Hủ tục nơi làng xã là một mảng đen tối, tù đọng của cái xã hội thực dân nửa phong kiến mà tác giả muốn bày tỏ: hãy xóa bỏ đi! Sống trong xã hội mới, nếp sống văn hóa mới.
Ngô Tất Tố (1893 – 1954) ngoài các công trình nghiên cứu, dịch thuật, tiểu thuyết (Tắt đèn, Lều chõng) còn để lại hai tập phóng sự viết về nông thôn Việt Nam trước năm 1945: “Tập án cái đình” và “’Việc làng”.
“Việc làng” gồm có 16 bài phóng sự; “Góc chiếu giữa đình” là bài số VI của tác phẩm. Qua chuyện ông Lũy tổ chức lễ ăn khao vì mua được cái chức lí cựu mà trở thành khánh kiệt, nợ nần, tác giả đã châm biếm hủ tục nơi “cái làng xôi thịt” ngày xưa, chỉ mặt vạch tên bọn chức dịch là đầu trò của mọi hủ tục, tệ nạn ấy.
Vợ chồng ông Lũy thật đáng thương. Có bao nhiêu đức tính tốt đẹp của người dân cày lam lũ, tính nết “thật thà, chăm chỉ”, cần cù tiết kiệm làm ăn. Suốt một thời gian dài mười lăm năm, chồng làm nghề cày thuê, vợ chuyện đi ở vú sữa. Nhờ thế mà ông bà đã đưa nhà mình “lên đến bậc có máu mặt”, có cái lưng vốn kha khá “có gần mẫu ruộng và nửa con trâu”. Khi đã ngoài năm mươi tuổi, ông cũng không được khỏe, bà thì đã hết sữa nên đã “tự hưu trí” để cùng trông nom nhà cửa ruộng nương. Nhờ trời mấy năm được mùa liên tiếp, thóc lúa đủ ăn từ vụ nọ đến vụ kia, trong chuồng lúc nào cũng có lợn lớn. Vợ chồng ông Lũy thật chẳng mong gì hơn thế “trong các hạnh phúc của loài người” mà mình đã cầm tay!
Tác giả thuở ấy chỉ là một nho sinh đến ở trọ gần nhà ông Lũy thế mà trong lễ ăn khao, ông đã sai người nhà mời đến ba lần. Khi được mừng một đồng bạc, ông Lũy “ra ý không thích” vì ông chỉ muốn mua đôi liễn nhờ nhà nho “viết chữ vào cho”. Chi tiết ấy đã thể hiện ông Lũy là một con người rất tình nghĩa “thật thà chăm chỉ”.
Trong tập thơ “Dòng nước ngược” xuất bản trong thời Pháp thuộc, Tú Mỡ châm biếm viết:
“Phá đình đi! Phá đình đi!
Còn đình hủ tục còn đi hại nhiều!”
Trong bài phóng sự “ Góc chiếu giữa đình”, Ngô Tất Tố cũng đã viết: “… nếu như làng ổng không có cái đình”. Đó là cái đình làng Đ.Tr. nơi quê hương bản quán của ông Lũy. Thật ra cái đình chẳng có cái tội tình gì, nó chẳng phải là “thủ phạm” gây ra mọi đau khổ cho vợ chồng ông Lũy sau này. Trên đất nước ta, từ Bắc vào Nam, nhiều làng xã có cái đình rất to, rất đẹp, được xây dựng đã mấy trăm năm, là niềm tự hào chính đáng của bao thế hệ dân làng như ở Đình Bảng (Bắc Ninh), Đường Lâm (Sơn Tây), Ngũ Xã (Hà Nội), Thổ Tang (Phúc Yên), v.v…
Ngô Tất Tố đã vạch mặt chỉ tên bọn lí dịch làng Đ.Tr. là những kẻ đã bày vẽ ra bao thứ lệ làng, đã duy trì mọi hủ lục trong “cái làng xôi thịt”. Mọi cuộc mua bán chức tước như lí trưởng, phó lí, lí lân, lí cựu, ông xã, ông nhiêu… đều do chúng làm đầu trò. Cái tôn ti trật tự ngôi thứ trên mảnh chiếu đình trung như chiếu phẩm hàm, chiếu chức dịch, chiếu bạch đinh, cái tâm lí “một miếng giữa làng hơn sàng xó bếp”, v.v… cũng do chúng cài đặt, duy trì! Những người nông dân chân lấm tay bùn chất phác, dốt nát như vợ chồng ông Lũy đã trở thành nạn nhân của những cái trò ấy, của những hủ tục “mua danh bán tước” và ăn khao theo lệ làng ấy!
Ông Lũy như con cò hiền lành lâm nạn, bị sập bẫy của bọn lí dịch làng Đ.Tr. giương lên. Vốn biết ông Lũy “rất lấy làm bất mãn” về thân phận bạch đinh đầu chày đít thớt thấp hèn của mình, chúng đã gọi ông ra giữa đình bán cho ông cái chức lí cựu lấy một trăm bạc chi tiêu vào công việc tu bổ ngôi đình bị dột mấy chỗ. Khi ông Lũy phân vân về cái của “không tăn mù cựu” sẽ không được ai quý trọng thì họ “nói rất bùi tai”: chỉ mất trăm bạc mà được ngồi ngang hàng với lí trưởng, phó lí, với các chức dịch trong làng, được “ăn biếu ăn xén”…
Khi nghe chồng bàn có nên mua chức lí cựu hay không, thì vợ ông “cũng muốn được làm bà Cựu, nên cũng khuyên ông cố lo”.
