Soạn bài Tự tình (II) – Ngữ văn 11. Câu 1. Đọc Tự tình (bài I) dưới đây, nêu nhận xét về sự giống và khác nhau giữa hai bài Tự tình (I) và Tự tình (II)
Lời giải chi tiết
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Hồ Xuân Hương là nữ sĩ tài năng, là hiện tượng văn học trung đại Việt Nam, song cũng là nhà thơ mà cuộc đời còn rất nhiều bí ẩn. Hiện nay phần đông các nhà nghiên cứu thống nhất ý kiến: Bà là con ông Hồ Phi Diễn, một nhà Nho nghèo quê ở Nghệ An. Ông Hồ Phi Diễn ra Bắc dạy học và lấy vợ lẽ, rồi sinh ra Hồ Xuân Hương. Gia đình bà từng sống ở Thăng Long. Bà giao du rộng rãi, đường tình duyên của bà gặp nhiều trắc trở.
2. Bài thơ thuộc chùm ba bài thơ Tự tình của Hồ Xuân Hương. Chùm thơ bộc lộ tâm sự của một người phụ nữ đa đoan luôn khát khao hạnh phúc nhưng luôn gặp những điều bất hạnh. Hiện lên trong chùm thơ là người phụ nữ đằm thắm, cá tính mãnh liệt nhưng không thiếu sự dịu dàng yếu đuối của nữ tính. Bài thơ đã thể hiện một số đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật Hồ Xuân Hương, đó là cảm xúc táo bạo, cái Tôi cá nhân đầy tâm trạng và những hình ảnh thơ đầy cá tính với niềm khát khao hạnh phúc, khát khao sống mãnh liệt. Bài thơ Tự tình tiêu biểu cho phong cách thơ Hồ Xuân Hương ở nỗi cô đơn, ở niềm khát khao hạnh phúc, ở tâm trạng uất ức luôn muốn phá vỡ những khuôn khổ chật hẹp của cuộc sống. Trong bài thơ có sự xuất hiện rất rõ ràng và cụ thể hình tượng nhân vật trữ tình. Cái Tôi cá nhân xuất hiện rất rõ với tâm trạng buồn và cô đơn trĩu nặng.
II. SOẠN BÀI
1. Bốn câu thơ đầu cho thấy tác giả đang ở trong hoàn cảnh và tâm trạng như thế nào?
Trả lời:
– Bài thơ mở ra bằng một hoàn cảnh tâm trạng khá đặc trưng:
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non
+ Thời gian: Đêm khuya
+ Không gian: trống trải, mênh mông, văng vẳng tiếng trống cầm canh.
=> Câu thơ đầu của bài thơ đã gợi buồn. Cái buồn gợi ra từ sự tĩnh lặng của đêm khuya. Tiếng trống không gần (văng vẳng) mà vẫn nghe thấy cái nhịp vội vàng, gấp gáp, ấy là vì tiếng trống gợi bước đi của thời gian, gợi sự tàn phá và nó là tiếng trống được cảm nhận bằng tâm trạng. Chính vì thế mà trong cái nhịp gấp gáp, liên hồi của tiếng trống canh ta như nghe thấy cả bước đi dồn dập của thời gian và sự rối bời trong tâm trạng của nhân vật trữ tình.
– Câu thơ thứ hai gợi cảm nhận vé sự bẽ bàng của thân phận một cách dữ dội hơn:
+ Phép đảo ngữ như cố tình khoét sâu thêm vào cái sự bẽ bàng của tâm trạng. “Trơ” là tủi hổ, là chai lì, không còn cảm giác. Thêm vào đó, hai chữ “hồng nhan” (chỉ dung nhan người thiếu nữ) lại đi với từ “cái” thật là rẻ rúng, mỉa mai. Cái “hồng nhan” trơ với nước non đúng là không chỉ gợi sự dãi dầu mà đậm hơn có lẽ là ở sự cay đắng. Câu thơ chỉ nói đến hồng nhan mà lại gợi ra cả sự bạc phận của chủ thể trữ tình. Nhịp câu thơ 1/3/3 cũng như vậy, cứ chì chiết, càng khơi sâu vào sự bẽ bàng khôn tả.
+ Tuy nhiên câu thơ không hẳn chỉ có nỗi đau, mà nó còn thể hiện cả bản lĩnh của nhân vật trữ tình. Bản lĩnh ấy thể hiện ở ngay trong chữ “trơ” như là một sự thách thức vậy. Từ “trơ” kết hợp với “nước non” thể hiện sự bền gan, sự thách đố. Nó gợi cho ta nghĩ đến mộl câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong bài Thăng Long thành hoài cổ (“Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt”).
– Nếu hai câu để làm nhiệm vụ dẫn dắt người đọc vào hoàn cảnh tâm trạng thì hai câu thực nói rõ hơn thực cảnh và thực tình của Hồ Xuân Hương:
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vầng trâng bóng xế khuyết chưa tròn.
Cảnh tình Xuân Hương thể hiện qua hình tượng chứa đựng hai lần bi kịch: Trăng sắp tàn (bóng xế) mà vẫn “khuyết chưa tròn”. Cùng đó là với Xuân Hương, tuổi xuân đã trôi qua mà nhân duyên không trọn vẹn. Hương rượu chỉ càng gợi thêm sự cô đơn và cái bẽ bàng của phận hẩm duyên. Cụm từ “say lại tỉnh” gợi lên cái vòng luẩn quẩn, tình duyên trở thành một trò đùa của con tạo.
2. Hình tượng thiên nhiên trong câu 5 và 6 góp phần diễn tả tâm trạng, thái độ của nhà thơ trước số phận như thế nào?
Trả lời:
Hình tượng thiên nhiên trong hai câu luận dường như cũng mang cả nỗi niềm phẫn uất của con người:
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Những sinh vật bé nhỏ như đám rêu kia mà vẫn không chịu phận nhỏ bé, hèn mọn, không chịu yếu mềm. Tất cả như đang muốn bứt thoát hẳn lên: Rêu phải mọc “xiên ngang mặt đất”, đá đã rắn chắc lại phải rắn chắc hơn, lại phải nhọn hoắt để “đâm toạc chân mây”.
Biện pháp nghệ thuật đảo ngữ càng làm nổi bật sự phẫn uất của đá, của rêu và cũng là sự phẫn uất của tâm trạng con người. Cùng với biện pháp đảo ngữ là sự kết hợp giữa những động từ mạnh (xiên, đâm) với các bổ ngữ độc đáo (ngang, toạc) thể hiện rất rõ sự bướng bỉnh và ngang ngạnh.
Câu thơ cựa động căng đầy sức sống. Đá, rêu như đang oán hờn, như đang phản kháng quyết liệt với tạo hoá. Có thể nói, trong hoàn cảnh bi thảm nhất, thơ Hồ Xuân Hương vẫn ẩn chứa mạnh mẽ một sức sống, một khát khao.
3. Hai câu thơ nói lên tâm trạng gì của tác giả?
Trả lời:
Hai câu kết là tâm trạng chán chường, buồn tủi:
Ngán nỗi xuân di xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con!
– “Ngán” là chán ngán, là ngán ngẩm. Xuân Hương ngán nỗi đời éo le, bạc bẽo bởi xuân đi rồi xuân lại lại, tạo hoá đang chơi một vòng quay nhàm chán như chính chuyện duyên tình của con người.
– Từ xuân vừa chỉ mùa xuân, vừa được dùng với nghĩa chỉ tuổi xuân. Với thiên nhiên, xuân đi rồi xuân lại nhưng với con người thì tuổi xuân đã qua không bao giờ trở lại. Hai từ “lại” trong cụm từ “xuân đi xuân lại lại” cũng mang hai nghĩa khác nhau. Từ “lại” thứ nhất là thêm một lần nữa, trong khi đó, từ “lại” thứ hai nghĩa là trở lại. Mùa xuân trở lại nhưng tuổi xuân lại qua đi, đó là cái gốc sâu xa của sự chán ngán.
– Trong câu thơ cuối, nghệ thuật tăng tiến làm cho nghịch cảnh của nhân vật trữ tình càng éo le hơn: mảnh tình – san sẻ – tí – con con. Mảnh tình – vốn đã ít, đã bé, đã không trọn vẹn lại còn phải “san sẻ” thành ra gần như chẳng còn gì (tí con con) nên càng xót xa, tội nghiệp. Câu thơ nói lên cả nỗi lòng của người phụ nữ trong xã hội xưa, khi cảnh chồng chung vợ chạ đối với họ không phải là xa lạ.
4. Bài thơ vừa nói lên bi kịch vừa cho thấy khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của Hồ Xuân Hương.
Trả lời:
Bi kịch trong bài thơ là bi kịch của tuổi xuân, của duyên phận. Xuân đi rồi xuân đến, thời gian của thiên nhiên, của trời đất cứ tuần hoàn mà tuổi xuân của con người cứ mãi qua đi không trở lại. Trong hoàn cảnh ấy, sự nhỡ nhàng, sự dở dang của duyên tình càng làm tăng thêm sự xót xa. Rơi vào hoàn cảnh ấy, với nhiều người có thể không tránh khỏi sự tuyệt vọng, thậm chí phó mặc, buông xuôi. Thế nhưng, Xuân Hương không thế. Trước sự trớ trêu của số phận, người phụ nữ luôn khát khao hạnh phúc vẫn muốn cưỡng lại sự nghiệt ngã của con tạo. Sự phản kháng và khát khao ấy ở Hồ Xuân Hương làm nên ý nghĩa nhân văn sâu sắc cho tác phẩm.
III. LUYỆN TẬP
Đọc Tự tình (bài I) dưới đây, nêu nhận xét về sự giống và khác nhau giữa hai bài Tự tình (I) và Tự tình (II)
Trả lời:
Bài làm
Mở đầu chùm ba bài thơ Tự tình, Xuân Hương viết:
Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom,
Oán hận trông ra khắp mọi chòm.
Mõ tliảm klĩông khua mà cũng cốc,
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om?
Trước nghe những tỉếng thêm rền rĩ,
Sau giận vì duyên để mõm mòm.
Tài tử văn nhân ai dó tá?
Thân này đâu dã chịu già tom!
– Giống nhau:
+ Thể thơ: Thơ Nôm đường luật
+ Hai bài thơ đều cùng bộc lộ một tâm trạng: Nỗi buồn tủi, xót xa và phẫn uất trước cảnh duyên phận hẩm hiu.
+ Về mặt hình thức, cả hai bài thơ cùng cho thấy tài năng sử dụng tiếng Việt sắc sảo, tài hoa của Hồ Xuân Hương, nhất là khả năng sử dụng độc đáo các định ngữ và bổ ngữ như: mõ thảm, chuông sầu, tiếng rền rĩ, duyên mõm mồm, già tom ( Tự tình, bài I), xiên ngang, đâm toạc (Tự tình, bài II). Hồ Xuân Hương cũng rất thành công khi sử dụng một cách điêu luyện các biện pháp nghệ thuật như: đảo ngữ, tăng tiến,…
– Khác nhau:
+ Cảm xúc trong Tự tình I là nỗi niềm của nhà thơ trước duyên phận hẩm hiu, nhiều mất mát, trước lẽ đời đầy nghịch cảnh, đồng thời là sự vươn lên của chính bản thân, thách đố lại duyên phận.
+ Còn ở Tự tình II, cũng là sự thể hiện của bi kịch duyên phận muôn màng, cố gắng vươn lên nhưng cuối cùng cũng không thoát được bi kịch. Chính vì thế bi kịch như được nhân lên, phẫn uất hơn. Sự khác nhau đó chính là do cảm xúc chủ đạo trong từng bài thơ.
IV. TƯ LIỆU THAM KHẢO
1. Về tác giả
“… Đường chồng con chắc nhiều long đong. Đến nay mới rõ tên một người chồng là Trần Phúc Hiển, vào những năm 1810, thế kỷ XIX làm tri phủ Tam Đài tức về sau là Vĩnh Tường, rồi tiếp theo giữ chức tham hiệp An Quảng và mất năm 1819. Còn ông phủ Vĩnh Tường có phải Trần Phúc Hiển hay một người khác, Tổng Cóc là ai? Có phải là Nguyễn Bình Kính ở phủ Lâm Thao hay là người nào? Cứ lẽ thường ngày xưa, khó lòng một ông quan tỉnh lại đi lấy vợ góa của kẻ thấp hơn mình dù lấy làm thiếp và vì nể tài. Mấy mươi bài thơ xướng họa giữa Tốn Phong Thị được sáng tác vào quãng 1807-1814, mà giọng chân thực không có gì đáng nghi ngờ, lại cho thấy một Hồ Xuân Hương không còn mười tám đôi mươi nhưng “quả mai ba bảy đương vừa” mà trong tâm tư đã cho mình thuộc số má đào phận bạc và lấy làm xấu hổ khi nghĩ đến chuyện chồng con. Chỗ này chưa thấy ánh sáng. Điều chắc chắn là phận chồng con không ra gì.
Một điều thường được ghi nhận là Xuân Hương đi đây đi đó nhiều nơi, lên tận Tuyên Quang, vào tới Thanh Hóa, qua đến An Quảng, sang cả Ninh Bình, còn Vĩnh Yên, Sơn Tây, Hà Đông đều có vết chân của nữ sĩ. Thời xưa, với phụ nữ, chu du như vậy rất khó. Có người không dám tin, nhưng thơ Hồ Xuân Hương lại là bằng chứng.
Xuân Hương lãng du như thế vào thời gian nào? Khó mà xác định nhưng bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình là chỗ từng trải của Xuân Hương.
Xuân Hương mất năm nào? Chưa đâu đáng tin bằng lời thơ của Miên Thẩm: Trước 1842. Như vậy Xuân Hương thuộc vào thế hệ các nhà thơ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX và nhỏ tuổi hơn Nguyễn Du.
Nói thêm một chút về ngôn ngữ: Sở dĩ ngôn ngữ Xuân Hương lột được mọi ý đồ của nữ sĩ chính vì cái tài vô song của người vận dụng. Cái tài ấy chẳng khác cái tài của người làm xiếc. Vượt xa trên mức tưởng tượng. Tài tình như thần thông biến hóa. Dân gian mà cổ điển. Điêu luyện mà cứ hồn nhiên. Thực hư, hư thực, nó đấy mà không phải nó, bóng mà hình, hình mà bóng, đùa mà thật, thật mà đùa. Có vẻ như Tôn Ngộ Không. Với Tam Tạng thì chỉ một thân, trung thực, chân chất đến xúc động, nhưng với yêu quái, ma vương thì có đến trăm Tôn Ngộ Không, chẳng biết đâu là thật là giả…
Chính xác đến ghê người. Nói đến con dê chưa thật đã lớn, nhưng cũng chẳng còn là dê con, loại dê choai choai, hăng máu một cách liều lĩnh, Xuân Hương dùng “dê cỏn” chứ không dùng “dê con”. ấy là Xuân Hương muốn chỉ bọn thầy khóa hãy trẻ tơ, chưa đủ lông đủ cánh gì, non nớt tuổi đời, non cả tài thơ mà dám chơi trèo, định ghẹo tới bà chị và làm thơ để ghẹo…
Chỗ tài tình nhất có lẽ là sự lấp lửng nghĩa nọ nghĩa kia, ở một hình tượng, ở một từ, một cách nói…
Đồn rằng Nguyễn Khuyến nói về Hồ Xuân Hương có câu:
Thơ thánh, thơ tiên đời vẫn có,
Tung hoành thơ quỷ hiếm hoi thay!
Tản Đà cũng cho “trong thơ Xuân Hương có quỷ”. Xuân Diệu gọi nữ sĩ là “Bà chúa thơ Nôm”. Hẳn đó là những lời khen đáng tin. Tuy có vẻ mỗi người như muốn nhìn một mặt của thơ Xuân Hương, nhưng ngẫm kỹ thì đều dụng ý nói toàn diện cái tài tình của nữ sĩ, nội dung cũng như hình thức.”
Lê Trí Viễn
(Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương, Sở giáo dục Nghĩa Bình xuất bản năm 1987)
2. Thơ Hồ Xuân Hương
“Nhìn chung trong thơ cổ điển của nước ta, bao gồm từ Chu Mạnh Trinh trở lên, nếu xét về khía cạnh có tính cách dân tộc hơn cả có lẽ thơ Hồ Xuân Hương “thì treo giải nhất chỉ nhường cho ai”. Thơ Hồ Xuân Hương Việt Nam hơn cả vì đã thống nhất được đến cao độ hai tính cách dân tộc và đại chúng…
…Nội dung thơ Hồ Xuân Hương toát ra từ đời sống “bình dân, hằng ngày và trên đất nước nhà. Xuân Hương nói ngay những cảnh có thực của núi sông ta, vứt hết cả sách vở, khuôn sáo, lấy hai con mắt của mình mà nhìn, cái đèo Ba Dội của Xuân Hương rõ là ba dội, ba đèo, tùm hum nóc, lún phún rêu, gió lắt lẻo, sương đầm đìa, phong cảnh sống như cựa quậy lên…
…Hồ Xuân Hương tưởng như đã lìa cái gốc nho sĩ của mình mà “lăn lóc” giữa bình dân. Xuân Hương là con ốc, quả mít, cái bánh trôi. Xuân Hương làm thơ với cỏ gà, cá giếc, quả cam, lá trầu, con ong, cái giếng, khung cửi, cây đa, cái diều… Mà những thứ ấy vẫn giữ nguyên chất bình dân, chứ không bị mang hia, đội mũ như trong lối thơ khẩu khí…
… Hồ Xuân Hương là nhà thơ dòng Việt, bà chúa thơ Nôm… Xuân Hương đã làm cho chữ “nôm na” không đồng nghĩa với “mánh qué” nữa, mà nôm na là đồng nghĩa với thuần túy, trong trẻo, tuyệt vời. Bà chúa thơ Nôm là chúa cả nội dung và hình thức. Xuân Hương đã sáng tạo được một chất thơ rất man mác, nên thơ…
loigiaihay.com