Cảm nghĩ về một tình huống đáng cười mà mình gặp trong cuộc sống – Bài làm 1
Từ khi tôi vào cấp ba, bạn bè của tôi nhiều hơn bởi lớp tôi có đến 50 bạn, mỗi người đến từ những huyện khác nhau và xuất phát từ nhiều hoàn cảnh khác nhau. Có một bạn nam thực sự rất thu hút sự chú ý của tôi và các bạn trong lớp, không phải vì đẹp trai, học giỏi mà bởi vì tính hay “khoe khoang”, đã rất nhiều lần bạn ấy làm lớp tôi có những trận cười vỡ bụng.
Bạn ấy tên Khoa, tôi nghe nói nhà bạn ấy ở thị trấn, gia đình rất có điều kiện. Vừa vào lớp 10 mà bạn ấy đã có xe Liberty để đi học và dùng điện thoại Iphone. Ngoại hình của Khoa cũng không có gì đặc biệt, bạn ấy còn thấp hơn cả tôi cũng chẳng đẹp trai gì. Về thành tích học tập, Khoa cũng chỉ học ở mức trung bình. Vậy mà có một sự thật là Khoa rất tự hào về bản thân mình. Vì điều gì ư? Vì những tài sản giá trị mà bạn ấy được bố mẹ cung cấp đó là xe máy và điện thoại. Những lúc lớp tôi đang tập trung học thì tiếng chuông điện thoại của Khoa reo lên khiến cô giáo và các bạn phải chú ý, đã nhiều lần Khoa bị các thầy cô nhắc nhở. Trong giờ thảo luận nhóm, Khoa không mấy khi góp ý kiến mà lại lấy điện thoại ra chơi điện tử. Đến giờ ra chơi, chúng tôi ra sân trường chơi nhảy dây, ném bóng còn Khoa thì ngồi một mình trong lớp vừa nghe nhạc vừa lướt facebook. Có những lần bị thầy cô nhắc nhở nhưng Khoa thường cười khẩy rồi nói điều đó quá bình thường, Tết biếu cô rỏ quà là xong ấy mà. Nghe xong câu nói đó mà tôi cảm thấy thật nực cười khi bạn ấy nghĩ mọi thứ quanh đi quẩn lại cũng chỉ là tiền trong khi bạn ấy không hề làm ra nó. Những câu chuyện mà Khoa kể chỉ là điện thoại, shopping, game và những bộ phim hành động. Thật chẳng thú vị chút nào! Có một điều đáng chú ý hơn là bạn ấy luôn khoe khoang với mọi người trong lớp là nhà ban ấy rất giàu, thích gì được đấy. Hôm thì khoe áo mới, hôm lại khoe quần mới. Những lần đầu, lớp tôi còn nghe Khoa chia sẻ, nhiều lần sau cũng không mấy ai để ý gì. Có lần, Khoa cãi nhau với một bạn và nói bạn ấy rằng học giỏi để làm gì, người giỏi phải là người có tiền.
Thực sự, tôi thấy những câu chuyện và lời nói của Khoa thật buồn cười. Bạn ấy không hiểu rằng những gì bạn ấy đang có đều là do bố mẹ vất vả làm nên, và đáng ra bạn ấy phải cảm thấy trân trọng công sức của bố mẹ và luôn phấn đấu để làm bố mẹ hài lòng. Xe đẹp, điện thoại đẹp cũng chẳng có gì đáng tự hào khi những thứ đó không phải do công sức của mình làm nên. Thật đáng buồn cười khi bạn ấy đã tự tin thái quá về bản thân, mà những thứ bạn ấy có cũng chưa đến mức để người khác phải quan tâm và cảm thấy ghen tị.
Ở lứa tuổi học sinh, việc quan trọng nhất là học tập. Nếu bạn học giỏi thì cha mẹ sẽ luôn cảm thấy hài lòng và thầy cô sẽ khen ngợi bạn, đó mới là điều chúng ta cảm thấy tự hào về bản thân. Chứ không phải việc chúng ta chỉ biết hưởng thụ và không biết cố gắng. Những gì bạn Khoa thể hiện chỉ làm người khác cảm thấy buồn cười chứ không hề ghen tị một chút nào. Bạn ấy không biết bản thân mình là ai, và mình có gì hơn người khác để tự hào. Khoa tự tách mình ra khỏi tập thể và hưởng thụ cuộc sống riêng của mình. Bạn ấy đang sống không đúng với lứa tuổi của mình, dần dần bạn ấy tách mình ra khỏi tập thể và tự cô lập mình. Điều này thật đáng thương chứ không đáng tự hào chút nào.
Là học sinh, chúng ta cần xác định động cơ học tập đúng đắn từ đó điều chỉnh thái độ và hành vi phù hợp. Ta luôn trân trọng những gì bố mẹ dành cho ta và lấy đó làm mục tiêu phấn đấu, phải luôn cố gắng để khẳng được mình và được mọi người tôn trọng. Không nên tự tin thái quá về bản thân và coi thường người khác, ngược lại ta nên sống hòa đồng và tôn trọng những người xung quanh.
Cảm nghĩ về một tình huống đáng cười mà mình gặp trong cuộc sống – Bài làm 2
Lớp 10 B của mình có một bạn được mọi người phong cho biệt danh là “vua nổ” vì cậu ta có thể “nổ” về mọi vấn đề, ở mọi lúc mọi nơi. Dường như không nhận ra được hàm ý mỉa mai, giễu cợt trong cái biệt danh ấy nên Thiên “nổ” không ngớt. Vì thế mới xảy ra một chuyện buồn cười mà tôi sẽ kể cho các bạn nghe. Chuyện là thế này:
Sau khi khai giảng được độ hai tháng thì cô chủ nhiệm tổ chức đi tham quan ở Củ Chi để các thành viên trong lớp có dịp làm quen và gắn bó với nhau hơn. Hôm đó là chủ nhật nên khách tham quan khá đông, có cả mấy tốp du khách nước ngoài. Nhìn các anh chị hướng dẫn viên giới thiệu bằng tiếng Anh về lịch sử của vùng vành đai thép Củ Chỉ với hệ thống địa đạo nổi tiếng, chúng mình thích lắm và mình ao ước giá như có được khả năng nói tiếng Anh lưu loát như vậy thì tốt biết bao! Đương nhiên chỉ là ao ước mà thôi vì trình độ nói và nghe của mình còn ở mức lõrn bõm, tiếng được tiếng chăng.
Chẳng hiểu Thiên nghĩ sao mà tách khỏi lớp, đi theo tốp du khách Anh, trong đó có một cô gái khá xinh. Thiên làm quen bằng mấy câu xã giao thông thường và được cô gái kia vui vẻ đáp lại. Được đà, cậu ta phấn chấn và bắt đầu huyên thuyên, miệng nói, tay quơ ra dấu minh họa. Lạ ở chỗ là Thiên càng nói thì cô bạn gái người Anh kia càng nhún vai, lắc đầu và cứ nhắc đi nhắc lại một câu: “I don’t undarstand !” (Tôi không hiểu!)..Rồi cô gái ấy rảo chân bước theo đoàn lúc đó đã đến gần khu địa đạo.
Giá như Thiên im lặng, nhưng quen thói ba hoa, cậu ta “nổ” vung lên rằng: “Minh giới thiệu địa đạo Củ Chi với du khách người Anh hẳn hoi nhé !”. Tùng “ lém” nổi tiếng nói thẳng nói thật và cũng giỏi tiếng Anh nhất lớp bèn hỏi : “What did you tell her about it?” (Bạn đã nói những gì về địa đạo với cô ta?).
Thiên lúng túng hồi lâu, mặt và tai đỏ như ớt chín vì không trả lời được cảu hỏi ấy. Mấy tiếng cười “chọc quê” bật ra nhưng Tùng đã đưa tay lên môi ra hiệu im lặng để Thiên đỡ mắc cỡ. Mình và các bạn nữ cũng ái ngại cho cậu ta. Chắc bữa nay, “vua nổ” được bài học nhớ đời.
Ba hoa là một thói xấu, phải không các bạn. Người xưa đã khuyên: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”. Thành ngữ cũng có câu: “Thùng rỗng ,kêu to”. Càng ngẫm, mình cảng thấy đúng như vậy. Muốn giỏi, thì phải học và học thực sự để nâng cao trình độ của bản thân, chứ không phải để khoe khoang, ra vẻ ta đây hơn người. Trường hợp của Thiên tự nhiên nhắc mình nhớ đến câu ca dao châm biếm:
Thầy dốt mà đọc canh khôn,
Đến lúc đọc dồn, ỉ ả ì a !!!
