Kể lại một giấc mơ, ở đó em được gặp lại một người thân đã xa cách lâu nay – Ngữ văn 9
Hướng dẫn
Kể lại giấc mơ gặp người thân đã xa cách lâu
Đề bài: Kể lại một giấc mơ, ở đó em được gặp lại một người thân đã xa cách lâu nay.
1. Yêu cầu
– Viết bài kể chuyện sáng tạo; đòi hỏi người kể phải biết xây dựng câu chuyện bằng trí tưởng tượng cùng với sự liên tưởng vào thực tế cuộc sống.
– Câu chuyện gặp gỡ đó phải có ý nghĩa xác thực (ca ngợi tấm gương, khẳng định ảnh hưởng tích cực, sự yêu thương thân thiết,…).
– Hình ảnh của giấc mơ khác với hình ảnh của những câu chuyện diễn ra xung quanh (vừa mờ tỏ vừa hư hư thực thực,…), tránh kể như các câu chuyện khác.
– Tình cảm của người kể chuyện chân thực, sinh động.
2. Gợi ý
– “Người thân” ở đây là nhân vật chính của câu chuyện. Có thể là bạn bè, thầy cô… Người đó có thể ở xa hoặc đã mất.
– Câu chuyện vừa gợi kỉ niệm đã qua vừa tâm sự những vướng mắc, những mong ước.
– Nhân vật trong mơ đã phân tích, gợi mở cho người kể nhiều điều mới mẻ.
– Nhân vật đó vừa gần gũi thân thiết, vừa khó xích lại gần. Gợi lại những cử chỉ, biểu hiện quen thuộc,…
3. Lâp dàn ý
a. Mở bài: Có nhiều hiện tượng kì lạ trong cuộc đời – ảnh hưởng trực tiếp tới con người (linh tính, giấc mơ, lời dự đoán…) ; ấn tượng sâu sắc nhất: gặp lại… trong giấc mơ.
b. Thân bài
* Hoàn cảnh diễn ra giấc mơ
– Giấc ngủ trong hoàn cảnh cụ thể (sau kì thi học kì, những ngày hè, một đêm mưa,…).
– Gặp người thân và kể lại.
– Giới thiệu về người thân gặp trong mơ (là ai, có mối quan hệ như thế nào, tình cảm trước kia ra sao).
* Tả nhân vật
– Ngoại hình.
– Cử chỉ, lời nói.
* Những chuyên giữa người kể và nhân vật (trọng tâm)
– Bộc lộ tình cảm thương nhớ vì xa cách và khẳng định nhân vật là hình ảnh không phai mờ.
– Kể chuyện nhà, chuyện mình trong thời gian xa cách.
– Gợi lại kỉ niệm về những cậu chuyện đầy cảm xúc (chuyện vui, chuyện buồn, những kỉ niệm khó quên,…).
– Tâm sự về ước mơ và lời khuyên của nhân vật.
– Tỉnh giấc: tiếc vì cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, mong ước của người viết.
c. Kết bài: Khẳng định dù gần hay xa, tình cảm mến yêu và thương nhớ không có gì thay thế được.
4. Bài làm minh hoa
Tuổi thơ của tôi có biết bao điều thú vị… Nhưng ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là câu chuyện gặp ông nội trong một giấc mơ, cho tới tận bây giờ tôi vẫn trân trọng ghi nhớ.
Chuyện xảy ra vào mùa hè năm ngoái; lúc đó trên tivi đang chiếu bộ phim nhiều tập của Mĩ – Phép thuật. Ai thì không biết chứ lũ trẻ chúng tôi thì mê điên mẹ đảo, mà cũng vì sây mê bộ phim đó mà tôi mắc bao nhiêu lỗi. Nào quên nấu cơm, quên dọn dẹp, quên cất quần áo để trời mưa ướt hết… Có lẽ đáng ngại nhất là quên học bài. Cái gì thì bố mẹ tôi đều có thể tha thứ được – vì chả gì tôi cũng út ít nhất nhà mà! – Nhưng riêng chuyện học hành thì họ căng thẳng lắm. Tôi đã thề rằng đừng có mà dại dây vào việc không học bài và để điểm kém và tôi đã làm được điều đó lâu nay rồi. Cũng lạ, thường thì hai phụ huynh nhà tôi hay bất đồng ý kiến lắm, chỉ có mỗi việc học hành của tôi là luôn luôn nhất trí với nhau. Không học cho tốt thì cả hai xúm vào, mẹ thì đay nghiến, bố doạ cho về quê chăn vịt. Cái gì tôi cũng thấy sợ cả, vì có bao giờ tôi phải sống xa cả nhà và có phải tự mình làm việc gì đâu.
Không biết có phải vì thế mà tôi rất chăm chỉ học hành hay còn vì truyền thống của các anh chị hai họ nội ngoại nhà tôi nũà. Ai cũng chăm ngoan, ai cũng học giỏi cả. Bằng chứng rõ nhất là chị Hồng tôi đấy, ở phổ thông, chị luôn học ở các lớp chuyên, chọn, thi đại học thì “một phát ăn liền”, đỗ ngay vào Đại học Ngoại giao. Xung quanh tôi toàn những người như vậy hỏi làm sao tôi không cố học cho giỏi bằng các anh chị cơ chứ!
Ấy vậy mà bộ phim quái quỷ kia làm đổ vỡ hết, tôi chả còn bụng dạ nào mà học bài cả. Liên tiếp tôi “xơi” mấy điểm kém liền, nhất là môn Văn, môn tôi vốn học thuộc loại nhất nhì của lớp. Tôi giấu biến, cấm có biểu hiện gì cả. Nếu như không có việc gì xảy ra thì có lẽ năm học đó tôi ở lại lớp mất. Chiều hôm qua, hình như có linh tính gì, mẹ hỏi điểm học của tôi ngay trong bữa ăn, nghe tôi chối bai bải, mặt tỉnh bơ, mẹ bần thần, nghi ngại lắm. Thoáng chút ân hận, rồi cũng qua mau, sau đó tôi ngủ ngon lành… và tôi đã được gặp ông nội.
Ông tôi vẫn như xưa, tóc bạc trắng, dáng người cao to, mặt hồng hào trông phương phi, phúc hậu. Lúc đầu tôi cảm thấy ngỡ ngàng thật sự vì đã năm năm nay, từ khi ông mất, tôi đã không còn gặp lại ông nữa. Tôi chạy tới sà vào lòng ông. Bàn tay ấm áp của ông xoa nhẹ đầu tôi, ánh mắt nhìn tôi trìu mến như ông chưa hề xa cách chị em tôi ngày nào… Tôi được nghe lại giọng nói quen thuộc của ông.
Trong câu chuyện, ông phê bình tội lười học và nói dối bố mẹ. Giọng ông trầm xuống, như thoáng có nỗi buồn:
– Ông rất buồn vì cháu đã không còn biết vâng lời ông như trước. Ông thất vọng vì cháu bao nhiêu thì thương cháu bấy nhiêu. Cháu nghĩ mình học hộ ai hay sao? Cháu quên mất trách nhiệm của mình mất rồi.
Ông nói đến đây, tôi chợt nhớ tới lời dặn dò của ông trước lúc đi xa. Ông dặn các con phải yêu thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau, với các cháu ông khuyên phải chăm chỉ học để làm người sống có ích cho mọi xã hội. Riêng với tôi, đứa cháu gái nội, thì ông dặn học sao cho rạng danh con cháu họ Phạm nhà mình. Bây giờ, nghe ông nói, lòng tôi trĩu nặng nỗi ân hận, tôi đã khóc một cách cay đắng cho lỗi lầm của mình.
Ông còn cho tôi biết những chuyện từ khi tôi chưa sinh ra. Bố mẹ tôi xưa kia vất vả lắm. Nhà đông anh chị em, nhà cửa chật chội,… cả hai đã vật lộn để mưu sinh, để nuôi con cái học hành thành đạt. Sau này, chính sách mở cửa của nhà nước đã nâng cao đời sống người dân nói chung, trong đó có gia đình tôi, tôi còn bé lại sinh sau nên được hưởng sướng hơn. Lời ông khiến tôi thấy được vị mặn chát của giọt mồ hôi bố mẹ tôi đã đổ ra lo toan cho chị em tôi. Tôi buồn vì sự non dại, sự dối trá hồ đồ của mình!
Đang suy nghĩ cách xin lỗi bố mẹ, thì thoáng một cái, tôi đã không thấy ông ở bên cạnh nữa. Vội nhìn quanh, thấp thoáng bóng hỉnh ông mờ dần vào chân trời phía xa… Tôi chợt hiểu ra điều mình cần phải làm.
Giật mình tỉnh dậy, tôi tự tin và hào hứng với một kế hoạch mới. Ai trong cuộc sống của mình cũng có nhiều giấc mơ, vui có buồn có, song với tôi giấc mơ gặp ông là có ý nghĩa nhất. Nó giúp cuộc đời tôi chuyển sang một bước ngoặt mới, tôi sống có trách nhiệm hơn, với mình, với gia đình, với mọi người xung quanh.
Tất cả qua lâu rồi, nhưng lòng tôi vẫn nhớ, biết ơn ông và thầm hứa sẽ không bao giờ quên lời ông dạy dỗ.
(Nguyễn Thu Hà, lớp 9A8, Trường THCS Ngô Sĩ Liên,
Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)
⇒ Nhận xét
Câu chuyện về một giấc mơ gặp gỡ người thân. Cách kể của bạn khá lôi cuốn vì ngôn ngữ tự nhiên, chân thành. Bạn đã bắt đầu bằng câu chuyện bộ phim Mĩ cực kì cuốn hút. Cuốn hút đến mức dù rất sợ bố mẹ, dù đã thề không bao giờ vi phạm về chuyện học hành, nhưng rốt cuộc bạn vẫn ham phim mà liên tục xơi điểm kém.
Cuộc gặp gỡ với ông trong mơ được kể có phần sơ lược. Nhưng bù vào đó, bạn lại kể thêm về những thông tin mới mà ông cung cấp về bố mẹ, để bạn hiểu hơn vì sao bố mẹ lại nghiêm khắc với mình như thế và lỗi lầm của bạn đáng trách như thế nào.
Sự chuyển biến của bạn thật là quá mau lẹ. Gặp ông đã hiểu ra điều mình cần làm. Giât mình tỉnh dậy thì đã “tự tin và hào hứng với một kế hoạch mới”. Tất nhiên sự thay đổi sau khi gặp ông, thấy những sai lầm của mình, và muốn làm cho mọi người vui lòng đã dẫn đến kết quả trên. Nhưng nếu sự chuyển biến diễn ra từ từ, với những băn khoăn, trăn trở thì câu chuyện có lẽ sẽ hứng thú hơn.
Theo hoctotnguvan.vn