Nghị luận về vấn đề an toàn thực phẩm – Ngữ Văn 12

Nghị luận về vấn đề an toàn thực phẩm – Ngữ Văn 12

Hướng dẫn

Loading…

Nghị luận về vấn đề an toàn thực phẩm

Đề bài

Người Việt hiện nay có thể ăn gì để không chóng chết một cách oan uổng?

Hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về câu hỏi trên.

Hướng dẫn làm bài

Đề bài yêu cầu thí sinh phát biểu ý kiến về câu hỏi: Người Việt hiện nay có thể ăn gì để không chóng chết một cách oan uổng? Câu hỏi này thực chất muốn đề cập tới tình trạng thực phẩm nhiễm độc đang lan tràn đe doạ tính mạng, nòi giống con người, dân tộc Việt Nam. cần trả lời được các câu hỏi cơ bản: Ăn có phải là nhu cầu tự nhiên của con người? Tại sao ăn vào lại chóng chết? Tình trạng thực phẩm nhiễm độc hiện nay ở Việt Nam như thế nào? Tác hại của chúng đối với con người và nền kinh tế? Giải pháp kìm chế và khắc phục tình trạng sản xuất và kinh doanh thực phẩm nhiễm độc?

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

– “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế!”. Đó là nhận xét của đại biểu quốc hội Hải Phòng, ông Trần Ngọc Vinh, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sáng 16-11-2015. Nhận xét không chỉ gây xôn xao cả hội trường quốc hội mà còn ám ảnh hàng triệu người Việt Nam bởi chưa bao giờ, vấn đề thực phẩm bẩn – thực phẩm nhiễm độc lại trở thành “quốc nạn” như hiện nay.

Loading…

– Ăn là nhu cầu sinh tồn tự nhiên của con người. Người ta ăn là để tồn tại và duy trì sự sống. Hơn nữa, ẩm thực còn là một phần của văn hoá. “Đồ ăn chính là biểu tượng của tình yêu khi ta không tìm ra từ ngữ nào để diễn tả” (Alan D. Wolfelt); “Còn tình cảm nào chân thành hơn tình yêu dành cho thức ăn” (George Shaw). Nhưng một khi con người phải tự đặt ra câu hỏi làm sao ăn để không chết cũng có nghĩa là đã xảy ra một thảm hoạ trái tự nhiên, hoặc con người đã bị đẩy đến bước đường cùng. Câu hỏi “Người Việt hiện nay có thể ăn gì để không chóng chết một cách oan uổng?” thực ra không phải để hỏi mà chỉ là một cách để bày tỏ nỗi sợ hãi, vô vọng của người Việt trước tình trạng thực phẩm nhiễm độc đang hiện hữu trong bữa ăn của mỗi gia đình, cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà máy… ở Việt Nam hiện nay.

Xem thêm:  Phân tích bi kịch của nhân vật Hộ trong Đời thừa- Văn lớp 12

– Thực phẩm nhiễm độc đang có mặt ở khắp mọi nơi. Không cường điệu khi nói: Chúng ta đang ăn trực tiếp hoá chất độc hại vào người. Bởi vì, người ta đã phát hiện ra gạo, lạc, đậu còn dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ quá mức cho phép; thịt lợn chứa chất kích thích tăng trưởng, chất tạo nạc Salbutamol; rau được tưới thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, dầu nhớt để lớn nhanh, xanh mướt, lá đẹp; hoa quả được ngâm thuốc chống thối, bị dùng hoá chất để ép chín; thịt, nội tạng thiu thối được tẩy rửa bằng chất độc thành thịt tươi mới; bún, phở, miến chứa chất huỳnh quang; bánh kẹo, sữa, bim bim không nhãn mác, quá hạn sử dụng, được tẩm ướp gia vị không rõ nguồn gốc bán cho trẻ em; gà, cá, tôm, mực và ngay cả cua gạch người ta cũng bơm hoóc môn, làm giả gạch,… Có thể nói, chất độc đang hồn nhiên “trèo” lên bàn ăn của mỗi gia đình, từ đồ ăn nhanh đến món ăn chín, từ món tráng miệng đến món chính, từ bữa sáng đến bữa đêm. Nguy cơ ăn phải thực phẩm bẩn rình rập mạng sống từng con người.

– Sử dụng thực phẩm bẩn gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khoẻ con người. Các hoá chất độc hại như thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu, trừ bệnh và thuốc trừ cỏ dại…), kim loại nặng, các vi sinh vật gây bệnh có trong các loại rau quả hoặc các chất kháng sinh, chất tăng trọng có trong thịt cá sẽ tích luỹ dần trong các mô mỡ, tuỷ sống… của con người. Hậu quả trước tiên là ngộ độc, sau đó là các bệnh hiểm nghèo như suy tim mạch, loãng xương, run cơ, ung thư dạ dày, vòm họng và đại trực tràng… Theo thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2015, toàn quốc có 171 vụ ngộ độc thực phẩm vói 4.965 nạn nhân trong đó có 23 trường họp tử vong. Phần lớn những trường hợp bị ngộ độc thực phẩm là do sử dụng thức ăn từ các bếp ăn tập thể.

Xem thêm:  Cấu trúc và tính chất đề thi THPTQG môn ngữ văn

– Sử dụng thực phẩm nhiễm độc khiến số người mắc bệnh ung thư gia tăng nhanh chóng, đe doạ giống nòi Việt. Ung thư là căn bệnh nan y đáng sợ nhất ở Việt Nam hiện nay. Mặc dù Việt Nam là quốc gia có số ngườinhiễm HIV đứng thứ năm trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhưng so với ung thư, hậu quả do HIV gây ra không đáng là bao. Nhiễm HIV, nhiều người bệnh có thể cầm cự từ vài năm đến mười mấy năm, nhưng nếu bị ung thư mà không được phát hiện và điều trị sớm, kết cục nhanh chóng và bi thảm hơn rất nhiều. Vì vậy, ung thư mới chính là “căn bệnh thế kỉ” đáng sợ nhất ở Việt Nam. Nó huỷ hoại không chỉ thế hệ này mà còn đầu độc, di truyền đến các thế hệ sau, đe doạ nghiêm trọng đến giống nòi.

– Sử dụng hoá chất độc hại gây thiệt hại lớn cho nền nông nghiệp Việt Nam, khiến các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam khó hoặc không thể xuất khẩu. Ngay tại thị trường Việt Nam, nhiều sản phẩm nông nghiệp trong nước đang phải nhường chỗ cho sản phẩm nước ngoài. Gạo Việt thua gạo Lào, Campuchia. Gạo Thái Lan được bày bán ngày càng nhiều trên thị trường. Thịt gà Mĩ, thịt bò Australia nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng ngày càng lớn. Nỗi lo nông nghiệp “thua ngay trên sân nhà” ngày càng rõ nét.

– Mặc dù Chính phủ, các Bộ, ngành chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp như tuyên truyền, xây dựng hành lang pháp lí, hỗ trợ người dân sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn, kiểm tra giám sát xử lí vi phạm, nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Thậm chí, tình trạng sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi ngày càng nhiều. Những người sản xuất, kinh doanh lúa, trồng rau quả thì thú nhận trồng riêng một khoảnh sạch để ăn, các khoảnh phun thuốc bảo vệ thực vật dành để bán… Người tiêu dùng hiện sống trong hoang mang, sợ hãi và bất lực.

Xem thêm:  Suy nghĩ về ý kiến: “Biết mình không biết là một bước tiến dài dẫn đến sự hiểu biết” – Ngữ Văn 12

– Tương lai của con em chúng ta, tương lai của giống nòi sẽ như thế nào nếu tình trạng này cứ tiếp diễn? Có lẽ, không có giải pháp nào hiệu quả hơn sự tự ý thức của con người, từ ý thức đó mói làm chuyển biến hành động. Mỗi người Việt cần phải nhận rõ rằng, nếu họ đầu độc xã hội thì chính họ và con cháu họ cũng không thể an toàn được. Đại dịch thực phẩm bẩn sẽ xâm lấn mỗi gia đình, mỗi cơ thể, di truyền đến các thế hệ sau, bất kể họ muốn hay không. Vì vậy, bảo vệ người khác chính là bảo vệ bản thân và gia đình mình. Hãy sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn vì chính con, cháu mình và tương lai giống nòi, dân tộc Việt Nam.

Theo hoctotnguvan.vn

Bài liên quan

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt…
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *