Nghị luận xã hội về vấn đề thi đại học – Ngữ Văn 12
Hướng dẫn
Nghị luận xã hội về vấn đề thi đại học
Đề bài
Anh (chị) có cho rằng, được vào đại học là ước mơ của tất cả những người sắp rời ghế nhà trường Trung học phổ thông?
Hãy viết một bài văn khoảng 600 chữ trình bày suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề này.
Hướng dẫn làm bài
Đề bài yêu cầu thí sinh phát biểu suy nghĩ, quan điểm về vấn đề được vào đại học có thực sự là mơ ước, nguyện vọng của tất cả những người sắp rời ghế nhà trường Trung học phổ thông hay không, cần trả lời được các câu hỏi cơ bản: Vai trò của đại học? Người ta vào đại học để làm gì? Ước mơ được vào đại học có phải là ước mơ đẹp đẽ và chính đáng của tất cả mọi người? Có nên khuyến khích tất cả học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông thi vào đại học hay không? Vì sao? Học sinh Trung học phổ thông thực sự hiểu giấc mơ đại học của mình như thế nào? Người ta có thể thành công trong cuộc sống và sự nghiệp mà không cần phải đi qua đại học hay không? Vì sao? Làm thế nào để hiểu ước mơ và biến ước mơ của mình thành sự thật?
Bài viết có thế triển khai các ý chính sau:
– Vào đại học là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của mỗi con người. Đại học mở ra cánh cửa rộng lớn về tri thức và sự lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Người ta đi qua đại học để tạo dựng những cơ hội lớn cho đời mình. Tuy nhiên, đại học có thực sự là ước nguyện, hoài bão của tất cả học sinh tốt nghiệp phổ thông hay chỉ là mục tiêu đã định sẵn của các bậc cha mẹ, là sự chạy theo phong trào thi đua cho bằng bạn bằng bè?…
– Ước mơ là điều tốt đẹp ở phía trước mà con người tha thiết, khao khát, ước mong hướng tới. Ước mơ giúp con người nuôi dưỡng niềm tin, tạo nên sức mạnh giúp họ vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để đạt được mục tiêu. Người ta từng ví ước mơ giống như ngọn hải đăng còn con người là con tàu giữa biển, ngọn hải đăng rọi sáng giúp con tàu cập bến mà không bị mất phương hướng. Cuộc sống nhờ có ước mơ của con người mà không ngừng vận động và phát triển. “Ước mơ không phải là cái gì sẵn có, cũng không phải là cái gì không thể có. Ước mơ giống như một con đường tiềm ẩn để con người khai phá và vượt qua” (Lỗ Tấn). Con người còn sống là còn mơ ước.
– Đại học là ước mơ chân chính và đẹp đẽ của những người có ý chí và hoài bão. Học đại học là nguyện vọng của nhiều người sắp rời ghế nhà trường Trung học phổ thông. Bởi đại học là nơi trang bị cho sinh viên một nền tảng tri thức chắc chắn để tạo dựng tương lai. Đặc biệt, được vào những trường đại học danh tiếng trong nước và trên thế giới là khát vọng của rất nhiều người, vì đó là con đường ngắn nhất để đi đến một tương lai tươi sáng. Nhiều thiên tài, nhiều người nổi tiếng và thành đạt trong nước và trên thế giới đã trưởng thành từ môi trường đại học.
– Ước mơ được vào đại học là chân chính nhưng nó phải xuất phát từ niềm mong ước tha thiết của chính bạn, phù hợp với nguyện vọng của bạn. Muốn giỏi phải đam mê – đó là chân lí. Đam mê là động cơ, là nguồn lực thúc đẩy con người suy nghĩ và hành động sáng tạo. Khi đã thiếu niềm đam mê, bạn sẽ rất khó đạt mục tiêu và thành công. Không phải bạn không có ước mơ, nhưng có thể bạn đã dẹp ước mơ của mình sang một bên để thực hiện ước mơ của cha mẹ – sự kì vọng của họ đối với bạn. Cha mẹ thường lo lắng cho tương lai của con cái, nhưng con cái cũng cần có sự lựa chọn của chính họ, họ cần phải vấp ngã để trưởng thành. Đại học có thể là một mục tiêu lớn trong cuộc đời, nhưng nếu nó không xuất phát từ niềm đam mê học tập, nghiên cứu và sáng tạo của chính bạn, bạn chỉ thực hiện nó như một nghĩa vụ đối với gia đình thì chắc chắn bạn sẽ rất khó đạt được mục tiêu.
– Ước mơ được vào đại học là chân chính nhưng nó phải phù hợp với năng lực, sở trường của bạn. Năng lực, sở trường là yếu tố quyết định sự thành công và sự nổi trội của một con người trong học tập, cuộc sống và công việc. Người biết nhận ra năng lực, sở trường và biết phát huy năng lực, sở trường của mình là người thông minh. Bạn có năng khiếu thực hành, lẽ ra nên chọn vào một trường nghề, nhưng để cho bằng bạn bằng bè, bạn lại chọn vào một trường đại học thiên về nghiên cứu. Hoặc bạn có thể chọn vào một trường đại học danh tiếng nhưng rồi thất vọng vì khoa/ chuyên ngành mà bạn theo đuổi ở trường lại không phát huy được hết khả năng của bạn… Sự “lạc đường” này dễ khiến bạn hụt hẫng, chán chường, nhụt chí và dẫn đến thất bại.
– Đại học không phải là con đường duy nhất để tạo dựng tương lai. Thời đại mới đã mở ra cho con người nhiều con đường, nhiều hình thức học tập đa dạng và hiệu quả. Không vào đại học, bạn vẫn có thể học cao đẳng hay học trung cấp nghề – điều này thật tốt nếu bạn yêu thích nghề đó, và vì sự yêu thích nó mà bạn trở nên giỏi giang, thành đạt. Đặc biệt, tự học và học suốt đời là yếu tố quyết định sự thành bại trong sự nghiệp của mỗi người. Học ơ trường chưa đủ, chúng ta còn phải không ngừng học hỏi trong cuộc sống, bởi cuộc sống là trường đời vô cùng rộng lớn và phong phú.
– Ước mơ là hoa tiêu dẫn dắt con người sống và hành động, nhưng vấn đề quan trọng là, chúng ta phải hiểu được ước mơ của chính mình. Muốn vậy, chúng ta phải tự đặt ra và trả lời được các câu hỏi: Tôi yêu thích điều gì? Tôi có khả năng về lĩnh vực nào? Tôi mong muốn đạt được điều gì trong tương lai? Nếu theo đuổi lĩnh vực này, tôi sẽ gặp phải trở ngại nào? Tôi muốn trở thành một người như thế nào trong tương lai? …
– Được vào đại học có thể là ước mơ của rất nhiều học sinh sắp rời ghế nhà trường Trung học phổ thông nhưng không phải tất cả, Đại học có thể là con đường ngắn nhất để tạo dựng tương lai đối với một số người chứ không phải tất cả. Thật tẻ nhạt khi cuộc đời không có ước mơ, nhưng thật đáng thương khi có ước mơ mà không dám theo đuổi. Đừng để người khác đánh cắp ước mơ của bạn nhưng cũng đừng mơ mộng hão huyền. Để không mơ mộng hão huyền, đam mê mù quáng, bạn phải hiểu rõ ước mơ của chính bạn, sau đó đặt mục tiêu để thực hiện nó. Hãy can đảm để thực hiện ước mơ của mình, bởi vì, nói như nhà soạn kịch người Ý V. Alfieri: “Thử thách của lòng can đảm không phải là dám chết, mà là dám sống và thực hiện những ước mơ của mình”.
Theo hoctotnguvan.vn