Đề 54 – Trình bày suy nghĩ của em về đức tính hi sinh – Phát triển kỹ năng làm bài văn chọn lọc 9
Hướng dẫn
Suy nghĩ của em về đức tính hi sinh
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
* Nội dung trọng tâm: Người học cần chú ý những ý chính sau:
Trước hết, em cần xác định đây là dạng đề bài: tư tưởng đạo lí
– Giải thích khái niệm “hi sinh”?
– Những biểu hiện nào cụ thể minh chứng cho sự hi sinh?
– Bàn luận, mở rộng vấn đề: một người không sự hi sinh vì người khác thì người đó là người như thế nào?
– Cảm nghĩ của em về khái niệm trên? (là tốt hay không tốt)
– Bản thân em đã rút ra cho mình nhũng bài học kinh nghiệm nào?
DÀN Ý CHI TIẾT
I. MỞ BÀI
– Đức tính hi sinh là một trong những phẩm chất đạo đức cao quý của con người.
– Vậy đức tính hi sinh có giá trị tinh thần như thế nào trong xã hội của chúng ta?
II. THÂN BÀI
a. Giải thích: (Đặt câu hỏi: là gì?)
– Hi sinh là gì? => Đó là những suy nghĩ, hành động vì người khác bất chấp tính mạng của mình.
b. Đưa ra các biểu hiện: (Đặt câu hỏi: Tại sao? Vì sao?)
Người có đức tính hi sinh là người như thế nào?
Đó là người có tấm lòng nhân ái, đặt quyền lợi chung lên trên quyền lợi cá nhân.
Tại sao chúng ta phải có đức tính hi sinh vì người khác?
+ Bởi vì nó thể hiện phẩm chất đạo đức cao đẹp cần có ở mỗi chúng ta.
+ Người có đức tính hi sinh luôn là người được mọi người yêu mến, tin cậy, quý trọng.
+ Thể hiện sự dũng cảm của bản thân.
+ Dẫn chứng: Trong gia đình, cha mẹ hi sinh cho con cái được đầy đủ, sung sướng. Ngoài xã hội, có những học sinh hi sinh bản thân mình để cứu lấy mạng sống của bạn bè mình. Trong y học, nhiều tấm gương hi sinh bản thân mình cho các thí nghiệm, phát minh để tìm ra các loại thuốc mới, giúp ích cho đời. Tiêu biểu hơn cả ta cần nhắc đến vị Bác Hồ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Bác hi sinh cả đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
c. Bàn bạc, mở rộng vấn đề
– Nhiều người sống ích kỉ, nhẫn tâm trước sự sống chết của người khác.
III. KẾT BÀI
– Đức tính hi sinh là truyền thống quý báu của dân tộc ta từ bao đời nay.
– Cần rèn luyện, trau dồi nhân cách, phẩm giá để góp phần làm cho cuộc sống ngày càng có ý nghĩa hơn.
BÀI VĂN THAM KHẢO
Đọc những bài báo gần đây chúng ta dễ dàng tìm thấy những mẩu thông tin về những người mặc dù mình đang ở trong hoàn cảnh rất khó khăn, ngặt nghèo hay trong hoàn cảnh ảnh hưởng đến tính mạng của mình, họ vẫn sẵn sàng nghĩ cách để cứu giúp những người khác thoát khỏi cái chết. Họ hi sinh bản thân để cứu giúp con người. Những con người này thật đáng trân trọng biết bao. Vậy ta hiểu hi sinh có ý nghĩa như thế nào đối với chúng ta?
Hi sinh có nghĩa là gì? Hi sinh có ý nghĩa là những suy nghĩ, hành động vì người khác bất chấp tính mạng của mình. Người có tấm lòng biết hi sinh bản thân mình cho người là người có tấm lòng nhân ái, đặt quyền lợi chung lên trên quyền lợi cá nhân. Vậy thì tại sao chúng ta phải có đức tính hi sinh vì người khác? Bởi vì, nó thể hiện phẩm chất đạo đức cao đẹp cần có ở mỗi chúng ta. Người có đức tính hi sinh luôn là người được mọi người yêu mến, tin cậy, quý trọng. Không chỉ vậy, người có đức tính hi sinh còn thể hiện được sự dũng cảm của bản thân mình. Xem trên báo chí gần đây, chắc ai cũng đã biết qua một tấm gương hi sinh bản thân mình để cứu giúp người khác đó chính là anh Trần Hữu Hiệp. Trong vụ chìm tàu thảm khốc tại vùng biển Cần Giờ, anh Trần Hữu Hiệp đã làm rung động bao trái tim đồng loại với nghĩa cử cao đẹp: quên mình, nhường mạng sống cho người khác. Lúc đối đầu với cơn sóng dữ nguy hiểm nhất, anh đã đũng cảm cởi chiếc áo phao trên người, trao cho một người phụ nữ đang hấp hối giữa dòng nước. Và khi nhường sự sống cho người phụ nữ kia, anh đã không một giây mảy may đắn đo, suy nghĩ để rồi chính anh kiệt sức, bị cuốn trôi giữa dòng nước xoáy.
Hay câu chuyện về em Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12T7, trường THPT Đô Lương 1, Nghệ An) khi đi ngang qua sông Lam thấy nhóm học sinh chới với giữa dòng nước, nam sinh này đã không hề đắn đo mà nhanh chóng lao xuống cứu người. Sau khi đã cứu được bốn em vào bờ, Nam thấy vẫn còn một em bị ngạt nước, cậu bạn đã dùng hết sức lực giúp em nhỏ vào bờ. Nhưng đáng tiếc rằng, chàng trai trẻ đã bị kiệt sức rồi dần bị nước cuốn trôi. Qua những câu chuyện ngắn trên, chúng ta thấy rằng tuy tuổi đời của những chàng trai này khá trẻ nhưng những tấm gương hi sinh này đã khiến cho nhiều người phải thán phục. Sự hi sinh của họ chính là tấm gương sáng chói muôn đời cho thế hệ sau học tập.
Bên cạnh đó, nhắc đến sự hi sinh thì chúng ta không thể không nhắc đến sự hi sinh cao cả, thiêng liêng của cha mẹ dành cho chúng ta. Họ đã mang nặng, đẻ đau chín tháng mười ngày đầy vất vả. Sinh con ra rồi lại nuôi nấng, dạy bảo nên người. Quả thật sự hi sinh ấy không gì có thể so sánh được. Hay như sự hi sinh của các chiến sĩ cha anh đi trước, họ đã hi sinh một cách oanh liệt, hào hùng chỉ vì mong muốn đem lại nền hoà bình, tự do cho đất nước. Nói tới hi sinh ta không thể không nhắc đến vị cha già Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Bác đã hi sinh cả một đời người để đi tìm con đường cứu nước giúp đất nước chúng ta thoát khỏi vòng nô lệ. Bác đã giúp dân tộc Việt Nam chúng ta đưọc độc lập, tự do và hạnh phúc. Tấm gương hi sinh cuộc đời mình cho đất nước vẫn sẽ sáng chói đến tận ngàn đời.
Tuy nhiên, trong cuộc sống của chúng ta vẫn còn rất nhiều con người sống ích kỉ, chỉ nghĩ đến bản thân mình mà thờ ơ với những con người xung quanh đặc biệt là những con người nghèo khó, đang cần đến sự giúp đỡ. Những kẻ sống ích kỉ này luôn luôn nhẫn tâm trước sự sống chết của người khác.
Tóm lại, đức tính hi sinh là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc ta từ bao đời nay. Riêng bản thân em, em sẽ luôn rèn luyện, trau dồi nhân cách, phẩm giá của mình đặc biệt là đức tính hi sinh để góp phần làm cho cuộc sống của mình ngày càng có ý nghĩa hơn.
(Bài làm của HS)
>> Xem thêm Đề 55: Có ý kiến cho rằng: “Mọi người nhận hai thứ giáo dục, một thứ là do người khác truyền cho và một thứ quan trọng hơn nhiều là do chính mình tự tạo”. Bàn về vấn đề tự giáo dụctại đây.
Tags:Đề 54 · Đức tính hi sinh · Văn chọn lọc 9
Theo hoctotnguvan.vn