Nghị luận xã hội về vẻ đẹp tâm hồn trong xã hội ngày nay – Ngữ Văn 12
Hướng dẫn
Nghị luận xã hội về vẻ đẹp tâm hồn
Đề bài
Nói đến vẻ đẹp của tâm hồn con người.Có người cho rằng, ngày nay mà còn nói đến “vẻ đẹp tâm hồn” là rất lỗi thời vì “cái đẹp đánh bẹp cái nết”. Nhưng cũng có ý kiến khẳng định, vẻ đẹp tâm hồn là yếu tố làm nên giá trị cao quỹ của mỗi con người.
Anh (chị) hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thể hiện quan điểm của mình.
Hướng dẫn làm bài:
Đề bài yêu cầu thí sinh bàn luận về vẻ đẹp tâm hồn con người thông qua việc giải thích, bình luận hai ý kiến trái chiều, cần trả lời được các câu hỏi cơ bản: Tâm hồn, vẻ đẹp tâm hồn là gì? Vẻ đẹp tâm hồn được thể hiện như thế nào? Vẻ đẹp hình thức hay vẻ đẹp tâm hồn làm nên giá trị bền vững ở con người? Vẻ đẹp tâm hồn phải chăng đã lạc hậu? Vẻ đẹp hình thức có đáng nâng niu, trân trọng? Vẻ đẹp hình thức tôn vinh cho vẻ đẹp tâm hồn hay ngược lại? Làm thế nào để có một tâm hồn đẹp?
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
– Cũng như cuộc sống, vẻ đẹp cũng rất đa dạng, muôn màu, muôn vẻ. Có những vẻ đẹp chỉ để ngắm, nhưng cũng có những vẻ đẹp khiến người ta yêu mến, nâng niu, trân trọng và ngưỡng mộ, đó là vẻ đẹp toát ra từ tâm hồn con người. Con người ta chỉ hoàn thiện khi có sự hài hoà giữa vẻ đẹp hình thức với vẻ đẹp tâm hồn. Cha ông ta xưa đề cao vẻ đẹp của tính cách, tâm hồn: Cái nết đánh chết cái đẹp. Ngày nay, một số người có quan điểm khác, rằng thời nay mà còn nói đến “vẻ đẹp tâm hồn” là rất lỗi thời, bởi chỉ có cái đẹp hình thức mới là ưu thế để thành công: Cái đẹp đánh bẹp cái nết. Vậy ý kiến nào đủ sức thuyết phục?
– Tâm hồn con người là tổng hoà của nhiều yếu tố như cảm xúc, nhận thức, lí trí, khát vọng… Người có tâm hồn đẹp là người có tấm lòng nhân ái, bao dung, nhạy cảm trước mọi nỗi niềm của con người. Đó là những con người có ý chí, hoài bão trong sáng; có khả năng thấu hiểu, chia sẻ và nâng đỡ cảm xúc của người khác bằng sự chân thành, hiểu biết và hướng thiện, vẻ đẹp tấm hồn con người được thể hiện qua thái độ, cử chỉ, cách suy nghĩ, cách giao tiếp, cách sử dụng lời ăn tiếng nói, nghệ thuật lắng nghe và biểu lộ cảm xúc…
– Vẻ đẹp tâm hồn làm nên giá trị sâu xa, bền vững của con người. Khi ta biết đồng cảm, chia sẻ, quan tâm giúp đỡ người khác là khi ta đang gieo hạt giống của niềm tin yêu trong lòng họ, giúp họ có thêm động lực để vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống. Khi ta biết lắng nghe, biết bày tỏ nhận thức, động cơ, khát vọng, hoài bão chân chính của mình cũng là lúc ta đang tìm kiếm sự thấu hiểu và khuyến khích người khác hợp tác, cùng phát triển. Sự giàu có về mặt tâm hồn giúp ta biết yêu thương con người, yêu cuộc sống và biết sống một cuộc đời rộng rãi, bao dung, có ích. Chính những thứ ta cho đi sẽ đem lại cho ta tình yêu, hạnh phúc vá sự tôn trọng. Đây là giá trị của ta, là vẻ đẹp không có hình hài, nhưng sâu xa và bền vững. Nói như A.Chekhov, “Sắc đẹp tâm hồn là sắc đẹp lâu dài và được quý trọng nhất”. Ý kiến cho rằng, vẻ đẹp tầm hồn là yếu tố làm nên nét đẹp chân chính ở mỗi con người, vì vậy là một quan điểm đúng.
– Vẻ đẹp hình thức cũng rất đáng nâng niu, trân trọng. Một người có tâm hồn đẹp, nếu có thêm hình thức đẹp sẽ là một con người toàn thiện, toàn mĩ. Nhưng vẻ đẹp hình thức chưa hẳn đã làm nên giá trị của một con người. Một người có sắc đẹp nhưng nội tâm sáo rỗng, vô cảm, chẳng khác gì bông hoa lạ thiếu mùi hương, sẽ nhạnh chóng trở nên nhạt nhẽo trước người đối diện. Ngược lại, một người có hình thức bề ngoài bình thường, thậm chí xấu xí nhưng tâm hồn trong sáng, biết quan tâm giúp đỡ người khác sẽ chiếm, được lòng yêu mến của những người xung quanh. Xinh đẹp nhưng tâm địa hẹp hòi, ích kỉ, mưu mô có thể dẫn con người đến những quyết định sai lầm và gây ra hậu quả nghiêm trọng. Như vậy, vẻ đẹp tâm hồn tôn vinh thêm cho vẻ đẹp hình thức, nhưng vẻ đẹp hình thức chưa hẳn đã tôn vinh thêm cho vẻ đẹp tâm hồn.
– Một số người hiện nay thường chỉ quan tâm đến vẻ đẹp hình thức. Người xưa từng nói, Cái nết đánh chết cái đẹp, Tốt gỗ hơn tốt nước son… Nhưng ngày nay, người ta ra sức chăm chút cho vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài, làm mọi cách để ngoại hình đẹp lên như ăn diện, phẫu thuật thẩm mĩ, sẵn sàng tiêu tốn của cải cho công cuộc làm đẹp chỉ để được người khác đánh giá cao và dễ dàng đạt được mục tiêu. Nói đến vẻ đẹp tâm hồn, đến công, dung, ngôn, hạnh họ thường bĩu môi, chế giễu là lạc hậu, lỗi thòi. Họ đâu biết rằng, một tâm hồn vô vị, mưu mô xảo trá ẩn sau vẻ đẹp bề ngoài là một mầm hoạ. Ý kiến cho rằng, cái đẹp đánh bẹp cái nết, vì vậy là một ý kiến thiếu thuyết phục.
– Vẻ đẹp ngoại hình hay nội tâm đều đáng yêu, đáng quý. Chỉ có điều, chúng phải bổ sung cho nhau để giúp con người hoàn thiện hơn. Con người không chỉ cần sự hấp dẫn bề ngoài mà tâm hồn cũng phải toả sáng. Điều đảm bảo cho một người xấu xí nhất cũng trở nên đáng yêu và hấp dẫn chính là một tâm hồn đẹp. Cái đẹp tiềm ẩn bên trong phẩm chất, tính cách mới tạo nên giá trị đích thực của mỗi con người. Hãy làm đẹp ngoại hình trong điều kiện có thể, nhưng cũng đừng quên làm giàu tâm hồn mình bằng sự tinh tế, hiểu biết, yêu thương và chia sẻ. Bởi vì, nghèo về tâm hồn là một cái nghèo đáng phê phán và một khi tâm hồn đã khô cằn, méo mó thì rất khó “chữa trị”.
– Làm thế nàò để có một tâm hồn đẹp? Đúng như Edward de Bono, để có một tâm hồn đẹp, bạn không cần phải làm điều gì quá đặc biệt, cũng không cần phải có nhiều tiền, có chỉ số thông minh cao, một trí tuệ cực kì uyên bác hay một cá tính mạnh mẽ. Bạn chỉ cần biết quan sát, lắng nghe, học hỏi, nhạy cảm, thấu hiểu, chia sẻ với người khác để cùng hướng tới những điều thiện là bạn đã có thể có được một tâm hồn đẹp. “Nếu không được trời phú cho những tố chất này, thì bạn vẫn có thể học chúng một cách nhanh chóng” (Edward de Bono). Tạo hoá có thể ban cho con người một khuôn mặt dễ thương, một thân hình gợi cảm, nhưng sự duyên dáng, tế nhị, bao dung thì phải qua rèn luyện mới có được.
Theo hoctotnguvan.vn