Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân
Hướng dẫn
Giá trị và ý nghĩa truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân
- Mở bài:
Kim Lân là một cây bút truyện ngắn vững vàng. Ông đã viết về cuộc sống và con người ở nông thôn bằng tình cảm, tâm hồn của một người vốn là con đẻ của đồng ruộng. Trong cả hai giai đoạn sáng tác, tuy viết không nhiều nhưng giai đoạn nào Kim Lân cũng có những tác phẩm hay. Truyện ngắn Vợ nhặt là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông.
- Thân bài:
Truyện Vợ nhặt có tiền thân từ tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”. Tác phẩm được viết ngay sau cách mạng tháng Tám nhưng còn dang dở và mất bản thảo. Sau hoà bình lập lại (1954) Kim Lân dựa vào phần cốt truyện cũ và viết lại thành truyện “Vợ nhặt”. Tác phẩm được in trong tập truyện “Con chó xấu xí”. Truyện tái hiện lại bức tranh nạn đói năm 1945. Qua đó, thể hiện tấm lòng cảm thông sâu sắc của nhà văn đối với con người trong nạn đói.
Lấy bối cảnh nạn đói khủng khiếp năm 1945, truyện kể về nhân vật chính có tên là Tràng, một chàng trai xấu xí, làm nghề kéo xe, tính tình rất hiền lành và tốt bụng. Giữa lúc nạn đói hoành hành, cái chết ở khắp mọi nơi, Tràng lại mang về nhà một cô vợ mà anh đã “nhặt” được trong một chuyến kéo thóc lên tỉnh. Mẹ tràng hết sức xót thương cho đôi vợ chồng trẻ, bà ngậm ngùi, thầm khóc mà chẳng biết làm gì hơn. Cái liều lĩnh của Tràng đã biến thành hạnh phúc, những con người nghèo khổ ấy cùng nương tựa vào nhau và cùng hi vọng vào tương lai. Tác phẩm kết thúc bằng hình ảnh lá cờ đỏ, niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn.
Vợ nhặt đã phẩn ánh đời sống của những con người bần cùng, lương thiện, trong cảnh đói kém khủng khiếp do bọn thực dân phong kiến gây ra. Họ đã cưu mang đùm bọc lấy nhau và hy vọng vào một cuộc sống mới tốt đẹp hơn mà cách mạng đem đến.
Ý nghĩa nhan đề “Vợ nhặt”
Truyện gây chú ý ngay từ đầu với nhan đề “Vợ nhặt”. Nhan đề chứa đựng nghịch lí, tạo ấn tượng, kích thích sự chú ý của người đọc, vì đây không phải là cảnh lấy vợ đàng hoàng, cưới xin theo phong tục truyền thống, mà là nhặt được vợ.
Nhan đề cũng nói lên cảnh ngộ, số phận của Tràng và người đàn bà xa lạ. Qua đó phơi bày tình cảnh thê thảm và tủi nhục của người nông dân nghèo trong nạn đói năm 1945. Đồng thời cũng cho thấy sự cưu mang đùm bọc yêu thương cũng như khát vọng, niềm tin vào tương lai cuộc sống, vào hạnh phúc của con người nghè khổ trong hoàn cảnh khốn cùng.
Tình huống truyện bất ngờ, độc đáo
Kim Lân đã rất thành công khi tập trung xây dựng một tình huống truyện bất ngờ, độc đáo và gây cấn trong truyện ngắn Vợ nhặt. Ngay lúc cuộc sống đang túng quẫn cùng cực, người chết như ngả rạ. Không khí chết chóc bao trùm khắp xóm làng. Không buổi sáng nào trong làng đi chợ hay đi làm đồng mà không gặp ba bốn cái thây nằm cong queo bên đường.. Người sống thì đói khát, từng đoàn người “dắt díu, bồng bế nhau nẳm ngổng ngang khắp lều chợ”…dật dờ xanh xám “như những bóng ma”. Cảnh vật ảm đạm, thê lương giống như nơi địa phủ. Không khí vẫn lên mùi thối của rác rưởi, mùi gây của xác người. Từng đàn quạ bay vẩn cả bầu trời, gào lên thê thiết.
Từ bối cảnh trên Kim Lân đã sáng tạo ra một tình huống truyện thật độc đáo, éo le và cảm động. Giữa lúc đói khát khi cái chết cận đề đến như thế, Tràng nghèo khổ, xấu trai thô kệch, lại là dân ngụ cư mà lại có vợ theo về. Việc anh dắt vợ về khiến cả xóm ngụ cư ngạc nhiên, lạ lẫm, vừa vui vừa lo lắng, bà cụ Tứ cũng vậy và ngay cả Tràng cũng thế, anh không ngờ đó là sự thật.
Tình huống éo le này là đầu mối cho sự phát triển của truyện, tác động đến tâm trạng, hành động của các nhân vật giúp nhân vật bộc lộ được tính cách.nó ngay lạp tức thể hiện chủ đề của truyện, làm nổi bật giá trị nhân đạo sâu sắc. Ngay bên bờ vực của cái chết những người nông dân nghèo lương thiện vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu đùm bọc lẫn nhau.
Tình huống truyện là tiếng nói riêng của nhà văn trong việc tố cáo thực dân phát xít đã gây ra nạn đói khủng khiếp khiến phẩm giá con người thấp đến rẻ mạt.
Kim lân cũng rất thành công khi miêu tả kĩ lưỡng cuộc sống và tâm trạng của mỗi nhân vật trong truyện. Mỗi nhân vật là một góc nhìn của ông đối với cuộc đời. Trong bóng tối của thời đại, ông vẫn nhìn thấy ở đâu đó ánh sáng lấp lánh, kì diệu. Đó là ánh sáng của tình thương, sự độ lượng và niềm tin tưởng ở tương lai.
Đầu tiên là nhân vật tràng.
Tràng là người lao động nghèo khổ, tốt bụng và cởi mở. Hơn nữa, anh lại là dân ngụ cư, một con người không có thân phận. Cái tính tố bụng của anh thể hiện rõ nhất ở hành động giữa lúc đói khát cùng cực mà anh vẫn sẵn lòng đãi người đàn bà xa lạ ăn bánh đúc.
Dù việc lấy vợ là điều anh không bao giờ dám nghĩ tới nhưng trong lòng anh luôn khát khao hạnh phúc và có ý thức xây dựng hạnh phúc. Từ việc nói chơi thành thật, hạnh phúc đã tìm đến với anh trong hoàn cảnh khốn khó nhất. Anh chấp nhận điều đó với niềm vui thầm kín ở trong lòng. Ngay lúc cuộc sống không có một hứa hẹn nào tốt đẹp, anh lại sẵn sàng cưu mang người con gái lạ. nghĩa là anh không hề nghĩ cho riêng mình, anh nghĩ đến người khác, người nào đó có thể cùng anh đồng cam cộng khổ vượt qua kiếp nạn này.
Diễn biến tâm trạng của Tràng khi có vợ đã bộc lộ hết những phẩm chất ấy. Mới đầu, anh cũng phân vân, do dự. Anh chợn nghĩ “thóc gạo nảy đến cái thân mình cũng chẳng biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”. Sau đó tặc lưỡi cho qua, chấp nhận người con gái một cách thật lòng bằng câu “nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rối cùng về”. Hành động “liều” đưa đàn bà xa lạ về đã ẩn chứa niềm khát khao tổ ấm gia đình mà bấy lâu tràng nung nấu ở trong lòng.
Cái quyết định nhanh chóng và táo bạo ấy đã nói lên rằng, từ trong sâu thẳm của tiềm thức, con người vẫn khao khát hạnh phúc, bất chấp sự đe dọa của các đói, cái chết. Niềm khao khát đầy tính nhân bản ấy là trường tồn, là bất diệt.
Kim Lân đã có những phát hiện tinh tế và sâu sắc niềm khao khát hạnh phúc gia đình của nhân vật Tràng. Lúc bước đi bên cạnh người đàn bà, “mặt hắn có vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ cười một mình và hai con mắt sáng lên lấp lánh”. Khi về đến xóm ngụ cư, hắn “thích ý lắm, cái mặt thì cứ vênh vênh tự đắc với mình”. Đó là cái tự đắc của một người cũng có vợ như những người đàn ông khác. Đó là sự tự hào ta đây đã có vợ của gã trai nghèo khó. Cái dáng kênh kiệu ấy vừa buồn cười lại vừa hết sức đáng thương.
Tràng ngay lập tức tận hưởng cái hạnh phúc đường đột mà lớn lao ấy. Từ không đến có, nói chơi thành thật đã làm Tràng hoàn toàn thay đổi. Nó chuyển hướng cuộc đời anh sang một con đường mới. Đó là con đường của hi vọng và niềm tin.
Sáng hôm sau, Tràng thực sự thấy cuộc sống của mình từ đây đã thay đổi, một cuộc sống thực sự có ý nghĩa. Tràng cảm thấy “trong người êm ái lửng lơ như người từ trong giấc mơ đi ra”. Hắn chợt nhận ra “xung quanh mình cáo cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ”, “một nguồn vui sướng phấn chấn tràn ngập trong lòng”, “ Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này”… Trong những giờ phút có tính chất bước ngoặc ấy, con người ta bỗng thấy mình trưởng thành, biết sống có trách nhiệm, bổn phận.
Kết thúc tác phẩm, trong cảnh vợ chồng phải ăn cháo cám “miếng cháo cám đắng chát và nghẹn bứ trong miệng” nhưng trong óc Tràng là hình ảnh lá cờ đỏ và Việt Minh phá kho thóc của Nhật chia cho người đói. Tràng đã nghĩ tới sự đổi thay cho dù vẫn chưa ý thức được đầy đủ về nó. Niềm hi vọng nhóm len trong anh từ sau khi nhìn thấy người ta rầm rộ phá kho thóc Nhật. Chính nó là nguyên nhân gây ra nạn đói. Giờ nó bị phá rồi nghĩa là con người sẽ có con đường thoát. Và gia đình tràng cũng thế. Tuy nó còn mờ nhạt và mong manh nhưng lại là hi vọng lớn nhất của Tràng ngay trong lúc này.
Nhà văn Kim Lân còn đặc biệt dành tình cảm lớn khi miêu tả nhân vật bà cụ Tứ.
Bà xuất hiện trong buổi tối chạng vạng với dáng vẻ chậm chạp, hai con mắt đã nhoèn… Đây là một người phụ nữ nghèo khổ, già cả, sống tha phương cầu thực trôi dạt về xóm ngụ cư.
Kim Lân đã khéo chọn những ngôn ngữ độc thoại nội tâm để diễn tả tâm trạng của bà cụ khi anh Tràng, con trai của bà dẫn về một người đàn bà: “Quái, sao lại có người đàn bà ở trong ấy nhỉ?, “Sao lại chào mình bằng u”, “Thế là thế nào?”… Rồi sau khi hiểu ra mọi cơ sự, bà ngậm ngùi, ai oán, tủi hờn: “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi…Còn mình thì…”. Giọt nước mắt rưng rức trên khóe mi của bà cụ đã đi hết quãng đời cùng khổ. Bà khóc vì bà quá vui sướng khi đứa con trai độc nhất của bà có vợ, điều mà bà không dám nghĩ tới. Bà khóc vì nỗi lo âu chất chứa: “biết chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”
Thế nhưng, vượt lên trên tất cả, bà lão tỏ ra thấu hiểu, thương cảm và chấp nhận nàng dâu mới: “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình”; “Ừ, thôi thì các con phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”. Nghĩa là bà chấp nhận sống cùng sống, chết cùng chết, miễn là con trai của bà cũng có được vợ, có được hạnh phúc ở đời của nó. Còn bà, bà cũng làm tròn trách nhiệm đói với con trai và đối với người chồng quá cố.
Niềm vui và hi vọng tràn về đã khiến bà cụ tươi tỉnh khác thường. “Cái mặt bủng beo u ám rạng rỡ hẳn lên”. “Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau”. bà dặn dò, khuyên bảo, an ủi từng tí một để con trẻ an lòng mà thêm tin tưởng, gắn kết. bà còn tính đến chuyện tương lai, ngày những đứa trẻ ra đời: “Chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn… rồi may ra ông giời cho khá…biết thế nào được, ai giàu ba họ, ai khó ba đời… có may thì con cái chúng mày về sau”.
Tấm lòng nhân hậu, bao dung của bà cụ Tứ động lại trong bữa ăn sáng ngày hôm sau. Bà trịnh trọng khoản đãi con dâu mới bằng nồi cháo cám mà bà gọi vui là “chè khoán”. Bà đon đả tươi cười múc mời các con, cùng với câu nói an ủi động viên đầy lạc quan “Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để…xóm ta khối nhà chả có cám mà ăn đấy”.
Đây là chi tiết xúc động, nói lên tấm lòng của người mẹ nghèo thương con. Chi tiết có ý nghĩa hiện thực và nhân đạo: phản ánh chân thật cảnh sống khốn cùng của nhân dân ta do nạn đói mang đến (con người phải ăn cả cám). Qua đó cho thấy được vẻ đẹp đáng trân trọng của người dân nghèo khổ khi họ biết yêu thương, chia sẻ đùm bọc nhau, cùng nghĩ đến ngày mai tươi sáng.
Tóm lại, bà cụ Tứ là người mẹ rất mực thương con; một người phụ nữ Việt Nam nhân hậu bao dung giàu lòng vị tha; một con người lạc quan có niềm tin vào tương lai hạnh phúc.
Nhân vật người “vợ nhặt” tuy ít nói đến nhưng lại là tâm điểm củ mọi sự chú ý
Nhân vật người “vợ nhặt” là nạn nhân của nạn đói. Những xô đẩy dữ dội của hoàn cảnh đã khiến thị trở nên chao chát, chỏng lỏn, liều lĩnh và chấp nhận làm “vợ nhặt”. Tuy nhiên, sâu thẳm trong con người này vẫn khao khát một mái ấm gia đình. Ở thị, trước hết là khát vọng được sống, sau đó là khát vọng được hạnh phúc ngay trong con đói chưa biết bao giờ sẽ chấm dứt này. Có thể thấy, hạnh phúc có nghĩa là được sống. Sự sống và hạnh phúc dường như đã hòa nhập làm một, không tách rời.
Cái vẻ bẽn lẽn của thị trên đường cùng tràng về nhà, rồi cả cái vẻ ngập ngừng khi đứng bên giường mau chóng biến mất. Thay vào đó là một người đàn bà đúng mực. Thị tỏ ra chăm chỉ, siêng năng, quét dọn sạch sẽ, sắp xếp mọi thứ gọn gàng, lối ứng xử khéo léo, hiểu biết…
Chính thị đã mang đến cho gia đình nhỏ của Tràng một niền tin tưởng lớn. Đó không chỉ là niềm tin vào sự sống, hơn thế nữa là niềm tin trường tồn bởi các thế hệ tương lai. Cả ba nhân vật có niềm khao khát sống và hạnh phúc, niềm tin và hi vọng vào tương lai tươi sáng.
Thành công lớn nhất của nhà văn Kim Lân trong truyện ngắn Vợ nhặt là đã xây dựng nên tình huống truyện độc đáo. Cách kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn: dựng cảnh sinh động, có nhiều chi tiết đặc sắc. Nhân vật được khắc họa sinh động, đối thoại hấp dẫn thể hiện tâm lí tinh tế. Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị nhưng chắt lọc và giàu sức gợi.
Vợ nhặt là bức tranh chân thực về đời sống của những con người bần cùng, lương thiện, trong cảnh đói kém khủng khiếp do bọn thực dân phong kiến gây ra. Họ đã cưu mang đùm bọc lấy nhau và hy vọng vào một cuộc sống mới tốt đẹp hơn mà cách mạng đem đến.
Vợ nhặt còn là bản cáo trạng tố cáo tội ác thực dân, phát xít qua bức tranh xám xịt về thảm cảnh chết đói. Chính cái đói đã bóp méo cả nhân cách con người. Giá trị con người bị phủ nhận khi chỉ vì cùng đường đói khát mà phải trở nên trơ trẽn, liều lĩnh, bất chấp cả e thẹn.
Truyện cũng đề cao tình người, lòng nhân ái, cưu mang đùm bọc nhau, khát vọng hướng tới sự sống và hạnh phúc. Đặc biệt, sự cưu mang đùm bọc của những con người nghèo đói là sức mạnh để họ vượt lên cái chết.
- Kết bài:
Truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân không chỉ miêu tả tình cảnh thê thảm của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp 1945 mà còn thể hiện được bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của họ: ngay trên bờ vực của cái chết, họ vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Tình huống truyện độc đáo, cách kể chuyện hấp dẫn, miêu tả tâm lí tinh tế, dựng đối thoại sinh động.
Theo hoctotnguvan.vn