Phân tích bài thơ “Thề non nước” của Tản Đà

Phân tích bài thơ “Thề non nước” của Tản Đà – Bài làm 1

Loading…

Trong nền văn học Việt Nam, có một thi nhân đặc biệt, chiếm vị trí cũng đặc biệt trên thi đàn. Đó là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Đặc biệt bởi tài sử dụng ngôn ngữ của ông mà có người đã khâm phục như một nhà ảo thuật ngôn ngữ. Đặc biệt bởi vì ông là “chiếc gạch nối giữa thơ cũ và thơ mới” (Hoài Thanh). Sinh thời, ông viết nhiều tác phẩm hay, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bài thơ “Thề non nước”.

van mau phan tich bai tho the non nuoc tan da Phân tích bài thơ “Thề non nước” của Tản Đà

Bài thơ có gì đặc biệt lại cùng tác giả rạng danh trên thi đàn Việt Nam đến như vậy?

Ta hãy xem:

Nước non nặng một lời thề

Nước đi, đi mãi không về cùng non.

Hình ảnh một cuộc chia ly hiện ra buồn bã qua một câu thơ như một lời thở dài nặng trĩu. “Nước non” gợi lên hình ảnh về một bức tranh sơn thủy, có núi sông. “Nước non” ở câu trên đi cạnh nhau như một đôi bạn quấn quýt, và trọng tâm của câu đặt vào chữ “nặng” càng làm rõ cái sắt đá của lời thề. Tưởng chừng như không gì chia cách được nước non. Ấy thế mà:

Nước đi, đi mãi không về cùng non.

Loading…

“Nước, non” bị tách ra hai đầu câu thơ, như cùng tồn tại ở hai cực, tách biệt và xa cách làm sao. Nước đi như một tất yếu khách quan của qui luật vận động. Còn non đứng lại, chỉ biết chờ mong. Từ “đi” được lấy và được ngăn cách, tạo cảm giác về một sự day dứt khắc khoải khôn nguôi. Non khắc khoải điều gì?

Nhớ lời nguyện nước thề non

Nước đi chưa lại non còn đứng không.

Lời “nguyện nước thề non” thiết tha là thế, sâu nặng là thế, ấy mà non – nước vẫn cách chia. Một lần nữa, non – nước lại đứng ở hai vế câu đối lập:

Nước đi chưa lại non còn đứng không.

Vẫn gợi hình ảnh hai thế giới tách biệt, vẫn gợi sự chia li cách trở. Thế nên:

Non cao những ngóng cùng trông

Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày

Sương mai một nắm hao gầy

Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương

Trời tây ngả bóng tà dương

Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.

Hình ảnh của non hiện ra ở đây cụ thể hơn, như một người con gái. Những “dòng lệ sương mai, tóc mây, vẻ ngọc nét vàng” đầy ước lệ chẳng đã nói lên điều đó sao? Người con gái nhưng buồn. Một lần nữa cái phong vị chia ly lại thấm đều trên từng câu chữ, lại khắc đậm thêm trong ta một nỗi u tình sâu kín. Nhạc thơ hầu hết là thanh bằng, tạo âm điệu trầm buồn da diết. Tứ thơ chất chứa nỗi cô đơn:

Sương mai một nắm hao gầy

Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.

Điều gì cũng chỉ có một! Một mái tóc mây, một dáng vẻ hao gầy, một mình non đứng cô đơn. Thế nhưng, nỗi sầu thì cứ tuôn ra đầy vơi, nỗi buồn như muốn trào ra từng lời nói, câu thơ ẩn ngầm một sự đối lập xót xa.

Tất cả chỉ vì nước đã ra đi, đi xa lắm. Nhưng nước thì làm sao không chảy cho được, cũng như người trai sao yên vị một chỗ cho đành. Nước đi theo lẽ tự nhiên như người trai phải ra đi vì đất nước. Nhưng sao người con gái lại thảm sầu đến thế! Phải chăng thời buổi nhiễu nhương đã bức lìa câu thề non – nước, tách rời hai thực thể vốn dĩ phải gần nhau. Lời thơ hiển hiện mà ý từ cứ ẩn ngầm. Ta bắt gặp trong khung cảnh một câu chuyện tình quen thuộc bóng dáng một xã hội loạn li mà tác giả không đề cập tới. Tuy thế, ý tứ và hình ảnh cứ như bật dậy khỏi trang giấy, đây vào lòng người đọc một cách sống động lạ thường.

Có vẻ như bức tranh “Thề non nước” sẽ nhuốm một màu sắc bi quan u tối, nếu như không có những câu thơ:

Non cao tuổi vẫn chưa già

Non thời nhớ nước, nước mà quên non

Dù cho sông cạn đá mòn

Còn non, còn nước hãy còn thề xưa.

Non cao đã biết hay chưa

Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.

Nước non hội ngộ còn luôn

Bảo cho non chớ có buồn làm chi.

Nếu như ở đoạn thơ trên, sự ra đi “nước” là một qui luật tự nhiên thì ở đoạn này, viễn cảnh về sự trở lại của “nước” cũng tuân theo một qui luật tự nhiên bất di bất dịch. Có thể nó đoạn thơ này là lời an ủi thiết tha, chân thành của “nước” dành cho “non”.

Dù cho sông cạn đá mòn

Còn non, còn nước hãy còn thề xưa.

Lời thề vàng đá ngày nao vẫn còn đó, sâu nặng trong mỗi người. Cho nên đáp lại sự chung thủy đợi chờ của non là sự sắt son của nước.

Non cao đã biết hay chưa

Nước đi ra bể lại mưa về nguồn

Nước non hội ngộ còn luôn

Bảo cho non chớ có buồn làm chi.

Cặp từ “non, nước” được liên tiếp lặp lại ở những vị trí khác nhau, ngày càng gần lại, ban đầu còn cách biệt câu trên câu dưới, còn song đôi nhưng chưa gặp gỡ thì sau đã đi liền nhau như tái hợp, sum vầy. Ta thấy từ trong mỗi câu thơ lóe lên những tia hi vọng tươi sáng, hợp thành một niềm tin chắc chắn vào một ngày sum họp gần kề. Tản Đà đã rất hữu ý khi sắp xếp từng câu chữ.

Đoạn thơ như một lời an ủi nhiệm màu thổi vào lòng non ngọn lửa hồng ấm áp của niềm tin và sự lạc quan. Nước non tuy xa cách, nước tuy đi khuất nhưng có một ngày quay về với non:

Nước đi ra bể lại đi về nguồn.

Như một người con trai đạt thành sự nghiệp qui cố hương với tấm lòng thanh thản tươi vui.

Tầng nghĩa thức ba của cặp từ “non – nước” hiện ra ngay ở đây hàm ý về tấm lòng Tản Đà đối với non nước, quê hương. Nếu như ở một đoạn thơ đầu, ông bộc lộ nỗi buồn chán cho cảnh đất nước qua giọng thơ sầu não thì ở đoạn này, một nhịp thơ khoan thai mà âm điệu vui vẻ lại vẽ nên một Tản Đà khác hẳn, một Tản Đà ngập tràn hi vọng một ngày mai tươi sáng, một tương lai tốt đẹp cho nước nhà.

Nước kia dù hãy còn đi

Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui

Nghìn năm giao ước kết đôi.

Non non nước nước không nguôi lời thề.

Màu xanh tươi tắn và khỏe khoắn của ngàn dâu tượng trưng cho một khởi đầu tốt đẹp sau những thay đổi tang thương. Từng lời từng chữ cứ quyện vào nhau, đan kết lại trong một nỗi hân hoan dào dạt. Ta như thấy được nét mặt vui mừng của người chinh phụ khi đón chồng về, như cảm nhận được niềm vui ngân lên trong những thanh âm trong trẻo của hai câu thơ cuối.

Bức tranh “Thề nước non” mang một hình ảnh cụ thể của một bức tranh sơn thủy nhưng lại mang nét trừu tượng của một bức tranh phức tạp. Cái hay của bài thơ là ở ngôn ngữ nghệ thuật ngôn ngữ điêu luyện của Tản Đà, cũng là ở tấm lòng ưu ái của ông với đất nước.

Bài thơ mang một giá trị cao là vì thế. Nó là một trong vài dấu son cuối cùng của thơ cổ, chuyển tiếp sang thời kì thơ mới hiện đại.

Phân tích bài thơ “Thề non nước” của Tản Đà – Bài làm 2

Tản Đà (1889 – 1939) có câu thơ tuyệt bút:

“Tài cao, phận thấp, chí khí uất,

Giang hồ mê chơi quên quê hương”.

(Thăm mả cũ bên đường)

Người đọc xưa nay vẫn tìm thấy bóng dáng Tản Đà qua vần thơ ấy. Tên là Nguyễn Khắc Hiếu, lấy núi Tản, sông Đà làm bút danh. “Giấc mộng con”, “Giấc mộng lớn”, “Khối tình con”, “Thề non nước” là những tác phẩm nổi tiếng của Tản Đà. Chất tài hoa tài tử, lãng mạn, giang hồ… in đậm trong thơ, văn Tản Đà. Những năm hai mươi của thế kỉ XX, Tản Đà là thi bá trên thi đàn Việt Nam. Ông được nhà văn Hoài Thanh trân trọng ngợi ca là “Người của hai thế kỉ”, vì thơ văn của Tản Đà chính là gạch nối giữa hai nền văn học của dân tộc: cổ điển và hiện đại.

Bài thơ “Thề non nước” là một kiệt tác của Tản Đà. Bài thơ nằm trong truyện ngắn cùng tên, được Tản Đà sáng tác năm 1921. Cô đào Vân Anh và một du tử – hai nhân vật trong truyện, ngồi uống rượu, cùng nối lời nhau, làm thơ vịnh bức tranh sơn thuỷ – bức cổ họa – có ba chữ triện, chữ Nôm “Thề Non nước” mà thành bài thơ này. Bức cổ họa chỉ có một dãy núi, không có vẽ sông nước, dưới chân núi có một ngàn dâu gợi cảnh tang thương biến đổi. Bài thơ viết bằng thể thơ lục bát, gồm có 22 câu thơ. Bốn câu đầu là lời vịnh của du khách, 10 câu tiếp theo của cô đào Vân Anh, 6 câu nối tiếp lại là lời của du khách, 2 câu cuối là tiếng thơ của Vân Anh.

Ngoài những chi tiết nghệ thuật vịnh bức cổ họa, bài thơ “Thề non nước” còn ca ngợi một mối tình chung thuỷ sắt son của đôi lứa, đồng thời gửi gắm một tình yêu nước thầm kín sâu nặng.

Hình ảnh bức tranh sơn thuỷ.

Nói là bức tranh sơn thuỷ nhưng không có “thuỷ” vì “Nước đi đi mãi không về cùng non”. Chỉ có núi, một dãy “Non cao những ngóng cùng trông”. Có cây mai già trụi lá trơ cành (xương mai). Có sương tuyết và mây phủ dày trên đỉnh núi. Có ngàn dâu xanh tốt dưới chân núi gợi màu tang thương biến đổi. Bao phủ toàn bức tranh là màu vàng tà dương:

“Trời tây ngả bóng tà dương

Càng phơi vẻ ngọc, nét vàng phôi pha”.

Có thể nói, đó là một bức tranh cổ rất đẹp mà buồn, thấm đượm cái tình thương nhớ, tang thương.

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về Giờ trái đất

Nước non nặng một lời thề.

Cũng như thuyền và bến, trong bài thơ này “non” và “nước” là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho lứa đôi, cho trai và gái, cho giai nhân và người tình chung. Lứa đôi, non và nước đã yêu nhau, đã thề nguyền, đã “nặng lời thề”. Lời thề sâu nặng và sắt son, bền vững như non như nước. Cảnh ngộ thật éo le và đáng thương. Lứa đôi đang trải qua những năm dài li biệt “Nước đi chưa lại, non còn đứng không”. Khi ngắm nhìn bức tranh, du khách đã cảm động nói: “núi tương tư”.

Sau những năm dài đợi chờ, thương nhớ và đau buồn, giai nhân (non) đã trở thành nàng cô phụ “non còn đứng không”. Khóc than thảm thiết, bao nhiêu nước mắt đã khô cạn: “Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày”. Thân hình tiều tuỵ đáng thương như một gốc mai già trụi lá trơ cành: “Xương mai một nắm hao gầy”. Mái tóc xanh mềm mại như mây ngày nào, nay đã bạc trắng: “Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương”. Tình lang đi mãi chưa về, giai nhân tuổi mỗi năm một cao, đã chiều tà ngả bóng, nhan sắc phai tàn. Còn đâu nữa “vẻ ngọc” và “nét vàng” thời con gái xa xưa: “Trời tây ngả bóng tà dương – Càng phơi vẻ ngọc, nét vàng phôi pha”.

Tản Đà đã sáng tạo nên những hình ảnh ẩn dụ để đặc tả nỗi buồn cô đơn, tương tư của giai nhân. Có không ít câu thơ trong bài “Thề non nước” vừa đẹp vừa hay không thua kém những câu Kiều của Nguyễn Du. “Tóc mây”, “xương mai”, “nét vàng”, “vẻ ngọc”, đặc biệt “suối khô dòng lệ”… là những hình ảnh mĩ lệ nói về sắc tài và bi kịch trong tình yêu của giai nhân. Còn nước mắt đâu nữa mà “tuôn”. Chữ “khô” thể hiện cách chọn từ, dùng từ của Tản Đà rất tinh luyện, chính xác.

Chẳng cần xem bức hoạ mà chỉ đọc vài câu thơ cũng thấy như hiện ra trước mắt chúng ta một cái “núi tương tư” vậy:

“Non cao những ngóng cùng trông,

Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày.

Xương mai một nắm hao gầy

Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.

Trời tây ngả bóng tà dương,

Càng phơi vẻ ngọc, nét vàng phôi pha”.

Càng tương tư càng tủi hờn: “Non còn nhớ nước, nước mà quên non”. Nhưng nàng cô phụ vẫn đinh ninh lời thề:

“Dù cho sông cạn đá mòn

Còn non còn nước hãy còn thề xưa”.

“Dù… hãy…” niềm tin được khẳng định. “Sông cạn đá mòn” là một thành ngữ, nêu lên một giả định không bao giờ có thể xảy ra. Và cho dù có xảy ra trong muôn một, thì giai nhân vẫn son sắt thuỷ chung “hãy còn thề xưa”. Ba chữ “còn” được láy lại trong vần thơ đã thể hiện sâu sắc, cảm động mối tình son sắt, thuỷ chung, bền đẹp của nàng cô phụ.

Nước đã đi xa, tình lang đã đi xa, chỉ còn lại tiếng đồng vọng trong không gian và thời gian li biệt. Hẹn ngày trở lại. Hẹn ngày tái ngộ, hội ngộ của lứa đôi. Chia sẻ nỗi buồn, an ủi tình nhân:

“Non cao đã biết hay chưa ?

Nước đi ra biển lại mưa về nguồn

Nước non hội ngộ còn luôn,

Bảo cho non chớ có buồn làm chi”.

“Ngàn dâu xanh tốt” như một chứng tích của thời gian, như một nỗi tang thương đã biến đổi, và còn lại như một kỉ vật, vì thế “non thì cứ vui”.

Hai câu kết như sự chung đúc một lời thề, “thề non nước”:

“Nghìn năm giao ước kết đôi,

Non non nước nước, chưa nguôi lời thề”.

Đã có lời “thệ hải minh sơn” trong tình sử. Đã có “đám cưới bạc”. Cũng có “đám cưới vàng”… Đời người hữu hạn trăm năm. Nhưng lời thề của “non” và “nước” là lời thề “nghìn năm” kết đôi, thuỷ chung bền vững. Đó là một lời thề sâu nặng, bền đẹp đến muôn đời.

Nghệ thuật sử dụng biện pháp “phân – hợp” ngôn ngữ của Tản Đà rất điêu luyện để gợi tả và biểu cảm thần tình. “Ngóng trông” được viết thành “những ngóng cùng trông” diễn tả cái dằng dặc của sự đợi chờ, trông ngóng. Trong li biệt, hình ảnh “non” và “nước” nằm ở hai phía không gian – đầu, cuối câu thơ: “Nước đi đi mãi không về cùng non”. Trong cảnh sum họp, hội ngộ của lứa đôi thì non và nước sẽ thành non non nước nước gắn bó keo sơn, bền vững, lời thề chẳng bao giờ “nguôi”, chẳng bao giờ “quên” được!

Tóm lại, lời thề của non và nước được nói đến một cách thắm thiết, thuỷ chung và cảm động.

Nước đi chưa lại…

Bài thơ “Thề non nước” là một bài thơ đa nghĩa. Có nội dung vịnh cảnh trong tranh. Có nội dung phong tình cố hữu của Tản Đà. Và còn có tấm lòng tha thiết gắn bó của nhà thơ với Tổ quốc giang sơn trong cảnh ngộ mất chủ quyền. Đầu thế kỉ XX, có một số nhà thơ nói lên lòng yêu nước, một cách thầm kín:

“Có phải tiếc xuân mà đứng gọi

Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ”.

(“Cuốc kêu cảm hứng” – Nguyễn Khuyến)

“… Nặng gánh em trở ra về!

Ngoảnh cổ trông sông rộng trời khuya…

Vì thương nước cạn, nặng nề em dám kêu ai!

(…) Cái bước đêm khuya thân gái ngại ngùng

Nước non gánh nặng, cái đức ông chồng hay hỡi có hay!”.

(“Gánh nước đêm” – Trần Tuấn Khải)

“Nọ bức dư đồ thử đứng coi

Sông sông núi núi khéo bia cười

Biết bao lúc mới công vờn vẽ

Sao đến bây giờ rách tả tơi…”.

(“Vịnh bức địa đồ rách” – Tản Đà)

Trong bài thơ “Thề non nước”, hai chữ “non” và “nước” xuất hiện ở tần số rất cao: 27 lần, lúc thìnước nhớ non, lúc thì non nhắn nước, lúc thì non non nước nước… Một giọng thơ thiết tha, có không ít câu thơ để lại nhiều ám ảnh:

“Nước đi đi mãi, không về cùng non,”

“Nước đi chưa lại, non còn đứng không,

Non cao những ngóng cùng trông,

Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày”…

“Non còn nhớ nước, nước mà quên non…”.

Có đặt bài thơ “Thề non nước” bên cạnh các bài thơ “Chim họa mi trong lồng”, “Vịnh bức địa đồ rách”, v.v… ta mới thấy tình yêu nước được nhà thơ kín đáo gửi gắm vào các chữ “nhớ nước”, “quên non”. Tình yêu nước dào dạt cả bài thơ. Dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp, trên thi đàn công khai, Tản Đà đã có một cách nói thật hay, thật xúc động về tấm lòng gắn bó thiết tha với giang sơn Tổ quốc. Trong thời Pháp thuộc, bài thơ “Thề non nước” như một vạch nối dẫn dắt người đọc, nhất là thế hệ thanh niên cảm nhận sâu hơn những vần thơ của Phan Bội Châu, của Pham Tất Đắc, v.v…

“Bâng khuâng đỉnh núi chân ngàn

Khói tuôn khí uất, sóng cuồn trận đau”.

(“Hải ngoại huyết thư” – Phan Bội Châu)

“Nghĩ thân thế héo hon tấc dạ

Trông non sông lã chã dòng châu…”

(“Chiêu hồn nước” – Phạm Tất Đắc)

Tóm lại, “Thề non nước” là một bài thơ kiệt tác của thi sĩ Tản Đà. Sắc điệu trữ tình dào dạt trong những vần thơ nói về sự thương nhớ, chờ mong. Chờ người yêu nặng lời thề, xa vắng. Nhớ hồn nước bơ vơ. Các biện pháp tu từ ẩn dụ, nhân hóa, điệp từ điệp ngữ, biện pháp phân – hợp v.v… đã tạo nên những câu thơ lục bát tuyệt hay, đọc qua một lần nhớ mãi.

Thi sĩ Tản Đà đã nói hộ chúng ta những tình cảm đang nảy nở trong lòng. “Thề non nước” thể hiện tuyệt đẹp cốt cách phong tình tài hoa của thi sĩ Tản Đà.

Lời thề xưa cứ ngân nga mãi trong lòng ta. Cả một trời yêu thương, mong nhớ, đợi chờ mênh mang:

“Nghìn năm giao ước kết đôi

Non non nước nước chưa nguôi lời thề”.

Phân tích bài thơ “Thề non nước” của Tản Đà – Bài làm 3

Nhắc đến con người ngông nghênh ngất ngưởng hẳn ai cũng nhớ đến Nguyễn Công Trứ và khi nói đến con người của hai thế kỉ thì ai cũng nhớ đến nhà thơ Tản Đà. Nhà thơ ấy có một cá tính đặc biệt và có những sáng tác cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nó góp phần làm phong phú thêm nền văn học nước nhà. Trong những sáng tác của ông chúng ta đặc biệt ấn tượng với bài thơ thề non nước.

