Đề 19 – Thuyết minh về con trâu – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9
Hướng dẫn
Thuyết minh về con trâu
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
* Nội dung trọng tâm: Người học cần chú ý những ý chính sau:
– Trước hết, em cần chọn cho mình một loài động vật, vật nuôi cụ thể (trâu, bò, chó, mèo, gà, vịt. Dù em chọn loài động vật, vật nuôi nào đi chăng nữa thì cũng phải nhớ nguyên tắc là: đối tượng thuyết minh đó, bản thân em phải có thật nhiều kiến thức về nó.
Khi thuyết minh về một loài động vật, vật nuôi; em cần chú ý các điểm sau đây:
+ Nguồn gốc, xuất xứ loài vật ấy?
+ Cấu tạo của loài vật ấy (hình dáng bên ngoài, mắt, mũi, tai, gương mặt, thân hình, lông, chân,…)
+ Hoạt động, tính nết của loài vật ấy?
+ Cách nuôi như thế nào?
+ Cách chăm sóc loài vật ấy ra sao?
+ Giá trị kinh tế? (thương mại, buôn bán…)
+ Giá trị tinh thần? (niềm vui trong cuộc sống của con người)
+ Cảm nghĩ của em về loài vật đó?
DÀN Ý CHI TIẾT
I. MỞ BÀI
Giới thiệu: Nơi làng quê, nông thôn Việt Nam ta thường hay có một câu nói: “Con trâu đi trước, cái cày đi sau”. Hình ảnh con trâu là một trong những hình ảnh thân thương, mộc mạc và có sự gắn bó sâu sắc với những người nông dân.
II. THÂN BÀI
1. Nguồn gốc, xuất xứ
Trâu thuộc họ bò, thuộc phân bộ nhai lại, nhóm sừng rỗng, bộ guốc chẵn và thuộc lớp thú có vú.
Trâu có nguồn gốc từ giống trâu rừng thuần hóa, có sừng to và thích trầm mình trong đầm lầy.
2. Đặc điểm
Giống trâu rất dễ nhận dạng, chúng ta có thể dựa vào đặc điểm bên ngoài của chúng:
+ Thân hình: vạm vỡ, thấp, bụng to, mông dốc.
+ Ở dưới cổ chỗ hai xương ức có hai dải lông màu trắng.
+ Loài trâu luôn khoác lên mình bộ áo màu xám đen.
+ Cân nặng thì trâu đực nặng từ 400-500 kg.
Đặc điểm sinh sản: Thời gian mang thai của trâu nội là 320-325 ngày. Theo sự phát triển của thai việc nuôi dưỡng cần thực hiện tốt các yêu cầu sau:Thời kỳ bắt đầu mang thai đến 7-8 tháng, nuôi trâu chủ yếu là thức ăn thô xanh. Trước khi đẻ 2-3 tháng, ngoài thức ăn thô xanh cần cho trâu ăn thức ăn tinh (cám, bắp, lúa nghiền …) từ 0,5 – 1,5 kg/con/ngày.
Ở tháng tháng thứ nhất và tháng cuối của thai kỳ, không sử dụng trâu để làm nhũng việc nặng nhọc như cày, kéo, không xua đuổi nhiều… tránh ảnh hưởng đến thai. Giai đoạn gần đẻ, nên chăn thả gần và nuôi riêng trâu mang thai để tiện chăm sóc.
Trước khi trâu đẻ 1-2 ngày, nhốt trâu tại chuồng, tắm rửa sạch sẽ, dọn chuồng, chuẩn bị dụng cụ và trực trâu đẻ. Nghé vừa sinh phải được móc sạch nhớt ở miệng, mũi và lau khô sạch toàn thân, cắt rốn để dài khoảng 10cm và đùng cồn i-ốt sát trùng vết cắt, xong cho bú ngay. Sau khi trâu đẻ, cho trâu uống nước ấm có pha ít muối, tránh để trâu mẹ ăn nhau thai.