Ngô Tất Tô đã phản ánh rất chân thật cái tâm lí hám danh phận của người nhà quê. Bị đè đầu cưỡi cổ, bị nhấn chìm trong vòng tăm tối u mê bởi chính sách ngu dân của cái xã hội thực dân nửa phong kiến, nên số đông trong bọn họ ai cũng muốn “có chút danh phận” được làm ông nọ, bà kia, dù chỉ là “ ông Cựu”, “bà Cựu” như vợ chồng ông Luỹ !
“Chốn đình trung ngất nghểu rung đùi
Cũng má lợn cũng đầu gà mấy ai được?”
Mua được chức “lí cựu” rồi lại còn phải tổ chức ăn khao. “Vô vọng bất thành quan!” đã trở thành điều nhắc nhở. Ông Luỹ muốn hoãn đến tháng mười có lúa gạo đỡ phải vay mượn nhưng bọn hương lí không nghe, vì “để lâu không tiện dân làng đã vậy còn quỷ thần”. Vợ ông thì chỉ muốn tổ chức ăn theo “ cho đủ lệ”, không mời khách khứa nào cả! Với ông Luỹ thì “cái áo còn lo được, huống chi cái dải” nên tổ chức ăn khao phải làm “thật linh đình”, không thể “xử cách nhom nhem được”. Vì ông đã “làm bậc lí cựu” trong làng rồi cơ mà! Đâu phải hạng bạch đinh “bố cu bố đĩ” nữa!
Cỗ bàn linh đình, chè chén lu bù… đã trở thành một thói quen, một hủ tục ở chốn hương ẩm. Được cái cửu phẩm, ăn khao. Chạy được triện đồng lí trưởng, chánh tổng, ăn khao. Nghị Quế, nghị Lại, nghị Hách… đã ăn khao thì lí Toét, lí cựu, cậu cai, tuỳ phái, v.v… cũng ăn khao. Ăn khao để dân làng và bà con hả dạ, để thành hoàng, quỷ thần chứng giám cho!
Vợ chồng ông Luỹ như bị cuốn vào mê hồn trận. Nhà tranh bốn gian một chái sao chứa được hàng trăm khách? Phải dựng rạp số người kéo đến “giúp đáp” thật đông. Thôi thì “Mẹ nào con ấy, chị nào em nấy, người ta kéo vào từng lũ”. Phải giết con lợn bảy yến, dọn năm chục cỗ, chỉ ăn một lượt trong buổi chiều là hết!
Sáng hôm sau lại mổ tiếp ba con lợn nữa: hai con để họ hàng ăn cơm uống rượu, một con để đem lễ thờ, rồi biếu dân làng. Còn khách hàng tổng, các lão và lư văn, hết toán nọ đến toán kia lũ lượt kéo đến, phải giết thêm “vài ba con nữa” mới đủ ! Ông “Cựu mời” không thể xử cách “nhom nhem” được. Mang tiếng chết!
Một quang cảnh bày ra giữa thanh thiên bạch nhật đến hai, ba ngày. Tiếng lợn kêu eng éc. Bát đĩa mâm nồi la liệt bày ra khắp mật đất từ cổng trở vào. Trong rạp lúc nào cũng đông nghịt những người. Có ba bàn tổ tôm và bốn bàn thuốc phiện đủ mặt bọn kì dịch. Ông Luỹ lúc thì “tất bật”, lúc thì “lơi lả” chào mời khách khứa. Có lẽ ông “lí Cựu” vô cùng sung sướng khi được đứng trên đỉnh cao danh vọng!
Tác giả “Việc làng” hạ một câu: “Cuộc linh đình còn mãi đến sáng hôm sau”. Đó là cả một nỗi niềm thương cảm của tác giả đối với vợ chồng ông Lũy.
Năm ngày sau cuộc ăn khao, tác giả gặp bà cựu cắp nón đi ra cổng làng, với một dáng điệu không vui. Bà Lũy còn đâu sữa nữa nên phải đi làm vú già! Cái cơ ngơi chắt bóp suốt mười lăm năm trời đã tan biến. Cái giá mua chức lí cựu và cuộc ăn khao đâu có rẻ: “gần mẫu ruộng và nửa con trâu đã bán hết cả, lại còn nợ thêm hơn bảy chục đồng”.
“Góc chiếu giữa đình” là một bài phóng sự đặc sắc. Sự việc được kể lại một cách chi tiết, cụ thể, sinh động. Cuộc mua bán cái chức lí cựu, cuộc ăn khao được miêu tả chân thực, khiến độc giả cảm thấy như mình được mục kích, được tham dự. Ngô Tất Tố đã để lại sự việc và con người trong cuộc châm biếm hủ tục, vạch mặt chỉ tên bọn chức dịch trong cái làng “xôi thịt” ngày xưa chính là bọn đầu trò chủ mưu dùng quỷ thần trong cuộc mua bán rượu chè nhậu nhẹt, tổ tôm, thuốc phiện. Hủ tục và bọn lí dịch đã xô đẩy bao người dân lương thiện vào vòng tù tội, khuynh gia bại sản, sa cơ, tha phương cầu thực thật thương tâm.
Phóng sự “Góc chiếu giữa đình” giàu giá trị tố cáo hiện thực. Hủ tục nơi làng xã là một mảng đen tối, tù đọng của cái xã hội thực dân nửa phong kiến mà tác giả muốn bày tỏ: hãy xoá bỏ đi! Sống trong xã hội mới, nếp sống văn hoá mới, đọc việc làng chúng ta xúc động trước những lời tâm huyết và vốn sống vô cùng phong phú của Ngô Tất Tố”.
loigiaihay.com