Trước hết là nhan đề của bài thơ, non nước là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ hữu tình. Dân gian ta đã từng ví tình cảm của mình với non với nước. Hai hình ảnh ấy đi liền với nhau, gắn bó với nhau. Nó trở thành một hình ảnh mặc nhiên có non thì có nước. Chính vì sự gắn bó gần gũi ấy mà nhân dân ta luôn lấy hai hình ảnh này để tượng trưng cho tình cảm trong đời sống tâm hồn mình. Và ở đây Tản Đà cũng sử dụng hình ảnh thiên nhiên tổ quốc ấy để nói về tình yêu nam nữ được bộc lộ kín đáo qua lòng yêu nước.  “Thề non nước” là sự nhân hóa non nước như tượng trưng cho lời thề của tình yêu đôi lứa sâu sắc mặn nồng. bài thơ là sự đối đáp trò chuyện của hai nhân vật là cô Đào Vân Anh và người lữ khách về hình ảnh non nước.
Mở đầu bài thơ Tản Đà đã nêu lên lời thề của non nước bằng hai câu thơ đầu:

“Nước non nặng một lời thề 

Nước đi, đi mãi không về cùng non”

Nước và non nặng một lời thề, đó là lời thề của sự gắn bó tình yêu đôi lứa. Bấy lâu nay nước non vẫn cứ bên nhau để làm nên một cảnh đẹp sơn thủy hữu tình. Sự đẹp đẽ ấy tượng trưng cho sự hài hòa của tình yêu đôi lứa. lời thề non nước là một lời thề nặng những ân tình. Chữ “nặng” như làm cho câu thơ như trĩu xuống. Đó cũng là lời thề sắt son của đôi trai gái yêu nhau. Đặc biệt là câu thơ thứ hai các động từ thể hiện sự tăng tiến dẫn đến sự chia ly của non nước. Từ “đi” rồi đến “đi mãi” cuối cùng là “không về”. Càng tăng tiến bao nhiêu thì sự chia li càng lớn bấy nhiêu. Vậy là lời thề non nước sâu nặng đến như thế vậy mà nước vẫn bỏ non đi mãi không về.

Xem thêm:  Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ

Sau khi nêu lên lời thề non nước nhà thơ nói đến tình cảnh của non khi mà nước cứ đi mãi không về:

“Nhớ lời nguyện nước thề non 

Nước đi chưa lại non còn đứng không 

Non cao những ngóng cùng trông 

Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày 

Xương mai một nắm hao gầy 

Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương 

Giời tây ngả bóng tà dương 

Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha 

Non cao tuổi vẫn chưa già 

Non thời nhớ nước, nước mà quên non!”

Nhà thơ một lần nữa lại nhắc lại lời thề non nước. Tình cảnh của non được thể hiện rất rõ. Ở đây nhà thơ đã sử dụng nghệ thuật tách lời thể hiện sự chia cắt xa xôi. Hai từ nguyện thề không đi cùng nhau sát cánh bên nhau mà được tách ra là nguyện nước và thề non. Điều đó phải chăng là dụng ý nghệ thuật của tác giả để nói về sự chia cắt. Không những thế nhà thơ còn sử dụng biện pháp đối lập giữa “nước đi chưa lại” và “non còn đứng không”. Sự đối lập ấy cho thấy nước cứ đi mãi mãi không về còn non thì vẫn đứng không chờ đợi ngóng trông trong nhung nhớ và cô đơn. Dù ở trong tình cảnh như thế nhưng non vẫn giữ nguyên lời thề nguyện của mình và vẫn thể hiện tâm trạng nhớ nhung mong nước trở về. Đọc câu thơ lên chúng ta như cảm nhận được sự ngóng trông của non, cái hình hài vốn đã cao lớn ấy nay lại càng như muốn dướn lên cao hơn để phóng tầm mắt của mình tìm kiếm nước. Có lẽ chính những năm tháng một lòng một dạ đợi chờ ấy đã in hằn lên dáng hình của non. Hàng loạt các hình ảnh như “suối khô dòng lệ”, “sương mai một nắm”, “tóc mây” là hàng loạt các hình ảnh đẹp của thiên nhiên. Thế nhưng đó chính là sự hao mòn của non khi chờ núi. Nỗi nhớ, niềm thương, sự mong đợi khiến cho dáng hình của non hao gầy, tàn úa. Thế nhưng non vẫn chưa già mà có già thì non vẫn cứ mong chờ nước quay về. Dù thời gian có làm cho non vàng úa phôi pha thì non vẫn cứ khẳng định tình chung với nước, mãi mãi đợi chờ trong mong ngóng. Đồng thời qua đó nhà thơ muốn kín đáo gửi gắm tâm sự của mình là khao khát hồn nước sẽ sống lại, chủ quyền sẽ trở về với non sông Tổ quốc.

Nếu chỉ đọc đến đoạn thơ trên chúng ta cứ nghĩ rằng nước vô tâm vô tình lắm, bạc bẽo lắm thì đến với đoạn thơ tiếp theo chúng ta mới hiểu được nỗi lòng mà nước trao cho non. Dù nước có đi nhưng vẫn để lại lời nhắn nhủ:

“Dù cho sông cạn đá mòn 

Còn non còn nước hãy còn thề xưa 

Non cao đã biết hay chưa? 

Nước đi ra bể lại mưa về nguồn 

Nước non hội ngộ còn luôn 

Bảo cho non chớ có buồn làm chi! 

Nước kia dù hãy còn đi 

Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui”

Nước rằng dẫu cho sông cạn đá mòn thì lời thề nguyện xưa kia vẫn còn là một lời nguyện thề nặng trĩu. Lời thề ấy còn khi mà non và nước vẫn còn. Nước như hỏi non nhưng lại chính là đang nhắn nhủ an ủi non. Nước không đi mãi bỏ non một mình mà nước có ra bể lớn thì cùng lại mưa về nguồn thôi. Khi ấy nước non sẽ hội ngộ, nước dẫu hãy còn đi nhưng nước chắc chắn sẽ trở về. Vậy nên non không nên buồn làm chi. Những lời nói ấy như an ủi động viên non và thể hiện tình cảm sắc son của mình. Đồng thời tác giả bộc lộ niềm tin về một tương lai không xa đất nước sẽ được tự do.

Kết thúc bài thơ Tản Đà đã một lần nữa thể hiện khẳng định lời thề non nước sâu sắc. Tình yêu đôi lứa ấy nhưng cũng chính là lời thề yêu tổ quốc của tác giả:

“Nghìn năm giao ước kết đôi 

Non non nước nước chưa nguôi lời thề”

Con số nghìn năm là một khoảng thời gian rất dài mà thời gian luôn làm cho mọi thứ phôi pha nhạt nhòa và thay đổi. Thế nhưng với non và nước thì nghìn năm chỉ là con số bình thường, lời thề nguyền vẫn cứ được giữ nguyên không bao giờ tan biến.

Như vậy qua đây ta thấy Tản Đà đã vẻ lên trước mắt chúng ta một bức tranh thiên nhiên vô cùng của non nước. Non nước ở đây đã được nhân hóa thành người con trai con gái yêu thương nhau son sắt thủy chung với một lời thề nguyện nghìn năm không thay đổi. Đồng thời qua việc thể hiện tình yêu nam nữ nhà thơ thể hiện tình yêu đất nước, tự do một cách kín đáo.

Phân tích bài thơ “Thề non nước” của Tản Đà – Bài làm 4

Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, ông sinh ra trên quê hương Khê Thượng, Bất Bạt, Sơn Tây nằm cạnh núi Tản sông Đà vì thế cho nên bút danh của ông là Tản Đà. Người ta thường nói Tản Đà là con người của hai thế kỉ là cầu nối giữa hai thời đại thi ca. Ông là nhà thơ của thơ truyền thống nhưng cũng xuất hiện mầm mống của thơ hiện đại. Ông có khá nhiều tác phẩm ngoài những tác phẩm như hầu trời, Khối Tình Con thì chúng ta còn phải kể đến bài thơ Thề Non nước.

Bài thơ được  trích trong tập thề non nước viết về cô đào Vân Anh và người lữ khách. Hai nhân vật ấy ngồi uống rượu, cùng nối lời nhau, làm thơ vịnh bức tranh sơn thủy – bức cổ họa – có 3 chữ triện, chữ Nôm “Thề Non nước” mà thành bài thơ này. Bài thơ viết bằng thể thơ lục bát, gồm 22 câu thơ. Bốn câu đầu là lời vịnh của du khách, 10 câu tiếp theo của cô đào Vân Anh, 6 câu nối tiếp lại là lời của du khách, 2 câu cuối là tiếng thơ của Vân Anh.

Đồng thời qua bài thơ ta thấy rõ sự ca ngợi của nhà thơ với tình yêu say đắm của nam nữ, lại gửi gắm thêm vào đó một tình yêu nước sâu đậm.

Mở đầu bài thơ với bốn câu thơ đầu, lời vịnh của người du tử lữ khách kia:

“Nước non nặng một lời thề 

Nước đi đi mãi không về cùng non 

Nhớ lời nguyện nước thề non 

Nước đi chưa lại non còn đứng không”

Nhắc đến nước và non người ta hay nghĩ đến đó là một bức tranh sơn thủy nhưng không phải vì ở đây nước đã đi rồi không về cùng non nữa. Đoạn thơ gợi lên một hình ảnh của non nước. Đó là một lời thế nặng những nước non bên nhau,cận kề nhau. Trong quá khứ nước nặng một lời thề rằng mãi bên non nhưng hiện tại nước đã đi mãi không về rồi. Chỉ còn mình núi đứng nhìn và trong ngóng, non nhớ đến lời thề của nước. Đó là một lời thề nặng tình nặng nghĩa. Hình ảnh nước non ấy là biểu tượng cho đôi trai gái yêu nhau với những lời thế nặng nghĩa nặng tình. Câu hỏi cuối bài thơ như chất vấn trong lòng người đọc một tình cảm lớn. Đó là tình cảm yêu thương nhưng lại biệt ly. Sự xa cách trong tình yêu khiến cho người ta thấy thương thấy nhớ, không biết rằng người ấy có đợi chờ mình nữa không?!

Sang tiếp mười câu thơ sau là lời của Vân Anh, đó là những dòng thơ đầy tâm trạng, mang đầy màu sắc:

“Non cao những ngóng cùng trông 

Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày 

Xương mai một nắm hao gầy 

Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương 

Giời tây ngả bóng tà dương 

Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha 

Non cao tuổi vẫn chưa già 

Non thời nhớ nước, nước mà quên non! 

Dù cho sông cạn đá mòn 

Còn non còn nước hãy còn thề xưa”

Sự thương nhớ làm cho những người yêu thương nhau phải ngóng trông phải mong chờ từng ngày từng tháng. Sự chờ mong luôn khiến cho người ta đau khổ. Hình ảnh núi cao hiện lên với những chi tiết thể hiện sự nhớ mong của người chờ đợi thạt là buồn nhưng cũng rất đẹp. Tâm trạng ấy không đơn giản là tâm trạng nữa mà nó hiện thân thành những nhớ thương, những hình ảnh cụ thể. Núi cao ấy thương nhó đến mức dòng lệ khô cạn, mái tóc mây đã ngả màu tuyết trắng, nhớ thương đến già đi. Những sóng gió của cuộc tình ấy thì đều làm cho vẻ đẹp đời chờ của non đẹp hơn. Tâm hồn tình yêu của non đẹp như ngọc như vàng. Tình cảm ấy dù cho sông có cạn đá có mòn thì non nước vẫn không quên khi vẫn còn sống trên cõi đời này.