Giai đoạn nuôi con: Trong giai đoạn này cần cho trâu cái ăn nhiều để phục hồi cơ thể và sản xuất sữa để nuôi con. Ngoài chăn thả phải bổ sung thêm thức ăn xanh và thức ăn tinh tại chuồng. Chăn thả trâu mẹ từ gần tới xa để nghé con quen dần, luôn để nghé con được bú sữa mẹ. Mùa mưa cần chú ý việc che chắn để chuồng nuôi không bị mưa tạt gió lùa, giữ cho nghé khỏi bị lạnh. Hàng ngày dọn chuồng sạch sẽ, khô ráo; đảm bảo có nước sạch thường xuyên tại chuồng.
3. Lợi ích
Ở trâu, ta còn có thể thấy được sức mạnh dẻo dai, bền bỉ. Nhờ vào sức mạnh ấy trâu có thể giúp con người kéo cày, kéo bừa trên ruộng đồng hay kéo xe, kéo gỗ. Tuy trâu kéo cà rền cà rịch, chậm chạp nhưng bù lại trâu có thể kéo nặng.
Khi gặp ổ gà trâu cũng có thể vượt qua.
Bên cạnh việc cày bừa, trâu cũng cho sữa và thịt trong sản xuất, nhưng do sữa trâu không béo và tươi như bò nên không tiêu thụ nhiều trên thị trường.
Thịt trâu cũng được bán rộng rãi bởi nó có chứa nhiều chất bổ dưỡng và ăn rất ngon.
Chúng ta có thể dùng phân trâu để bón ruộng, vườn cây ăn trái sẽ góp phần giúp cây tươi tốt.
Ở Tây Nguyên, người ta thường dùng da trâu làm căng mặt trống. Ngoài ra, da trâu cũng có thể làm ra một liều thuốc trị bệnh bao tử.
4. Cách chăm sóc
Phải tắm cho trâu mỗi ngày, cho ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
Hàng ngày vệ sinh chuồng trại, máng ăn uống sạch sẽ; định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và thu gom phân để ủ.
Sử dụng thức ăn, nước uống không bị nhiễm độc, nhiễm bẩn và mùa nắng thường xuyên tắm chải cho trâu, nghé.
Cách ly trâu bệnh với trâu khỏe, những trâu mua về nên nuôi cách ly ít nhất 3 tuần để theo dõi.
Bố trí chuồng nuôi trâu không quá gần nhà ở, nguồn nước sinh hoạt và không nuôi chung với các loại vật nuôi khác.
Tẩy nội, ngoại ký sinh trùng cho nghé lúc 1- 3 và 6 tháng tuối. Tẩy sán lá gan lúc trâu 12 tháng tuổi và sau đó định kỳ 6 tháng tẩy lại 1 lần (cần chủ động tẩy sán trước khi phối giống).
Định kỳ tiêm phòng các loại vaxin Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng… theo lịch của thú y.
5. Ý nghĩa
Khi nhắc đến loài vật tiêu biểu của Việt Nam, mọi người thường lấy hình ảnh con trâu bởi tính tình hiền lành, cần cù và chăm chỉ.
Trâu còn được đưa vào các lễ hội, điển hình như ở Đồ Sơn – Hải Phòng hằng năm đều diễn ra lễ hội chọi trâu. Vòng “chung kết” được diễn ra vào mồng chín tháng tám âm lịch. Quan niệm cho rằng nếu nhà nào có trâu thắng thì sẽ gặp nhiều điều may mắn và hạnh phúc.
Ở Tây Nguyên thì các dân làng thường hay tổ chức buổi giết trâu đem tế thần linh cầu mong cho một năm mới gặp nhiều điều an lành.
III. KẾT BÀI
Hình ảnh “Con trâu đi trước, cái cày đi sau” đã in sâu trong tâm trí mỗi con người Việt Nam.
Trâu đưọc mọi người xem là thành viên thân thiết trong gia đình.
BÀI VĂN THAM KHẢO
BÀI VĂN 1
Mỗi sáng tinh mơ vừa thức dậy, tôi đã cùng bác nông dân sánh bước ra đồng. Cả hai chúng tôi bắt đầu một ngày làm việc mới trên cánh đồng quen thuộc, cùng nhau ra sức bỏ công tạo ra những hạt lúa vàng óng. Các bạn có biết tôi là ai không? Tôi chính là chú trâu nơi làng quê Việt Nam đấy. Sau đây, tôi xin giới thệu vài nét về họ nhà trâu chúng tôi cho các bạn cùng biết.
Nghe tôi nói, chắc hẳn sẽ có một vài bạn lại bảo: “Ôi giời, trâu thì có gì hay ho đâu mà phải giới thiệu!” Các bạn lầm to rồi đấy nhé. Trâu tôi tuy hơi thô kệch nhưng vẫn luôn là người bạn thân thiết và là tài sản rất quý giá của các bác nông dân. Hơn nữa, chắc hẳn còn nhiều điều các bạn không biết về tôi đâu. Trâu chúng tôi thuộc họ bò, phân bộ nhai lại, nhóm sừng rồng, bộ guốc chẵn, lóp thú có vú. Họ hàng trâu ở Việt Nam có nguồn gốc từ các cụ trâu rừng đã được con người thuần hoá. Tuy đã được thuần hoá từ lâu, trâu chúng tôi vẫn giữ được dáng vẻ cao to, vạm vỡ, thân thấp, ngắn; bụng to, mông dốc, đầu vú nhỏ, sừng lưỡi liềm cong như mặt trăng. Trâu đực như tôi nặng khoảng từ 400 đến 500 kg. Còn các cô trâu cái như vợ tôi nặng khoảng từ 350 đến 400 kg.
Vì chúng tôi cao to, khoẻ mạnh là thế nên con người nuôi chúng tôi chủ yếu để lấy sức kéo, mà phổ biến nhất là kéo cày. Sức kéo của mỗi chú trâu trưởng thành như tôi là khoảng 70 đến 75 kh trên đồng ruộng. Trâu loại A như bố tôi có thể cày được một ngày từ ba đến bốn sào. Trâu loại B như tôi thì cày được từ hai đến ba sào, còn vợ tôi trâu loại C cũng cày được từ một rưỡi đến hai sào. Trâu tôi còn có thể kéo xe, kéo gỗ. Trên đường xấu, tôi có thể kéo xe với tải trọng từ 400 đến 500kg, bằng với sức nặng của chính cơ thể tôi. Trên đường tốt, tôi có thể kéo được xe nặng hơn cả 700kg. Và nếu đi trên đường nhựa và có sự hỗ trợ của bánh xe, tôi có thể kéo được xe nặng hơn cả tấn chứ chẳng ít. Ngoài tận dụng sức khoẻ dũng mãnh của chúng tôi, con người còn nuôi chúng tôi để cho thịt sữa. Tuy không phổ biến như thịt, sữa của bò, nhưng thịt và sữa của chúng tôi vẫn có hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Hơn nữa, sừng của chúng tôi được họ tạo thành những sản phẩm thủ công mĩ nghệ đẹp vô cùng. Da của chúng tôi thì để làm mặt trống. Và chúng tôi còn có khả năng cho phân bón, rất tốt cho cây trồng. Đấy, các bạn thấy không, trâu tôi là một loài vô cùng có ích.
Tuy làm được nhiều thứ giúp ích cho con người, nhưng công việc chính của chúng tôi vẫn là làm công việc cày ruộng. Hằng ngày, tôi chăm chỉ cần cù kéo cày dưới sự chỉ huy của bác nông dân. Sáng tinh sương, tôi làm việc dưới ánh nắng ban mai nhè nhẹ. Nhưng đến trưa, trời bắt đầu nắng gay gắt, mồ hôi tôi rơi trên mảnh ruộng tươi tốt. Vì vậy mà người ta mới có câu:
“Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thảnh thót như mưa ruộng cày”.
Tuy vậy, cái nắng đó vẫn không thể nào ngăn cản tôi làm việc để tạo ra những hạt lúa vàng ươm cho con người.
Các bạn có biết không? Trâu tôi không chỉ là người bạn của người nông dân mà còn là món ăn tinh thần của con người. Trong các lễ hội truyền thống dân gian của Việt Nam, các chú trâu luôn là nhân vật không thể thiếu được. Điển hình là lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng) họ nhà trâu chúng tôi luôn được vinh danh gọi là “ông trâu”. Các “ông trâu” may mắn khi đưọc dắt vào sân đấu thì trở nên mãnh liệt, hùng hổ xông về phía đối phương, hai bên ghì chặt cặp sừng chắc như thép của mình vào nhau cho đến khi cuộc chiến ngã ngủ. Sau đó, các “ông trâu” ấy đều bj xẻ thịt khao mọi người. Thịt trâu thắng gọi là “lộc”, ai gắp được ắt hẳn sẽ may mắn cả năm.
Không chỉ xuất hiện trong các lễ hội, trâu tôi còn là hình ảnh gắn liền với tuổi thơ người nông dân. Các bạn còn lạ gì hình ảnh các cậu nhóc tì nằm dài trên lưng tôi, vừa ôn bài vừa thả diều sáo. Còn lạ gì những ngày hè oi bức, tôi cùng các cậu nhóc nhảy ùm xuống ao, vừa tắm vừa đùa giỡn, vui thật là vui. Không biết tự lúc nào, giữa tôi và các cậu bé ấy đã hình thành một thứ tình cảm bền chặt, yêu thương.
Chúng tôi khoẻ mạnh là thế, các cậu nhóc vẫn bảo nhau rằng: “khoẻ như trâu”, thế mà vẫn có lúc chúng tôi ngã bệnh. Vì vậy, muốn chúng tôi luôn khoẻ mạnh, con người cần phải chăm sóc chúng tôi cẩn thận. Đầu tiên, chúng tôi phải cần ăn thật đầy đủ chất dinh dưỡng để có thể khoẻ mạnh làm việc. Hằng ngày, chúng tôi cũng cần được tắm rửa sạch sẽ như con người. Hơn nữa, khi tôi làm việc, tôi cần được nghỉ ngơi ít nhất mười lăm phút mỗi hai tiếng. Vào mùa hè, chuồng trại cùa tôi phải sạch sẽ, thoáng mát; mùa đông cần giữ ấm cho tôi. Khi tôi không may ngã bệnh, tôi chỉ cần được một vị bác sĩ thú y đến khám và cho ăn uống dinh dưỡng sẽ khỏi bệnh ngay. Đấy, chăm sóc cho tôi cũng không hề khó khăn là bao, vì vậy các bạn phải thực hiện cho đúng đấy nhé
Các bạn cũng đã nghe tôi nói rồi đó, trâu chúng tôi luôn luôn là người bạn của người nông dân, luôn đồng hành cùng họ từ khi còn bé đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Không những thế, trâu tôi còn là món ăn tinh thần của họ, của làng quê, của đất nước Việt Nam. Có lẽ vì thế mà năm 2005 SEAGAMES Việt Nam đã lấy hình ảnh chúng tôi làm biểu tượng cho đất nước – chú trâu vàng Việt Nam.
(Bài làm của HS)
BÀI VĂN 2
Trong tất cả các loài động vật, có thể nói chúng tôi là loài vật có ích nhất trong việc đồng áng, chúng tôi là “đầu cơ nghiệp”, là biểu tượng của sự cần cù, chăm chỉ. Các bạn có biết tôi là ai không? Xin thưa, tôi là trâu đây – con trâu ở làng quê Việt Nam.
Tuy gọi là trâu nhưng tổ tiên tôi lại thuộc họ bò, sừng rỗng, thuộc bộ nhai lại, lớp thú có vú. Riêng tôi, tôi thuộc nhóm trâu Việt Nam, loài trâu rừng thuần hóa, thuộc nhóm trâu đầm lầy. Trâu cái nặng trung bình từ ba trăm năm mươi đến bốn trăm kí lô gam. Còn trâu đực thì khoảng bốn trăm đến bốn trăm năm mươi kí lô gam.
Tôi có khuôn mặt tựa như hình thang ngược. Đôi mắt tôi to tròn, hiền dịu, mi mỏng. Mũi tôi lúc nào cũng ươn ướt như người bị sổ mũi. Cặp sừng hình lưỡi liềm tạo cho tôi một phong cách rất oai vệ.
Tôi được tạo hóa khoác lên người một bộ lông màu xám hay màu xám đen. Thân hình tôi lực lưỡng, vạm vỡ để thích hợp với các công việc nặng nhọc. Tuy vậy nhưng tôi lại sở hữu một chiều cao có đôi chút khiêm tốn. Bụng tôi thì không nhỏ chút nào, mông dốc, đầu vú nhỏ. Để đền đáp lại công lao nuôi dưỡng của các bác nông dân, tôi cống hiến thịt. Thịt trâu tôi cũng bổ không kém gì thịt bò đâu nhé! Mà còn không bị phong ngứa nữa cơ. Tôi duy trì nòi giống giúp các bác nông dân, trâu ba tuổi đã có thể đẻ lứa đầu. Mỗi lứa khoảng từ ba đến sáu nghé. Nghé sơ sinh nặng từ 22 – 25 kg. Tôi còn cống hiến cả sữa, bộ da để làm mặt trống, cặp sừng để làm đồ mỹ nghệ xuất khẩu đấy. Phân của tôi cũng được dùng làm phân bón. Tôi thật có ích phải không? Là người Việt Nam, không ai không biết câu ca dao:
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta ”
Người nông dân nuôi tôi chủ yếu để cày ruộng, kéo cày. Từ sáng sớm, lúc bạn gà vừa cất tiếng gáy, tôi đã theo các bác nông dân ra đồng. Tôi làm việc rất chăm chỉ. Trời nắng tôi cũng làm, trời mưa tôi cũng làm, không ngại khó khăn, gian khổ. Trâu tôi một ngày trung bình có thể cày từ 3 – 4 sào đất. Nhưng ở Tây Nguyên, tôi lại được nuôi chủ yếu để kéo gỗ, có thể từ 0,5 – 1,3 mét khối với đoạn đường từ 3 – 5 ki lô mét.
Trâu tôi không chỉ xuất hiện với việc đồng áng, mà tôi còn xuất hiện ở các lễ hội vì thế trong dân gian đã có câu ca dao:
“Dù ai buôn đâu, bán đâu
Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về ”
Tôi xuất hiện ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng). Ở lễ hội này, dù thấng hay thua, tôi vẫn bị xẻ thịt để chia cho mọi người gọi là lộc. Tôi còn là biểu tượng của SEAGAME 22 Việt Nam vừa rồi đấy các bạn ạ.
Không chỉ có hai hình ảnh thân quen trên, mà tôi còn xuất hiện với hình ảnh là người bạn đối với tuổi thơ nông thôn. Chiều chiều, sau mỗi ngày làm việc chăm chỉ ở ngoài đồng, tôi được các cậu bé dắt đi ăn cỏ, uống nước, tắm táp. Các cậu còn dắt tôi đi thả diều, các cậu ngồi chễm chện trên lưng tôi. Dùng lưng tôi làm chỗ ngồi học bài, thổi sáo. Tiếng sáo của các cậu đã tạo nên bức tranh sống động thật thanh bình ở nông thôn.
Nói đến sức khỏe của loài trâu chúng tôi, dân gian hay có câu nói: “khỏe như trâu” nhưng đôi lúc tôi cũng cần được dưỡng sức. Nếu không được chăm sóc kĩ lưỡng, tôi rất dễ mắc bệnh. Mỗi ngày, cứ hai tiếng làm việc là phải cho tôi nghỉ mười lăm phút. Sau một tuần làm việc là phải cho tôi nghỉ xả hơi một ngày, không nên cho tôi làm việc liên tục. Sức trâu có hạn mà. Vào mùa hè, các bạn phải giữ chuồng trại của tôi sạch sẽ, thoáng mát, để muỗi không đốt tôi. Còn vào mùa đông, các bạn phải giữ ấm cho tôi bằng cách cho thêm rơm vào chỗ tôi nằm nếu không tôi bị cảm thì khốn.
Ngày nay, với đà công nghiệp ngày một phát triển hơn, nhiều loại máy móc được ra đời dần thay thế công việc của trâu tôi. Nhưng tôi vẫn mãi gắn bó với đời sống nông thôn dân dã, vẫn mãi là bạn của tuổi thơ nông thôn và của người nông dân Việt Nam.
(Bài làm của HS)
>> Xem thêm Đề 20: Giới thiệu về một di tích lịch sử hoặc danh lam thắng cảnh (Huế) tại đây.
Tags:Thuyết minh về con trâu · Văn chọn lọc 9
Theo hoctotnguvan.vn