Cảm nghĩ về một tình huống đáng cười mà mình gặp trong cuộc sống – Bài làm 3
Trong cuộc sống, ai ai cũng gặp vài ba tình huống đáng cười. Riêng tôi, tôi đã gặp không dưới chục lần những chuyện có thể cười cả ngày. Nhưng có một lần, tôi gặp một tình huống cười ra nước mắt!
Gia đình cậu tôi có thể nói là đông con. Các bạn biết rằng, ở quê tôi người ta rất coi trọng con trai, nếu chưa có con trai họ cứ sinh con cho đến khi nào có được một cậu “quý tử” mới thôi. Biết là sinh quá nhiều sẽ không phù hợp với quy định của nhà nước nhưng “phép vua thua lệ làng” biết làm sao đây? Gia đình cậu tôi cũng thế. Cậu đã có ba đứa con gái, đứa nào cũng xinh xắn, học giỏi, ngoan ngoãn nhưng vì chưa có con trai nên cả nhà ai cũng thấy chưa hài lòng. Cách đây nửa năm, mợ tôi sinh một em trai, cả họ nhà tôi mừng lắm!
Thỉnh thoảng, tôi vẫn vào trông em cho cậu. Nhà cậu có một chiếc võng để dỗ trẻ em. Nhưng thật không may, tôi không thể ngồi được võng. Các bạn biết đấy, những người say tàu xe nếu ngồi võng sẽ thấy rất chóng mặt. Vậy là dù thăng bé có khóc toáng lên, tôi vẫn phải ôm nó mà nhún nhẩy dỗ dành. Thêm nữa, em vốn quen năm võng rồi, đặt xuống giường một lúc là nó khóc toáng lên! Chẳng biết làm sao nữa, vậy là dù nó thức hay ngủ, tôi vẫn phải ôm nó khư khư trên tay!
Một hôm, tôi vào trông em cho mợ. Sáng hôm ấy cậu tôi không ra đồng mà ở nhà sửa lại cái cánh cửa. Chiều hôm ấy, tôi có bài kiểm tra tiếng Việt nên vừa trông em vừa nhẩm bài. Thằng bé con đang ngủ ngon lành trên tay tôi, còn tôi đang nhăn trán nhớ lại mấy câu thành ngữ. Đột nhiên, cậu chặt chát một cái vào miếng gỗ, thằng bé giật mình khóc thét. Tôi vẫn đang nhẩm lại câu thành ngữ thấy vậy cũng giật mình nói to lên: “Quýt làm cam chịu!”. Ôi thôi! Thế là cậu tôi quay sang trừng mắt nhìn tôi:
Mày không bế thì thôi, bảo cậu một tiếng cậu nhờ người khác. Con cậu đẻ thì mấy đứa cậu cũng nuôi được không khiến mày nói vào. Đi học mới được tí chữ đã về nói kháy cậu mợ!
Thế là trong khi tôi còn sững người chưa hiểu cậu nói gì thì cậu đã ôm lấy thằng bé con. Trời ạ! Vậy hoá ra, cậu nghĩ tôi nói câu ấy là có hàm ý bảo cậu sinh nhiều con để tôi phải bế chúng nó vất vả, khổ sở. Nào tôi có ý ấy, sự vô tình trùng hợp giữa câu nói trong bài học với hoàn cảnh thực tế đã khiến cậu hiểu nhầm tôi. Nhưng liệu cậu có tin đó chỉ là ngẫu nhiên trùng hợp? Tôi đau khổ, vừa buồn cười vừa ấm ức nhưng vẫn phải cố lấy bộ mặt ăn năn nhất ra xin lỗi cậu.
Tôi biết mình không chủ động gây lỗi trong chuyện này nhưng rõ ràng tôi đã vô ý mà khiến cậu thấy bị xúc phạm. Lần sau, tôi sẽ phải cẩn thận hơn trong mọi tình huống, nhất là cẩn thận với lời nói của mình. Tôi giật mình nhớ đến lời của ai đó đã nói: Một câu nói có thể giết chết một con người!