Sáu câu thơ sau lữ khách kia một lần nữa lại lên tiếng:

“Non cao đã biết hay chưa? 

Nước đi ra bể lại mưa về nguồn 

Nước non hội ngộ còn luôn 

Bảo cho non chớ có buồn làm chi! 

Nước kia dù hãy còn đi 

Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui”

Nếu như những câu thơ trên của non hay chính là người con gái trong dáng vẻ và tâm trạng đợi chờ thì đên đoạn thơ này nước hay chính là người con trai đã lên tiếng. câu hỏi tu từ như khẳng định tình yêu chân thật và không quên của nước. Nước đi ra bề rồi lại quay về với non giống như những chàng trai ra đi vì sự nghiệp rồi sẽ có ngày về với quê hương về với người yêu của mình. Đây giống như những lời an ủi tâm tình của nước dành cho non, rằng nước vẫn còn phải đi nữa nhưng dù đi đâu thì nước sẽ về vơi non, vẫn hội tụ đầy tình cảm vì vậy non chớ buồn lam chi.

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về tác dụng của việc đọc sách

Hai câu thơ cuối khép lại bài thơ với sự khẳng định tình cảm đẹp đẽ của non và nước:

“Nghìn năm giao ước kết đôi 

Non non nước nước chưa nguôi lời thề”

Tình cảm ấy, tình yêu ấy mãi không bao giờ ngừng nó sẽ giống như những con sóng kia mãi mãi vỗ vào bờ dù xa vời cách trở. Nghìn năm hay nhiều hơn con số ấy thì nước non vẫn cứ không tách rời, vẫn cứ giao ước kết đôi. Và lời thề xưa sẽ mãi vẹn nguyên như thế.

Qua đây ta thấy Tản Đà đã để lại cho chúng  ta những tình cảm thật sự đẹp, tình yêu đôi lứa sắt son bền vững không vụ lợi không toan tính. Dù cho khoảng cách địa lý có xa xôi, dù cho thời gian có chầm chập trôi thì lời thề non nước vẫn luôn sắt son như thế.

Phân tích bài thơ “Thề non nước” của Tản Đà – Bài làm 5

Tản Đà là một nhà văn nổi tiếng của nền văn học Việt Nam, ông đã có rất nhiều tác phẩm nổ tiếng trong đó bài thơ Thề non nước là một tác phẩm hay và mang những nét cổ điển sâu sắc của dân tộc, những hình ảnh mang đậm giá trị này cũng luôn tạo được những giá trị niềm tin sâu sắc cho mỗi con người.

Tản Đà là một nhà văn của dân tộc Việt Nam bài thơ thề non nước đã mang đậm nét giá trị nhân văn trong lòng của tác giả, những hình ảnh mang một lời thề với non sông đất nước, đã khắc sâu trong tâm trí của nhà văn. Mở đầu bài thơ tác giả đã mang một lời thề với nước non, những giá trị đó để lại cho cuộc sống của mỗi người những lời nguyện ước hoàn thành được xứ mệnh của mình đối với dân tộc. Nước và non là hai danh từ mang đậm giá trị chung, khi những hình ảnh của nước non luôn thấm đẫm giá trị sâu sắc trong tác phẩm, nước non đã mang nặng lời thề.

Ở đây tác giả đã dùng hai từ nước và non để thể hiện ước nguyện thề nguyền với dân tộc, nước và non đã thề nguyền sánh bước bên nhau, nhưng ở đây tác giả đang nhập mình vào hai trạng thái này để nói lên cảm xúc của chính mình đối với dân tộc đối với đất nước, những giá trị của nó mang đậm màu sắc và những trạng thái của non nước quê hương:

Nước non nặng một lời thề

Nước đi đi mãi không về cùng non

Nhớ lời nguyện nước thề non

Nước đi chưa lại non còn đứng không

Non cao những ngóng cùng trông

Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày

Xương mai một nắm hao gầy

Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương

Ở đây nước non đã thể hiện những giá trị quê hương và đậm chất dân tộc đã mang những màu sắc sáng chói lên những niềm tin yêu về một dân tộc của chúng ta, nước non luôn là những cặp luôn luôn đi cùng bên nhau, và nguyện thề sẽ sống cùng nhau mỗi ngày, bao sóng gió cũng vượt qua được tất cả, giá trị của nó cho dân tộc cũng mang những màu sắc tươi tắn, nước đi đã nguyện thề và luôn luôn bên nhau , khi nước đi non vẫn đang đứng chờ và ngóng cùng trông nhau.

Hình ảnh đó đã mang đậm những giá trị sâu sắc của cuộc sống, và những dòng lệ đã tuôn dài theo năm tháng, trông chờ đang ngày một héo úa, và tóc mây đã mang những máu đầy tuyết sương, ở đây tuyết sương thể hiện sự chờ mong về một lời thề nguyền sâu sắc đối với dân tộc của mình:

Giời tây chiếu bóng tà dương

Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha

Non cao tuổi vẫn chưa già

Non thời nhớ nước, nước mà quên non!

