Đề 18 – Giới thiệu về chiếc áo dài Việt Nam – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9

Đề 18 – Giới thiệu về chiếc áo dài Việt Nam – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9

Hướng dẫn

Giới thiệu về chiếc áo dài Việt Nam

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

* Nội dung trọng tâm: Người học cần chú ý những ý chính sau:

Trước hết, em cần chọn cho mình một sản phẩm cụ thể (nón lá, áo dài Việt Nam…) miễn là sản phẩm đó gần gũi, em có nhiều tình cảm về nó và có nhiều kiến thức về nó. Khi thuyết minh, em cần đảm bảo những ý sau đây:

+ Nguồn gốc, xuất xứ, lịch sử hình thành nên sản phẩm đó?

+ Địa danh vùng miền nào gắn liền với tên tuổi sản phẩm đó?

+ Sản phẩm ấy có cấu tạo như thế nào? (cấu tạo bên ngoài, cấu tạo bên trong)

+ Cách thức thực hiện ra sao?

+ Trình bày thành phẩm như thế nào để bắt mắt?

+ Cách sử dụng sản phẩm đó ra sao?

+ Cách bảo quản sản phẩm như thế nào là tốt, là đúng?

+ Giá trị kinh tế (thương mại, buôn bán)?

+ Ý nghĩa, giá trị lịch sử của sản phẩm ấy trong đời sống tinh thần của chúng ta?

+ Cảm nghĩ của em về sản phẩm đó?

DÀN Ý CHI TIẾT

I. MỞ BÀI

Là trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Áo dài thể hiện sự duyên dáng, xinh đẹp của người phụ nữ phụ nữ Việt Nam.

II. THÂN BÀI

1. Cấu tạo

Những chiếc áo dài thường có năm phần chính: cổ áo, thân áo, tà áo, tay áo và quần áo dài.

Chiếc áo dài truyền thống, có cổ dài từ bốn đến năm xen-ti-mét, hở hình chữ V, toát lên vẻ đẹp của chiếc cổ trắng ngần của người phụ nữ Việt Nam.

Người ta cũng thiết kế cổ áo thêm nhiều kiểu hơn: cổ tròn, cố trái tim, cổ chữ u,.. Phần thân áo được tính từ cổ đến eo, may ôm sát thân người càng làm toát lên vẻ đẹp thon thả của người phụ nữ.

Cúc áo thường là cúc bấm, được kéo dài từ cổ sang vai rồi đến eo.

Từ phần eo trở xuống chia làm hai tà áo, được ngăn cách bằng hai bên hông. Phần tà áo có hai phần tà áo trước và tà áo sau, bắt buộc phải dài hơn đầu gối.

Phần tay áo được kể từ vai đến dài hơn cổ tay, được may bằng một loại vải riêng biệt hoặc chung với phần thân áo.

Quần áo dài được may dài hơn đầu gối, thường là vải phi trắng, nhưng cũng có một số loại vải giống với màu thân.

Phần áo thường được may bằng vải ni, vải nhung,… có màu sắc và hoa văn đa dạng.

2. Cách sử dụng

Áo dài thường được sử dụng trong các ngày lễ truyền thống.

Khi đi học, cũng có thể sử dụng trong văn nghệ, các buổi biểu diễn nói về nét đẹp dân tộc.

Áo dài càng đẹp càng duyên dáng hơn khi đi cùng với chiếc nón lá, khăn đóng.

3. Phân loại

Áo dài có cả loại dành cho nam và cho nữ.

Áo dài trong ngành giáo dục cũng rất quan trọng. Những người giáo viên, với trang phục áo dài truyền thống thưót tha, duyên dáng, tôn lên vẻ nghiêm trọng và thanh cao của giáo viên Việt Nam.

4. Cách bảo quản

Áo dài là một nét đặc sắc của dân tộc, nên chúng ta hãy cố gắng bảo vệ những bộ áo dài ấy.

Đầu tiên là phải giặt sạch nhưng nhẹ nhàng không giặt mạnh vì như thế sẽ làm cho nó mau cũ.

Phải ủi thật kĩ nhưng không ủi với nhiệt độ lớn.

Để áo dài không bị mốc, ta nên thường phơi nắng nhưng không quá lâu.

III. KẾT BÀI

Áo dài là biểu tượng của nước Việt Nam.

Áo dài là một nét đặc sắc, chúng ta cần phải giữ gìn và phát triển để áo dài mãi là bộ trang phục truyền thống trong lòng mỗi người Việt Nam.

BÀI VĂN THAM KHẢO

BÀI VĂN 1

Đất nước Việt Nam là một đất nước có truyền thống và nền văn hóa lâu đời. Mỗi người dân Việt Nam đều sở hữu một tâm hồn đầy nhiệt huyết và lòng dũng cảm. Đất nước chúng ta có điều mà các nước trên thế giới không quốc gia nào có được, nó chỉ có độc quyền ở Việt Nam chính là tà áo dài – một bộ trang phục nói lên văn hoá của đất nước hình chữ S. Tà áo dài đã tôn lên nét đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam: giản dị, mộc mạc nhưng giàu ý nghĩa sâu sắc. Sau đây, tôi xin giới thiệu với các bạn về chiếc áo dài.

Xem thêm:  Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

Thật vậy, chiếc áo dài đã trở thành trang phục truyền thống của Việt Nam từ rất lâu đời, nó được bắt nguồn từ chiếc áo tứ thân của cha ông ta ngày xưa. Ở chiếc áo dài nguyên thuỷ, ta có thể thấy áo dài từ cổ xuống dưới chân, cổ áo cao, cài nút chéo ngang, áo gồm hai thân. Áo dài từ trên xuống dưới gần chấm chân. Tay áo dài, không có cầu vai. cổ áo liền như áo bà ba. Đó là ở chiếc áo nguyên gốc nhưng còn ở ngày nay, áo dài đã được thiết kế ra hàng trăm kiểu khác nhau dựa trên sườn và hình dáng của chiếc áo dài ngày xưa nhằm đưa ra nhiều lựa chọn cho người dùng. Để giúp người mặc đi lại dễ dàng thì tà áo dài được xẻ từ eo xuống, đồng thời cũng tạo nên được sự mềm mại, thướt tha, yểu điệu. Áo dài có thể đi với quần trắng hoặc quần cùng màu. Sự giản dị có ở áo dài đã tôn lên được nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam, giúp họ càng trở nên trang nhã và đài các hơn. Áo dài cứ sống mãi theo thời gian đã trở thành trang phục truyền thống của dân tộc ta. Cho đến sau năm 1975, áo dài được lên ngôi, chiếm vị trí độc tôn trong các lễ hội, giao dịch quốc tế. Áo dài ngày càng được thiết kế phong phú về màu sắc, kiểu dáng. Bên cạnh đó thì chất liệu cũng được thay đổi không ngừng nhưng phổ biến nhất là gấm Thái Tuấn, lụa tơ tằm, lụa thường. Cả về kiểu dáng cũng rất đa dạng: cổ áo có thế cách điệu là cổ tròn phổ biển nhất là cổ kín cao 2,1 phân. Tuy không màu mè nhưng nhìn áo dài vẫn trẻ trung thanh lịch. Áo dài là một bộ trang phục rất mộc mạc và đơn giản nên có thể thích hợp với mọi độ tuổi, tầng lớp xã hội: từ giàu đến nghèo, từ trẻ em đến cụ già. Áo dài có thể thay đổi để phù hợp với từng độ tuổi từ cách thức cho đến kiểu may để giúp người mặc tự tin và sang trọng. Khi mặc áo dài chúng ta cũng cần phải chú ý cách đứng sao cho thật khoan thai.

