Đề 3 – Viết thư cho bạn học cũ kể lại buổi thăm trường cũ vào một ngày hè đầy xúc động sau hai mươi năm – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9

Đề 3 – Viết thư cho bạn học cũ kể lại buổi thăm trường cũ vào một ngày hè đầy xúc động sau hai mươi năm – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9

Hướng dẫn

Đề 3- Một buổi thăm trường cũ

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

Đối với dạng đề này, trước hết em cần phải nắm được hình thức viết thư. Sau đó, em đưa ra tình huống nào dẫn đến việc vào một ngày hè, em về thăm lại trường cũ (Gợi ý: được mời về khi trường có buổi lễ long trọng vì ngày trưóc mình là một học sinh giỏi cấp quốc gia, nhân dịp 20/11,…). Do đề là văn tưởng tượng (về một đối tượng có sự thay đổi rất nhiều sau tận 20 năm) chính vì vậy em cần phải biết so sánh nguyên trạng của mái trường ngày trước và tưởng tượng mái trường có sự thay đối nhiều ở 20 năm sau. Trinh tự kể cần theo: trước cổng trường: có gì mới lạ? Thay đổi? Đi vào trường: trong sân trường, từng hàng cây, ghế đá, sân trường có gì khác trước không? Đi tìm thầy cô cũ nhưng có thấy bóng dáng ai không, cảm xúc của em lúc đó ra sao? (Nếu có gặp thì em cần tránh đưa phần lời thoại nói chuyện giữa các nhân vật quá nhiều vào phần này tránh gây loãng câu chuyện), em đi dạo xung quanh, lên các dãy phòng, em thấy ngôi trường có gì đổi mới, hiện đại?; Khi ra về: lòng xuyến xao ra sao? Cảm xúc của em lúc này thế nào? Tất cả nhũng điều trên em đều phải đưa vào bài làm và kể cho người bạn nghe. Sử dụng ngôi xưng hô “tôi” hoặc “mình” để tăng thêm tính sinh động cho câu chuyện.

DÀN Ý CHI TIẾT

I. MỞ BÀI

Với tư cách là một bậc phụ huynh, tôi quay trở về nơi ấy, cái nơi mà tôi đã gắn bó với biết bao kỉ niệm đẹp trong bốn năm thời trung học.

Đó là trường tôi, ngôi trường tọa lạc trên con đường Nguyễn Trãi thân thương: trường Trung học cơ sở Kim Đồng.

II. THÂN BÀI

Đứng trước cổng trường: trước cổng trường thì vẫn cứ thế, không thay đối gì mấy, vẫn để hàng chữ: “Trường Trung học Cơ sở Kim Đồng” đầy thân quen.

Tôi dẫn con bước vào trường, phòng bảo vệ bây giờ khác xưa rất nhiều.

Tôi ghé vào, nó đã được xây rộng ra, sơn phết một màu vàng nhạt. Còn có cả máy tính để thống kê gửi xe nữa.Tôi nhìn quanh, hai bác bảo vệ vẫn ngồi đấy. Tóc các bác dường như điểm vài sợi bạc trắng, đồng phục hai bác vẫn không thay đổi, vẫn một tông quần áo xanh rêu ấy.

Tiếp theo, tôi nhìn vào dãy nhà khu A. Nó được tu sửa rất nhiều, giờ đây nó được khoác lên mình một chiếc áo mới, một chiếc áo hai màu trên vàng nhạt, dưới pha nâu.

Sân trú thì còn đấy mà phòng vi tính đã đi đâu mất rồi. Thay vào đó là phòng bóng bàn, chắc nhà trường đã thêm môn này vào phần thể dục ngoại khóa đây?

Con tôi chạy nhanh lên lầu, bước vào lớp, còn tôi vẫn đứng đấy.

Điều đầu tiên lọt vào mắt tôi là sân trường, bây giờ nó rộng hơn xưa rất nhiều, nó còn có cả khu chơi thể thao như bóng bàn, bóng rổ,…

Tôi nghĩ “bọn trẻ bây giờ sướng thật, thật chả bù với mình ngày xưa”. Tiếp đến, tôi bước vào nơi mà không xa lạ gì với tôi “phòng giám thị”.

Các thầy vẫn như xưa, nhưng có thêm vài người mới.

Tôi lễ phép chào hỏi các thầy, tôi nghĩ rằng có lẽ sau bấy nhiêu thời gian đó chắc chắn các thầy đã quên tôi rồi.

Tôi bất ngờ với thầy Sinh – người thầy mà tôi cảm thấy rất sợ ngày ấy bỗng nhận ra tôi “A! Thiên Bảo đây mà, cái thằng học trò nhộn nhất phải không?”.

Tôi nhìn xung quanh, nó vẫn như thế, chỉ có điều ba mươi hai chiếc camera ngày xưa giờ đây đã “sinh sôi nảy nở” thành sáu mươi bốn cái. Tôi chào các thầy, tôi bước ra.

Tôi thấy một người phụ nữ đang bước lại gần, không đâu xa lạ đó là cô chủ nhiệm lóp chín của tôi. Tôi xúc động, nghẹn ngào không nói thành lời, trong lòng mong muốn được chạy đến ôm lấy cô.

Tôi tiến lại gần cô.

Cô giờ đây đã có tuổi, mái tóc đen huyền ngày xưa của cô giờ đây cũng đã phai dần theo năm tháng. Trán cô đã có rất nhiều nếp nhăn hơn.

Cô nhìn tôi một lúc, hình như cô đang trắc nghiệm lại trí nhớ của mình. Bỗng cô thốt lên với một giọng truyền cảm năm xưa. “A! Thiên Bảo phải không?”. Tôi xúc động cúi chào cô, cô đánh nhẹ vào vai tôi, hỏi thăm bao điều.

Xem thêm:  Soạn bài lớp 9: Tôi và chúng ta

Cũng đã đến giờ tôi phải trở về với cương vị người lớn. Tôi phải đi làm.

Cô tiễn tôi ra ngoài cổng. Hai cô trò nhìn nhau đầy quyến luyến. Tôi chào cô rồi lên xe ra về.

III. KẾT BÀI

Buổi về trường hôm nay đã gợi lên trong tôi biết bao kỉ niệm từ vui đến buồn.

Tôi cũng rất hối hận vì sao ngày ấy tôi không cố gắng ngoan hiền mà lại quậy phá, khiến thầy cô đau buồn như thế.

Tôi giờ đây đã là một ông bố ba mươi năm tuổi, tôi đã có nghề nghiệp ổn định. Nhưng đối với tôi, tôi vẫn mãi là một cậu học trò hay nghịch ngợm của cô tôi, của trường tôi.

BÀI VĂN THAM KHẢO

BÀI VĂN 1

TPHCM, Ngày 10 tháng 10 năm 2013

Tú Du thân mến!

Mới đó mà đã 20 năm rồi, thời gian trôi nhanh quá cậu nhỉ! Mình cứ nhớ mãi lần cuối tụi mình gặp nhau là trong bữa tiệc chia tay cuối năm lớp chín. Cậu dạo này thế nào rồi? vẫn khỏe chứ? Công việc ra sao? Mình thì vẫn ổn. Trong kì nghỉ hè vừa qua mình đã về Việt Nam thăm gia đình. Và trong nhũng ngày ấy mình cũng đã về thăm trường cũ của chúng ta. Hôm nay, mình gửi cho cậu bức thư này để kể lại buổi thăm trường đầy xúc động ấy.

Trong một buổi sáng hè mát mẻ, lòng cảm thấy bồi hồi, mình bước dọc trên con đường Phan Văn Trị, con đường đi học của chúng ta ngày xưa. Mình nhớ lúc trước con đường này xung quanh đầy ắp nhà dân, hàng quán tấp nập, nhưng bây giờ đã khác đi rất nhiều rồi. Nhìn đến đâu mình cũng thấy những tòa nhà cao ốc, khu mua sắm sang trọng, các cửa hàng ăn uống tiện nghi. Trong lúc mình đang nhìn xung quanh, tim mình bỗng dưng đập mạnh, lòng đầy hồi hộp khi trước mắt mình là một bảng tên trường, nhưng không phải là chiếc bảng gỗ như trước mà bảng điện tử to lớn, có hàng chữ chạy qua: “Trường Trung học cơ sở Kim Đồng”. Cổng trường bây giờ vẫn giữ màu xanh da trời nhưng trông có vẻ chắc chắn hơn và chú bào vệ cũng không phải đẩy cổng mệt mỏi như trước, chỉ cần ấn nút thì nó sẽ tự động mở ra thật thuận tiện. Mình bắt đầu bước vào cổng trường, tâm trạng vừa thấy vui, nhưng cũng đầy lo âu không biết trường chúng ta có còn như trước không. Đang vào thì người đầu tiên mình thấy đó chính là chú bảo vệ. Chú trông không còn khỏe mạnh như trước, nhưng gương mặt hiền từ và phúc hậu vẫn còn đấy. Mình cúi đầu chào chú, chú nở nụ cười hiền hậu trên môi. Sân trường trông vẫn như trước, nhưng có vẻ đã sạch hơn rất nhiều. Bác bàng và cô phượng vẫn ở đó và đã to cao hơn rất nhiều, tạo cho sân trường bóng mát thật tuyệt vời. Sân trường bây giờ đã có thêm các bồn hoa tỏa hương thơm dìu dịu và đầy màu sắc tươi vui. Hồi hai mươi năm về trước, cột cờ trường mình được treo trên cao, giờ đây đã được gắn chặt vào đầu ngọn sào, nghiêng mình tung bay phấp phới trong gió. Các khu nhà ngày trước trông cũ kĩ thì giờ đây đã được xây dựng mới hoàn toàn, còn đâu đây mùi sơn mới phảng phất. Các dãy cầu thang vẫn như thế nhưng đã được sơn phủ lớp mới hơn. Cậu còn nhớ phòng 106B trên lầu một không? Đó chính là lớp học mà tất cả chúng ta đã cùng nhau gắn bó suốt bốn năm học cấp hai đấy. Bước chân vào phòng, mình cảm thấy lớp học đã có nhiều sự thay đổi. Lúc trước tụi mình thường phải ngồi chung một bàn ba người, nhưng bây giờ mỗi bạn đã có một chiếc bàn mới tinh của riêng mình. Ghế thì đã được lót đệm lên ngồi rất thoải mái, không như lúc trước là những chiếc ghế cứng, làm bọn mình luôn thấy ê ẩm cả người. Chiếc bảng từ màu xanh quen thuộc bây giờ cũng đã được thay thế bằng chiếc bảng thông minh vô cùng hiện đại. Thời nay, cả thầy cô giáo và học trò đều có chiếc máy tính xách tay của riêng mình để mang đến trường học tập và làm việc. Chứ không còn như ngày trước phải mang vác chiếc cặp nặng nhọc. Dù lớp học đã thay đổi nhưng mình vẫn luôn có cảm giác thân quen và bao kỉ niệm như chợt ùa về. Nhìn thấy chiếc bàn trong góc ở hàng ba mà mình cảm thấy bồi hồi, xúc động. Mình luôn nhớ mãi tiếng phấn lạch cạch của thầy cô, lời giảng trong từng bài học, cả những lúc lớp học vui vẻ, lúc cô thầy la rầy, mình vẫn không bao giờ quên được. Chia tay lóp học, mình lại bước xuống sân trường đi dạo. Thư viện mà mình và cậu hay vào đọc sách không còn nhỏ bé như trước mà đã trở nên vô cùng rộng lớn, khang trang, chứa đầy ắp những quyển sách bổ ích. Các phòng thí nghiệm Lý, Hóa, Sinh, cả phòng dinh dưỡng đã được xây mới lại trông thật đẹp, điều đó giúp cho học sinh cảm thấy thoải mái hon khi học. Đang hưởng thụ làn gió mát mẻ trong lành, đang mãi suy nghĩ vẩn vơ thì bỗng có một giọng nói quen thuộc gọi mình. Mình liền quay lại, thì ra đó chính là cô giáo chủ nhiệm của chúng ta hồi năm lớp tám. Lúc trước trông cô trẻ đẹp, vui vẻ nhưng bây giờ khuôn mặt cô đã xuất hiện vài nếp nhăn, tóc cô đã điểm bạc vài sợi. Vui sướng khi gặp lại cô, mình liền chạy đến tíu tít:

Xem thêm:  Đề 9 – Kể lại một lần em được tham quan học tập hướng nghiệp cùng với lớp – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9

– Em chào cô ạ! Cô có khỏe không? Cô vẫn nhớ em chứ? Em là Thiên Thanh đây ạ.

Cô nheo đôi mắt, cô đã nhận ra tôi nhưng không rõ lắm. Cũng phải thôi, vì cô dạy rất nhiều lớp mà. Cô trò bắt đầu cùng nhau ngồi trò chuyện. Mình đã hỏi thăm cô rất nhiều. Mình cũng cảm thấy có lỗi vì bao năm nay chỉ biết đến công việc mà không về thăm cô một lần. Chắc là cô buồn nhiều lắm. Cô trò đã ngồi tâm sự với nhau suốt cả buổi. Nào là nhắc lại nhũng kỉ niệm xưa, nào là chia sẻ chuyện vui buồn. Cô cũng có nhắc đến cậu nữa đấy. Cô khen cậu vẽ đẹp và nghe nói đã trở thành một kiến trúc sư nổi tiếng. Thời gian trôi qua nhanh chóng, đến lúc cô và mình cũng phải chia tay. Cô đã gửi lời hỏi thăm đến tất cả các bạn trong lớp.