Những sự ngóng chông chờ đợi đã được lộ ra mỗi ngày, khi thiên nhiên mang đậm màu sắc của những sự ngóng trông và trông chờ về những lời thề ước sẽ luôn bên nhau, không mang theo những nỗi lầm và sự tiếc nuối về những gì đã qua. Lời thề ở đây có thể được coi như một lời nguyện ước, và những hình ảnh mang đậm màu sắc của thiên nhiên và những lời nguyện thề sẽ sánh vai cùng bên nhau. Nước và non sẽ không xa nhau, khi nó phơi lên trên đất nước những lời nguyện thề với nước non và hình ảnh đó đã mang những giá trị tươi tắn ngọc ngà, và mang màu sắc những nét vàng ngọc ngà chưa phôi pha.

Thời gian càng trôi đi, những nét đẹp của non nước ngọc ngà vẫn sáng bừng lên những ngọn ánh sáng bừng lên ngọn lửa của hy vọng và hy vọng về một tương lain tươi sáng hơn, khi những nỗi nhớ của nước non luôn luôn xuất hiện trong cuộc sống của mỗi con người. Non và nước luôn luôn bên nhau và nguyện thề cùng với nhau, những nỗi nhớ không tên đó đã khắc sâu những khoảnh khắc, có giá trị và ý nghĩa nhất trong mọi người. Những hình ảnh đó đã hiện lên trên mọi cảm giác để luôn luôn sánh bước với nhau trong cuộc đời.

Dù cho thời gian có trôi đi, sự vật thay đổi thì non nước vẫn luôn luôn nguyện thề cùng bên nhau để vượt lên trên cuộc sống, sống những năm tháng có giá trị. Ở đây non và nước được tổng hợp thành danh từ đất nước, hay nước non đó là chỉ về một quê hương, một đất nước, và giá trị của nó là để cho dân tộc những hoài niệm sâu sắc nhất. Mỗi người đều có thể dễ thấy điều đó qua cách diễn đạt mang màu sắc tươi tắn, vui vẻ và hạnh phúc nhất, những giá trị của nó luôn mang những hoài cổ về một lời thể ước sẽ luôn luôn bên nhau:

Dẫu rằng sông cạn đá mòn

Còn non còn nước hãy còn thề xưa

Non xanh đã biết hay chưa?

Những lời nguyện thề đó của non và nước là một biện pháp ẩn dụ để nói lên nghệ thuật sử dụng biện pháp ẩn dụ để nói lên cuộc sống và sự thề nguyền của con người, những hình ảnh đó cũng đậm màu sắc và những lời thề của anh hùng dân tộc về đất nước của mình, luôn luôn thề nguyện sẽ hy sinh tất cả vì dân tộc, và nước non là những từ để cho họ gắn tâm trạng và thổi hồn của mình vào đó biết bao cảm xúc và giá trị nhất của con người, cho dù cho sông cạn đá mòn, cũng giống như một hoàn cảnh sống có khó khăn đến như thế nào thì họ vẫn luôn luôn phấn đấu vì đất nước, vì một nền dân tộc, mạnh mẽ sống trong những khoảnh khắc bên nhau, và nguyện thề với nhau trong những khoảnh khăc tuyệt vời và có giá trị nhất của con người:

Nước đi ra bể lại mưa về nguồn

Nước non hội ngộ còn luôn

Bảo cho non chớ có buồn làm chi!

Nước kia dù hãy còn đi

Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui

Nghìn năm giao ước kết đôi

Non non nước nước không nguôi lời thề.

Khi đi mang một lời thề và sẽ luôn luôn nguyện ước cùng với nhau, mỗi ngày giá trị đó sẽ được nâng cao hơn, khi nước non luôn hội ngộ những lời thề ước của dân tộc, nước đi nhưng luôn luôn mưa về cội nguồn của dân tộc, những hình ảnh đó đã làm sống động lên sự sống của mỗi con người, nhưng khi nguyện thề bên nhau họ vẫn có những lời nguyện ước bên nhau và có những khoảnh khắc bên nhau hạnh phúc khi nó luôn nguyện ước vẫn luôn được cải thiện và cho dù như thế nào đi chăng nữa thì nghìn năm vẫn luôn nguyện ước cùng với nhau, trong những khoảng khắc hạnh phúc và giá trị nhất cho mỗi con người.

Thề non nước là một bài thơ mang đậm giá trị và những lời nguyện thề luôn sánh bước cùng với nhau trong những giây phút hạnh phúc nhất, đó là một cặp được sánh đôi với nhau trong những lời nguyền thề và nỗi nhớ đó không hề bị phôi pha đi những cảm giác về một thời non nước của dân tộc. Một dân tộc giàu truyền thống quý báu.

Với một chí khí lớn chính tâm hồn của tác giả đang dần được biểu hiện một cách rõ ràng và chi tiết về cuộc đời của chính mình, đối với dân tộc, đó là những chí khí lớn của một anh hùng đối với sự nghiệp của đất nước, chúng ta luôn luôn có thể tự hào về điều đó, khi tác giả đã thể hiện chí khí của những người trai, những tâm hồn đang dần lan tỏa biết bao nhiêu cảm xúc của con người, cảm xúc đó là dịu dàng và mang đậm giá trị to lớn trong khoảng khắc và sự yêu thương to lớn đối với chính dân tộc của mình.

Bài thơ đã mang thêm dòng tâm trạng to lớn của tác giả về đất nước đó là những cảm nhận riêng và đậm đà cảm xúc của tâm hồn những người có ý chí làm những người anh hùng có công to lớn đối với đất nước.

Bài liên quan

Tìm hiểu về bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Tìm hiểu về bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm – Bài làm 1 Loading……
So sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều

So sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều

So sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em…
Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Vội vàng của Xuân…
Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng Giang của Huy Cận

Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng Giang của Huy Cận

Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng Giang của Huy Cận – Bài làm…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *