Soạn bài Dế Mèn bênh vực kẻ yếu trang 4 SGK Tiếng Việt 4 tập 1

Giải câu 1, 2, 3, 4 bài Dế Mèn bênh vực kẻ yếu trang 4 SGK Tiếng Việt 4 tập 1. Câu 2. Nhà Trò bị bọn nhện ức hiếp, đe doạ như thế nào?

Nội dung

Ca ngợi Dế Mèn có tấm lòng hào hiệp, sẵn sàng làm việc nghĩa: bênh vực kẻ yếu đuối, đạp đổ những áp bức, bất công trong cuộc sống.

Bài 1

Tìm những chi tiết cho thấy chị Nhà Trò rất yếu ớt.

Gợi ý:

Con đọc đoạn văn thứ 2 trong bài.

Trả lời:

– Bé nhỏ, gầy yếu, người bự những phấn, như mới lột,…

–   Cánh mỏng như cánh bướm non, ngắn chùn chùn, yếu ớt chưa quen mở nên không bay xa được.

Bài 2

Nhà Trò bị bọn nhện ức hiếp, đe doạ như thế nào?

Gợi ý:

Con đọc kĩ lời chị Nhà Trò kể với Dế Mèn.

Trả lời:

–  Trước đây, mẹ Nhà Trò có vay lương ăn của nhện nhưng chưa trả được thì đã chết. Nhà Trò kiếm ăn không đủ nên chưa trả được nợ.

–  Nhện nhất định đòi món nợ cũ, mấy bận đánh Nhà Trò.

–   Lần này, nhện cái chặn đường, đe doạ bắt Nhà Trò vặt chân, vặt cánh, ăn thịt.

Bài 3

Những lời nói và cử chỉ nào nói lên tấm lòng nghĩa hiệp của Dế Mèn?

Gợi ý:

Con đọc từ đoạn “Tôi xoè cả hai càng…” đến hết bài. Chú ý những chi tiết nói về hành động và lời nói của Dế Mèn.

Trả lời:

– Em đừng sợ. Hãy trở về cùng với tôi đây. Đứa độc ác không thể cậy khoẻ ăn hiếp kẻ yếu. Lời nói ấy của Dế Mèn đã làm cho Nhà Trò yên tâm không sợ nữa vì thấy người bênh vực mình mạnh mẽ, dũng cảm, biết căm phẫn, bất bình đối với kẻ độc ác chuyên cậy khoẻ ức hiếp kẻ yếu.

– Dế Mèn phản ứng mạnh mẽ : xoè cả hai càng, đạp phanh phách; có hành động bảo vệ, che chở: dắt Nhà Trò đi.

Bài 4

Nêu một hình ảnh nhân hoá mà em thích. Cho biết vì sao em thích?

Gợi ý:

Nhân hoá là gọi hoặc tả con vật, đồ vật, cây cối bằng những từ ngữ vốn chỉ được dùng để gọi hoặc tả con người.

Trả lời:

– Nhà Trò ngồi gục đầu bên tảng đá cuội, mặc áo thâm dài, người bự phấn: Em thích vì hình ảnh này tả rất đúng về Nhà Trò, giống như một cô gái yếu đuối đáng thương.

– Dế Mèn xoè cả hai càng ra, bảo Nhà Trò: “Em đừng sợ…”: Em thích vì hình ảnh này tả Dế Mèn như một võ sĩ oai vệ, lời lẽ mạnh mẽ, nghĩa hiệp.

– Dế Mèn dắt Nhà Trò đi một quãng thì tới chỗ mai phục của bọn nhện: Em thích vì hình ảnh này làm cho các con vật có hành động giống hệt như người. Bọn nhện biết mai phục để bắt Nhà Trò. Dế Mèn dũng cảm che chở, bảo vệ kẻ yếu, đi thẳng tới chỗ mai phục của bọn nhện.

Hoctotnguvan.vn

Bài đọc

Dế Mèn bênh bực kẻ yếu

      Một hôm, qua một vùng cỏ xước xanh dài. Tôi chợt nghe tiếng khóc tỉ tê. Đi được vài bước nữa, tôi gặp chị Nhà Trò ngồi gục đầu bên tảng đá cuội.

      Chị Nhà Trò đã bé nhỏ lại gầy yếu quá, người bự những phấn, như mới lột. Chị mặc áo thâm dài, đôi chỗ chấm điểm vàng, hai cánh mỏng như cánh bướm non, lại ngắn chùn chùn. Hình như cánh yếu quá, chưa quen mở, mà cho dù có khỏe cũng chẳng bay được xa. Tôi đến gần, chị Nhà Trò vẫn khóc. Nức nở mãi chị mới kể:

– Năm trước, gặp khi trời làm đói kém, mẹ em phải vay lương ăn của bọn nhện. Sau đấy, không may mẹ em mất đi, còn lại thui thủi có mình em. Mà em ốm yếu, kiếm bữa cũng chẳng đủ. Bao năm nghèo túng vẫn hoàn nghèo túng. Mấy bọn nhện đã đánh em. Hôm nay bọn chúng chăng tơ ngang đường đe bắt em, vặt chân, vặt cánh ăn thịt em. 

      Tôi xòe cả hai càng ra, bảo Nhà Trò:

– Em đừng sợ. Hãy trở về cùng với tôi đây. Đứa độc ác không thể cậy khỏe ăn hiếp kẻ yếu.

Rồi tôi dắt Nhà Trò đi. Được một quãng thì tới chỗ mai phục của bọn nhện.

                                                               (trích Dế Mèn phiêu lưu ký – Tô Hoài)

Cỏ xước: loài cỏ có quả nhọn như gai, hay bám  vào quần áo.

Nhà trò: loài côn trùng nhỏ họ bướm, thường sống ở bụi rậm.

Bự: to, dày quá mức.

Áo thâm: áo màu đen hoặc màu ngả về đen.

Lương ăn: những thứ dùng làm thức ăn.

Ăn hiếp: ỷ vào sức mạnh hay quyền thế để chèn ép, bắt nạt kẻ khác.

Mai phục: nấp sẵn ở nơi kín đáo để đánh bất ngờ.

Bài liên quan

Kể những điều em biết về nông thôn

Kể những điều em biết về nông thôn

Kể những điều em biết về nông thôn Hướng dẫn Đề bài: Kể những điều…
Tả cái cặp của em

Tả cái cặp của em

Tả cái cặp của em Hướng dẫn Đề bài: Tả cái cặp của em –…
Kể lại Sự tích hồ Ba Bể bằng lời của bà lão ăn xin

Kể lại Sự tích hồ Ba Bể bằng lời của bà lão ăn xin

Kể lại Sự tích hồ Ba Bể bằng lời của bà lão ăn xin Hướng…
Tả cái thước kẻ của em

Tả cái thước kẻ của em

Tả cái thước kẻ của em Hướng dẫn Ta cai thuoc ke cua em –…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *