Nghị luận xã hội – Quan điểm về lời nói đẹp – Ngữ Văn 12
Hướng dẫn
Nghị luận về lời nói đẹp
Đề bài
Có ý kiến cho rằng: Lời nói đẹp, đó là chi phí thấp nhất để thu lợi cao nhất.
Suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề này? (Trình bày trong một bài viết khoảng 600 chữ)
Hướng dẫn làm bài:
Đề bài yêu cầu người viết nêu quan điểm của mình về tác dụng của lời nói đẹp trong cuộc sống. Để làm sáng rõ được nội dung này, cần phải trả lời các câu hỏi sau: Lời nói là gì? Thế nào là lời nói đẹp? Tại sao lời nói đẹp là chi phí thấp nhất để thu lợi cao nhất? Làm thế nào để mỗi người luôn có ý thức về những lời nói đẹp trong cuộc sống?
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
– Xưa, khi khẳng định giá trị của lời nói trong giao tiếp, ông bà ta cho rằng: Lời nói chẳng mất tiền mua / Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Việc lựa lời ấy liên quan trực tiếp đến lối sống, văn hoá, cách ứng xử giữa người với người trong xã hội. Có lẽ vì thế mà có ý kiến đã cho rằng: Lời nói đẹp, đó là chi phí thấp nhất để thu lợi cao nhất.
– Trong đời sống, lời nói là một trong những phương tiện giao tiếp quan trọng nhất để duy trì và phát triển mối quan hệ giữa người với người. Nếu ngôn ngữ vốn có tính trừu tượng thì lời nói lại mang tính cụ thể, vì lời nói là sản phẩm của mỗi người, được sản sinh từ hoạt động giao tiếp. Lời nối, vì thế, có ý nghĩa quan trọng, Nó chính là thước đo để đánh giá tính cách, phẩm hạnh, tư duy, văn hoá của con người, đồng thời cũng là phương tiện để duy trì và phát triển các mối quan hệ xã hội. Lời nói bao giờ cũng sinh động, luôn gắn liền với ngữ cảnh, với các nhân tố của hoạt động giao tiếp.
– Lời nói luôn gắn liền với người nói, người nghe, luôn gắn liền với ngữ cảnh. Vì thế, cần phải cẩn trọng khi nói. “Người ta có đủ thời giờ để lựa lời, nhung không có cơ hội để rút lại” (S. Maugham). Lời nói là một khí cụ sắc bén có thể làm chuyển đổi mọi tình trạng, nhưng nếu không cẩn trọng ta sẽ đả thương chính mình hoặc người khác. Ông bà ta cũng cho rằng: Lời nói, đọi máu. Lời nói quả thực lợi hại vô cùng, với ba tấc lưỡi người ta có thể lập nên cơ đồ, nhưng cũng có thể tự làm tiêu tan cơ nghiệp; có thể xây dựng tất cả, nhưng cũng có thể phá huỷ tất cả.ư
– Nhưng, thế nào là lời nói đẹp? Hiểu một cách khái quát nhất, lời nói đẹp là lời nói có văn hoá, có sự tác động tốt đẹp đến người khác. Đặt trong những hoàn cảnh cụ thể, lời nói đẹp sẽ có những biểu hiện khác nhau, sinh động, hấp dẫn như chính bản thân cuộc sống vậy. Có thể, lời nói đẹp là lời nói trung thực, là lời nói biết làm dịu đi nỗi đau của người khác, là lời nói đem lại cho người khác động lực sống. Cũng có thể, lời nói đẹp là lời nói chỉ ra được những lỗi lầm của mình, của người khác. Một lời cảm ơn, xin lỗi nếu đặt đúng hoàn cảnh, cũng sẽ là lời nói đẹp.
– Tất nhiên, khi chúng ta khẳng định về một lời nói đẹp, không chỉ nên dựa vào nội dung, ý nghĩa, sự tác động của câu nói mà còn phải chú ý đến cách nói. Đó là cách sử dụng ngôn từ sao cho gọn gàng, mạch lạc, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng giao tiếp. Một lời nói có nội dung hay nhưng nếu cách dùng từ thiếu chọn lọc, cách diễn đạt không thông thoát, lại không được đặt vào đúng hoàn cảnh thì chắc chắn không thể là lời nói đẹp.ư
– Mặt khác, lời nói đẹp là chi phí thấp nhất để thu lợi cao nhất. Nội dung của ý kiến này còn đặt ra một vấn đề quan trọng: tác dụng, hiệu quả của lời nói đẹp. Khi nói “lời nói đẹp là chi phí thấp nhất”, tức là ngưòi ta đã nhấn mạnh đến bản chất của lời nói. Lời nói, cũng như ngôn ngữ, là công cụ của hoạt động giao tiếp và tư duy, là sản phẩm chung của xã hội nhưng lại mang dấu ấn của cá nhân người nói. Đó là một thứ công cụ dễ kiếm, dễ tìm, phù hợp với mọi người. Hiệu quả của lời nói đẹp là làm vừa lòng nhau. Cũng nên hiểu hiệu quả của lời nói đẹp ở khía cạnh vừa lòng nhau theo nghĩa rộng. Lời nói đẹp tạo ra sự cảm thông, ăn ý và hiểu biết lẫn nhau. Đó là cơ sở để con người đạt được mục đích giao tiếp, cũng có nghĩa là thu lợi cao nhất. Vì vậy, những lời nói êm tai nhưng giả dối, chắc chắn sẽ không mang lại hiệu quả cao trong giao tiếp, mà ngược lại, có thể còn gây tác hại, như là sự ru ngủ con người. Nói gần nói xa chẳng qua nói thật – đó chính là thông điệp của mọi thời đại. Lời nói thích hợp trước hết phải là lời nói chân thành, sau đó mới là lời nói đẹp.
– Lời nói có chi phí. thấp nhất (là sản phẩm chung của xã hội, con người, không phải mất tiền mua), nhưng lại mang đến lợi nhuận cao nhất (đạt hiệu quả, mục đích cao nếu người nói biết sử dụng lời nói đúng lúc, đúng chỗ, biết diền đạt mạch lạc, phù hợp). Trong giao tiếp, chúng ta cần phải lựa lời, phải biết quý trọng lời nói, bởi vì Lời nói, đọi máu; Lời nói, gói vàng.
– Tất nhiên, lòi nói đẹp là lời nói chân thành, giúp con người hoàn thiện nhân cách của mình. Nhưng, nếu chỉ trau chuốt, chú ý đến lời nói thôi, thiết nghĩ, cũng chưa đủ. Bởi vì, trong cuộc sống lời nói và việc làm bao giờ cũng phải thống nhất với nhau. Lời nói đẹp là cơ sở của hành động đẹp và ngược lại, hành động đẹp là thước đo, là chuẩn mực để làm cho lời nói đẹp thực sự có giá trị trong cuộc sống.
– Câu nói “Lòi nói đẹp, đó là chi phí thấp nhất để thu lợi cao nhất” là bài học có ý nghĩa giáo dục đối với con người ở mọi thời đại. Nó không chỉ khẳng định giá trị của lời nói mà còn định hướng cho mỗi chúng ta cách sống, cách ứng xử có văn hoá. Bởi, lời nói đẹp phản chiếu đời sống tâm hồn của người nói, giúp con người xích lại gần nhau hơn.
Theo hoctotnguvan.vn