Sau buổi thăm trường đầy xúc động này, mình vừa cảm thấy vui vì trường ta có nhiều thay đổi, nhưng cũng buồn vì mình đã có lỗi với cô cũng như những thầy cô khác. Nếu có dịp rảnh, cậu cũng hãy về thăm trường nhé. Thôi, thư cũng đã dài, mình ngừng bút đây. Mình mong thư cùa cậu, và mình cũng mong chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau và lại cùng nhau về thăm trường cũ nhé. Chào cậu.

Bạn thân của Du

(Kí tên)

Nguyễn Trần Thiên Thanh

(Bài làm của HS)

BÀI VĂN 2

TPHCM, Ngày 15 tháng 11 năm 2013

Ngọc Thạch thân mến!

Hôm nay, chắc có lẽ là ngày đáng nhớ nhất. Cái ngày mà tôi được trở về tuổi thơ, được trở về cái nơi đầy kỉ niệm ấy. Nhưng tôi giờ đây không còn là tôi của hai mươi năm trước nữa. không còn là một cậu học sinh ở thuở cắp sách mà tôi với tư cách là một bậc phụ huynh, tôi quay trở về nơi ấy, cái nơi mà tôi đã gắn bó với biết bao kỉ niệm đẹp trong bốn năm thời trung học. Đó là trường tôi, ngôi trường tọa lạc trên con đường Nguyễn Trãi thân thương: trường Trung học cơ sở Kim Đồng. Nay tôi viết thư gửi đế kể cho cậu nghe về buổi thăm trường ngày hôm đó.

Sáu giờ sáng, tôi khoác trên vai một chiếc cặp xinh xinh, nhưng nó không phải cùa tôi mà là của thằng con bé nhỏ mới bước vào lớp sáu của tôi. Tôi hiểu cái cảm giác ngỡ ngàng của con tôi, nó chưa quên được nhũng tháng ngày chơi đùa ở thời tiểu học, quả thật thì hồi ấy tôi có khác gì nó đâu. Bạn biết không, đứng trước cống trường, tôi thầm nghĩ, thấm thoát đã hai mươi năm, sao cái cổng trường lại thân thương đến thế! Sao mà hồi ấy, bốn năm trời, chúng ta lại không dành thời gian để ngắm nhìn nó nhỉ? Trước cổng trường thì vẫn cứ thế, không thay đổi gì mấy. Bác vẫn đứng đấy, Bác vẫn để hàng chữ: “Trường Trung học cơ sở Kim Đồng” đầy thân quen. Chắc Bác cổng vẫn còn yêu nghề, vẫn còn muốn dang tay đón học sinh vào đây mà! “Thế thì tôi nhờ Bác chăm sóc thằng con giùm tôi nhé!” – Tôi nghĩ thầm. Tôi dẫn con bước vào trường, phòng bảo vệ bây giờ khác xưa rất nhiều, nó đã không còn là một khu phòng nhỏ nhắn trước cổng mà nó đã được xây lên đúng chất “phòng bảo vệ”. Tôi ghé vào, nó đã được xây rộng ra, sơn phết một màu vàng nhạt. Còn có cả máy tính để thống kê gửi xe nữa, tôi nhìn quanh, hai bác bảo vệ vẫn ngồi đấy. Tóc các bác dường như điểm vài sợi bạc trắng, đồng phục hai bác vẫn không thay đổi, vẫn một tông quần áo xanh rêu ấy. Dường như nó đã nhạt dần chắc là vì muốn nhắc nhở học sinh phải ghi nhớ công sức của những người bảo vệ.

Xem thêm:  Soạn bài lớp 9: Cách làm bài nghị luận về tác phẩm truyện

Tiếp theo, tôi nhìn vào dãy nhà khu A. Nó được tu sửa rất nhiều, giờ đây nó được khoác lên mình một chiếc áo mới. một chiếc áo hai màu trên vàng nhạt, dưới pha nâu. Ôi, cái khu A ngày nào giờ chắc cũng đã quên tôi rồi! Tôi nén cảm xúc bước vào trong. Sân trú thì còn đấy mà phòng vi tính đã đi đâu mất rồi. Thay vào đó là phòng bóng bàn, chắc nhà trường đã thêm môn này vào phần thể dục ngoại khóa đây? Con tôi chạy nhanh lên lầu, bước vào lớp, còn tôi vẫn đứng đấy.

Tôi nhìn bao quát cả ngôi trường thân thương của mình, trông nó thật thân quen mặc dù nó đã thay đổi ít nhiều nhưng vẫn có chút gì đó bồi hồi trong tôi. Nó vẫn là ngôi trường của hai mươi năm trước, một ngôi trường chất chứa bao kỉ niệm. Điều đầu tiên lọt vào mắt tôi là sân trường, bây giờ nó rộng hơn xưa rất nhiều, nó còn có cả khu chơi thể thao như bóng bàn, bóng rổ,… Tôi nghĩ “bọn trẻ bây giờ sướng thật, thật chả bù với mình ngày xưa”. Tiếp đến, tôi bước vào nơi mà không xa lạ gì với tôi “phòng giám thị”. Nơi đây đã làm tôi nhớ đến rất nhiều thứ từ vui đến buồn rồi đến sợ sệt, chẳng khác gì hai mươi năm trước đây. Các thầy vẫn như xưa,nhưng có thêm vài người mới. Tôi lễ phép chào hỏi các thầy, tôi nghĩ rằng có lẽ sau bấy nhiêu thời gian đó chắc chắn các thầy đã quên tôi rồi. Tôi bất ngờ với thầy Sinh – người thầy mà tôi cảm thấy rất sợ ngày ấy bồng nhận ra tôi “A! Thiên Bảo đây mà, cái thằng học trò nhộn nhất trường phải không?”. Tôi chỉ biết cười mà trong lòng rung lên biết bao niềm xúc động. Tôi nhìn xung quanh, nó vẫn như thế, chỉ có điều ba mươi hai chiếc camera ngày xưa giờ đây đã “sinh sôi nảy nở” thành sáu mươi bốn cái. Tôi chào các thầy, tôi bước ra. Bạn biết không, thật bất ngờ làm sao khi tôi thấy một người phụ nữ đang bước lại gần, không đâu xa lạ đó là cô chủ nhiệm lớp chín của tôi. Tôi xúc động, nghẹn ngào không nói thành lời, trong lòng mong muốn được chạy đến ôm lấy cô. Tôi tiến lại gần cô. Cô giờ đây đã có tuổi, mái tóc đen huyền ngày xưa của cô giờ đây cũng đã phai dần theo năm tháng. Trán cô đã có rất nhiều nếp nhăn hơn. Cô nhìn tôi một lúc, hình như cô đang trắc nghiệm lại trí nhớ cùa mình. Bỗng cô thốt lên với một giọng truyền cảm năm xưa. “A! Thiên Bảo phải không?”. Tôi xúc động cúi chào cô, cô đánh nhẹ vào vai tôi, hỏi thăm bao điều. Xong hai cô trò chúng tôi cùng đi tham quan các lớp học. Mói đó đã hơn tám giờ, cũng đã đến giờ tôi phải trở về với cương vị người lớn. Tôi phải đi làm. Cô tiễn tôi ra ngoài cổng. Hai cô trò nhìn nhau đầy quyến luyến. Tôi chào cô rồi lên xe ra về.

Buổi về trường hôm nay đã gợi lên trong tôi biết bao kì niệm từ vui đến buồn. Thật đáng tiếc là bạn lại không có ở đây. Nếu có ở đây, chắc chắn cậu cũng sẽ có những suy nghĩ và cảm xúc giống như tôi vậy. Tôi cũng rất hối hận vì sao ngày ấy tôi không cố gắng ngoan hiền mà lại quậy phá, khiến thầy cô đau buồn như thế. Tôi giờ đây đã là một ông bố ba mươi năm tuổi, tôi đã có nghề nghiệp ổn định. Nhưng đối với tôi, tôi vẫn mãi là một cậu học trò hay nghịch ngợm của cô tôi, của trường tôi.

Bạn thân của Thạch

(Kí tên)

Nguyễn Ngọc Thiên Bảo

(Bài làm của HS)

>> Xem thêm Đề 4: Kể lại kỉ niệm ngày đầu tiên đi học tại đây.

Theo hoctotnguvan.vn

Bài liên quan

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp Hướng dẫn Soạn bài lớp…
Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập Hướng dẫn Soạn bài lớp 9:…
Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn Hướng dẫn Soạn…
Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò Hướng dẫn Soạn bài lớp 9: Con cò Soạn…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *