng danh trên nhiều lĩnh vực – không bao giờ là những kẻ thụ động. Nhiều người trong số đó đã phải trả giá rất đắt bằng sự mạo hiểm của mình. Có khi đối mặt với tù tội. Có khi rơi vào cảnh sạt nghiệp. Nhưng rồi họ đã đứng lên, tiếp tục con đường đã lựa chọn – con đường mà chính họ tự khai mở chứ không phải trông chờ vào vết chân của những thế hệ đi trước. Vậy, khi anh nói “phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động”, chắc anh cũng nghĩ, người mình cũng có những cá nhân không đến nỗi làm hổ danh con dân nước Việt. Song, đó còn là thiểu số, chưa đủ để anh thay đổi cách nhìn đối vói đại đa số phải không? Cho nên, theo em điều khái quát của anh là có cơ sở. Chúng ta không được lảng tránh thực tế đó dù là một thực tế chua chát. Môt số tài liệu nghiên cứu đã đưa ra những con số khiến ta phải giật mình. Hiện nay năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng một phần mười tám của Singapore, một phần sáu của Malaysia, một phần ba của Thái Lan và Trung Quốc. Sự thua kém nêu trên không hẳn chỉ là ở năng suất lao động. Có lẽ sâu xa hon, thái độ tích cực, chủ động của chúng ta còn kém xa so với công dân của một số quốc gia trong khu vực, chứ chưa nói đến những nước tiên tiến trên thếgiới.
– Mọi hiện trạng trong cuộc sống đều có nguyên nhãn của nó. về thói thụ động mà chúng ta đang bàn, anh cho rằng, “áp lực xã hội” khiến người Việt “phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn”. Áp lực xã hội phải chăng là cái tâm lí cộng đồng, điều đã hình thành từ rất lâu, trở thành căn cốt, vững bền, khó bề thay đổi? Áp lực xã hội phải chăng còn là những hạn chế của một thiết chế quản lí không có khả năng giải phóng năng lực vốn có trong mỗi con người, chưa tạo ra được một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cá nhân, giữa các đơn vị sản xuất, giữa các tổ chức? Giai đoạn dài của thời bao cấp đã triệt tiêu sự tích cực, chủ động của mỗi người. Người ta không còn biết mình có khả năng gì, có thể làm được điều gì. Người giỏi giang và kẻ dốt nát, người siêng năng với kẻ biếng nhác dường như không có sự khác biệt. Thậm chí, những hiện tượng vô lí vẫn thường xuyên diễn ra. Sự chủ động tích cực nhiều lúc đã bị xem là phạm pháp. Ông Kim Ngọc, nguyên bí thư tỉnh Vĩnh Phúc đã bị xem là sai lầm nghiêm trọng chỉ vì ông đi tiên phong trong việc khoán nông nghiệp, để rồi sau này, khi ông đã mất đi, người ta mới đánh giá ông là “cha đẻ của đổi mới trong nông nghiệp ở Việt Nam”. Đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp phải trả giá cho thái độ không cam chịu sự dẫn dắt của những đường hướng được vẽ sẵn.
Hiện nay, cuộc sống đã có những đổi thay. Xã hội đã chấp nhận nhiều thành phần kinh tế. Mọi người được khuyến khích làm giàu chính đáng bằng năng lực của mình. Đã xuất hiện những điểm sáng tích cực. Không ít người tuổi còn trẻ đã dám lập nghiệp bằng con đường mà người khác không dám nghĩ tới.. Là một học sinh chuẩn bị hành trang để vào đời, em rất cám ơn những cảnh báo mà anh đã nêu trong cuốn sách của mình. Em chưa biết trong tương lai mình sẽ là ai, có thể làm được điều gì, nhưng một thái độ tích cực dấn thân vào cuộc sống, không chịu áp lực của những con đường đã được vẽ sẵn là điều em hằng khao khát. Em cũng hiểu rằng, sự tích cực, chủ động chỉ thực sự có được khi con người phát triển hết năng lực của mình, biết làm chủ tri thức và có quan niệm đúng đắn về đời sống. Nếu được như vậy, em cám ơn anh vì những gì anh đã trải nghiệm, đúc kết và phát biểu bàng sự chân tình, với mong ước người Việt mình thoát khỏi những thói quen tâm lí nặng nề, để có thể dấn bước đi lên, ngẩng cạo đầu trước công dân các quốc gia khác.
Tạm biệt anh, rất mong sẽ được đọc những cuốn sách mà anh còn ấp ủ.
(Bài viết của một học sinh lóp 12)
Theo hoctotnguvan.vn