Kể lại những xúc động trong ngày trở về trường xưa – Ngữ Văn 9
Hướng dẫn
Kể chuyện về ngôi trường xưa
Đề 1. Hãy viết thư cho một bạn học cũ kể lai những xúc động của em sau hai mươi năm xa trường, vào một ngày hè trở về thăm lại trường xưa
1. Yêu cầu
– Củng cố và nâng cao kiến thức về văn tự sự.
– Yêu cầu kể chuyện sáng tạo, đòi hỏi tưởng tượng mình về thăm trường sau hai mươi năm khi đã trưởng thành (học xong – đi làm – có cuộc sống ổn đinh).
– Cảm xúc cơ bản là sự xúc động và nỗi bồi hồi, xao xuyến khi nhớ lại kỉ niệm tuổi thơ, nhớ thầy, nhớ bạn,…
– Tự sự kết hợp nhuần nhuyễn với miêu tả và biểu cảm.
2. Gợi ý
– Viết bài văn tự sự dưới hình thức một bức thư, cần đảm bảo:
- Nội dụng chính của bức thư là một câu chuyện.
- Bố cục đảm bảo ba phần cơ bản của một bức thư.
- Có thể xây dựng một câu chuyện về tình cảm thầy trò, tình bạn bè thuở thiếu thời. Câu chuyện có thể từ thực tế sinh động của bản thân, của người khác hoặc liên tưởng tới những gì đã được đọc, được xem, sao cho ý nghĩa câu chuyện có tính nhân văn sầu sắc.
3. Lập dàn ý
a. Mở bài
– Một cơ hội hợp lí nào đó khiến cho người kể chuyện trở lại trường xưa sau hai mươi năm.
– Mùa hè yên tĩnh, vắng lặng, những người học trò cũ bồi hồi nhớ lại kỉ niệm.
b. Thân bài
* Giới thiệu khái quát
– Cơ hội: làm việc, định cư ở xa – về Hà Nội dự hội nghị – chủ nhật rỗi rãi thăm trường.
– Cuộc sống của người kể chuyện: đã tột nghiệp đại học, cao học (với một chuyên ngành nào đó) nhưng công tác ở xa, làm việc tốt, có uy tín.
– Chuyển cả bố mẹ đến nơi công tác. Đã có gia đình nhỏ, yên ấm.
– Vẫn nhớ về quê hương, nhớ trường, nhớ bạn, nhớ thầy – kỉ niệm tuổi thơ vừa ngây thơ, hồn nhiên vừa ngọt ngào, tươi đẹp.
* Tả quang cảnh trường
– Nhiều cái mới: nhà xây cao, khang trang.
– Vẫn còn những nét xưa: sân trường, hàng cây cổ thụ, lớp học,… thân thương; vết khắc trên thân cây, vị trí ngồi,…
* Kể chuyện kỉ niệm sâu sắc (trọng tâm)
– Tình cảm thầy trò.
– Tình cảm bè bạn.
– Những kỉ niệm khó quên (ngoại khoá, tiết học, những vụ va chạm,…).
– Câu chuyện thể hiện được vai trò đầy tình thương, trách nhiệm của người thầy.
– Tình bạn bè trong sáng, keo sơn.
– Những sự việc, sự vật còn in dấu của tuổi thơ, bổ sung cho tình cảm của người kể chuyện với trường, thầy, bạn.
* Suy nghĩ: mong muốn, hứa hẹn.
c. Kết bài: Trường, lớp, thầy bạn sẽ là hình ảnh mãi mãi không phai mờ.
4. Bài làm minh hoa
Bài 1
Hà Nội, ngày 2 tháng 9 năm 2025
Dung mến!
Chắc cậu đang hoàn thành bậc tiến sĩ hả? May mà chúng mình thỉnh thoảng vẫn liên lạc chứ không mình chẳng biết thế nào mà gửi thư cho cậu. Cậu vẫn khoẻ chứ. Tiếc là hôm họp lớp vừa rồi cậu không đến, nếu không vui biết nhường nào. Hôm ấy mình cảm giác như trẻ ra mấy chục tuổi, trở về là một cô học sinh nhí nhảnh ngày nào. Để mình kể cho cậu buổi họp mặt hôm đó nhé.
Thế mà đã 20 năm rồi kể từ cái ngày chúng mình còn là những cô nữ sinh lớp 9. Thời gian trôi qua thật nhanh, cả cậu và mình đều đang đi trên những con đường riêng. Ai cũng bận rộn, chẳng mấy khi có thời gian nhìn lại cái thời trẻ con ngày xưa. Buổi họp lớp này được tổ chức ngay tại trường, theo đề đạt của các lớp cùng khoá chúng mình và cả oác thầy cô giáo cũ, nó được xem như một buổi họp mặt khá lớn và tổ chức long trọng lắm.
Chắc cậu cũng hiểu mình vui thế nào. Giữa cuộc đời ngàỵ càng hối hả, vội vã, mấy khi người ta có được một khoảng lặng để suy ngẫm về ngày xưa. Mình lại có một cảm giác rất lạ cậu ạ! Cái cảm giác này lâu lắm rồi mình mới có, một cảm giác hồi hộp, háo hức tựa như cái hồi lớp mình đi tham quan ấy. Tự dưng, mình như thấy lại hình ảnh của một loạt những chiếc ô tô đỗ đầy cổng trường, thấy rõ cả mình và cậu, là hai cô bé học sinh tên Dung và Thuỷ đang vui vẻ bước lên xe, vừa đi vừa cười nói xôn xao. Minh còn thấy cả những buổi sáng trước khi trống, cổng trường nhiều nhóm tụm năm tụm ba nói chuyện râm ran ; thấy cả những giờ tan học, học sinh quây quanh xe bán quà vặt… Ngày xưa sao mình thấy nó quen thuộc đến nhàm chán, bây giờ lại thấy đáng yêu, đáng quý đến thế này. Chỉ mong được trở lại thời thơ ấu mà nào có được!
Thơ thẩn một hồi mình cũng đến trựờng. Cổng trường mình mô phỏng cổng trường Quốc học Huế, tường ngoài thì sơn màu xanh trông rất thoải mái và sạch sẽ. Cậu biết không, tuyệt nhất là biển trường mình đã thêm một chữ nhưng ý nghĩa thì thay đổi rất nhiều: “Trường THCS chuyên Ngô Sĩ Liên”. Trường xây cao thêm 5 tầng nữa, phân làm 4 khu nhà. Ba tầng đầu của khu nhà chính giữa bao kính xanh, trông vừa sáng sủa vừa mát mẻ. Khu thứ tư xây khuất sau, trên nền vườn sinh vật cũ. Nói chung, trường mình giờ đẹp hơn trước nhiều, trông vừa hiện đại, vừa bề thế.
Mình đứng ngơ ngẩn ở cổng trường… tiếng trống trường vang lên. Cái tiếng trống thân quen ấy giúp xoá đi cảm giác ngại ngần, xa lạ của mình, Dung ạ. Và thế là mình ung dung vào trường với cảm giác như một người về thăm quê vậy. Qua cổng, mình đưa mắt về chỗ xếp hàng quen thuộc như một thói quen. Một nhóm người đang đứng ở đó nói chuyện vui vẻ. Lớp mình đấy chứ ai. TrờỊ ạ! Nhận ra đầu tiên là Hạnh, vẫn đứng đầu hàng, tay ôm biển lớp. Có vẻ như bao nhiêu năm, lớp trưởng cũ chẳng cao lên được mấy phân. Cậu biết không, giờ thì Hạnh là chủ nhiệm khoa sản hẳn hoi nhé ; Mai Thương đang là Tiến sĩ chuyên ngành Hoá học, còn ai hợp với công việc nghiên cứu như cô gái có “mái tóc dài nhất Hà Nội” ấy. Riêng cái Liên Hương ăn quà vặt suốt ngày, giờ đã là Nhà thiết kế thời trang được mọi người ưa chuộng. Hoàng Hoa lại trở thành một kiến trúc sư có tiếng. Lê bây giờ trở thành giám đốc công ti mối giới hôn nhân, Diệu Linh giờ là quản lí một cửa hàng quần áo lớn, cẩm Tú thì đi làm người mẫu… Có vẻ ai cũng thành đạt.
Bọn con trai lớp mình cũng đến đông đủ lắm. Biết bao nhiêu nghề, đứa làm công an; làm bộ đội, làm nhà báo, làm MC của cầu truyền hình quốc tế… Mấy đứa đi học sinh vật hồi đó bây giờ đều tham gia các chương trình đặc biệt về nhân bản, về kĩ thuật gien… Đứa nào cũng bảnh chọe, già dặn và trí thức lắm. Hồi trước sao thấy chúng nó trẻ con thế, lúc này đây lại thấy rất đĩnh đạc nhưng vẫn thân thiết, gần gũi vô cùng,
Dự buổi lễ hôm nay, mình như thấy ai cũng trẻ lại, ai cũng vui vẻ. Lớp mình ngày xưa đi tứ tán, nay tụ họp về, gặp lại nhau, nhớ lại hồi xưa, tự bật cười về sự trẻ con của mình, về những tình cảm trong sáng ngây thơ ngày xưa… Những gì giấu kín giờ nói thoải mái như một chuyện vui. Không khí lớp vui vẻ như tết. Những tràng cười giòn, những câu chuyện nổ như pháo rang. Dung không được dự vào cái không khí ấy thì thật tiếc quá.
Đi vòng quanh các khu nhà, tham quan các phòng học, hầu như lớp mình yên ắng hẳn. Có vẻ ai cũng ngạc nhiên về sự thay đổi của ngôi trường và chìm mình vào những kỉ niệm xưa. Dung có nhớ không, hồi chúng mình học lớp 9 ấy, chúng mình phải học tận tầng bốn không. Mỗi lần xuống lấy thí nghiệm hay lấy sách báo là chạy bở hơi tai. Mình nhớ có lần sáng vội không ăn gì, đến trường học liền 5 tiết, đến tiết năm đói mềm, xỉu luôn.
Bỗng dưng mình nhớ lại rất nhiều kỉ niệm ngày ấy, cảm giác như tìm lại được một kho báu đánh mất từ lâu. Mình như cảm thấy rõ sự tức tối, ấm ức khi bị một điểm kém, nhớ lại cảm giác vui vẻ, hớn hở khi hoàn thành một bài kiểm tra tốt, cảm giác sung sướng khi biết kết quả thi câụ lạc bộ và cảm thấy cả chút xao xuyến chỉ vì một cái nhìn, một ánh mắt bất chợt, một câu nói bâng quơ,… của những rung động non nớt tuổi thơ.
Cậu thử tưởng tượng đi, mọi cảm giác hồi ấy như sống lại, tươi mới như vừa mới xảy ra. Mình nhở như in cái lần mình bị điểm sáu văn đầu tiên. Mình ấm ức lắm, đó là bài văn mình bỏ biết bao công sức mà vì một lí do đáng tiếc, cô đã trừ điểm. Nhưng lại sung sướng như điên khi giành giải học sinh giỏi… cảm giác ấy thật trẻ con, nhưng mình nghĩ nó sẽ chả bao giờ có được, chắc cậu cũng vậy chứ.
Đang suy nghĩ lan man thì chợt bừng tỉnh bởi tiếng reo: “Này, cô Bắc kìa”. Theo hướng tay nó chỉ, mình nhìn thấy một người đang đứng nhìn bọn mình mỉm cười. Cả lũ vội lao ra, vây quanh cô, chào cô ríu rít. Mình thấy lúc này lớp mình chả khác gì mấy bé mẫu giáo vây quanh cô cả. Trông cô giờ già đi nhiều, cũng hai mươi năm rồi còn gì. Ban đầu chúng mình hổi thăm sức khoẻ cô rồi sau chỉ toàn thấy cô hổi về gia đình, sự nghiệp từng đứa. Thấy đứa nào đứa nấy đều thành đạt hạnh phúc, cô gật đầu mỉm cười. Rồi cô hỏi đến những đứa vắng mặt, hỏi có ai biết chúng nó giờ ra sao không. Sao lúc mình hỏi về cô, cô trả lời qua quýt mà lúc cô hỏi chuyện từng đứa thì lại kĩ thế. Tự dưng mình nhớ lại câu chuyện hồi xưa í, cái câu chuyện hồi đi tham quan về. Hôm đi, nghe bọn nó nói linh tinh nào là lập nhóm phong cách xì-tin, nhóm “đẹp trai”, cô chả nói gì. Cô để dành ý kiến của mình đến lúc về mới lôi ra nói. Thực tế là cô muốn giữ cho tụi mình tình trạng vui vẻ thoải mái khi đi chơi, nhưng cái đầu óc ngắn tí của tụi mình hồi đó đâu có hiểu thế. Tụi mình vẫn còn cú lắm. Bọn mình xì xèo bảo cô ác, bảo cô cố tình giả vờ để bọn mình lộ hết mặt thật, khổ nhỉ. Cậu còn nhớ không, hồi ấy cậu còn là đứa to mồm nhất nữa cơ… Mình lại phát hiện ra cô Vân Hồng ở tâm điểm một vòng xoáy toàn con gái. Cô giờ đã trở thành một bà giáo lớn tuổi, có phần khó tính chứ không còn được như xưa nữa đâu. Cậu có còn nhớ cái đầu manơcanh của cô không, đứa khen, đứa chê loạn xị cả. Hồi đấy bọn mình vui nhỉ. Lũ lớp mình đi chào một lượt các thầy cô giáo cũ. Buổi họp mặt ấy kéo dài đến tận 1 giờ chiều mà chưa ai tỏ vẻ muốn về.
Cuộc vui nào chả tới lúc chia tay. Rồi cũng phải lưu luyến rời xa nhau, ra về mọi người gửi muôn vàn lời chúc sức khoẻ tới thầy cô giáo, tới bạn bè hẹn gặp lại trong buổi họp mặt tới.
Trở về mà trong mình vẫn còn cảm giác bâng khuâng, dư âm của nó vẫn lắng sâu trong lòng mình. Mong rằng lần sau khi họp lớp, Dung sẽ có mặt để tự mình cảm nhận được những niềm xúc động tuyệt vời ấy.
Mong sớm gặp lại cậu.
Mến thư Thuỷ
(Nguyễn Ngọc Thuỷ, lớp 9A1, Trường THCS Ngô Sĩ Liên,
Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
⇒ Nhận xét
Một bức thư khá dài. Trong thư là câu chuyện về một ngày của hai chục năm sau,, ngày họp mặt của lớp cũ tại trường. Người kể đã vừa kể chuyện bây giờ, vừa xen vào nhớ lại những chuyện xưa. Cái hình ảnh quen thuộc đến nhàm chán ngày xưa bây giờ lại thành ra kỉ niệm quý giá. Một phần quan trọng là bạn cũ bây giờ có vẻ như đều đã thành đạt. Toàn những “nhà” này, “nhà” kia (Không biết là các “nhà” ấy có thích được cho đi “tàu bay giấy” như vậy không?). Ân tượng nhất là những cảm giác của người kể. Vì là hình dung hai mươi năm sau, nhưng thực tế thì mới có một, hai năm nên những điều ấm ức, những lúc vui sướng như điên vẫn còn nguyên chưa hề mờ phai.
Có lẽ vì hồi hộp và xức động quá nên người kể đã quên mất “tay” nào đã reo lên khi nhìn thấy cô Bắc. Vì thế chẳng rõ “nó” là ai, con trai hay con gái.
Bài 2
Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2015
Ngọc Anh thân mến.
Mình vừa có một giấc mơ về ngôi trường của mình và bạn, mình rất xúc động và viết thư kể lại cho bạn nghe. Đọc thư mình bạn đừng cười nhé.
Đang mơ màng trong giấc ngủ sau một ngày làm việc vất vả, mình bỗng choàng tỉnh giấc. Hôm nay là ngày 20 tháng 5 năm 2015, ngày mình định sẽ ghé về thăm lại trường xưa, mái trường Trưng Vương thân yêu nơi chúng mình đã cùng học bốn năm Trung học cơ sở. Mái trường của chúng mình đi qua một trăm năm tuổi. Mình vùng dậy và chuẩn bị đến trường với niềm vui sẽ được gặp lại ngôi trường sau bao năm xa cách.Mình đi trên con đường thân quen từ nhà đến trường. Con đường xưa mình và Ngọc Anh vẫn đi bộ cùng bạn bè sao hôm nay dài thế! Mình vừa đi vừa thấy-sốt ruột. Kể từ khi học xong phổ thông, mình đi du học rồi đì làm. Thời gian trôi đến là nhanh, mới thoáng đầy thôi mà đã 10 năm rồi, không đủ cho mình nhận ra mình đã thay đổi đến thế nào. Bỗng dưng trong lòng mình cảm thấy nao nao, vui buồn cứ lẫn lộn. Cuối cùng, mình đã đến trường. Quang cảnh trường sau 10 năm sao mà đổi thay đến vậy? Mình bồi hồi, lặng ngắm cánh cổng trường. Hồi ấy, vào khoá học của chúng mình, hai cánh cổng được sơn màu xanh thẫm như màu lá cây cổ thụ, và hàng chữ “Trường Trung học cơ sở Trưng Vương” màu vàng tươi nổi bật trên nền màu xanh nước biển. Bây giờ cổng trường và các tấm rào được sơn màu vàng nhạt, còn tên trường lại là hàng chữ nổi màu xanh thẫm. Mình thả bộ một vòng quanh trường. Sau 10 năm trường mình đã hiện đại hơn nhiều. Bốn dãy nhà A, B, C, D hai tầng xưa kia không còn nữa. Thay vào đó là ngôi nhà 6 tầng sơn màu vàng nhạt, nhiều cửa kính hơn và trông rất sang. Còn khu vực để xe của chúng mình hồi ấy bây giờ là bể bơi và nhà thể dục đa năng cho học sinh. Trật tự sắp xếp lớp học cũng đổi thay hoàn toàn. Thay vào những phòng học mang tên lớp 6A1, 9H2… là những phòng học theo tên các môn học như phòng Ngữ văn, phòng Toán, phòng Tin, phòng Vật lí, phòng nào cũng có dăm cái tủ lớn chứa sách và các thiết bị dạy học hiện đại như máy vi tính, máy chiếu, màn hình,… Khu nhà trước kia là căng tin và phòng Đoàn Đội giờ là một toà nhà bốn tầng cửa chớp sáng bóng. Tầng một của ngôi nhà vẫn là căng tin và phòng y tế; tầng hai là nơi dành cho các bộ phận quản lí trường như phòng hiệu trưởng, hiệu phó, phòng quản lí học sinh ; tầng ba là nơi nghỉ giữa giờ của các thầy cô, tầng bốn là các hội trường nhỏ dành cho các sinh hoạt ngoại khoá hay Đoàn Đội… Quả thực với một học sinh trở lại thăm trường lần đầu tiên sau bao nhiêu năm như mình, đây là một sự thay đổi quá lớn lao, dường như mình không thể nhìn thấy chút dấu tích gì về trường cũ ngày xưa ngoài mấy cây bàng đang xoè tán dưới sân trường, vẫn biết đổi thay là điều đương nhiên nhưng mình bỗng cảm thấy có chút ích kỉ, tiếc nuối những ngôi nhà và không gian xưa cũ của mái trường. Mình muốn trường mình lại như ngày ấy, như mình đã ngắm kĩ không biết đến bao lần, mình chẳng muốn thấy một sự thay đổi gì cả dù hết sức nhỏ nhoi. Mình đi vội vào sân trường. Hai cây bàng lớn và hàng cây phượng vĩ đã không còn nữa. Đáng lẽ bây giờ hàng phượng vĩ đã đỏ rực những hoa và cùng với tán lá bàng xoã bóng che mát gần hết sân trường. Mình tiếc quá. Dù trường có hiện đại hơn nhưng không còn những “bông hoa học trò” thì buồn lắm. Tiếc cho bọn trẻ bây giờ không được biết thế nào là phượng hồng, phượng buồn. Đến cuối sân, mình nhìn thấy cô chủ nhiệm của chúng mình. Thời gian làm chúng mình trưởng thành, làm thay đổi bao thứ mà lại chẳng thay đổi được ánh mắt, nụ cười và tình yêu thương bao la của cô. Tóc cô đã bạc màu và gương mặt có hơi nhăn hơn một chút, nhưng mà hình như cô vẫn thế. Cô đã rơm rớm nước mắt khi thấy mình chào cô. Có lẽ cô rất xúc động vì nhìn thấy mình trưởng thành, và cũng vì đã lâu mình chưa về thăm lại cô. Mình bỗng nhớ lại những lần sinh hoạt lớp, chúng mình quây lại thành một vòng tròn, cô ngồi ở giữa, cô trò cùng trao đổi, bàn bạc về các công việc của lớp và cuối giờ không khi nào quên hát vang bài ca mà chúng mình đứa nào cũng thuộc làu từ ngày mới bước chân vào cổng trường Trưng Vương: “Mở trang truyền thống chói sáng tên vàng. Thầy cô mến yêu đã viết nên trang sách hồng. Bao tháng năm trôi qua, vẫn ngạt ngào sắc hương, tự hào biết bao, ta là học sinh Trưng Vương”. Rồi “Chào ngày vui giữa Thủ đô cùng gặp nhau trong bao mến thương. Kỉ niệm xưa không hề phai, bạn bè tình thêm lưu luyến. Từng gắn bó chung một mái trường, ta bước đi trên khắp nẻo đường. Trường Trưng Vương sáng mãi trong tim của ta”. Mắt mình cay xè và nhoà đi vì nước mắt. Mình ra sức dụi mà không ngăn được… bỗng có tiếng mẹ gọi: “Con gái, dậy thôi, ngủ mơ gì mà cứ ú ớ vậy!”
Thì ra mình đã có một giấc mơ đẹp. Mình đã tưởng tượng ra ngôi trường của mình 10 năm sau. Dù rằng trường mình bây giờ còn chưa hiện đại và dù rằng một ngôi trường hiện đại phải là ngôi trường như mình thấy trong mơ nhưng không hiểu tại sao mình vẫn muốn trường mình như hôm nay, không thay đổi, giống như mình và bạn đã và đang gắn bó với nó, phải không Ngọc Anh. Và trong đầu mình cứ ám ảnh một câu nói: Ai dám cho rằng mái trường không phải là nơi tuyệt vời nhất trên đời này?
(Nguyễn Chung Bảo Nguyên, lớp 9H2, THCS Trưnq Vương,
Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
⇒ Nhận xét
Bức thư kể một giấc mơ về thăm trường cũ sau hơn mười năm xa cách. Bạn đã rất chú ý đến những đổi thay. Từ màu sơn tường rào, màu chữ tên trường trên cổng đến các dãy nhà, các lớp học. Cây bàng, cây phượng hai loại cây gắn bó thân thiết với tuổi học trò không còn, gây nên sự tiếc nuối của người kể chuyện, đặc biệt là tiếc thay cho lũ học trò giờ chịu thiệt thòi. Phần so sánh trường xưa và trường của mười năm sau khá chi tiết và thành công. Nhưng có điều đáng tiếc là người kể chuyện kể như là đi vào một ngôi trường trong ngày nghỉ chẳng hể có bóng một học sinh nào. Nhưng sao cô giáo chủ nhiệm lại gặp ở cuối sân? Nếu không có học sinh thì cô đến trường để làm gì? Có thể viện lí do là trong giấc mơ, muốn gặp ai hay nhìn thấy gì thì tuỳ. Đành rằng là trong mơ có thể không giống như ngoài đời. Nhưng tại sao lại không mơ thêm các chi tiết đó để cho câu chuyện thêm sinh động?
Ngay từ đầu bạn đã nói giấc mơ. Rồi lại có chuyện choàng tỉnh giấc. Cuối bài lại có tiếng mẹ gọi. Như thế là quá trùng lặp và làm giảm mất sự bất ngờ.
Theo hoctotnguvan.vn