Phân tích vẻ đẹp trữ tình của nhân vật trong bài ca dao “Hôm qua tát nước đầu đình” – Bài làm 1
Trong kho tàng ca dao – dân ca phong phú của dân tộc ta, tình yêu nam – nữ là một đề tài rất phổ biến. Có thể nói những câu ca dao hay nhất, những khúc hát đẹp nhất phần lớn đều nói về tình yêu với những cung bậc sắc thái khác nhau. “Tát nước đầu đình” là bài ca dao tỏ tình, là khúc nhạc dạo đầu cho một bản tình ca. Ở đây, chàng trai – nhân vật trữ tình đã hiện lên với vẻ đẹp tuyệt vời, vừa thật thà, chân thành vừa thông minh tinh tế. Chính nhân vật này đã góp phần tạo nên vẻ đẹp độc đáo của bài ca.
Người xưa thường nổi “vạn sự khởi đẩu nan”, tức là mọi việc khó nhất là ở khâu mở đầu. Mở đầu cho một câu chuyện tỏ tình vốn là câu chuyện hết sức tế nhị, kín đáo thì lại càng khó khãn gấp bội. (Có lẽ, vì thế nên từ xa xưa, ông bà ta thường phải nhờ cậy vào người làm mối để tạo cầu nối giữa đôi trai gái,để giúp họ (nhất là bên người con trai) vượt qua được bước đầu khó khăn này). Tuy vậy, tình yêu vốn huyền diệu, nên ở mỗi thời, ở mỗi hoàn cảnh, người con trai thường có cách thức riêng để đạt mục đích ấy, đúng như nhà thơ Xuân Diệu đã nhận xét; “Khi trong lòng đã có chút tình ý, người ta bỗng nhiên có những sáng kiến, những ve vãn, những thông minh, những hát ca…”. Để làm quen, để bắt chuyện với cô gái mà mình đã thầm yêu vụng nhớ, có ngưòi ngỏ lời xin gáo nước:
Hỡi cô gánh nước quang mây
Cho anh gáo nước tưới cây ngô đồng.
Người thì lại tình nguyện xin được cùng cắt cỏ:
Cô kia cắt cỏ một mình
Cho anh cắt với chung tình làm đôi.
Cô còn cắt nữa hay thôi,
Cho anh cắt với làm đôi vợ chồng.
Còn chàng trai – nhân vật trữ tình trong bài ca dao này đã khéo léo tìm được cái cớ là xin cái áo bỏ quên. Anh ta mở đầu:
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.
Như vậy, việc bỏ quên cái áo được giới thiệu thật cụ thể: có thời gian (hôm qua), có không gian (đầu đình) và gắn với một công việc lao động quen thuộc của người nông dân là “tát nước”. Vị trí cái áo bỏ quên cũng được xác định cụ thể “trên cành hoa sen”. Câu chuyện tưỏng như có lí, thậm chí được trình bày khá chính xác, nhưng kì thực lại rất vô lí, khiến người đọc bài ca phải băn khoăn: Sen làm gì có cành? Có ai dại dột để áo lên hoa sen yếu ớt? Thì ra, đây chi cái cớ được chàng trai sáng tạo, để có cơ hội giãi bày lời tỏ tình mà mình đã ấp ủ từ lâu. Và điều quan trọng là những câu mở đầu này gợi ra được cả một khung cảnh quen thuộc, có những hình ảnh dường như đã trở thành ước lệ khi nói về nông thôn Việt Nam. Đình làng vốn là nơi thờ cúng, song đồng thòi nó cũng là nơi diễn ra những hội hè đám, là nơi gặp gỡ hẹn hò của bao thế hệ trai gái quê ta. Chả thế, từ xa xưa đâ có câu hát xao xuyến lòng người:
Qua đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu
Bên cạnh hình ảnh “đầu đình” còn có hình ảnh của “hoa sen” bình dị “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Những hình ảnh nói trên ít nhiều đã tạo nên ở cô gái và người đọc một trường lý tưởng thẩm mĩ và chứng tỏ nhân vật chàng trai đây là một nông dân vừa gắn bó với nghề nông vừa không kém phần tinh tế trong việc tạo nên cái cớ để tiếp cận cô gái. Hơn nữa, nếu đặt hai câu mở đầu trong hoàn cảnh diễn xướng, ngoài ngôn ngữ của bài ca, còn có “ngôn ngữ” cùa đôi mắt tình tứ, của nụ cười đằm thắm…, thì không ai nghĩ ràng, cô gái sẽ chỉ ra cái vpp lí của chàng trai, trái lại chắc rằng cô sẽ tiếp nhận câu chuyện một cách tự nhiên, hồn nhiên và xem đấy như là cách nói hoa mĩ làm đẹp lòng người nghe của một chàng trai tinh tế, có văn hoá giao tiếp. Vả lại cô gái có lạ gì cách nói hoa mĩ ấy. Nó vẫn thường thấy trong ca dao, giúp trai gái bộc bạch những tình cảm của mình một cách kín đáo đáng yêu:
Bây giờ mận mới hỏi đào:
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa ?
Mận hỏi thì đào xin thưa:
Vườn hồng có lối, nhưng chưa ai vào.
Như thế cũng có nghĩa là lời mở đầu đã được chấp nhận, bởi sự khéo léo, tinh tế của chàng trai. Tiếp theo, anh ta đưa ra lời ướm thử:
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà?
Câu đầu buông ra tự nhiên. Người để quên hỏi vu vơ, may ra nhận được vật cũ cũng là lẽ thường tình. Nhưng đến câu thứ hai rõ ràng có sự chuyển biến đột ngột, bất ngờ, tạo nên một sự ràng buộc thật khó chối từ. Và nghiễm nhiên, cô gái bỗng trở thành đương sự, được đưa vào trong cuộc một cách tự nhiên, ở cái tuổi trăng tròn, khoé mắt và nụ cười đều biết nói, cô hiểu được mục đích cuộc trò chuyện này, và biết rằng mình đang đối diện với một chàng trai thông minh, tế nhị nhưng cũng đầy chất nam tính vừa hào hoa vừa chân thật, vừa láu lỉnh vừa rất đỗi táo bạo và tự tin…
Có lẽ cô gái khó tránh khỏi sự lúng túng trước sự dắt dẫn câu chuyện qua đột ngột của chàng trai chãng. Dường như đoán được tâm trạng ấy, chàng trai liên kể tiếp câu chuyện với những lời thật chân thành và ngọt ngào:
Áo anh sứt chỉ đường tà …
Áo anh sứt chỉ đã lâu.
Như trên đã nối chiếc áo bỏ quên chỉ là cái cớ để chàng trai giãi bày lời tỏ tình. Đến đây, hình ảnh chiếc áo lại được nhấc đến một lần nữa. Có phải từ xa xưa, tấm áo, chiếc khăn là những vật dụng hàm chứa nhiều khả nảng làm cho con tim người thiếu nữ dễ dàng rung động? Bởi có lẽ chúng đánh thức thiên chức vá may của họ trong cuộc sống gia đỉnh. Trong ca dao không hiếm những câu, người phụ nữ nói về tấm áo thật cảm động, như:
Chồng ta áo rách ta thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
hay:
Áo xông hương của chồng vắt mắc
Đêm em nằm, em dấp lấy hơi.
Do đó, có thể nói, chàng trai hoàn toàn có dụng ý khi nhắc đến chiếc áo. Và điều đáng lưu ý nữa là sự nhắc lại này được diễn ra hết sức tự nhiên. Vì bất cứ ai muốn nhận lại của đã mất thì việc đầu tiên là phải mô tả lại vật đó. Đặc điểm lớn nhất của tấm áo mà anh con trai nói đến là “sứt chỉ” ở “đường tà” anh không nói màu gì, dài rộng ra sao; áo anh chỉ “sứt chỉ” và “sứt chỉ đã lâu”, chứ không bị rách. Như vậy, anh chỉ thiếu người khấu vá, mong có người khâu vá “từ lâu” chứ không phải là kẻ túng bấn. Anh gợi tình yêu chứ chẳng cẩn lòng thương hại. Bởi lẽ từ thương hại đến coi thường chỉ là gang tấc, mà bị coi thường thì làm sao có tình yêu. Đến đây, một lần nữa, cô gái và người đọc không thể không cảm nhận được tình cảm thiết tha và tư thế đàng hoàng của nhân vật trữ tình trong khi bày tỏ tình yêu.
Nhưng, tất cả những chi tiết nêu trên chẳng qua chủ yếu cũng chỉ là phần “dẫn dắt” để chàng trai đưa ra được thật đúng lúc thông tin quan trọng nhất sau đây:
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu.
Nhờ chiếc áo sứt chỉ anh giới thiệu được trọn vẹn nét chính yếu trong bản “Sơ yếu lý lịch” của mình, giải đáp được nỗi băn khoăn thường thấy của những cô gái trước khi nhận lời đính hôn. Điéu q trọng hàng đầu là anh chưa có vợ, anh vẫn hoàn toàn đơn chiếc và có mẹ già, tức là có một chỗ nương tựa tuyệt vời: “Mẹ già bằng ba lần cửa”. Gia đình anh ổn định; quá khứ và hiện tại của anh không có điểu gì bất bình thường khiến cồ gái phải đắn đo, trái lại nó có thể hứa hẹn một cuộc sống êm ấm hạnh phúc.
Đến đây, trái tim cô gái chắc đã cố ít nhiều rung động, song cũng khó tránh khỏi sự e thẹn. Chàng trai liền chuyển cách xưng hô cụ thể, xác định “anh” – “em”, bằng cách sử dụng đại từ ngôi thứ ba “cô ấy”, như một đại từ phiếm chỉ, nhưng vẫn khá xác định trong văn cảnh cũng như trong mạch trữ tình của bài ca:
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Mặc dù “cô ấy” có thể hiểu là cô Hổng, cồ Huệ nào đó, nhưng đây khồng thể có cồ nào khác ngoài người đang nói chuyện với anh.
Như thế, chính từ “cô ấy” làm cho câu chuyện về việc trăm năm thành kín đáo, tế nhị, “giữ” người con gái, cho dù là người cả thẹn, vẫn có thể nán lại nghe anh nói tiếp ! Ở thời điểm này chi cẩn thô vụng một chút, suồng sã một chút, cô gái cũng có thể bỏ đi (vì e thẹn hoặc vì tự ái) và việc tỏ tình sẽ thất bại. Ở đây, chàng trai đã “giữ” được cô gái lại không những bằng sự chân thành thiết tha mà còn bằng sự khôn khéo trong việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp. Vào những trường hợp như thế, lối nói vòng vo, lấp lửng nhiều khi lại tỏ ra rất hiệu quả.
Đến đây, có thể hiểu chàng trai không những mang ơn cô gái (vì đã trả lại áo) mà anh còn phải trả công (theo lẽ thường tình) vì cô đã khâu hộ áo. Chàng trai đã trả công cô thật chu đáo, thật hào phóng:
Khâu rồi anh sẽ trả công
Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho.
Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp đôi trầm em deo.
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.
Bằng biện pháp điệp từ, điệp ngữ và điệp cấu trúc câu, đoạn ca này đột ngột chuyển sang một “gam” khác. Nhạc điệu dường như mạnh và nhanh hơn, thể hiện một niềm hào hứng, hân hoan. Tất cả đổ sính lễ trình ra không thiếu thứ gì, số lượng dổi dào, chất lượng tuyệt diệu. Chắc chắn cô gái cũng như mọi người không ai ngây thơ đến nỗi tưởng lễ cưới này cố thật, tưởng chàng trai kia là giàu có. Nhưng cô gái vẫn có quyền hãnh diện vì qua lời hứa hẹn chứng tỏ chàng kia trân trọng và yêu cô đến chừng nào. Như vậy, ngôn ngữ giàu màu sác khoa trương chắc hẳn được cô gái hiểu ý và lĩnh hội một cách trọn vẹn; và một lần nữa chàng trai lại thành công – thành công bằng sự khôn khéo, chân thành với mong ước tình yêu sẽ được kết thúc bằng hôn nhân, với khát vọng và niềm tin được sống trong phong lưu, sung túc.
Thế là từ việc sáng tạo ra tình huống bỏ quên chiếc áo, chàng trai đã nói được một cách hợp lý và lưu loát cái điều khó nói. vẻ đẹp của bài ca dao này có phần quan trọng là vẻ đẹp, sức hấp dẫn của nhân vật trữ tình – một chàng trai tinh tế, thông minh vặ rất mực hồn nhiên, chân thật.
Phân tích vẻ đẹp trữ tình của nhân vật trong bài ca dao “Hôm qua tát nước đầu đình” – Bài làm 2
Nghệ thuật tỏ tình, thổ lộ của người nông dân biểu hiện trong ca dao, dân ca là sự tinh tế, tế nhị, đậm đà bản sắc dân tộc, quê hương. Đó là một cung bậc độc đáo khởi xướng, mở ra cả một thế giới tâm hồn người dân Việt Nam tồn tại qua bao nhiêu thế kỷ. Hoà lòng ta vào thế giới đó, hãy chọn bài ca dao Tát nước đầu đình. Có thể nói đó là một cung đàn riêng chứng minh được tất cả sắc màu của nghệ thuật tỏ tình dân gian, vừa mộc mạc chân chất, vừa dí dỏm thông minh nhưng không kém phần đắm say, lãng mạn; cái đắm say, lãng mạn của kẻ đang yêu, muốn trao gởi lòng mình.
Hôm qua tát nước đầu đình… mở ra một không gian, một thời gian, một sinh hoạt gần gũi mà nhẹ nhàng. Trên cái nền thân thuộc ấy của hoàn cảnh, xuất hiện một hành động thật đáng suy nghĩ của chủ thể trữ tình:
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.
Đáng suy nghĩ lắm chứ. Vật bỏ quên là chiếc áo mặc trong người. Đối với suy nghĩ chung, chiếc áo thật có nhiều ý nghĩa. Ca dao từng nói:
Người về bỏ áo lại đây
Đêm khuya em đắp (kẻo ngọn) gió tây lạnh lùng
Lại nói:
Yêu nhau cởi áo cho nhau.
Thế mà ở đây, người con trai lại bỏ quên. Bỏ quên ở đâu? ở trên cành hoa sen. Bỏ quên mà nhớ cả chỗ bỏ quên. Nhớ thật chính xác, cụ thể. Chỗ bỏ quên chiếc áo cũng thật thơ mộng, trữ tình: cành hoa sen.
Đến câu thứ ba thì một phần thắc mắc của ta được giải đáp.
Em được thì cho anh xin.
Chưa biết chắc ai nhặt được chiếc áo bỏ quên kia những cứ tin chắc: Em được. Em được thì cho anh xin. Hoá ra, chuyện quên áo chỉ là cái cớ. Một cái cớ rất trữ tình, rất thông minh, nhằm tạo tình huống gặp gỡ và thổ lộ tâm tình.
Như vậy, chúng ta không còn ngạc nhiên nữa. Những câu vừa phân tích chẳng qua chỉ là một nguyên cớ, còn mục đích chính là:
Áo anh sứt chị đường tà
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Chàng trai đã bộc lộ gia cảnh thật tế nhị và chính đáng. Cái chính là vợ anh chưa có và mẹ đã già. Thật táo bạo, người vờ quên chiếc áo nói rõ ý đồ:
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Nói bài ca dao là cả một nghệ thuật tỏ tình đầy màu sắc của người bình dân chính là nói chỗ này. Nghệ thuật đó khi bóng gió, xa xôi, khi táo bạo, mãnh liệt, thiết tha.
Khi thì:
Cô kia cắt cỏ một mình
Cho anh cắt với chung tình làm đôi…
Lúc thì:
Người về ta chẳng cho về
Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ.
Đọc câu tiếp của bài ca dao, ý tình càng tỏ tường:
Khâu rồi anh sẽ trả công
Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho
Giúp em một thúng xôi vò.
Toàn bộ đoạn sau của bài là những vật phẩm cưới hỏi, lễ lạt. Lúc này, nhân vật trữ tình nói hẳn lòng dạ, ý muốn của mình một cách sâu sắc, gián tiếp. Nếu cô nàng ưng thuận cho anh một nghĩa cử thật nhỏ: khâu giúp chiếc áo sứt chỉ đường tà thì công của cô sẽ là: một thúng xôi vò, quan năm tiền cưới, buồng cau, đôi chiếu em nằm…
Một người vô tư nhất cũng nghỉ rằng, nghĩa cử thật nhỏ ấy quả là không nhỏ. Bởi đó là một lời chấp nhận, một trao đáp của tình yêu. Cũng không ai còn nghĩ rằng, vật phẩm trên dùng để trả công như cách nghĩ bình thường. Đó là những hứa hẹn, ước mơ về một cuộc hộ nhân sẽ có, sẽ xảy ra, nếu lời tỏ tình kia được chấp thuận.
Rõ ràng thoạt nhìn, mạch văn và ý tưởng của bài ca dao như mâu thuẫn. Thế nhưng khi ta hiểu được dụng ý của nhân vật trữ tình thì những lời đối thoại trong bài ca dao chính là sự tinh tế, lớp lang trình tự để đạt đến mục đích cuối cùng. Không có lời đối thoại của khách thể là cô gái, thế những ta tin chắc rằng, trước một tấm lòng như thế, một ngôn ngữ thông minh giàu biểu cảm như thế, cô gái sẽ không thể không chấp thuận.
Ngoài cái công lao sẽ được đền bù, đã ẩn hiện một mối tình say đắm yêu thương không kém phần lãng mạn. Nói bài ca dao quen thân và chứa chan sắc thái trữ tình, chính là việc phát hiện ra cái nghệ thuật tỏ tình vừa dí dỏm vừa thông minh kia trong bài ca dao, từ lâu đã trở nên một món ăn tinh thần không thể thiếu của người bình dân Việt Nam.
Phân tích vẻ đẹp trữ tình của nhân vật trong bài ca dao “Hôm qua tát nước đầu đình” – Bài làm 3
Trong văn học dân gian Việt Nam, ca dao có thể xem là thể loại chiếm số lượng lớn nhất. Các bài ca dao này cũng rất phong phú về đề tài, nội dung thể hiện như: về sản xuất, sinh hoạt, phong tục văn hóa…nhưng chiếm đại đa số, khoảng sáu mươi phần trăm nội dung của các bài ca dao, đó chính là về đề tài tình yêu lứa đôi của thanh niên nam nữ, đặc biệt là tình cảm ấy rất hồn hậu, trong sáng, hoàn toàn xuất phát từ tấm lòng chân thành của trai gái yêu nhau và cái mong muốn được tỏ tình, được lên duyên vợ chồng. Vì vậy mà ca dao còn được đánh giá là những : “viên ngọc quý không tì vết”, không hề có sự gia công hay tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Để chứng minh cho điều này, ta sẽ phân tích thông qua bài ca dao “Tát nước đầu đình”.
Bài ca dao “Tát nước đầu đình” là một bài ca dao viết về đề tài giao duyên của đôi trai gái yêu nhau. Trong bài ca dao, chàng trai đã rất chân thành bày tỏ mong muốn làm quen, kết duyên vợ chồng với cô gái, trong các bài ca dao thuộc đề tài này thì bối cảnh của câu chuyện thường là do các nhân vật hư cấu như là cái cớ để bày tỏ, dãi bày tâm sự, đôi khi là tỏ tình, cầu duyên. Chàng trai trong bài ca dao này thì viện vào một lí do rất hài hước, đó chính là để quên áo, nhưng là để quên áo trên cành hoa sen:
“Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
Nhặt được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà”
Nhân vật trữ tình trong bài ca dao này là một chàng trai, anh ta muốn tỏ tình với cô gái trong làng mà anh ta để ý, vì vậy anh ta đã tìm ra bối cảnh để dãi bày cái tâm sự ấy. Ở đây, anh ta tìm cớ là đi tát nước ở đầu đình, và khi về thì bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sẽ. Ta sẽ phát hiện ngay ra điểm vô lí ở đây, đó là hoa sen đâu có cành, người ta muốn vắt áo thì sẽ tìm một nơi khác chắc chắn hơn chứ không tìm một nơi yếu ớt như hoa sen, vả lại chiếc áo cũng có thể rơi xuống nước bất cứ lúc nào. Thế mới nói, ca dao là sự phản ánh rất tự nhiên, hồn hậu, như một viên ngọc không tì vết. Bởi ở trong bài ca dao này, mục đích anh ta hướng đến là hai câu thơ sau, chứ đâu có kể nể, dãi bày về việc mất áo.
Mất áo là cái cớ để tỏ tình: “Nhặt được thì cho anh xin/ Hay là em giữ làm tin trong nhà”. Chàng trai đã khẳng định là cô gái đã nhặt được cái áo, anh ta cũng bày tỏ ý định muốn xin lại, nhưng đấy cũng không phải lời nói thật lòng, chỉ là cái cớ để anh ta hỏi dò về tâm ý của cô gái đối với tấm chân tình của mình “Hay là em giữ làm tin trong nhà”, đây là một câu nghi vấn, chàng trai muốn ở cô gái một câu trả lời, một lời giải đáp cho tâm ý của anh ta. Và chỉ đến ngay câu thơ sau thôi, chàng trai đã bộc bạch hết tâm ý, cũng như tình cmar của mình đối với cô gái, nhưng cách nói rất ý nhị, kín đáo chứ không thẳng tuột, rõ ràng:
“Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng
Khâu rồi anh sẽ trả công”
Tuy là lời tỏ tình nhưng vô cùng kín đáo, vẫn mượn chiếc áo, chàng trai nói những lời ý chỉ về tình cảm của mình và mong muốn có thể kết duyên cùng cô gái, chàng trai đã viện cớ rằng áo bị sứt chỉ, mẹ già chưa thể khâu mà anh ta cũng chưa có vợ nên chiếc áo đã bị rách trong tình trạng như vậy rất lâu rồi. “Sứt chỉ đường tà” ở đây có thể hiểu là chàng trai đã mến mộ, yêu thầm cô gái từ rất lâu, nhưng có lẽ đến bây giờ mới có đủ can đảm để tỏ tình, nhưng anh chàng vẫn còn rất bất an bởi không biết cô gái có đồng ý hay không. Vì vậy đây tiếp tục là một câu hỏi dò về tình cảm của cô gái dành cho mình. Và anh ta cũng đã mạnh dạn dãi bày “Khâu rồi anh sẽ trả công”, với cách nói hình ảnh này thì ta nên hiểu theo nghĩa bóng của nó hơn là nghãi bề mặt, rằng nếu cô gái đồng ý thì chàng trai sẽ hết lòng yêu thương, chung thủy với cô gái.
“ Đến lúc lấy chồng anh sẽ giúp cho
Giúp cho một thúng xôi vò
Một con lợn béo một vò rượu tăm
Giúp cho đôi chiếu em nằm”
Và nếu cô gái chịu khâu áo giúp mình thì chàng trai sẽ dốc lòng báo báo công lao ấy, lúc cô gái lấy chồng anh ta sẽ giúp cho một thúng xôi vò, một con lợn béo, vò rượu tăm, chiếu để cho cô gái nằm. Ta có thể nhận thấy đây là những lễ vật rất có giá trị cho ngày cưới của cô gái. Ở đây ta có thể hiểu theo hai cách, cách thứu nhất đó là những vật này cũng là lễ vật mà chàng trai sẽ mang đến hỏi cưới cô gái, nếu như cô gái thuận lòng kết duyên cùng anh ta, hiểu theo cách khác lại thấy được tấm lòng của chàng trai đối với cô gái, thấy được sự chung thủy của chàng trai, dù cô gái không lấy mình thì cũng hết lòng chúc phúc “Giúp cho quan tám tiền cheo/ Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau”. Tuy nhiên, hai câu thơ cuối cùng lại làm cho ta nghiêng về cách hiểu thứ nhất hơn, bởi nó chính xác là những lễ vật dùng cho đám hỏi.
Như vậy, ca dao thường dùng những hình ảnh, những sự việc ngỡ như rất vô tình và không hề liên quan ấy để nói lên cái hữu tình của nhân vật trữ tình. Khi xưa các chàng trai thường dùng những câu ca dao đầy ý nhị để ướm hỏi, thử lòng các cô gái mà mình yêu. Vì vậy mà ca dao được xem như một viên ngọc sáng, đầy tự nhiên, chân thành yêu thì nói, thích thì sẽ tỏ tình, đúng với sự trong sáng của tình yêu.
Phân tích vẻ đẹp trữ tình của nhân vật trong bài ca dao “Hôm qua tát nước đầu đình” – Bài làm 4
Độ lên năm, sáu, tôi vẫn thường ru em bằng bài ca dao “Tát nước đầu đình”. Có thể vì tâm lý tuổi thơ của tôi thích kể về “những món” kiểu : một thúng xôi vò, một con lợn béo, một vò rượu tăm…Và tôi cứ tự hỏi sao ai đó lại hào phóng đến thế chỉ để trả công cho người khâu giùm một đường tà sứt chỉ? Đôi khi tôi lại cao hứng đọc to “ bài ca xin áo” để rồi suy ngẫm về điều này…
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen…
Cách nói của chàng trai – nhân vật trữ tình – khiến ta tin tưởng và chắc cô gái “mới nghe’ cũng tin là thật. Này nhé không gian xác định (đầu đình), thời gian xác định (hôm qua), đến vị trí cái áo bỏ quên cũng xác định (trên cành hoa sen). Và tất cả đều gắn với công việc “tát nước” của chàng trai một cách tự nhiên. Không tin sao được? Nhưng, trong toàn bộ cái bối cảnh mà ta những tưởng là không thể ngụy tạo kia, bỗng thấy đong đưa một “cành hoa sen” khiến ta phải nghi ngờ (ở câu “đưa đẩy bắt vần” cảu bài dân ca Thanh Hoá nổi tiếng cũng có “lên chùa bẻ một cành sen”… như cách nói ở đây). Phải rồi, hoa sen làm gì có cành? Mà hoa sen mảnh dẻ, mềm yếu ai lại nghĩ đến chuyện vắt áo lên nó bao giờ? Thì ra, cái áo bỏ quên chẳng qua chỉ là cái cớ để chàng trai “vào đề” với cô gái là “tín hiệu giao duyên” được phát ra một cách tình tứ. Cái áo, ấy là một cái cớ hay, tiềm tàng nhiều khả năng làm rung động người con gái, để bày tỏ hoàn cảnh, ước muốn… Hẳn vì thế mà trong ca dao, cái áo mới trở thành mô típ quen thuộc:
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay
Hay
Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
Vâng, quả không hề có chuyện bỏ quên áo để đến xin cũng như sẽ không có chuyện “cởi áo cho nhau” … Trong tình yêu, thường có những cách nói vòng, đi vòng đáng yêu như vậy (“cái ngày em chưa lấy chồng, đường gần anh cứ đi vòng cho xa…” Nguyễn Bính). Phải có một cái cớ nào đấy để bày tỏ lòng yêu, để thốt ra được điều khó nói ấy… cái cớ của Kim Trọng là thuê nhà trọ học, là trả lại kim thoa bắt được… (truyện kiều). Cớ thì là giả nhưng tình lại rất chân thành. Vì thế, người đọc không mấy ai đi căn vặn “hoa sen làm gì có cành?”, mà lại tiếp nhận một cách thích thú trước cách nói hoa mỹ, làm đẹp lòng người nghe. Van sự khởi đầu nan, lời mở đầu lấp lửng và vì thế mà đã trót lọt. Chàng trai vẫn tỉnh khô, tiếp tục thăm dò ướm thử:
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà?
Câu trên ý tứ, nhã nhặn bao nhiêu thì câu dưới thắt buộc bất ngờ, táo bạo bấy nhiêu. Táo bạo quá đi còn gì! Đã không có chuyện quên áo thì làm gì có chuyện “được”, “xin”, “để làm tin trong nhà”? Hơn nữa, mấy ai “dại dột” “để làm tin” một chiếc áo “sứt chỉ đường tà” “đã lâu”? Thế mà chàng trai vẫn cứ tảng lờ như không, quyết lôi cô gái vào cuộc, tạo nên một sự ràng buộc thật khó chối từ. Cái nam tính, cái thông minh là ở chỗ này, cái duyên, cái tế nhị cũng chính chỗ này. Bằng “giác quan thứ sáu” của tuổi yêu đương, người con gái nào mà chả nhận thầy sự thay đổi “thời tiết” trong không khí buổi “trò chuyện chỉ hai người”, và chớm hiểu… Còn đang bị chấn động trong cái không khí nửa vời, người con gái chột nghe đụng vào trái tim mình:
Áo anh sứt chỉ đừơng tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng
Đành rằng xin áo thì phải mô tả đặc điểm cái áo để xin, nhưng sao lại kể mẹ già vợ con làm gì? Lại nữa, cái áo sứt chỉ hay “sứt chỉ đã lâu” thì cũng thế thôi, có liên quan gì đến việc xin áo đâu? Đúng là thừa, song chỉ thừa trong việc xin áo, còn vô cùng cần thiết trong việc gợi tình thương (“áo anh sứt chỉ”) và mở lối cho tình thương đến tình yêu trong lòng cô gái (“vợ thì chưa có…”). Áo anh sứt chỉ thôi chứ đâu có rách, nghĩa là chỉ đủ gợi tình thương chứ không gợi lòng thương hại (vì lòng thương hại thì làm sao dẫn đến tình yêu đích thực được?). Đã “sứt chỉ đường tà” lại còn “đã lâu” nên rất cần một bàn tay đảm đang giúp đỡ, một tấm lòng ấm áp bù đắp. Câu thơ đã làm rung động trái tim người con gái, đánh thức dậy trong cô thiên chức phụ nữ với đường kim, mũi chỉ. Và chỉ khi tạo ra cái phút rung động ấy, anh con trai mới nói trôi được cái lời khó nói nhất trong buổi mới lạ lung này “vợ anh chưa có…”. Thế là cái áo do anh “sáng tạo” ra, đã giúp anh làm rung lên những sợi dây tình cảm trong tim cô gái, anh còn biết nhấn thêm cho nó ngân nga…Anh cũng biết dừng lại đúng mực để chuyển cách “xưng hô”:
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng
Còn cô nào nữa ngoài người đang đối diện với anh? Nhưng nói “cô ấy” thì vẫn cho phép thoáng mơ màng nghĩ đến một cô Mơ, cô Mận, cô Đào nào đó… Cái cách xưng hô vừa xác định, vừa phiếm chỉ đã làm cho cô gái dù có cả thẹn đến đâu cũng vẫn có thể nán lại nghe tiếp. Giá thử thay từ “cô ấy” bằng từ “em”, hẳn cô gái sẽ phải “đỏ mặt lên” ngúng nguẩy bỏ đi và coi như việc tỏ tình đứt gánh giữa đường. Con đường dẫn đến tình yêu, đâu phải bao giờ cũng thẳng băng, đôi khi vẫn có thể lắt léo một chút, ngoằn ngoèo một chút, miễn tả cái tình phải chân thật, cái lòng phải sang trọng.