Để có thể dùng lâu bền chúng ta cần phải có cách sử dụng hợp lí: khi mặc xong phải giặt ngay bằng tay, vò nhẹ nhàng, không dùng bàn chải tránh làm gãy cổ áo. Còn nếu ta giặt bằng máy thì phải bỏ vào túi lưới và giặt ở chế độ nhẹ để không làm gãy cổ áo và giữ cho áo được bền lâu. Đối với các loại áo dài làm bằng the hoặc nhung thì phải đem ra tiệm hấp chứ không giặt. Ngoài ra chúng ta cũng phải biết cách bảo quản áo dài: giặt xong, áo dài phải được phơi bằng mốc áo, còn khi khô thì phải ủi áo với nhiệt độ vừa phải, tuỳ theo chất liệu áo. Khi đi xa, nếu chúng ta muốn mặc áo dài thì phải xếp theo cách cuộn tròn để không làm gãy cố áo và tránh làm áo bị nhăn. Bởi áo dài cũng mộc mạc và giản dị như tính cách của chính con người Việt, áo dài cũng giống như gương mặt đại diện cho tiếng nói của dân tộc Việt Nam nên áo dài đã đi vào cuộc sống cùa mọi người một cách thân quen và trang trọng. Nó gắn liền với chúng ta trong công việc và cả trong học tập. Các cô giáo, nhân viên nhà nước, nữ sinh cấp ba đều chọn áo dài làm trang phục đi làm và đi học của mình. Có thể nói áo dài là một niềm tự hào cùa dân tộc ta vì vào năm 1995, tà áo dài đưa Việt Nam đến với danh hiệu “Trang phục truyền thống đẹp nhất”. Đó thật sự là niềm vinh quang cho đất nước Việt Nam. Bên cạnh đó, tại Tokyo, trong cuộc thi hoa hậu thế giới năm 2004, hoa hậu Nguyễn Thị Huyền đã mặc áo dài để giới thiệu với bạn bè thế giới về văn hoá của Việt Nam. Điều đáng mừng hơn là có nhiều người khen đẹp và tỏ ra thích thú khi biết đó là bộ trang phục truyền thống của nước ta. Năm 2007, hoa hậu trái đất từ Chi Lê, Philipin, Singapore,… đã rực rỡ khoe sắc cùng tà áo dài, nón lá tại Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, ta có thể thấy áo dài là một niềm tự hào vô cùng to lớn của đất nước chúng ta. Bởi nó đã đưa văn hoá nước ta ra tầm thế giới. Bên cạnh đó, áo dài cũng là hình ảnh nói lên tâm hồn và khát vọng cùa người dân Việt Nam. Nó đã thể hiện lên nét đẹp của phụ nữ Việt: giản dị, mộc mạc, và kín đáo.

Xem thêm:  Hướng dẫn viết bài tập làm văn số 3 – Văn tự sự

Chiếc áo dài đã trở thành bộ trang phục rất đỗi thân quen đối với mỗi người dân Việt Nam. Áo dài sống mãi với thời gian, cùng dân tộc ta lớn lên để rồi đi khắp năm châu bốn biển. Chúng ta phải biết giữ gìn vốn quý này để chiếc áo dài mãi là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam: đẹp mà giản dị, thanh tao.

(Bài làm của HS)

BÀI VĂN 2

Có người bảo em từ kiểu áo người Tày, người Mường mà ra. Có người bảo ở em có vài chi tiết nơi áo của các chị em Huế, Chăm. Lại có người cho rằng em thành hình từ bộ áo mớ ba mớ bẩy của đất Kinh Bắc huyền thoại…Những ý kiến đó đều có những tỷ lệ chính xác nhất định nào đó. Nhưng, đúng ra, em tiếp nhận hình ảnh và hơi hưóng của nhiều miền trong cả nước gom góp lại, bổ sung cho nhau mà thành. Em đã có mặt ở Pháp và ở Anh từ những năm 1913. Hồi đó và sau đó ít năm, em vẫn còn đơn sơ và được cắt, may toàn bằng tay cả.

