Đề 1 – Người ấy (bạn, thầy, người thân…) sống mãi trong lòng tôi (P1) – Văn tự sự – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9
Hướng dẫn
Đề 1 – Người ấy sống mãi trong lòng tôi
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
* Nội dung trọng tâm: Người học cần chú ý những ý chính sau:
+ Trước hết, em cần chọn cho mình một đối tượng cụ thể:
– Nếu đó là bạn, thì đó là người bạn nào? Tên gì? Ngoại hình, tính cách, hoạt động ra sao? Có mối quan hệ với em như thế nào? Từ đâu em có được người bạn này?
– Nếu đó là thầy, cô; thì người thầy, người cô ấy tên là gì? Dạy môn học nào? Ngoại hình, tính cách, hoạt động ra sao? Em có ấn tượng như thế nào về giáo viên này?
– Nếu đó là người thân, thì người thân ấy là ai (ba, mẹ, ông, bà, anh, chị, em,…)? Tên gì? Có mối quan hệ với em như thế nào? Em có cảm nhận như thế nào về người thân này?
+ Ở những nét về ngoại hình, tính cách, hành động liên quan đến nhân vật này thì em cần cảm nhận đặc điểm nào gây một ấn tượng mạnh đối với em?
+ Cảm nghĩ của em về nhân vật này?
DÀN Ý CHI TIẾT
Lấy ví dụ là NGƯỜI BÀ.
I. MỞ BÀI
Có thể dẫn dắt bằng một đôi câu thơ hay bài hát liên quan đến bà. (Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm…)
Ngoài cha mẹ là những người sinh thành, dưỡng dục, yêu thương tôi thì người bà cũng là một người tôi luôn kính trọng.
II. THÂN BÀI
1. Miêu tả bà
Vóc dáng, ngoại hình:
+ Lớn tuổi: theo thời gian, tuổi bà đã cao.
+ Tóc bạc trang: tóc bà đã bạc trắng vì sự vô tình của thời gian.
+ Đôi mắt: vẫn còn tinh anh, nhìn rõ tuy đã có vô vàn vết chân chim nơi khóe mắt.
+ Nụ cười: hiền từ, ấm áp chan chứa tình yêu thương con cháu.
+ Đôi bàn tay: gầy guộc và làn da đầy vết đồi mồi.
+ Vóc người: lưng còng, đi chậm rãi vì tuổi cao sức yếu.
+ Trang phục: bộ bà ba màu nâu chân chất, mộc mạc đời thường.
Tính cách:
+ Đối với mọi người xung quanh: luôn quan tâm, giúp đỡ.
+ Đối với gia đình: luôn yêu thương con cái và các cháu của mình, phụ một phần việc cho con cái trong việc trông nhà, giữ cháu,…
2. Kể một kỉ niệm sâu sắc giữa em và bà để thể hiện đúng đề bài “…sống mãi trong lòng tôi”
Tôi là một đứa trẻ có sở thích là hay ăn quà vặt. Hôm ấy, tôi thèm món chè đậu xanh mà bà hay nấu.
Thế là tôi bảo với bà rằng: “Bà ơi, hôm nay bà nấu chè cho cháu ăn nhé, cháu thèm quá”.
Hôm ấy, bà dường như không được khỏe trong người nhưng vẫn cố gắng đi chợ mua đồ về để nấu cho tôi ăn.
Trong khi đó, tôi cũng chỉ là một cậu bé hồn nhiên vô tư chẳng biết gì, chẳng quan tâm gì mà chỉ biết mong chờ món chè mà bà sắp nấu.
Nhìn bà đãi đậu xanh, vắt nước cốt dừa đầy vất vả. Có thể do bà hơi mệt trong người nên ngưng tay một lúc lâu.
Tôi hỏi bà: “Bà có khỏe không, cháu thấy sắc mặt bà không được tốt”. Bà bảo không việc gì phải lo.
Bà tiếp tục nhóm củi, nấu nước.
Nhìn bà vất vả như vậy, sao tự nhiên tôi thấy thương bà quá đỗi!
Tôi cầm chén chè thơm mát, nóng hổi trên tay, ăn từng muỗng chè mà tưởng như nó đong đầy tình cảm bà cháu đầy thân thương.
Sau lần nấu chè ấy, tôi càng thấy thương yêu bà hơn. Dẫu bà không được khỏe nhưng vẫn cố gắng nấu cho cháu của mình những chén chè thơm ngon.
Tôi biết ơn bà nhiều lắm.
3. Cảm nhận về Bà
Bà là người mà tôi luôn hằng quý trọng trong tim.
Mỗi khi vắng mẹ, bà là người đưa tôi vào giấc ngủ say nồng bằng những lời ru ngọt ngào, dịu êm.
III. KẾT BÀI
Tuy bà đã không còn trên cõi đời này nữa nhưng hình ảnh cùa bà vẫn đọng mãi trong tim tôi.Tôi hứa rằng sẽ luôn chăm lo học hành, ngoan ngoãn để trở thành con ngoan trò giỏi, không phụ lòng những người luôn yêu thương và quan tâm đến tôi như người bà thuở nào.
BÀI VĂN THAM KHẢO
BÀI VĂN 1
Cuộc sống của chúng ta có rất nhiều điều thú vị. Những sự vật, hiện tượng, vạn vật gần gũi với chúng ta từng ngày bỗng trở nên quen thuộc. Chắc hẳn ai ai trong lòng cũng có một người quen thuộc, gần gũi và bên ta mỗi ngày. Tôi cũng vậy. “Mẹ” – một tiếng gọi thiêng liêng nhất đời mà tôi luôn tôn thờ và kính trọng.
Mẹ tôi năm nay đã hơn bốn mươi tuổi nhưng nhìn mẹ vẫn còn rất trẻ. Mẹ có mái tóc nâu hạt dẻ tự nhiên óng ánh rất đẹp. Gương mặt hình trái xoan với đôi mắt tượng trưng cho cửa sổ tâm hồn lúc nào cũng nhìn tôi một cách trìu mến và thân thương. Bên cạnh đôi mắt ấy chính là chiếc mũi cao cao rất hợp với gương mặt và cùng với đôi môi hồng rạng rỡ, lúc nào cũng mỉm cười, lộ ra hàm răng trắng đều. Khi mẹ cười, đôi má mẹ ửng hồng cùng với những nét trên khuôn mặt khiến tôi cảm thấy vui và nhìn thấy sự thuần khiết, trong trẻo trong nụ cười ấy. Thời gian trôi qua, trôi qua nhẹ nhàng nhưng nó lại không chờ đợi bất kì điều gì. Tôi không thích thời gian vì khi nó đi qua, nó để lại những nếp nhăn trên vầng trán cao của mẹ. Nhưng đó cũng chỉ là một mà thôi, bên cạnh đó mẹ tôi phải làm việc vất vả nuôi chúng tôi ăn học nên người, suy nghĩ đủ điều cho chúng tôi và cho gia đình nên vẻ đẹp chóng tàn phai như thế. Sự hi sinh ấy tôi không thể nào đáp trả hết. Tôi chỉ muốn nói với mẹ: “Mẹ ơi! Con cảm ơn mẹ. Cảm ơn mẹ đã hi sinh vì chúng con. Cảm ơn mẹ vì tất cả!”. Do phải làm việc vất vả, gian khổ nhiều nên đôi bàn tay cùa mẹ đã chai sần theo năm tháng. Càng nhìn tôi càng cảm thấy thương mẹ nhiều hơn. Làn da của mẹ không còn trắng trẻo như trước nữa cũng chỉ bởi dãi dầu mưa nắng lo cho chúng tôi.
Tính cách của mẹ rất vui, hoa đồng và dễ gần, đối xử với mọi người xung quanh rất tốt nhưng khi làm việc thì rất nghiêm khắc, việc nào ra việc đó. Bởi ai cũng hiểu mẹ nên mẹ luôn được mọi người yêu mến và tin cậy. Trong công việc cũng như với gia đình, mẹ luôn hết mực tận tụy lo lắng cho mọi người. Mẹ sống luôn vì mọi người không phải chỉ riêng bản thân mình. Mẹ làm việc rất cẩn thận, chu đáo, suy nghĩ sâu xa. Tôi học được ở mẹ rất nhiều điều và từ đó tôi cũng hiểu mẹ nhiều hơn. Mẹ là một người nấu ăn rất ngon. Tôi luôn xem mẹ là một “đầu bếp đại tài” mà tôi luôn ngưỡng mộ. Những món ăn mà mẹ nấu tôi đều rất thích. Tôi ấn tượng nhất là món nui do mẹ nấu vì nước súp rất ngon, vừa ăn và cả món trứng thịt kho,… Đối với tôi, mẹ rất tuyệt vời và hoàn hảo. Và còn rất nhiều điều mà tôi cần học hỏi ở mẹ.
Khi gia đình tôi có chuyện gì xảy ra, mẹ luôn tìm hiểu kĩ rồi mới đưa ra cách giải quyết hợp lí. Hơn nữa, mẹ xử lí sự việc rất nhanh gọn và không làm mất lòng mọi người xung quanh. Mỗi việc làm mẹ đều suy đi tính lại rất cẩn thận. Những điều đó đã khiến tôi rất tự hào về mẹ cùa mình.Có một lần khi tôi bị bệnh. Mẹ lo cho tôi, luôn bảo và hỏi: “Con thấy trong người như thế nào? Có nhức đầu không? Có mệt không?…” Những lo lắng sốt sắng của mẹ làm tôi thương mẹ hơn. Mẹ nhắc tôi uống thuốc, ăn đúng bữa,… Khi sốt cao mẹ chườm khăn ướt lên trán tôi để hạ sốt. Mẹ lo cho tôi hằng ngày từ miếng ăn đến giấc ngủ. Tôi rất thương mẹ. Ôi! Sao tôi thương mẹ nhiều đến như thế.
Mẹ ơi! Con yêu mẹ nhiều lắm! Mẹ là vầng trăng soi sáng bước đường con đi. Mẹ luôn cho con cảm giác hạnh phúc và bình yên trong lòng. Cuộc sống của con không thể không có mẹ. Con mất mẹ như cây mất đi nguồn nước. Đó là điều con không bao giờ dám nghĩ đến. Mẹ ơi!
(Bài làm của HS)
BÀI VĂN 2
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
Mỗi khi nhắc đến bài ca dao trên, lòng tôi lại bồi hồi xúc động. Trong mỗi con người chúng ta, ai ai cũng có những kỉ niệm hạnh phúc bên gia đình và người thân, tôi cũng không ngoại lệ. Trong gia đình, mẹ là người luôn chăm sóc tôi cũng như gia đình một cách chu đáo nhất. Mẹ là người sống mãi trong lòng tôi.
Mẹ đã vất vả chín tháng mười ngày để sinh ra tôi. Những tiếng khóc đầu đời của tôi đã làm cho mẹ rơi những giọt nước mắt hạnh phúc, tình yêu thiêng liêng ấy không gì có thể sánh nổi. Bây giờ, mẹ tôi đã ngoài bốn mươi tuổi. Mặc cho thời gian có làm phai mờ con người, nhưng mẹ vẫn mãi trẻ đẹp trong trái tim tôi. Nghe mọi ngưòi trong xóm nói rằng lúc mẹ tôi còn thời con gái, mẹ tôi là người đẹp nhất xóm nhưng thời gian đã làm cho mẹ tôi không còn đẹp như xưa nữa. Trán mẹ giờ đã hằn in những nếp nhăn, những vết chân chim nơi khóe mắt. Ôi! Thật xót xa.
Mẹ đã cực khổ khi chăm sóc cho hai chị em tôi. Công việc hằng ngày của mẹ là nội trợ, nghe qua thì thấy thật đơn giản nhưng lại đòi hỏi về sự khéo léo, tỉ mỉ và sự kiên nhẫn rất cao. Công việc đầu tiên mà mẹ tôi thường làm là đi ra chợ mua những nguyên vật liệu tươi ngon nhất và bổ dưỡng nhất để về nhà chế biến cho gia đình những món ăn thật ngon.
Thế nhưng, đôi lúc tôi khiến cho mẹ buồn vì những việc làm sai của mình, tôi thật sự thấy hối hận. Tôi còn nhớ như in hồi học lớp Năm, tôi làm kiểm tra chỉ được ba điểm. Khi mẹ tôi nhìn vào bài kiểm tra, mẹ liền bỏ xuống và đi lên phòng. Tôi thoáng nhìn thấy đôi mắt đo đỏ, cay cay, rồi những giọt lệ bắt đầu tuôn rơi. Có lẽ mẹ đang rất buồn vì tôi bị điểm kém. Từ đó, tôi đã tự nhủ với lòng mình rằng sẽ luôn chăm chỉ học tập thật tốt và luôn là con ngoan, trò giỏi trong lòng mọi người.
Ngày xưa, mẹ là một giáo viên dạy môn Ngữ vãn. Nhưng vì bố hay đi công tác xa, nên mẹ phải chăm sóc chị em tôi. Với vốn kiến thức ngày trước, mẹ đã truyền lại cho chúng tôi những kiến thức hữu ích về môn Văn, về cách giao tiếp ứng xử sao cho phù hợp… Mẹ như là một giáo viên rất tuyệt vời trong lòng tôi.
Đối với tôi, mẹ là tất cả. Mẹ đã hi sinh biết bao thời gian và công sức để nuôi nấng và dạy dỗ tôi nên người. Tôi nghĩ rằng, mẹ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hôm nay và tương lai của chúng tôi. Tôi chỉ muốn nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi, con yêu mẹ nhất trên đời. Con sẽ làm bất kì điều gì để mẹ vui lòng. Mẹ là tất cả của đời con.”
(Bài làm của HS)
BÀI VĂN 3
Chắc hẳn ai cũng đã từng một lần nuối tiếc muốn quay về tuổi thơ đầy ắp những kỉ niệm đẹp đẽ bên người thân. Tôi cũng vậy, thỉnh thoảng những năm tháng trẻ con của tôi cứ hiện lên như một thước phim quay chậm, mà trong đó hình ảnh bà nội tôi là rõ nét nhất. Nụ cười hiền hậu và ánh mắt sâu thẳm của nội không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi.
Tôi không biết bà nội đã ở bên cạnh tôi từ khi nào, chỉ nhớ rằng tôi lớn lên cùng với mùi dầu gió, những bài ca xưa cũ ở thành phố hoa phượng đỏ và những câu chuyện bà kể. Không giống với những người bà khác, nội tôi không có gương mặt bầu bầu phúc hậu, thay vào đó là một gương mặt của sự lam lũ, vất vả hơn nửa đời mưu sinh nuôi ba tôi và các anh chị của tôi ăn học. Những nếp nhăn trên trán, trên tay, chân nội và cả nhũng vết chân chim hằn sâu nơi đuôi mắt bà trông thật khắc khổ. Vậy mà lúc bé xíu, tôi lại ngây thơ hỏi rằng: “Nội ơi! Sao da nội nhăn nheo thế ạ?” Lúc ấy, nội nở nụ cười hiền hậu trả lời: “Khi già thì da sẽ nhăn con à” Tôi thì thấy những nếp nhăn của nội thật đặc biệt bởi vì ba mẹ tôi đều không có những nếp nhăn rõ như vậy, tôi thích thú vuốt vuốt trán nội rồi ôm lấy nội, thơm lên những nếp nhăn của bà. Nhưng đối với tôi, ấn tượng nhất ở bà nội là đôi mắt. Mặc dù mắt nội đã không còn tinh anh nhưng nội luôn nhìn tôi tràn đầy yêu thương, mỗi khi tôi phá phách, bướng bỉnh cãi lời ba mẹ, thấu hiểu điều đó nội chỉ im lặng nhìn tôi bằng ánh mắt chia sẻ, thông cảm và bao dung làm cho tôi cảm thấy rất hối hận, vội vàng sà vào lòng nội khóc oà lên rồi xin lỗi ba mẹ, xin lỗi luôn cả nội.
Rồi có những đêm tôi mãi không ngủ được vì vô vàn các lí do của trẻ con: sợ ông ba bị, sợ ma,… Những lúc đó nội chỉ mỉm cười rồi kéo tôi vào lòng kể đủ thứ chuyện dỗ dành tôi ngủ, có khi là chuyện cổ tích nhưng cũng có khi là chuyện thật của cuộc đời nội: chẳng hạn như mối tình tuyệt đẹp của nội và ông nội trong thời chiến tranh, hay bà đã phải cố gắng xây dựng gia đình như thế nào sau khi ông mất, hoặc xa hơn nữa là những kì niệm bình dị ở quê khi nội còn là một cô bé…Tôi chầm chậm khép mắt lại trong khi miệng vẫn cười thích thú, tôi tưởng tượng hình ảnh bà nội mặc chiếc áo ka ki cũ màu nâu, đội nón lá, hai tay đội lên đầu chồng bánh tráng nội vừa nướng đem đi bán khắp các nẻo đường cho đến chiều tối mới trở về căn nhà nhỏ.
Một đứa bé luôn được ba mẹ yêu thương và chăm sóc kĩ lưỡng như tôi làm sao có thế hiếu được sự cơ cực, vất vả của nội? Và rồi cứ như vậy, trong những giấc mơ của tôi ngoài bánh kẹo, búp bê hay các thứ mà bọn trẻ như tôi mê mẩn lúc bấy giờ còn có hình ảnh bà nội. Rất mơ hồ nhưng tôi cảm tưởng đã thấy được lúc nội còn trẻ, đôi mắt nội tràn ngập ước mơ và nội có nụ cười rất đẹp.
Thời gian vẫn không ngừng trôi, nội ngày một ốm yếu hơn. Lúc đầu, nội nằng nặc đòi ở căn nhà nhỏ trong hẻm vì có quá nhiều kỉ niệm ở đó – nơi ba tôi và các cô chú lớn lên. Cứ cuối tuần, ba mẹ tôi lại chở anh em chúng tôi sang thăm bà nội, nếu là những ngày hè thì tôi luôn xin ngủ lại dăm ba hôm để chơi với nội. Mỗi lần chúng tôi qua, nội luôn mở rộng cửa, cuống quýt thu dọn đồ đạc trong căn nhà chật chội, tìm chỗ cho từng đứa ngồi rồi đi nấu một nồi chè thật ngon…Nhưng sau này, do nội thường xuyên đau ốm nên ba tôi nhất quyết xin nội về ở với gia đình tôi. Sau đó, nội dọn sang ở với chúng tôi nhưng nội có vẻ buồn, có lẽ vì bà rất nhớ ngôi nhà đó.