Khúc nhạc tình ca chuyển giai điệu: cô gái được xin áo đã trở thành cô gái khâu giúp áo. Trả lại áo chỉ là ơn thôi, khâu áo mới là tình. Dòng chảy được khai thông thì cứ thế tuôn ào ạt:
Khâu rồi anh sẽ trả công
……………………
Quan năm tiền cứơi lại đeo buồng cau
Những lời thật hào phóng, đẹp đẽ, câu thơ liền mạch, nhạc điệu nhanh, mạnh tạo ấn tượng về một sự viên mãn hân hoan… Một, một, một rồi đôi, đôi, đôi, một thì một thúng, một con, một vò, đôi thì đôi chăn, đôi chiếu… gợi đến sự nồng nàn của men say tình yêu đôi lứa. Rồi nhảy vọt lên “quan tám tiền cheo, quan năm tiền cưới”, “lại đèo buồng cau” thu tất, hậu hĩnh quá chừng! Xuân Diệu thì nói: “lòng anh thôi đã cưới lòng em”, còn anh con trai nông dân thì thay lời đó bằng món đồ sính lễ tưởng tượng. Tuy nhiên, cho đến tận “phút chót”, chàng trai vẫn dùng lời nói lấp lửng mà có duyên. Cái nút đã được mở rồi, không còn là chuyện xin áo nữa, mà là chuyện trả công… cả một lễ cưới cho người khậu giúp áo. Chỉ phải khâu một đường tà sứt chỉ mà “giúp cho” nhiều thế? Sao lại tốt bụng và chu đáo nhường ấy? Bằng linh cảm nhạy bén của người con gái, cô đã thực sự nhận ra một điều kỳ diệu, chàng trai muốn cùng cô kết duyên, kết ngãi… Nếu tưởng tượng trong khung cảnh giao duyên, hẳn lúc này ta sẽ thấy hiện lên cái long lanh tình tứ của con mắt liếc đong đưa và nụ cười đầy ngụ ý của cô gái: biết cả rồi, ai mà chả biết cái kiểu “muốn ăn gắp bỏ tay người” của anh, nhưng em sẽ không … phản đối đâu!
Sính lễ thật hoàn hảo, song bạn chớ nên nghĩ rằng chàng trai giàu có. Có thể, đó chỉ là sức mạnh của tình yêu, là ước mơ táo bạo của tuổi trẻ về một đám cưới tương lai với đầy đủ lễ vật cổ truyền và là tấm lòng yêu chân thành của chàng trai đối với cô gái, nó cũng giống như ước mơ “xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân”. Tình yêu thường làm cho người ta đẹp thêm lên, biết hướng về phía trước, cách nhìn, cách nghĩ của họ được viền màu sắc lãng mạn…
Bài ca dao mở đầu bằng một tín hiệu giao duyên (cái áo) và kết thúc bằng một tín hiệu hôn nhân (buồng cau). Có thể ví bài ca dao như một cánh diều no gió, bay cao quá đỗi tận mây xanh, song vẫn có một sợi dây cột chặt với mặt đất – thực tế. Ở khía cạnh này, bài ca dao đã thể hiện trọn vẹn quan niệm tiến bộ trong tình yêu của người nông dân Việt Nam. Với họ, tình yêu là thứ tình cảm trong sáng, chân thành, lành mạnh, là nền tảng trong hôn nhân và hạnh phúc gia đình.
Tát nước đầu đình là một trong những bài ca dao hay nhất, tình tứ nhất thể hiện nét đẹp văn minh, văn hoá trong tình yêu của người Việt Nam.
Phân tích vẻ đẹp trữ tình của nhân vật trong bài ca dao “Hôm qua tát nước đầu đình” – Bài làm 5
Tát Nước Đầu Đình là một bài ca dao tỏ tình hay nổi tiếng của dân tộc. Bài ca dao này đặc biệt rất vui, vừa tươi về ý vừa đẹp về lời.
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Khâu rồi anh sẽ trả công
Ít nữa lấy chồng anh lại giúp cho.
Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.
Qua bốn câu đầu (c.1-4) , chàng trai ngỏ lời với cô bạn về chuyện bỏ quên áo và xin lại áo.
Đây có thực là chủ đích của chàng không? Hẳn là không rồi. Chính thế, câu chuyện bỏ quên áo chàng kể dù rất tự nhiên với đầy đủ những chi tiết cụ thể như:
Thời gian: hôm qua, chứng tỏ việc mới xảy ra.
Điạ điểm: đầu đình, nơi có đầm sen, một khung cảnh êm đềm,thân quen, vừa cổ kính vừa thơ mộng nơi thôn dã.
Trường hợp: đi tát nước, một công việc lao động bình thường.
Nhưng sau đó, chi tiết bỏ quên cái áo “trên cành hoa sen” đã làm cho câu chuyện đảo lộn tất cả:Chuyện đang thực trở thành hư cấu, lời nói đang bình thường trở thành ba hoa.
Song hư cấu mà dễ thương vì bịa đặt bởi hữu tình, cố ý mượn cớ quên áo để làm quen; và ba hoa mà thanh nhã, có duyên.
Nếu xét về lý, không ai lại vắt cái áo trên cành hoa sen, một loại cành nhỏ, rỗng, “trong thông, ngoài thẳng” rất giòn, dễ gẫy, áo tất sẽ rơi xuống đầm nước
Nhưng xét về tình thì hình ảnh chiếc áo vắt trên cành hoa sen chẳng là một cách nói cho đẹp lời, đẹp ý mỹ nhân hay sao? người thiếu nữ nào mà không ưa thích những hình ảnh thanh nhã, lời nói lịch sự bóng bẩy? Vả trong thực tế, có chàng trai nào tán gái mà không ba hoa, bay bướm? Có chàng còn đòi ngả cành hồng làm cầu, bắc qua sông đón bạn tình sang chơi nữa là:
Đôi ta cách một con sông
Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang.
Thì chuyện “Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen” không phải là điều khó hiểu. Huống chi trong những lời trò chuyện tình tứ giữa trai gái, những hình ảnh hư hư thực thực như thế lại dễ làm cho tình cảm các cô man mác, tâm hồn các cô bềnh bồng trong cõi mộng mơ. Bởi thế, ta có thể tin rằng lời kể chuyện có chút ba hoa nhưng thanh tao và duyên dáng kia đã gây được thiện cảm của đối phương.
Lại nữa, từ câu 3 sang câu 4, không khí trò chuyện đã thay đổi rõ rệt:
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà?
Từ lời hỏi han thân mật, lịch sự vừa phải, chuyển sang lời ướm hỏi, thăm dò một cách ỡm ờ, nửa đùa nửa thực; nửa như có ý trêu ghẹo hóm hỉnh, nửa lại có ý tấn công một cách âu yếm tình tứ, làm cô gái thẹn thùng luống cuống, không kịp phản ứng hay chưa biết phản ứng ra sao
Không bỏ lỡ cơ hội, chàng trai liền dẫn câu chuyện cái áo bỏ quên đi xa hơn trong bốn câu tiếp (c.5-8)
Áo anh sứt chỉ đường tà
Lần nầy chàng lấy cớ áo bị “sứt chỉ đường tà”, để giới thiệu hoàn cảnh gia đình của mình một cách khéo léo, tế nhị:
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Phụ nữ thường hay thắc mắc về người bạn trai đang tán tỉnh mình còn độc thân hay đã có gia đình, biết được tâm lý ấy, chàng trai liền trả lời ngay cho bạn yên lòng.
Đã qua được hai điểm khó khăn khởi đầu của cuộc tỏ tình là gợi chuyện làm quen và giới thiệu gia cảnh, chàng trai tiến thêm bước thứ ba:
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Chàng nói ra cái điều chàng không được ai săn sóc để gợi lòng thương cảm của cô bạn, đồng thời chàng lại có cớ đưa câu chuyện đi xa hơn nữa: “áo anh sứt chỉ đã lâu” mà chưa ai khâu cho, thôi thì:
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Và để tiến vào giai đoạn chót của cuộc tỏ tình, chàng trai đưa đề nghị về chuyện trả công trong 8 câu cuối (c.9-16):
Khâu rồi anh sẽ trả công
Ít nữa lấy chồng anh lại giúp cho.
Anh giúp những gì nào?
Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo.
Còn hơn thế nữa kia:
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.
Những gì chàng hứa trả công, hứa giúp toàn là đố sính lễ rước dâu, như vậy ý chàng đã rõ, chàng muốn cưới nàng làm vợ, và đây chính là lời cầu hôn vậy.
Chàng trai sử dụng đại danh từ phiếm chỉ ”cô ấy” một cách mập mờ, nửa kín nửa hở trong lời đề nghị mượn khâu là rất khéo, vì nếu cô gái tỏ ý không bằng lòng, chàng còn có lối thoát: “tôi mượn cô ấy chứ có mượn em đâu”.Đồng thời cũng là cách nói gián tiếp tế nhị cho đối tượng khỏi thẹn.
Đặc biệt khi kể về những đồ sính lễ trong ngày rước dâu, giọng chàng trai bỗng trở nên rộn ràng, hào hứng: những từ ngữ “giúp em” với “một” rồi “đôi” được lập đi lập lại dồn dập, xen kẽ nhau, chẳng khác nào tiếng lòng reo vui, phấn khởi của chàng lúc đó, vì chàng tin rằng mình đã thành công, cô bạn gái đã chịu chuyện, lắng nghe và hoàn toàn im lặng. “Im lặng là bằng lòng!”, con gái xưa nay chẳng thế sao?!
Chúng ta cũng biết, trong nhiều bài ca dao trữ tình khác, cái áo thường được nhắc đến như một phương tiện để bầy tỏ tình cảm của nhân vật, như:
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay.
hay
Chàng về để áo lại đây
Phòng khi em đắp, gió tây lạnh lùng.
Hay
Yêu ai tha thiết, thiết tha
Áo em hai vạt trải ra chàng ngồi.
v.v…và v.v
Nhưng cái áo bỏ quên trên cành hoa sen ở đây phải kể là một sáng kiến độc đáo. Nó không chỉ là cái cớ dẫn khởi mà còn được khai triển trong từng giai đoạn tấn công tình cảm đối phượng, cũng như thổ lộ tình yêu cuả chàng trai ở đây, để tiến dần đến chuyện cầu hôn thành công như ý muốn.
Tóm lại, câu chuyện “bỏ quên áo” trong bài ca dao Tát Nước Đầu Đình trên là hoàn toàn hư cấu: Cái áo bỏ quên kia có thật không mà hỏi xin lại Ai đã bắt được áo và đã trả lại chưa mà đòi mượn khâu? Tà áo có sứt chỉ thật không? Mà dẫu có thì cũng không ai trả công và giúp đỡ người khâu bằng từng ấy lễ vật, rõ là cái áo tưởng tượng! Nhưng cũng chính nhờ vào những chi tiết tưởng tượng, hư cấu bầy đặt ấy mà chàng trai ở đây đã bộc lộ được một sự thật, rất thật, đó là tình yêu trong sáng, thơ mộng, lãng mạn và cũng rất trân trọng, đằm thắm của chàng đối với người con gái mà chàng muốn cưới làm vợ.
Bài ca dao Tát Nước Đầu Đình quả là một bài ca dao tỏ tình tuyệt vời, nó đẹp từ hình thức đến nội dung, nó sẽ mãi mãi còn gây được niềm xúc động xôn xao và thú vị trong lòng độc giả, nhất là đối với lứa tuổi thanh xuân đang bước vào ngưỡng cửa của tình yêu.
Nhân đây tôi cũng xin giới thiệu một bài ca dao khác, cùng một đề tài tỏ tình, và cũng mượn chuyện quần áo làm cái cớ để cầu thân, rồi tính dần đến chuyện hôn nhân, để chúng ta có dịp nhận xét:
Tình cờ bắt gặp nàng đây
Mượn cắt cái áo, mượn may cái quần
Để mà kết nghĩa tương thân
Sau này chỉ Tấn, tơ Tần se duyên.
Đọc bài ca dao sau, ta thấy sao nó trơ trụi quá, nó chỉ có xác mà không có hồn. Ngay xác nó cũng khô cứng, thiếu hẳn những gì gọi là duyên dáng, óng ả của ngôn từ, của cách diễn đạt. Về nội dung nó chỉ là một chuỗi ý xếp cạnh nhau, thiếu hẳn cái hồn, cái cảm xúc của tác giả. Điều này cho ta thấy, có ý chưa đủ mà còn cần phải có hứng cảm; nhờ hứng cảm, ý thoát ra được thành những lời thơ mềm mại, tự nhiên, có sức hấp dẫn và phản chiếu được tâm hồn cùng tình cảm của tác giả.
Phân tích vẻ đẹp trữ tình của nhân vật trong bài ca dao “Hôm qua tát nước đầu đình” – Bài làm 6
Hãy đặt bài ca vào môi trường diễn xướng của nó, trong một cuộc trò chuyện giao duyên giữa đôi nam nữ. Chàng trai mở lời:
Hôm qua tát nước đầu đình
Cô gái Việt nào trên đồng quê ngày trước nghe câu hát mà chẳng bồi hồi khi được gợi lại cái không khí lao động hội hè đã trở thành một cảnh tượng náo nức suốt một thời tuổi hoa tuổi nụ (Các anh tát nước gàu giai, Chúng em hai đứa tát hai gàu sồng ; Hỡi cô tát nước bên đàng, Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi…). Mà đây lại là tát nước đầu đình. Đầu đình là chốn tụ hội đông vui của trai thanh gái lịch, là nơi phường phố của làng quê, nơi hẹn hò tình duyên của bao lứa đôi, từ xưa, đã ngân lên câu hát xao xuyến lòng người: Qua đình ngả nón trông đình, Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu…
Từ khung cảnh trữ tình ấy, tín hiệu giao duyên cất lên tình tứ:
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen.
Nhưng có thật như thế hay không? Cách nói của chàng trai khiến ta tin là thật và chắc cô gái mới nghe cũng tin là thật. Thời gian xác định. Không gian xác định. Đến vị trí cái áo bỏ quên cũng xác định. Và tất cả đều gắn với công việc làm ăn của chàng trai một cách tự nhiên. Không tin sao được? Nhưng, trong cái bối cảnh mà ta đa tin là sẽ không hề nguỵ tạo kia, bỗng thấy đong đưa một cành hoa sen – cái đong đưa rất là hữu lí đã khiến ta phải nghi ngờ. Phải rồi, sen làm gì có cành, mà hoa sen vốn mảnh mai, mềm yếu, có ai vắt áo lên nó bao giờ? Cái áo bỏ quên chẳng qua cũng chỉ là một cái cớ để chàng trai vào đề với cô gái, nó chính là một mô-típ thường thấy trong lời mở đầu những khúc hát giao duyên. Không hề có chuyện bỏ quên áo để đến xin, cũng như không hề có chuyện cởi áo cho nhau, cởi nhần cho nhau trong những câu ca khác. Vì vậy, nếu thử tưởng tượng hoàn cảnh diễn xướng của bài ca dao, ta sẽ thấy hiện lên cái long lanh tình tứ của những con mắt liếc và cái nụ cười ngụ ý biết cả rồi…. ấy thế mà người đọc không mấy ai căn vặn. Hoa sen làm gì có cành, mà lại tiếp nhận hình ảnh này một cách tự nhiên như là một cách nói hoa mĩ, làm đẹp lòng người nghe (trong tình yêu thường có những cách nói hoa mĩ rát đáng yêu như vậy). Vì sao có nghịch lí này? Vì trong cái cớ giả lại có cái tình thật của chàng trai, và hơn ai hết, những cô gái nhạy cảm như cô gái trong bài ca này hẳn phải biết điều đó.
Lời mở đầu, tuy lấp lửng, nhưng như thế là trót lọt. Chàng trai tỉnh khô, phát một tín hiệu thăm dò:
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà?
Câu trên ý tứ, nhã nhặn bao nhiêu thì câu dưới lại thắt buộc táo bạo, bất ngờ bấy nhiêu. Và tất cả đều là không thực. Đã không có chuyện bỏ quên áo, thì làm gì có chuyện được, xin, chuyện để làm tin trong nhà. Nhưng chàng trai vẫn cứ tảng lờ như không, vẫn tỉnh khô, vẫn nói một cách lấp lửng… để thăm dò, và nhất là để thắt buộc, lôi cô gái vào cuộc, tạo nên một sự ràng buộc thật khó chối từ. Cái duyên, cái nam tính, cái tế nhị, thông minh, chính là ở chỗ này. Và bao trùm lên tất cả là nỗi lòng chân thật, khát khao, là tình yêu thiết tha của chàng trai đối với cô gái. Ở cái tuổi trăng tròn, khoé mắt và nụ cười đều biết nói, làm sao mà cô không cảm được điều này, không nhận ra mục đích của cuộc trò chuyện? Làm sao mà cô không bị chấn động trước tấm lòng thành thực và phong độ đường hoàng của chàng trai?
Còn đang trong tâm trạng bàng hoàng của giây phút đầu tiên nhắp men say tình yêu, cô đã nghe thánh thót bên tai những lời ngọt ngào dễ thương:
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Bốn câu nói liền một mạch như rượu ngọt kề môi uông liền một hơi khiến trái tim cô rung động, lòng cô xao xuyến. Còn chàng trai, nhờ cái áo bỏ quên (do bịa ra làm cớ) đã tuôn ra một mạch gia cảnh của mình và nói trôi được cái điều khó nói nhất trong buổi mới lạ lùng này: Vợ anh chưa có… Ta có thể tin – và cô gái cũng vậy – những điều anh nói là có thực, là thành thực. Nhưng nếu xét trên mục đích xin áo thì đoạn này quả là có nhiều chi tiết thừa. Ừ thì cho rằng phải mô tả đặc điểm cái áo để xin, nhưng sao lại kể lể gia cảnh mẹ già, vợ con ; lại nữa, cái áo mới sứt chỉ hay sứt chỉ đã lâu thì có liên quan gì đến việc xin áo? Đúng là thừa, nhưng chỉ thừa trong việc xin áo, còn lại rất cần thiết trong việc gợi tình thương và mở lối cho tình yêu trong lòng cô gái, Cái áo sứt chỉ được nhắc lại hai lần thật tế nhị và đầy ý nghĩa. Áo anh sứt chỉ thôi, chứ đâu có rách, nghĩa là chỉ đủ gợi tình thương chứ không gợi lòng thương hại, vì tình thương thì mới dẫn đến tình yêu, còn lòng thương hại thì làm sao có ái tình? Đã sứt chỉ đường tà lại sứt chỉ đã lâu, rất cần một bàn tay giúp đỡ, một tấm lòng bù đắp. Câu thơ rung động trái tim người con gái, đánh thức dậy trong cô thiên chức đường kim mũi chỉ trong cuộc sống gia đình. Cái áo (do anh sáng tạo ra) đã giúp anh nói lên được nhiều điều khó nói một cách khá trôi chảy. Nhưng anh biết dừng lại đúng lúc để chuyển cách xưng hô thật khéo léo:
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.
Còn cô nào ở đây nữa ngoài người đang nói chuyện với anh? Nhưng cô ấy vẫn có thể hiểu là một cô nào đấy… cô Mơ, cô Mận, cô Đào chẳng hạn. Cách xưng hô vừa xác định vừa phiếm chỉ đã lọt tai cô gái, làm cho câu chuyện nói việc trăm năm trở nên kín đáo, tế nhị, và dù có cả thẹn đến đâu, cô vẫn có thể nán lại nghe anh kể tiếp (Trong trường hợp này, nếu thay từ cô ấy bằng từ em xác định, thì cô gái có thể đỏ mặt lên, ngúng nguẩy bỏ đi, và việc tỏ tình sẽ thất bại). Như vậy là, một lần nữa, cái cách xưng hô lấp lửng này của anh đã thành công. Thế mới biết, trong tình yêu người ta đến với nhau nhiều khi không phải bằng những đường thẳng, những lời nói trực tiếp, mà bằng những đường cong giai điệu (chữ dùng của Vưgôtxki), những cách nói lấp lửng, có duyên… (Cái ngày em chưa lấy chồng, Đường gần anh cứ đi vòng cho xa…). Miễn là cái tình phải chân thật, cái lòng phải sáng trong!
Cái từ cô ấy đã mở đường cho bài ca đi nốt đoạn cuối. Cô ấy đã chuyển bài ca sang một hướng khác: không còn lai cô gái được áo để đến xin mà đã trở thành cô gái khâu giúp áo để trả công. Trả lại áo thì chỉ là ơn thôi nhưng khâu giúp áo thì mới là tình. Cái nút thắt của bài ca là ở đây và cái mở nó cũng ở từ này. Và khi đã khơi được tảng đá thì dòng suối tuôn chảy ào ạt:
Khâu rồi anh sẽ trả công
Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho
Giúp cho một thúng xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm
Giúp cho đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp, đôi trầm em đeo
Giúp chi quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.
Chàng trai đã nói liền một hơi những lời chân tình, hào phóng, đẹp đẽ. Nếu mục đích chỉ là xin áo thì những lời lẽ đẹp đẽ này hoàn toàn thừa và trở nên vô nghĩa (xin áo sao lại nói chuyện đồ sính lễ?), nhưng nếu là bài ca tỏ tình thì đây lại là những điều không thể thiếu, bởi vì tình yêu cuối cùng phải dẫn đến hôn nhân và đó là một quan niệm tiến bộ của người bình dân xưa trong ca dao. Ai chứ cô gái Việt ngày xưa thì lại càng rất quan tâm đến vấn đề này. Và chàng trai đã đáp ứng được điều đó bằng cách dựng lên trước mắt cô cả một lễ cưới chu tất với những đồ sính lễ hậu hĩnh quá chừng. Cô gái có quyền hãnh diện khi lễ cưới của mình được chuẩn bị đầy đủ nồng hậu đến mức đó. Đến đây, từ cô ấy đã chuyển sang từ em nồng, nàn, tha thiết:
Giúp cho đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp, đôi trầm em đeo.
Chàng trai trân trọng cô đến chừng nào và cũng yêu cô biết bao! Tám câu thơ liền mạch, nhạc điệu dường như mạnh và nhanh hơn tạo nên ấn tượng về một sự viên mãn hân hoan.., Tất cả đều tròn trịa, tất cả đều đầy đặn nói lên cái ước mơ nên vợ nên chồng, mong muốn cuộc sống sung túc của nhân vật trữ tành trong bài ca.
Nhưng chớ vội tưởng rằng chàng trai là con nhà giàu có. Lễ cưới quá ư đầy đủ, đồ sính lễ thật là tuyệt diệu! Không phải. Đó chỉ là sức mạnh của tình yêu, ước mơ táo bạo của tuổi trẻ, và ở đây, còn là tấm lòng chân thành của một chàng trai đang yêu đối với cô gái mà mình trân trọng. Giống như ước mơ xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân, như giấc mơ đẹp về đám cưới của chàng trai kinh thành muốn huy động đặc sản của nhiều vùng đất nước vào hôn lễ của mình. Tình yêu bao giờ cũng làm cho họ đẹp thêm lên, hướng về phía trước, và cảnh tượng lễ cưới trong bài ca này đã được viền quanh bằng những sắc màu lãng mạn.
Nếu như hình ảnh lễ cưới làm cho bài ca thêm ý vị, đậm đà thì cái sắc màu lãng mạn của nó đã làm cho lời tỏ tình thêm nồng đượm men say. Nhưng có lẽ cái hay nhất, cái thú vị nhất ở đây vẫn là cái lối nói lấp lửng rất có duyên của chàng trai thông minh, tế nhị. Cái nút đã được cởi rồi, không còn là chuyện xin áo nữa mà là chuyện trả công cho người khâu giúp áo bằng cách khi em lấy chồng thì anh sẽ giúp cho … cả một lễ cưới chu tất và hậu hĩnh! Nhưng em lấy ai? Chàng trai chỉ buông một câu lấp lửng:
Khâu rồi anh sẽ trả công
Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho…
Không nói rõ là lấy ai nhưng lời ca vẫn đem lại cái cảm giác hương bay gió thoảng của một con người tình tứ có duyên. Anh đã có vợ hay chưa, Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào… Đó là con người mà cô nhận khâu giúp chiếc áo và sẽ trả công cô tất hậu. Chỉ khâu lại một đường tà sứt chỉ mà trả công bằng cả một lễ cưới hậu hĩnh! Sao lại thế nhỉ? Saolại có con người chu đáo và tốt bụng đến thế? Mà sao anh ấy chỉ giúp cho mình? Còn mình thì đã có ai đâu mà cưới? … Bằng linh cảm của người con gái, cô bỗng nhận ra cái điều kì diệu ấy: Còn ai nữa, chính là anh ấy muốn cùng mình kết duyên, nên vợ nên chồng, và anh ấy sẽ chuẩn bị một lễ cưới thật là chu đáo! Trong môi trường diễn ra khúc hát giao duyên, hẳn là lúc này, cô gái sẽ lườm yêu chàng trai một cách đầy ngụ ý: tôi thừa biết cái kiểu muốn ăn gắp bỏ cho người của anh rồi, nhưng tôi cũng không… phản đối đâu.
Bài ca mở đầu bằng một tín hiệu giao duyên (chiếc áo bỏ quên) và kết thúc bằng một tín hiệu hôn nhân: buồng cau. Từ lời tỏ tình mà đi đến hình ảnh một đám cưới. Lãng mạn, bay bổng mà vẫn thiết thực, cụ thể. Tinh tế, thông minh mà hồn nhiên, chân thành. Đó là những nét đẹp dân gian của bài ca nói lên quan niệm tiến bộ trong tình yêu của người bình dân Việt Nam: tình yêu phải trong sáng, chân thành, tế nhị nhưng phải dẫn tới hôn nhân cụ thể để xây dựng gia đình hạnh phúc. Một nội dung tốt đẹp, một tình cảm lành mạnh như vậy đã làm cho bài ca mãi qua năm tháng
Nhưng cái còn đọng lại trong lòng ta sâu đậm nhất, và ngân nga mãi trong tâm hồn ta là vẻ đẹp nghệ thuật của hòn ngọc thơ dân gian này. Đó là cái tứ thơ, cái mạch thơ của khúc hát tỏ tình: từ cái cớ bỏ quên áo đến việc xin áo, đến việc nhờ khâu giúp áp (kết hợp với việc giãi bày gia cảnh) cuối cùng là việc trả công bằng một lễ cừới hậu hĩnh: tất cả đều tự nhiên như cuộc sống thường ngày nơi thôn dã, đều hồn nhiên, trong sáng như cây cỏ, đất trời. Dễ thường ít có cái tứ thơ nào lại đặc sắc, tài tình, sáng tạo như vậy, cái mạch thơ nào vừa bất ngờ lại vừa uyển chuyển, hợp lí đến thế. Đó còn là cái lối nói lấp lửng, tài hoa, duyên dáng của những con người sống nơi đồng nội, duyên lặn vào trong nhưng lời nói thì vẫn gió đưa ngọt ngào… Và phải chăng chính cái lỗi nói lấp lửng này đã tạo nên cốt lõi cho thi pháp một bài ca tỏ tình, một khúc hát giao duyên? Cái tứ thơ, cái thi pháp này lại gắn với những hình ảnh đậm đà sắc màu dân gian của những làng quê đất Việt: cành tát nước đầu đình với cái áo trên cành hoa sen, rồi cái áo sứt chỉ đường tà, và cuối cùng là một đám cưới truyền thống với những xôi vò, lợn béo rượu tăm… Những hình ảnh đậm nét nhất – tuy không được mô tả trực tiếp nhưng vẫn hiện lên rất rõ trong bài ca – là hai con người trong cảnh giao duyên: một chàng trai thông minh, táo bạo ngân lên khúc hát tỏ tình và một cô gái tinh tế, nhạy cảm đáp lại bằng con mắt liếc long lanh tình tứ và nụ cười đầy ngụ ý… Không biết có họa sĩ nào đã vẽ nên hai con người này trong bức tranh Bài ca xin áo? Chỉ biết rằng, vẻ đẹp của họ cứ dần dần được hiện lên qua những dòng thơ… (mà lạ chưa, nhà thơ dân gian không hề mô tả họ trong bài ca).
Cho nên, thưởng thức vẻ đẹp của bài ca dao này cũng giống như xem hoa quỳnh nở ban đêm. Không gian phải yên tĩnh, lòng người phải thanh thản, tâm trí phải tập trung thì mới nhìn thấy hết vẻ đẹp của nó: bài ca như một nụ hoa cứ nở dần, nở dần để lộ ra cái nguỵ thơm tho, kín đáo bên trong, phảng phất mùi hương mê say mà không sao nắm bắt được. Mỗi ý, mỗi tứ đều thấp thoáng cái bóng ẩn hiện của nó, phải đọc kĩ mới thấm thía.
Trong đời chúng ta, đã bao lần đọc bài ca tỏ tình này, mà vẫn chưa thấy hết cái hay của nó!