Nghị luận về câu nói: “Tôi và người khác” – Ngữ Văn 12
Hướng dẫn
Nghị luận về câu tôi và người khác
Đề bài:
Tôi và người khác.
Với nhan đề đó, anh (chị) hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ)
Hướng dẫn làm bài
Đây là một đề bài mở, yêu cầu viết một bài văn nghị luận xã hội từ nhan đề đã cho. Tôi trong mối quan hệ với người khác thể hiện ở các khía cạnh: cái riêng, cái bản ngã là một giá trị; từ nhận thức đó, hình thành một thái độ đúng, thấu hiểu, đồng cảm, tôn trọng sự khác biệt của nhau; có tinh thần cộng tác với nhau trong công việc. Phải trình bày chủ kiến của mình bằng lí lẽ và dẫn chứng phù hợp.
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
– Sinh ra trên đời, mỗi người có đặc điểm thể chất, tâm lí, tính cách, sở thích, sở trường riêng biệt. “Điểm giống nhau nhất giữa mọi người trên trái đất này là không ai giống ai cả” – một triết gia đã nói như thế. Mỗi người là một cá thể, có giá trị riêng, không hoà lẫn vào người khác. Vì thế, trước hết, mỗi người phải ý thức sâu sắc về cái tôi của mình, sống là phải thể hiện đầy đủ bản sắc của cá nhân, phải phát huy đến tận độ những năng lực bản thân. Bi kịch thuộc về những ai không dám sống là mình. Những con người như thế, thường chỉ náu mình sau người khác, không bao giờ dám đàng hoàng trình diện con người cá nhân của mình trước cộng đồng, xã hội cũng như không bao giờ dám chịu trách nhiệm về bản thân.
– Biết ý thức về cái tôi cá nhận của mình cũng đồng thời cũng phải có ý thức về tha nhân (người khác). Tôi và người khác luôn luôn phải được đặt trong tương quan đồng đẳng. Nếu tôi là một sinh thể thì người khác cũng là một sinh thể; tôi là một bản ngã, thì người khác cũng là một bản ngã, một cái tôi khác tồn tại bình đẳng giữa cuộc đời. Mỗi con người là một giá trị. Khẳng định giá trị của bản thân thì đồng thòi cũng phải tôn trọng giá trị của người khác. Có như vậy mói tránh được những ngộ nhận, những sự kiêu ngạo vô lối, xem mình là trung tâm của vũ trụ. Vị kỉ, tự mãn, coi khinh người khác là điều không thể chấp nhận được.
– Thời đại ngày nay, con người rất cần hợp tác vói nhau trong công việc. Biết tạo lập nhóm, phối hợp với nhau để giải quyết những công việc mà bản thân mỗi cá nhân không thể làm được là một kĩ năng mềm được đặc biệt chú trọng. Làm việc theo nhóm, bản lĩnh cá nhân và cách xử lí mối quan hệ với người khác sẽ được thử thách. Không có cái riêng của từng cá nhân thì không thể có sức mạnh của nhóm, ngược lại, khuyếch đại cái tôi cá nhân, lấn át người khác, thì dễ dẫn đến sự tan vỡ. Đảm bảo hài hoà mối quan hệ giữa tôi và người khác là yếu tố quan trọng hàng đầu để hoạt động nhóm có hiệu quả.
– Giữa tôi và người khác, không chỉ cần nhấn mạnh nét khác biệt mà còn phải khẳng định mặt tương đồng. Tính nhân loại, tính người chính là một “mẫu số chung”. Là con người, bên cạnh sự giống nhau về đặc điểm sinh lí (đói cần phải ăn, khát cần phải uống, nhiều nhu cầu khác cần được đáp ứng), còn có những điểm tương đồng về tâm lí, về tinh thần. Sinh ra trên đời, có ai không muốn mình thông minh, mạnh khoẻ, giỏi giang? Có ai không muốn hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp? Có ai không thích cái đẹp? Có ai không muốn người khác tôn trọng mình? Tuy nhiên, những khao khát chính đáng ấy không phải bao giờ cũng được thoả mãn. Thực tế, nhiều người có hoàn cảnh bất hạnh. Bệnh tật, ốm đau, mất việc, thiếu thốn… là những điều xảy ra thường xuyên đối với biết bao người xung quanh ta. Vậy, thái độ đúng đắn là, phải biết cảm thông, chia sẻ với những người thiếu may mắn. Hãy nhớ rằng, nếu lâm vào những cảnh ngộ như thế, ta cũng sẽ cảm thấy hết sức khốn khổ và cũng rất cần được yêu thương, đồng cảm, rất cần được giúp đỡ về vật chất và tinh thần. Ca dao Việt Nam có những câu rất thấm thìa: Ăn mày là ai, ăn mày là ta / Đói cơm rách áo thì ra ăn mày; Cười người chớ vội cười lâu / Cười người hôm trước, hôm sau người cười. Đó là những bài học nhân sinh đắt giá, và hiểu được như thế, còn ai dám kiêu căng cho rằng cuộc đời ta chỉ có may mắn, hạnh phúc?
– Rút ra bài học cho bản thân: Hiểu sâu sắc ý nghĩa quan hệ giữa tôi và người khác là điều kiện cần thiết để có những ứng xử đúng đắn trong các tình huống. Ý thức về cái tôi phải luôn đi đôi với vị tha. Việc gì ta không muốn kẻ khác làm cho ta thì ta đừng làm việc ấy cho kẻ khác; việc gì ta muốn kẻ khác làm cho ta thì ta phải ra sức làm việc ấy cho họ – lời răn dạy ấy phải trở thành phương châm sống và hành động của mỗi chúng ta.
Theo hoctotnguvan.vn