Vài tuần trôi qua, bệnh của nội không nặng thêm nhưng cũng không bớt hẳn. Dạo đó tôi thấy nội rất hay thẫn thờ, có lần suy nghĩ gì mà một lát nước mắt nội lại rơm rớm, tôi hoảng hốt chạy lại ôm nội. Lúc ấy nội mới ngẩn người ra, rồi nói với tôi rằng do được nhìn thấy chúng tôi lớn lên nên người, nên nội rất vui. Sau hôm đó, gia đình tôi tìm cách giúp nội vui vẻ hơn, mọi người học những câu chuyện cười nghe được ở bất cứ đâu về kể cho nội, ngồi cả buổi đọc đi đọc lại tờ báo vì nội không nghe rõ. Rồi nội cũng vui vẻ hơn. Có những buổi chiều, tôi thấy nội ngồi nhai trầu, nhìn miệng nội móm mém tôi thấy sao thương nội quá. Hay có lần đang giặt đồ, nội bỗng cao hứng cất cao một câu hát mà tôi không biết tên bài hát, giọng nội lúc nghe được lúc mất rất buồn cười nhưng không hiểu sao cả nhà tôi đều im lặng, sụt sùi.
Cũng có những lúc ba mẹ tôi cãi vã, nội loạng choạng bước ra can ngăn, nội mắng ba tôi bằng giọng khàn khàn và khuôn mặt nặng trĩu, nỗi buồn làm ba mẹ tôi giật mình, rối rít xin lỗi nội. Cho đến một ngày, tôi còn nhớ rất rõ là thứ Năm, năm đó, tôi lớp hai, buổi chiều tan trường tôi bước ra cổng trường. Bầu trời hôm ấy thật âm u, tôi tự nhủ có lẽ sắp có mưa. Anh tôi đứng đón tôi, ánh mắt buồn thăm thẳm, rất lâu mới nói được một câu. Tai tôi ù đi, không biết là vì gió thối vào hay nghe tin này quá đột ngột. Bà nội tôi đã qua đời. Lúc nhỏ, khái niệm về sự ra đi của nội tôi rất mơ hồ, tôi còn quá nhỏ để có thể cảm nhận cái chết đem đến cho những người sống sự đau buồn, mất mát, tổn thất lớn như thế nào. về đến nhà, tôi ngây ngô thắc mắc sao nhiều người đến nhà tôi quá vậy. Tôi bước vào nhà, thấy nội nằm yên, tôi kêu mãi nội không dậy. Mẹ tôi buồn bã giải thích nội sẽ không mở mắt ra nữa. Lúc đó tôi mới nhận thức được, nội sẽ không thức dậy nữa, tôi sẽ không được thấy ánh mắt và nụ cười đó nữa, bà sẽ không kể chuyện cho tôi nghe nữa, cho dù là những câu chuyện tôi đã nghe đi nghe lại hàng trăm lần… Rồi sau đó, tôi chỉ nhớ tôi đã quỳ xuống chiếu khóc nức nở, thấy tôi khóc, bầu không khí thêm nặng nề, u ám, ai cũng khóc ra thành tiếng, tiếng máy tụng kinh ở đầu quan tài vẫn phát ra đều đều…
Đã sáu năm trôi qua, cô bé lớp hai ngày nào đã lên lớp tám. bót đi cái thời bông bột, vụng dại, nhưng mãi mãi không mất đi hình ảnh người bà kính yêu. Giá như lúc trước tôi ôm nội chặt hơn, nói với nội rằng tôi rất yêu nội. Nhưng nội đã dạy tôi rằng người tốt nhất định sẽ lên thiên đường. Vậy bây giờ chắc nội đang an tâm và dõi theo tôi. Nếu vậy thì tôi sẽ sống cho thật tốt, nếu vấp ngã sẽ tự đứng lên, biết trân trọng và yêu quý những người bên cạnh mình để không bao giờ phải thốt lên hai tiếng “giá như”.
(Bài làm của HS)
>> Xem thêm Đề 1: Người ấy (bạn, thầy, người thân…) sống mãi trong lòng tôi (P2) tại đây.
Tags:Đề 1 · Văn chọn lọc 9 · Văn tự sự
Theo hoctotnguvan.vn