Phân tích bài thơ Tỏ Lòng của Phạm Ngũ Lão

Đề bài: Phân tích bài thơ Tỏ Lòng (thuật hoài) của Phạm Ngũ Lão

Bài làm 

 

I – NHỮNG KIẾN THỨC BỔ TRỢ

1.Về tác giả và thòi điểm tác phẩm ra đời

-Phạm Ngũ Lão (1255 – 1320) người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), là con rể (lấy con gái nuôi) của Trần Hưng Đạo. Ông có nhiều công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên. Lúc ông qua đòi, vua Trần Minh Tông ra lệnh nghỉ chầu năm ngày để tỏ lòng tưởng nhớ.

-Có căn cứ để xác định bài thơ được sáng tác vào thời điểm sau chiến thắng vang dội chống quân xâm lược Mông – Nguyên các năm 1285 và 1288. Là một người đã trực tiếp tham gia các trận đánh này, tác giả hồi tưởng về không khí hào hùng của quân dân ta và nghĩ về trách nhiệm của bản thân trong cuộc kháng chiến ấy.

-Một giai thoại về Phạm Ngũ Lão : Ông mãi suy nghĩ về việc chống quân xâm lược đến nỗi quân lính đâm giáo vào đùi mà không biết.

-Tác phẩm của ông hiện còn hai bài thơ là Tỏ lòng (Thuật hoài) và Viếng Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương (Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương).

2.Tri thức văn hoá

Quân Mông – Nguyên là đạo quân thiện chiến, vó ngựa của chúng đã từng tung hoành trên một vùng không gian rộng lớn từ Âu sang Á. Nhưng khi xâm lược Việt Nam, chúng đã ba lần chịu thất bại nhục nhã. Một bài thơ của sứ giả nhà Nguyên là Trần Phu viết đã phần nào ghi lại tâm trạng sợ hãi của quân xâm lược khi đến nước ta :

Kim qua ảnh lí đan tâm khổ,

Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh.

(Trong bóng loè của binh khí, lòng son cay đắng,

Giữa tiếng rộn của trống đồng, tóc bạc mọc ra.)

Chính những con người với phẩm chất anh hùng như Phạm Ngũ Lão đã làm nên hào khí Đông A chói lọi đó.

3. Tri thức về thể loại

Bài thơ thuộc thể thơ Đường luật tứ tuyệt. Một bài thơ kể cả tứ tuyệt hay thất ngôn bát cú thường được cấu tạo bởi hai phần khác nhau rõ rệt. Phần đầu thường là các cảnh vật hay sự việc (gọi tắt là cảnh vã sự). Các cảnh và sự này gọi nên ở nhà thơ những suy nghĩ, tâm trạng, cảm xúc (gọi là tình), số câu chữ dành cho cảnh, sự và tình không cố định ở các bài thơ. Có bài thì cảnh và sự được nói nhiều, có bài tình lại chiếm nhiều câu chữ hơn. Trong bài thơ này, hai câu đầu dành cho cảnh và sự, hai câu sau dành cho suy tư, cảm xúc.

II – PHÂN TÍCH TÁC PHẨM

1.Đặc điểm về nội dung

a) Những khái niệm cần chú ý

Trong bài thơ, cần chú ý một số khái niệm như : giang son, khí thôn ngưu, nam nhi, công danh trái, Vũ hầu.

-Giang sơn (sông núi) : là từ chỉ đất nước. Nó vừa là từ diễn tả không gian tồn tại mang sắc thái vũ trụ, vừa để diễn tả một ý niệm cụ thể là đất nước. Khi nói đến “giang sơn”, thường có một sự liên tưởng đến bộ ba khái niệm “thiên, địa, nhân” (trời, đất, người), tức là thuyết “tam tài”, diễn tả ý niệm về tầm quan trọng của con người trong vũ trụ. Con người sánh ngang với trời đất, có trách nhiệm to lớn đối với thế giới.

-Khái niệm khí cũng có sắc thái văn hoá đặc biệt thời trung đại. Đối với người xưa, khí là năng lượng sống, quyết định sức sống của con người. Sức mạnh của con người thể hiện qua khí.

Khí thôn ngưu có hai cách dịch : khí thế nuốt trôi trâu và khí thế át sao Ngưu. Theo các nhà nghiên cứu, ở đây nên hiểu “khí thôn ngưu” là khí thế nuốt trôi trâu. Đỗ Phủ có thơ : “Tiểu nhi ngũ tuế, khí thôn ngưu” (Đứa trẻ năm tuổi đã có khí thế mạnh mẽ có thể nuốt trôi trâu). Nhà thơ Việt Nam Nguyễn Trung Ngạn cũng có câu thơ : “Mậu linh dĩ hữu thôn ngưu chí” (Thuở thiếu niên đã có chí nuốt trôi trâu).

-Nam nhi hay nam tứ hay làm trai là những từ nhà thơ xưa thường dùng để chỉ những người có tài năng, phẩm chất của người anh hùng, có chí lập công danh, sự nghiệp. Đến đầu thế kỉ XX, vẫn có thể bắt gặp khái niệm này “Làm trai phải lạ ở trên đòi” (Phan Bội Châu). “Nam nhi trái” (món nợ của người nam nhi) : Người xưa tin rằng, nam nhi được trời đất cấp cho tài năng và nhân cách đặc biệt nên việc đem thi thố tài năng đó là một bổn phận, một món nợ mà người nam nhi phải trả. Nguyễn Công Trứ (1778 – 1859) có rất nhiều bài thơ nói về chí nam nhi, nợ nam nhi, nợ anh hùng, nợ công danh : “Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái” (Cái công danh là cái nợ nần của kẻ nam nhi).

– Vũ hầu : Gia Cát Lượng, một nhân vật thời Tam quốc, được phong tước Vũ Lượng hầu (thường gọi tắt là Vũ hầu). Tại sao tác giả lại nói đến nhân vật này ? Vũ hầu Gia Cát Lượng không phải là một võ tướng mà là một mưu sĩ, quân sư của Lưu Bị. Phạm Ngũ Lão khi nói đến Vũ hầu có thể ông đã nghĩ đến tầm vóc của một vị lãnh đạo, một người có trí tuệ để dẫn dắt ba quân có khí thế hùng mạnh “nuốt trôi trâu” đó. Chi tiết này chứng tỏ khát vọng của tác giả muốn trở thành một người trí dũng song toàn, kết họp hài hoà sức mạnh và trí tuệ. Vậy có thể nói, hai câu 3 và 4 bổ trợ cho nhau về nghĩa.

b) Hình tượng tác giả

Đặc điểm của thơ trung đại là thường tỉnh lược chủ ngữ, nên về hình thức, khó kết luận ai là chủ thể của hành động trong bài thơ (Ai cầm ngang ngọn giáo ? Nam nhi là ai ? Ai thẹn ?). Nhưng có thể hiểu nhân vật trữ tình ở đây là chính tác giả. Cách viết tỉnh lược chủ ngữ có hiệu quả là các cảm nghĩ, suy tư mang tính tập thể, tính cộng đồng cao.

“Cái tôi” tác giả hiện lên qua hai hình tượng chính. Thứ nhất là hình tượng người nam nhi hiện ra dưới dạng hồi tưởng (hiểu là đã từng như thế) : cầm ngang ngọn giáo trấn giữ non sông trong khí thế dũng mãnh của ba quân. Đó là hình tượng một người chiến binh có tầm vóc vũ trụ. Hình tượng thứ hai là dáng vẻ trầm tư suy nghĩ về nợ công danh, về một hình mẫu nam nhi lí tưởng như Vũ hầu. Hai hình tượng này kết họp lại sẻ cho ta một nhân vật anh hùng tiêu biểu của thời Trần : đã cống hiến tài năng, sức lực cho đất nước nhưng vẫn cảm thấy chưa đủ, vẫn khát khao cống hiến nhiều hơn, trở thành người trí dũng song toàn. Hình tượng “cái tôi” thứ nhất gợi không khí hào hùng, âm vang, hình tượng “cái tôi” thứ hai lại trầm lắng, đầy chất suy tư. Tác giả không thoả mãn với chính mình. Đó có thể là bài học sâu sắc nhất qua bài thơ.

2.Đặc điểm về nghệ thuật

a) Kết cấu của bài thơ

Bài thơ này có hai phần rõ rệt, theo nguyên tắc “tức cảnh sinh tình” (lòng tiếp xúc với cảnh mà cảm xúc, suy nghĩ nảy sinh). Phần thứ nhất gồm hai câu thơ đầu:

        Hoàng sóc giang sơn kháp kỉ thu,

        Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.

        (Cầm ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu,

        Ba quân như hổ báo, khí thế hùng dũng nuốt trôi trâu.)

Tác giả hồi tưởng lại cảnh tượng bản thân mình cầm ngang ngọn giáo bảo vệ giang sơn và khí thế hừng hực của các binh sĩ (ba quân) trong những năm chống quân Mông – Nguyên xâm lược. Hai câu thơ phác hoạ một cách súc tích toàn cảnh con người và đất nước ta thế kỉ XIII, thòi kì có những chiến công hiển hách.

Phần thứ hai (hai câu còn lại):

        Nam nhi vị liễu công danh trái,

        Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu.

        (Thân nam nhi mà chưa trả xong nợ công danh,

        Thì luống thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu.)

Là những suy nghĩ sâu lắng, riêng tư của tác giả khi mường tượng lại các cảnh tượng đó. Trước hết là suy nghĩ về việc bản thân chưa trang trải trọn vẹn món nợ công danh, tức là chưa thể hiện trọn vẹn khát vọng và lí tưởng làm trai. Có thể đây chỉ là cách nói khiêm tốn mà cũng có thể là khao khát muốn đạt tới tầm vóc của bậc tướng có trí tuệ và kiến thức uyên bác như Vũ hầu Gia Cát Lượng.

Bài thơ triển khai “tứ” bằng cách đi từ hiện thực, chọn những sự kiện, cảnh tượng có thực, tiêu biểu để khéo léo dẫn dắt đến chỗ bộc lộ những suy nghĩ, cảm xúc nội tâm sâu kín.

b) Ngôn ngữ

Bản dịch đã cố gắng truyền đạt nghĩa của bài thơ nhưng chưa thể lột tả hết thần thái của các từ ngữ, các câu thơ. Chú ý nghĩa của một số từ ngữ ở bản dịch thơ chưa nói hết ý của từ ngữ nguyên vần chữ Hán. Đối chiếu bản dịch để thấy từ ngữ trong bản dịch thơ chỉ truyền đạt phần nào nội dung của nguyên tác. “Hoành sóc” nghĩa là cầm ngang ngọn giáo mà dịch là “múa giáo” chưa lột tả hết tính chất hoành tráng cửa hình tượng người dũng sĩ. “Nam nhi vị liễu công danh trái” dịch là “Công danh nam tử còn vương nợ’ thì chữ “còn vương” cũng chưa thật đúng với ý chữ “vị liễu” trong nguyên tác. “Vị liễu” là chưa làm xong, chưa thực hiện trọn vẹn nợ công danh. Trong khi đó “vương nợ” là bị ràng buộc bởi món nợ công danh, lí tưởng lập công danh ở đây có sắc thái bị động. Tất nhiên mục đích so sánh là để hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của toàn bài thơ. Dịch một bài thơ cổ với những từ ngữ hết sức hàm súc vốn là một công việc khó khăn.

Bài liên quan

Phân tích bài Ca dao hài hước

Phân tích bài Ca dao hài hước

Đề bài: Phân tích bài Ca dao hài hước. Bài làm   I– NHỮNG KIẾN…
Phân tích tác phẩm Uy-lít-xơ trở về (Trích Ô-đi-xê – sử thi Hi Lạp)

Phân tích tác phẩm Uy-lít-xơ trở về (Trích Ô-đi-xê – sử thi Hi Lạp)

Đề bài: Phân tích tác phẩm Uy-lít-xơ trở về (Trích Ô-đi-xê – sử thi Hi Lạp)…
Soạn văn lớp 10 HK 1 & 2

Soạn văn lớp 10 HK 1 & 2

Học Tốt Ngữ Văn 10 tổng hợp bộ bài soạn văn học kì 1 và…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *