Đó là lối sống mang cái chí khí ngất ngưởng. Chẳng những ông không sợ ai chê cười mà còn đầy lòng tự hào về cái đạo sống ngất ngưởng đó
Khi đã nghỉ hưu ở quê nhà, Nguyễn Công Trứ viết Bài ca ngất ngưởng thể hiện phong cách sống của ông. Đây là triết lí sống trong cuộc đời khi còn là một thư sinh, khi xuất chính hay lúc đã về hưu của ông. Ngất ngưởng là từ tượng hình có giá trị biểu đạt, diễn tả ở một vị trí cao chênh vênh, không ổn định, liên hệ vào con người là một lối sống khác người: ngông nghênh, thách thức với mọi người, vượt lên thế tục bình thường!
Mở đầu là câu thơ chữ Hán thể hiện lí tưởng của nhà Nho: phận sự của kẻ sĩ là phải coi việc gánh vác trong vũ trụ là bổn phận của mình.
Nhà thơ tự xưng mình là ông – Ông Hi Văn – lần lượt làm các việc: thi đỗ thủ khoa, khi làm quan Tham tán vụ bộ Hình, khi làm Tổng đốc Hải An, lúc làm Đại tướng Bình Tây, lúc làm Phủ doãn Thừa Thiên, nhưng ông không ở lâu chức vụ nào vì bị giáng chức.
Sự nghiệp như thế thật không hổ thẹn với chí lớn kẻ làm trai. Mặc dù trên đường công danh có những lúc thăng trầm nhưng cuối cùng ông cũng ở được phẩm tước khá cao dù cái xã hội ấy, ông gọi là cái lồng.
Cuộc đời lập nghiệp công danh kéo dài từ năm 1820 đến năm 1848, ông đã tự chứng tỏ cái tài song toàn về văn võ một cách hiển hách lừng danh, đến nỗi ông không che dấu khi tự thuật về mình. Một tay ngất ngưởng trên hoan lộ:
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng!
Sau khi làm xong phận sự, ông không ngần ngại cởi trả áo mão triều đình cáo lão về hưu.
Quãng đời sau cùng của Nguyễn Công Trứ là quãng đời không màng danh lợi, hoàn toàn hưởng nhàn theo sở thích cá nhân. Với một tâm hồn tự do và một cuộc sống độc lập, ông tha hồ ngất ngưởng cỡi bò vàng đeo nhạc ngựa tiêu dao đây đó, khi chùa, khi núi, lại đèo theo đủng đỉnh một đôi dì. Cách hưởng nhàn hành lạc của ông ở đây thật đến quá quắt, mà có lẽ khôi hài lập dị của một trang nam tử có một thị hiếu riêng, đến nỗi:
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng!
Lối hưởng lạc này có một sinh khí và một tính cách riêng, đó là lối hưởng lạc nhập tục theo chiều hướng phóng khoáng cá nhân, không giống một ai, không Tiên không Phật cũng không tục, nhưng vẫn trọn nghĩa vua tôi:
Khi ca, khi tửu, khi các, khi tùng
Không Phật, không Tiên, không vướng tục.
Hướng nhàn hành lạc chỉ là thời kì sau cùng của ông khi làm xong phận sự. Ông muốn mọi người hiểu rằng cuộc đời là trung nghĩa. Biết bao lần lên bổng xuống trầm trên hoan lộ, vì ganh ghét, vì vu cáo, thế mà vẫn giữ vững đức trung quân, ái quốc, không hề có một ý tưởng bất mãn.
Bởi vậy khi về hưu vui thú tuổi già, ông sống với một cõi lòng yên vui bình thản; trên không lỗi với vua, dưới không mất lòng dân chúng. Cho nên khi Tiền Hải, Kim Sơn, lúc chống gậy đến chốn triều đình nghị quốc quân đại sự. Năm Tự Đức thứ 12, ông nghe tin liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công cửa bể Đà Nẵng, không quản ngại thân già, ông chống gậy đến chốn triều đình dâng sớ xin vua cầm quân đánh giặc; nhưng vua không chấp thuận vì thấy ông tuổi tác đã già nua.
Tự xét hiểu mình như thế, nên ông kiêu hãnh tự ghi nhận về mình:
Chẳng Trái Nhạc cũng vào phường Hàn Phú,
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung,
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!
Phải chăng đó là lối sống mang cái chí khí ngất ngưởng. Chẳng những ông không sợ ai chê cười mà còn đầy lòng tự hào về cái đạo sống ngất ngưởng đó. Tóm tắt lại có bốn cái ngất ngưởng nổi bật trong đời ông:
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng!
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng!
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng!
Trọng triều ai ngất ngưởng như ông!
Hoctotnguvan.vn