Thoạt đầu là cái áo dài, cổ tròn, màu nâu, tam giang, mỡ gà, hồ thủy. Vạt áo thẳng, tay bô, xẻ một đoạn ở cổ tay, cài cúc bên sườn. Những năm 1936-1938, từ cơ sở sẵn có, chiếc áo dài đã được họa sĩ Cát Tường thiết kế và bố trí lại đã ra đời. Phải nói một chút về ông Cát Tường. Ông đã ấp ủ nhiều ý đồ cải cách y phục Việt Nam, nhất là chiếc áo dài. Ông say sưa với cả bức thêu rồng, phượng, những bức tranh Hàng Trống. Nhưng ông thờ phụng chiếc áo dài. Ông là sinh viên trường Cao đăng Mỹ thuật Đông Dương, học hết năm năm và đã tốt nghiệp. Ông cũng có một số tranh. Nhưng mọi người biết đến ông chủ yếu qua chiếc áo dài với công trình cải tiến của ông. Ông là người đầu tiên dùng máy khâu để may chiếc áo dài. Động tác này rút ngắn được rất nhiều thời gian so với khâu tay. Lẽ dĩ nhiên còn một vài vị trí quan trọng, hoa mỹ để quyết định chất lượng chiếc áo phải dùng đến bàn tay khéo léo của người thợ. Ông cải tiến cái cổ áo, đưa nó lên thành cổ đứng cao hai cen-ti- mét. Ông còn “lăng xê” kiểu cổ cứng, cổ bắt chéo và cổ cánh hoa. Ông quy định vị trí những chiếc khuy bấm và đưa ra nhiều kiểu khuy, khuyết, bỏ đi tà áo phụ, ngắn đệm trong. Tà áo dài buông xuống cách mặt đất 20cm. Ông chú ý làm cho độ dài của hai mặt trước sau có độ “đổ” chuẩn xác để cho khi mặc vào được căng, lượn sát, bó khít lấy những đường nét của cơ thể, tôn cao bộ ngực, làm cho eo thon thả, thắt đáy lưng ong…

Chính vì vậy, áo dài Cát Tường Lơ muya (Le mưr theo tiếng Pháp là Cát Tường) được nhiều người ưa chuộng. Trong số này, đa số là những nữ sinh, những chị em thích ăn mặc đẹp. Áo dài là thời trang tuyệt đối trong những nhân vật tiểu thuyết như cô Liên trong “Gánh hàng hoa”, cô Loan trong “Đoạn tuyệt”, cô Mai trong “Nửa chừng xuân” và ít lâu sau cho cô “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân, cho cô gái trong bức “Hiện vẻ hoa” của họa sĩ Nguyễn Tường Lân.

Hồi đó ông Cát Tường còn trẻ, ông gầy gầy tầm thước. Mùa hạ hay mặc bộ tuýt so soa, đeo cà vạt. Khuôn mặt thanh tao, tự lự, hơi xanh xao. Ông nhanh nhẹn, luôn lui tới những cửa hàng thêu ở phố Hàng Trống, Hàng Gai. Ở đây, ông kết thân với ông Thức là một nghệ nhân thêu, có cửa hàng. Ông Thức rất yêu quý chàng họa sĩ Tây học cao đẳng mà lại nặng tình với nghề nghiệp tổ tiên, để ý đến những cái của “ngày xưa”. Ông kéo họa sĩ Cát Tường về quê phố Ninh Xá, Bắc Ninh, gả ngay cô cháu gái tên là Nội cho họa sĩ. Cô Nội là một tay thêu giỏi, là con gái ông chủ một cửa hàng thêu nổi tiếng. Sau đó, họa sĩ đưa vợ về phố Lò Đúc. Vài tháng sau, họ mở một cửa hàng may áo dài ở gần ngã năm Bà Triệu. Cửa hàng có biển đề: Coupe Cát Tường. Nó nổi tiếng khắp nơi. Khách đến nườm nượp. Em gái cô Nội chuyên mặc những chiếc áo do ông anh rể thiết kế và may. Vô tình, cô đã làm cái việc “lăng xê” mốt cho cửa hàng Cát Tường. Cô được mọi người gọi là Nga Cát Tường, cũng lừng lẫy một thời.

Xem thêm:  Phân tích truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân

Từ sau 1945 và nhất là từ năm 1975, chiếc áo dài được lên ngôi. Nó chiếm vị trí độc tôn trong các dịp lễ hội, giao dịch quốc tế. Nó xuất hiện trên các diễn đàn, các sân vận động trong và ngoài nước. Trong các buối biểu diễn nghệ thuật, thời trang, thi hoa hậu. Chiếc áo dài đã như câu ca quan họ, bay đi khắp thế giới, ở đâu nó cũng có một vị trí xứng đáng. Nó được cải tiến thêm và mang sắc thái riêng từng miền trong những chi tiết nhỏ để đáp ứng được sở thích và yêu cầu thẩm mĩ của thời đại.

Nhắc lại, những năm 1930, 1936, 1937, trong các cuộc thi hoa hậu ở Hà Nội, Hà Đông và trong các chợ phiên, các cô gái đẹp như Ái Liên, cô Điệp, cô Hoàn, cô Síu đều đăng quang với chiếc áo dài. Cô Síu là con gái nhà tiểu thuyết kiếm hiệp Lý Ngọc Hưng.

Các nghệ sĩ nước ngoài như Kirienko, Francine…đều mặc áo dài. Dự hội nghị Pari, chị Nguyễn Thị Bình hùng biện với chiếc áo dài. Nhà sử học Mỹ là J.S.Tenson, viết: “Xin phép cho tôi được mặc chiếc áo dài Việt Nam, chiếc áo dài của người mẹ Việt Nam. Những người mẹ đã sinh ra những anh hùng của nhiều thời đại đã mặc chiếc áo dài. Mẹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng mặc chiếc áo dài”.

Chiếc áo dài Việt Nam là một dòng sông, một cơn gió, một nếp mây bay. Nó tượng trưng cho sự màu mỡ, hồi sinh, tẩy trần và phồn thực.

Có khi trên thân áo được in hoặc thêu lên hình ảnh những rồng, phượng, hoa, lá… để thêm phần hấp dẫn. Nhưng, nó không có những mảng sặc sỡ. Những hình vẽ trên áo dài phải xinh, gọn để ăn ý với vẻ đẹp mà chúng gửi mình vào đó. Có người lại in lên chiếc áo quá nhiều hình ảnh, những vạch ngang dọc chi chít hoặc quá nhiều màu sắc, chiếm cả bề mặt chiếc áo dài. Như vậy không ăn nhịp, làm cho người mặc áo phải mang cả một bức tranh trên mình. Nói chung, việc pha hoặc chọn màu áo, in hoặc thêu hình trên áo là một công việc rất phức tạp. Phải có con mắt mỹ thuật, văn học nghệ thuật, lại phải có con mắt tâm linh…

Trong một cuộc trao đổi giữa các nghệ sĩ kịch nói Trung Quốc với Việt Nam, một nữ diễn viên kịch nói Trung Ọuốc nói với chị Diệp Bích: “Áo dài” của chị đẹp hơn áo “Sườn xám” Thượng Hải của em”. Chiếc áo dài là một nét đẹp văn hóa rất riêng của Việt Nam.

(Theo Lý Khắc Cung, Hà Nội Văn hóa và Phong tục, 2014)

>> Xem thêm Đề 19: Thuyết minh về con trâu tại đây.

Tags:Áo dài Việt Nam · Đề 18 · Văn chọn lọc 9

Theo hoctotnguvan.vn

Bài liên quan

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp

Soạn bài lớp 9: Phép phân tích và tổng hợp Hướng dẫn Soạn bài lớp…
Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập

Soạn bài lớp 9: Các thành phần biệt lập Hướng dẫn Soạn bài lớp 9:…
Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn

Soạn bài lớp 9: Liên kết câu và liên kết đoạn văn Hướng dẫn Soạn…
Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò

Soạn bài lớp 9: Con cò Hướng dẫn Soạn bài lớp 9: Con cò Soạn…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *