Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ – Bài làm 1

Loading…

Hàn Mặc Tử là một nhà thơ tài hoa nhưng bạc mệnh. Nỗi đau về bệnh tật, nỗi đau về một kiếp sống ngắn ngủi đã khiến cho những vần thơ của ông thấm đẫm một nỗi buồn da diết. “Đây thôn Vĩ Dạ” cũng là một bài thơ được nhà thơ sáng tác vào những năm cuối đời của mình, với nỗi niềm tiếc nuối với mối tình với cô gái trong mộng chưa kịp chớm nở đã bị số phận trớ trêu cắt đứt.  Bài thơ cũng là một bức tranh về thôn Vĩ Dạ thơ mộng bên bờ sông Hương, thật đẹp, những vẫn thấm đẫm một nỗi buồn da diết, bâng khuâng của Hàn Mặc Tử.

van mau phan tich buc tranh thien nhien trong bai day thon vi da Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ

Sau câu hỏi đầu tiên: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”, câu hỏi vừa như một lời trách móc nhẹ nhàng, vừa như một lời mời về với thôn Vĩ  Dạ, toàn bộ cảnh vật nơi đây hiện dần lên qua những dòng thơ của Hàn Mặc Tử.

“Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Khung cảnh thôn quê mộc mạc nhưng cũng vô cùng đẹp đẽ hiện lên trước mắt người đọc qua từng câu thơ. Từ cổng vào, đã thấy hàng cau thẳng tắp, xanh mướt. Từng tia nắng chiếu trên hàng cau ấy. Nắng mới lên là một màu nắng nhạt, không quá chói chang và cũng không gây ra cảm giác nóng nực của nắng trưa. Nắng mới lên trải đều lên hàng cau, biểu hiện cho một sức sống mãnh liệt, một vẻ đẹp trẻ trung, khỏe khoắn, sinh động. Vào đến sâu trong vườn, cũng lại chỉ thấy một màu xanh của cây cối, của lá trúc. Cả khu vườn xanh mướt, mượt mà đến lạ lùng. Từ “mướt” ở đây, để chỉ một màu xanh bóng, tựa như mọi nơi đều là màu xanh, xanh đến lạ lùng. Màu xanh ngọc ở đây ,cũng có thể là do nắng chiếu xuyên qua lá tạo thành màu xanh ngọc, cũng có thể là do nắng chiếu lên những giọt sương sớm còn đọng trên phiến lá tạo thành những viên ngọc long lanh, đẹp tuyệt vời. Trong không gian xanh mộc mạc, giản dị nhưng cũng tuyệt đẹp đó, con người xuất hiện khiến cho cảnh vật càng trở lên sinh động. Tác giả không nói rõ người ấy là ai, cũng chẳng rõ hình dáng khuôn mặt, chỉ biết người ấy ẩn ẩn hiện hiện sau màu xanh của lá trúc. Đó cũng có thể là một người đang chăm sóc vườn, cũng có thể là một người khách đến thăm.

Chỉ với vài nét phác họa, nhưng cảnh vật ở thôn Vĩ Dạ dần dần hiện ra trước mắt người đọc. Cũng có thể do thời gian đã lâu, nên những gì còn đọng lại trong tâm trí Hàn Mặc Tử chỉ là những gì nổi bật nhất, đặc trưng nhất mà thôi. Nhưng cũng chỉ cần có thể, một bức tranh nơi làng quê giản dị, mộc mạc nhưng cũng đầy thơ mộng đã được vẽ nên chỉ với vài nét bút. Không chỉ thế, ẩn sau từng câu chữ tả cảnh, cũng được gửi gắm trong đó nỗi lòng nhà thơ, một niềm hi vọng, một nỗi khát vọng sống mãnh liệt.

Loading…

Phóng mắt ra xa, chính là trời đất, gió mây, sông nước:

“Gió theo lối gió, mây đường mây

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?”

Tuy vẫn là cảnh thiên nhiên, nhưng nó đã bị vương một chút gì đó của sự tan rã, chia ly. Gió thổi mây bay, từ xưa đến nay gió với mây vốn vẫn luôn quấn quýt với nhau, chẳng mấy khi tách rời. Vậy mà ở đây, gió đi một đường, mây đi một nẻo, hai con đường ấy không trùng nhau. Gió với mây chia ly, dòng nước cũng trở nên buồn bã, hiu quạnh. Tất cả như dừng lại vì chán nản, chỉ còn những bông hoa bắp ở hai bên bờ khẽ khàng lay động, như vô tình không biết, hay có lẽ là đang quan tâm, an ủi dòng sông đang buồn trước cảnh chia ly. Giữa cảnh thực, Hàn Mặc Tử bỗng lại vẽ lên con thuyền và bến sông trăng. Thuyền sắp đi, liệu có chờ kịp trăng để chở trăng về tối nay. Cái mờ ảo thấm đẫm từng câu thơ, hư hư thực thực. Thuyền trăng, bến sông trắng, đó chỉ là những thứ mà tác giả tưởng tưởng ra, là ảo ảnh, là sự tiếc nuối, lỡ làng của một kiếp sống dở dang với đời, với tình.

Ở khổ thơ thứ ba, thấp thoáng đâu đó là hình ảnh người con gái trong lòng “Hàn Mặc Tử:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo xem trắng quá, nhìn không ra”

Từ “mơ” được đặt ở đầu câu, có thể hiểu đó là mơ ước, cũng có thể là giấc mơ. Người con gái ở nơi xa luôn ở trong tim, trong tâm và đi theo cả nhà thơ vào trong mơ. Đó là do sự nhớ mong da diết người ở phương xa, nên bất cứ lúc nào cũng có thể nhầm tưởng, cũng có thể mơ tới. Thế nhưng, nhớ nhung thì sao, bởi  vẫn là sự chia ly. Em đã là “khách đường xa”, anh cũng chẳng thể nhìn thấy em được nữa. Vì đã là người khách đi xa, bóng hình em cũng chỉ còn là những hình ảnh nhạt nhòa, mở ảo mà thôi. Màu áo dài trắng là một màu đặc trưng của những người con gái Huế, tác giả cũng muốn nhắc đến vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện của người con gái ấy. Mãi mãi, người con gái ấy vẫn luôn đẹp trong tâm trí nhà thơ. Thế nhưng, với một cuộc sống ngắn ngủi, nhà thơ chỉ biết thốt lên lời than:

“Ở đây sương khói mở nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?”

Sương khói mờ nhân ảnh, hay cũng chính là cuộc đời lắm chông gai, lắm biến cố, lắm thứ làm người ta mờ mắt. Giữa  nhân gian bụi bặm, liệu người còn ghi tạc mối tình năm ấy hay là đã quên rồi? Câu thơ cuối, không rõ là ai hỏi ai, có thể là hà thơ hỏi người tình nơi xa, cũng có thể là nhà thơ tự vấn chính mình. Câu hỏi cũng như tiếng kêu thắt ruột, của một con người cuộc đời dở dang mà tình duyên cũng dang dở. Đoạn cuối khổ thơ đầy những hình ảnh hư hư thực thực, như toàn bộ những cảm xúc tuyệt vọng, đau khổ, nhớ nhung…đang vây lấy nhà thơ.

Về nhan đề, “Đây thôn Vĩ Dạ” chính là một bài thơ tả cảnh thôn Vĩ, và đúng vậy, một khung cảnh giản dị nhưng đầy thơ mộng đã hiện ra trước mắt người đọc. Thế nhưng, trong cảnh ấy, vẫn thấm một nỗi buồn chia ly, nỗi nhớ nhung sâu sắc của một người đang yêu. Bài thơ sẽ mãi là những vần thơ đẹp nhất trong cuộc đời sáng tác ngắn ngủi của Hàn Mặc Tử.

Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ – Bài làm 2

Hàn Mạc Tử là thi sĩ với phong cách sang tác riêng và “lạ” trong phong trào Thơ mới. Thơ ông luôn bộc lộ nỗi niềm da diết với đời, với người nhưng nhận lại là sự thờ ơ và lãnh đạm. Đọc thơ Hàn Mạc Tử, chúng ta nhận ra cái tôi hơi hướng “điên” với những vần thơ “suýt” vượt ra khỏi “mảnh đất hiện thực”. Nhưng đối lập với những hình ảnh “điên” đó là những hình ảnh thơ rất đẹp và thi vị. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là một ví dụ tiêu biểu. Bức tranh thiên nhiên xứ Huế hiện lên nên thơ và tươi đẹp qua những nét vẽ tài hoa của tác giả.

“Đây thôn Vĩ Dạ” thực ra là lời đáp của nhà thơ dành cho một cô gái ở thôn Vĩ Dạ khi cô gái ấy trách sao lâu rồi không ghé về chơi. Tứ thơ được viết ra từ mạch cảm xúc chân thành và mãnh liệt đó.

Huế luôn là mảnh đất gợi nhớ, gợi thương đối với những ai đã từng đặt chân qua đây. Bởi nó có một nét đẹp vừa tươi mới, vừa cổ kính, vừa gần gũi. Thiên nhiên trong bài thơ chính là chất liệu để làm tôn thêm hình ảnh con người nơi xứ Huế.

Câu thơ đầu có thể nói là câu thơ phác họa một cách rõ nét nhất bức tranh thiên nhiên tươi đẹp và đầy lôi cuốn của mảnh đất kinh đô này:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Khổ thơ được cất lên bằng tiếng trách hờ của cô gái đối với nhân vật trữ tình. Một câu trách nhẹ nhàng, nhưng tình cảm và đầy sự tinh tế. Dù có trách thì người khác cũng không nỡ lòng nào để giận để hờn. Và đằng sau câu trách ấy là một bức tranh thiên nhiên thơ mộng được vẽ ra. Có thể nói tác giả đã không còn đơn thuần dùng chất liệu ngôn ngữ để vẽ tranh nữa mà đã dùng cả sự rung động trong trái tim để vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp đó.

Thiên nhiên cứ thế sang rực lên, tươi tắn và khỏe khắn. Cách dùng từ “nắng mới lên” gợi cho người đọc liên tưởng đến nắng đầu ngày, nắng bình minh khoan thai, dễ chịu và nhẹ nhàng. Nắng mới lên đậu trên hàng cau xanh vút khiến người đọc mường tượng đến một khung cảnh tSahanh mát và trong lành.

Ở câu thơ thứ ba, tác giả dùng đại từ phiếm chỉ “vườn ai” như để hỏi người nhưng cũng là tự hỏi mình. “Vườn ai” vừa bộc lộ sự kín đáo, e dè, vừa thê hiện sự tinh tế và sâu sắc của nhà thơ. “Vườn ai” thì chính trong trái tin của nhân vật trữ tình đã hiểu quá rõ, quá sâu sắc rồi. Màu xanh của khu vườn là một màu xanh rất đặc biệt và lạ kì. “Xanh như ngọc” chính là màu xanh vừa trong lành vừa tinh khôi. Từ “mướt” như làm sang bừng lên cả câu thơ, tạo sự mềm mại và uyển chuyển cho khu vườn buổi sang mai.

Một bức tranh thiên nhiên giàu chất thơ và tươi đẹp biết bao nhiêu.

Sang đến câu thơ thứ hai thì thiên nhiên từ tươi tắn chuyển sang buồn bã và vương sự chia li.

Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Gió mây xưa nay vốn đi chung đường nhưng trong thơ của Hàn Mạc Tử lại là chia đôi thành hai đường xa lạ. Từ “buồn thiu” như diễn tả được tâm trạng của thiên nhiên, một sự não nề và thê lương.

Xem thêm:  Hãy thuyết minh về tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi

Đoạn cuối có thể xem là đoạn thiên nhiên thôn Vi trở nên huyền ảo và mơ hồ hơn. Có thể nói đó chính là sự cảm nhận tinh tế và sâu sắc của Hàn Mạc Tử.

Với những nét vẽ đơn giản, nhẹ nhàng nhưng tinh tế và sâu sắc, Hàn Mạc Tử đã vẽ lên trước mắt người xem một bức tranh thiên nhiên xứ huế vừa tươi mới, vừa thơ mộng, vừa u sầu. Có lẽ đó chính là nét đặc trưng của Huế.

Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ – Bài làm 3

Hàn Mặc Tử là một hồn thơ mãnh liệt và có sức sáng tạo đặc biệt nhưng luôn quằn quại đau đớn vì một căn bệnh hiểm nghèo. Ông là tác giả tiêu biểu cho “trường phái thơ loạn” xa lạ với đời thực. Tuy nhiên, Hàn Mặc Tử cũng có những bài thơ thật tuyệt mĩ và trong trẻo lạ thường viết về thiên nhiên, đất nước và con người như Đây thôn Vĩ Dạ, Mùa xuân chín…

Đây thôn Vĩ Dạ được in trong tập Thơ Điên của Hàn Mặc Tử. Bài thơ được ông viết khi nhận được bức ảnh chụp về phong cảnh Huế kèm theo mấy lời thăm hỏi của người bạn gái có tên là Hoàng Cúc. Những kỉ niệm về vùng đất và con người xứ Huế được sống lại trong bài thơ. Lúc này, ở Quy Nhơn ông đã biết mình mắc bệnh hiểm nghèo. Vì vậy bài thơ là một bức tranh đẹp về thiên nhiên xứ Huế nhưng cũng thấm đượm nỗi buồn da diết, bâng khuâng:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Câu hỏi Sao anh không về chơi thôn Vĩ có thể là câu tự vấn. Từ anh có thể là đại từ nhân xưng được dùng ở ngôi thứ nhất, mang tính chất giãi bày, thể hiện niềm nuối tiếc. Nhân vật trữ tình đã tự trách mình sao lại không về chơi thôn Vĩ. Giọng thơ đượm buồn có pha chút ân hận.

Cảnh vườn cây đẹp trong nắng ban mai với cành lá mơn mởn ướt sương, ánh như ngọc được miêu tả trực tiếp, qua những hình ảnh cụ thể, sinh động:

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Rồi con người xuất hiện:

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Khiến cho thiên nhiên bỗng trở nên sinh động hẳn lên. Thiên nhiên như được thổi thêm một luồng sinh khí, tạo nên nét đẹp hài hòa trong giá trị tạo hình. Ở đây, câu thơ vừa miêu tả khuôn mặt chữ điền vuông vức đầy đặn ẩn chứa bên trong cảm giác hiền lành đã bị trúc trong vườn che khuất (cảnh thực) vừa như nói đến một trở lực ngăn cách tình người.

Sau vườn cây xứ Huế là thiên nhiên xứ Huế. Cảnh trời, mây, sông, nước ở đây thật đẹp, nhất là cảnh một dòng sông được tưới đẫm ánh trăng với con thuyền cũng đầy ắp ánh trăng. Nhưng tất cả đều thấm đượm nỗi buồn. Cách miêu tả thể hiện trạng thái ảo mộng của tâm hồn nhà thơ. Nếu như ở khổ thơ đầu, nỗi buồn chỉ lộ rõ ở một câu thì ở khổ thơ này, dường như nỗi buồn giăng trải ra ở khắp cả khổ thơ:

Gió theo lối gió, mây đường mây

Câu thơ như xẻ ra làm hai diễn tả sự phân cách, li tán của thiên nhiên nhưng lại gợi ra sự chia ly của lòng người. Nó như lưỡi dao rạch vào nỗi đau của thân phận kẻ bị chia lìa.

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay

Nỗi buồn của thi nhân đã lan trải ra khắp không gian theo quy luật tâm lý người buồn cảnh có vui đâu bao giờ (Nguyễn Du).

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

Ánh trăng huyền ảo tràn đầy vũ trụ nên không khí hư ảo. Tâm trạng mộng mơ của thi nhân dường như đã cảm nhận được tất cả: sông trăng, bến trăng, thuyền chở trăng. Khổ thơ cho thấy con người nhà thơ rất cô đơn, đang khao khát được ai đó chia sẻ, tâm sự. Có chở trăng về kịp tối nay là một câu hỏi vừa như khắc khoải, bồn chồn, vừa như hy vọng chờ đợi một cái gì đang rời xa, biết có khi nào quay trở lại.

Tiếp tục nối mạch thơ trên, khổ thơ thứ ba thể hiện một nỗi niềm canh cánh của thi nhân trong không gian bao la của trời, mây, sông, nước đã thấm đẫm ánh trăng. Đó là sự hy vọng, chờ đợi, mong mỏi và một niềm khắc khoải khôn nguôi. Vẫn ở trong mộng ảo, vì vậy cảnh và người ở đây đều hư hư, thực thực. Đối với thi nhân thì tất cả chỉ là sự cảm nhận.

Nhà thơ mơ thấy một khách đường xa, cảm nhận rõ một bóng hình người con gái Huế thơ mộng song không thể nắm bắt được, thoắt ẩn, thoắt hiện, áo em trắng quá nhìn không ra.

Sự hụt hẫng đến cao độ, nhà thơ muốn bấu víu, cầm nắm mà không được vì cảnh đầy màu hư ảo lẫn khói mây:

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Bóng hình của giai nhân mờ ảo trong sương, nhưng cũng có thể đó là ẩn ý của người viết. Phải chăng đây là biểu tượng của cái “không đi đến đâu” trong tình yêu của Hàn Mặc Tử:

Ai biết tình ai có đậm đà?

Một câu hỏi không rõ ngôi thứ, không cần sự trả lời nhưng người đọc cũng hiểu được ý nghĩa của nó, vì những khổ thơ đầu của bài thơ đã xuất hiện những cụm đại từ vườn ai, thuyền ai và những câu hỏi như thế:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ

Có chở trăng về kịp tối nay?

Tâm trạng mong mỏi, khát khao bao nhiêu thì sự day dứt, buồn đau cũng tăng lên bấy nhiêu.

Tóm lại, cảnh trong Đây thôn Vĩ Dạ là cảnh của vườn quê sông nước xứ Huế. Cảnh đẹp, giàu sức sống, thơ mộng nhưng đượm một nỗi buồn bâng khuâng, da diết. Cảnh ấy như là sự thể hiện biện chứng tâm hồn của một nghệ sỹ tài hoa nhưng đa tình, đa cảm. Mỗi khổ thơ là một câu hỏi, như một nỗi buồn day dứt lòng người. Vì vậy âm hưởng chung của bài thơ là buồn nhưng không bi lụy.

Bài thơ thể hiện một tâm trạng rất thật của nhà thơ và một tình yêu xứ Huế thiết tha. Những chi tiết hình ảnh, thủ pháp nghệ thuật, cấu tứ của bài thơ đều được Hàn Mặc Tử chuyên chở bằng chính tình cảm của mình.

Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ – Bài làm 4

Bài Đây thôn Vĩ Dạ ra đời có nguyên cớ sâu xa từ những kỉ niệm của Hàn Mặc Tử về cảnh Huế và con người Huế. ông đã từng học ở Huế. Khi làm việc ở Qui Nhơn, ông có quen biết một người con gái Huế là Hoàng Cúc. Sau đó, ông vào Sài Gòn làm báo, có trở ra Qui Nhơn thì Hoàng Cúc đã về thôn Vĩ Dạ. Có lần cô đã gửi cho anh một bứcbưu ảnh kèm theo lòi thăm hỏi, đây chính là cái cớ đã gợi cảm hứng để Hàn Mặc Tử viết lên kiệt tác Đây thôn Vĩ Dạ – bài thơ vừa là bức tranh huyền ảo đượm buồn về một mối tình xa xăm vô vọng. Tuy nhiên, qua đây ta thấy biết bao nhiêu yêu mến thiết tha với thiên nhiên, với cuộc sống và đất nước, con người.

Bắt đầu là một câu hỏi trách móc nhẹ nhàng của một người con gái. Lời trách thực ra là một thái độ nũng nịu, làm duyên, đầy âu yếm thiết tha:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Câu hỏi cũng cho ta thấy phần nào tính cách của người hỏi, đó là sự thùy mị, kín đáo của con người gia giáo. Một tình yêu thành thật được nói với ngôn ngữ tiết chế. Chỉ cần thay câu thơ này bằng cách diễn đạt: “Anh sao không về thăm thôn Vĩ?”, thì cái tế nhị, cái kín đáo đã giảm đi rất nhiều. “Anh”, mở đầu nó lộ diện quá, “thăm” nó gần gũi quá, yêu cầu cái bổn phận của người ta quá.

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Dòng thứ 2 là một sự đáp ứng ngay lập tức của nhân vật “anh” hình như cái tín hiệu phát đi thì mong manh, mờ nhạt còn nơi tiếp nhận thì lại quá nhạy cảm. Hàn Mặc Tử không hề suy nghĩ về cái thực, cái hư trong lời mời, anh đang chờ đợi và chỉ cần có lời mời ấy thôi.

Hai câu thơ rất khó giải thích về ý nghĩa thực tế. Người vừa hỏi dứt câu thì kẻ nghe câu hỏi đã vượt một không gian mênh mông về ngay thôn Vĩ. Thực ra câu hỏi ấy chính là một điểm lóe sáng trong, tâm tư chợt thức. Hàn nghe rất rõ, rất rành rọt nhưng chúng ta thì không nghe. Kí ức riêng tư đã hiện về qua những lần quằn quại đau với bệnh tật nghiệt ngã. Thơ Hàn đầy những nỗi đau thương, đau thương đến điên dại nhưng cũng có khi nó thanh khiết đến tuyệt vời. Trong đau thương thường có những phút giây khoảnh khắc của hạnh phúc. Người ta phải bám lấy nó như chiếc phao cứu mệnh như sự cứu rỗi linh hồn. Những phút sáng láng ấy trong thơ Hàn thường là nghĩ về nước Chúa, nghĩ về một quá khứ và tình yêu tưởng tượng. Thôn Vĩ hiện lên thật đẹp cứ như một khu vườn cổ tích, cứ như một cái vườn địa đàng mà Hàn lần đầu tiên phát hiện, nó trùng với cái ước nguyện về với Chúa.

Thôn Vĩ trong con mắt của Hàn đã trở thành một thế giới mà ông mơ ước. Nó đẹp không phải là có những hàng cau cao, những khu vườn sum suê cành lá và khuôn mặt chữ điền. Cái đẹp ấy nó có mặt ở khắp mọi nơi của thôn quê Việt Nam từ Bắc đến Nam. Cái đẹp của thôn Vĩ là ở chỗ đôi mắt của họ Hàn. Dường như ông không về ngay thôn Vĩ mà là đứng từ xa, lặng người chiêm ngưỡng sắc đẹp của thôn Vĩ, sau đó đi gần lại những khu vườn và cuối cùng nó cụ thể hơn là nhìn “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Nhưng cái quan trọng hơn đó là thôn Vĩ được nhìn vào buổi sáng bình minh “nắng mới lên”, nắng dường như mở ra từ “thượng thanh khí” từ trên trời đổ xuống ào ạt, phóng khoáng.

Xem thêm:  Phân tích trích bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điểm

Một câu thơ có đến hai từ “nắng”, một cái nắng hiện thực, thắp nến trên những ngọn cây cau và một cái nắng đẹp đến mức phải bình phẩm “nắng mới lên”. “Nắng mới” khơi gợi những gì tinh khiết sáng trong, và cái tinh khiết sáng trong ấy nó truyền từ trên cao tắm xuống cả khu vườn, một thứ nắng tinh khôi, lấp loáng.

Khu vườn ấy cho ta một sắc xanh mỡ màng, óng mượt, ngời sáng long lanh. Cả khu vườn lá nõn mềm mại loáng nước sương, màu lá và màu nắng đã thành cái màu xanh ngọc diệu kì mà hơn một lần trong tâm tưởng Xuân Diệu đã nhìn thấy:

Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá.

Cái ấn tượng về khu vườn cổ tích nó được bồi thấn bằng sự miêu tả xuýt xoa “mướt quá” và bằng sự so sánh “xanh như ngọc”.

Câu thơ thứ tư có rất nhiều cách hiểu:

Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Hàn đã về thôn Vĩ, đã đến khu vườn thôn Vĩ của nhà “ai” và vì thế ông ta đã ngưỡng vọng được cái khuôn mặt chữ điền của người con gái mời ông. Nói đơn giản, mặt chữ điền ở đây là khuôn mặt phúc hậu, đoan trang của người thôn Vĩ.

Cảnh và người thôn Vĩ thật đẹp, thật đáng yêu. Hàn đã hành hương bằng con đường tưởng tượng vì thế thôn Vĩ mới lóe sáng, mới đẹp như vậy, cũng vì thế mà ta hiểu thêm nỗi đau xót xa thương nhớ đầy những niềm khao khát của một tâm hồn yêu trong trái tim rạng rỡ…

Khổ thơ thứ hai là hồi tưởng về một cảnh đẹp không thế tách rời thôn Vĩ, đó là dòng sông Hương, nó êm đềm và thơ mộng, nó chứa đựngbao cảm xúc và suy tư của nhà thơ. Hai câu đầu gợi cho ta một dòng sông và một không gian phóng khoáng về đất trời xứ Huế. Gió mây nhè nhẹ bay đi, dòng sông vẫn lững lờ, cây cỏ khẽ đong đưa. Tuy nhiên qua con mắt chủ quan hay nói đúng hơn những cảnh vật đã chứa đựng những sắc thái và cảm xúc của nhà thơ, tất cả cảnh vật đều được nhân hóa, nó biểu thị cái lòng người tan tác chia li.

Các quan hệ cặp đôi đã ngoảnh mặt quay lưng và dường như tự đóng cái tâm hồn cô đơn của mình. Gió thổi để mây bay, thế nhưng “Gió theo lối gió, mây đường mây”, dòng sông nổi sóng thì hoa bắp mới lay. Ở đây nước của dòng sông đọng thành vũng vì buồn, buồn đến thiu, đến thối, thế nhưng chẳng có ai chia sẻ nỗi buồn ấy, hoa bắp như lay để đùa cợt trêu ngươi.

Các quan hệ cặp đôi nó rời rạc nhưng lại tạo ra những quan hệ trớ trêu, gió thì không muốn hướng tới mây, nhưng hoa bắp lại lắt lay vì gió; sóng chỉ nổi lên khi có gió nhưng mặt nước vẫn buồn thiu…

Dường như khổ thơ đầu là bình minh thì khổ thơ thứ hai là buổi chiều ảm đạm và đêm. Hai dòng thơ sau cho thấy Hàn có buồn, có cô đơn nhưng vẫn biết bao yêu mến thiết tha xứ Huế. Do đó cảnh thực mà cứ như ảo. Sông thật (gợi tới sông Hương) đã trở thành sông Trăng; thuyền thật đã trở thành chiếc thuyền Trăng. Dường như trăng là chất liệu của một dòng sông, một con thuyền đơn độc đầy mộng tưởng, đậu ở bến sông Trăng đang muốn chở Trăng về một nơi nào đó trong mơ.

Đi qua cái thế giới hình tượng độc đáo mà cảnh đẹp lên nhiều lần, ta gặp được cái thơ mộng tuyệt vời của cảnh sông, con thuyền trên sông ở đất cố đô. Dĩ nhiên, dưới lớp vỏ của cảnh đẹp xứ Huế, của con thuyền Trăng thôn Vĩ người ta gặp một tâm hồn đang khẩn thiết, đang tính từng giây khát khao được có trong tay mình hạnh phúc. Từ hai bờ sông trăng ấy, cái bí mật huyền diệu của con thuyền Trăng ấy bỗng vọng lên một câu hỏi:

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

Trăng muôn đời là biểu tượng của hạnh phúc, “tối nay” là muốn nói cái thời gian hữu hạn trước mắt, “kịp” hé mở cho ta thấy một mặc cảm: mặc cảm về hiện tại ngắn ngủi, hé mở cho ta thấy một cách sống: sống là phải chạy đua với cái chết, với bạo bệnh. Vâng, mời tôi về thôn Vĩ nhưng có cho tôi được hạnh phúc kịp thời không? Vì:

Một mai tôi chết bên khe Ngọc Tuyền

Bây giờ tôi dại, tôi điên

Chắp tay tôi lạy mọi miền không gian

Câu hỏi “Có chở…” là một vái lạy không gian thôn Vĩ, con người thôn Vĩ trong cái tâm trạng điên dại của hiện tại, vì thế nó là khát vọng rất đớn đau. Vì thế, ánh trăng rất nhẹ, “tối nay” rất ngắn lại được nói bằng chữ “kịp”, bằng cái tâm hồn nặng trĩu nỗi đau.

Hàn Mặc Tử rất yêu trăng, trăng tràn vào mọi thi tứ đẹp nhất của Hàn, đây là trăng xứ Huế với Vĩ Dạ đò trăng. Cảnh vật làm cho chúng ta thêm một lần yêu Huế đẹp, Huế thơ; tuy nhiên con người thôn Vĩ ấy là một ẩn số không biết có đáp lại một tình yêu nông nổi chân thành? Vì thế mà Hàn tâm sự với trăng.

Hai khổ đầu nói nhiều đến cảnh, còn khổ cuối thì chủ yếu nói về tâm sự của nhân vật trữ tình.Giấc mơ nào về tình yêu cũng đẹp nhưng giấc mơ được báo động, nó chỉ làm đau khổ trái tim. “Khách đường xa” nó xa lạ hơn đại từ “ai” và dĩ nhiên sẽ xa lạ hơn rất nhiều người con gái hỏi câu đầu tiên trong bài thơ. Thế mà “khách đường xa” điệp đến 2 lần như phá vỡ một giấc mơ. “Khách đường xa” hiện lên rồi hình như gót sen rời bước xa dần, có níu lại cũng không sao được.

Đang tuyệt vọng thì người khách ấy lại trở về cho hi vọng, “khách đường xa” đã thành “em” trong gang tấc. Hạnh phúc đột biến bất ngờ không hề được dự báo đã khiến Hàn choáng váng, cái áo trắng kì lạ ấy lại nhìn rất rõ. Có phải là sương khói xứ Huế làm mờ nhân ảnh mà Hàn “nhìn không ra” .Trong ý nghĩa ẩn dụ, đây là một mặc cảm mà người ta thường có:

Em lớn quá anh làm sao giữ nổi?

Nên lúc nào em muốn cứ xa anh

(Sêpia)

Hàn mong ước tình yêu, khi tình yêu không tới thì dỗi hờn, trách móc. Nhưng khi người yêu hi sinh cho anh (dĩ nhiên do tưởng tượng) thì Hàn lại sợ, lại không dám nhìn vào hạnh phúc chứ không phải là “nhìn không ra”.

Câu thứ 3: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh” lại trở về với nhận thức mình không có tình yêu. Câu thơ có dư vị chua chát của triết lí ngàn đời “Con quay búng sẵn lên trời – Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm” (Nguyễn Gia Thiều). Vâng, hạnh phúc trong đời là một cuộc xổ số có mấy ai cầm được tấm độc đắc? Vì thế mà Hàn nghẹn ngào, nghi ngờ, buồn tủi. Câu hỏi nghi vấn nhưng thực ra là tan vỡ hi vọng một mối tình trong tâm tưởng:

Ai biết tình ta có đậm đà?

Hai từ “ai” nhắc lại đối tượng mà mình yêu vì thế mà nó tha thiết, nhưng cũng vì thế mà nó xa lạ. Vừa mói xưng “em” được một lần, Hàn đã nhận ra đó là ai. Hàn không cần những tình yêu thoáng qua. Muốn có một tình yêu đậm đà trong hoàn cảnh bi kịch đâu phải dễ?

Đây thôn Vĩ Dạlà một bức tranh bằng thơ thật đẹp bởi vì có sự hài hòa giữa thực và ảo, giữa cảnh và người, giữa tình yêu con người và tình yêu thiên nhiên. Tình yêu được viết ra từ trái tim của một con người đang ngày đêm đếm từng giờ để gặp mặt cái chết thật đáng trântrọng. Hàn sắp về với thế giới bên kia nhưng vẫn khát khao một tình yêu trần thế. Đó là một giá trị nhân văn, là niềm mơ ước không nguôi của Hàn. Hàn sẵn sàng ngã giá.

Ai mua trăng, tôi bán trăng cho

Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò.

Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ – Bài làm 5

Đây thôn Vĩ Dạ được in trong tập Thơ Điên của Hàn Mặc Tử. Bài thơ được ông viết khi nhận được bức ảnh chụp về phong cảnh Huế kèm theo mấy lời thăm hỏi của người bạn gái có tên là Hoàng Cúc. Những kỉ niệm về vùng đất và con người xứ Huế được sống lại trong bài thơ. Lúc này, ở Quy Nhơn ông đã biết mình mắc bệnh hiểm nghèo. Vì vậy bài thơ là một bức tranh đẹp về thiên nhiên xứ Huế nhưng cũng thấm đượm nỗi buồn da diết, bâng khuâng

Mở đầu bài thơ là một câu hỏi: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?”,câu hỏi như một lời trách cứ nhưng dường như cũng là lời tự vấn,thể hiện niềm nuối tiếc.

Cảnh sắc của buổi sớm mai được miêu tả thật sinh động

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Ánh nắng ban mai tươi đẹp chiếu qua những tán lá cau,những mảnh vườn cây xanh non mơn mởn vẫn còn đẫm sương.Cảnh sắc thật tươi mới,thật trong lành.Xứ Huế mộng mơ hiện lên thật tươi đẹp và thật nên thơ

Sau vườn cây xứ Huế là thiên nhiên xứ Huế. Cảnh trời, mây, sông, nước ở đây thật đẹp, nhất là cảnh một dòng sông được tưới đẫm ánh trăng với con thuyền cũng đầy ắp ánh trăng. Nhưng tất cả đều thấm đượm nỗi buồn. Cách miêu tả thể hiện trạng thái ảo mộng của tâm hồn thi sĩ.

 Nếu như ở khổ thơ đầu, nỗi buồn chỉ lộ rõ ở một câu thì ở khổ thơ này, dường như nỗi buồn giăng trải ra ở khắp cả khổ thơ: “Gió theo lối gió,mây đường mây” Câu thơ diễn tả sự phân cách, li tán của thiên nhiên nhưng lại gợi ra sự chia ly của lòng người. “Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”,nỗi buồn của thi sĩ đã lan trải ra khắp không gian.Lòng người sầu muộn khiến  cảnh vật cũng đượm buồn

“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?”

Ánh trăng huyền ảo tràn đầy mặt sông. Tâm trạng mộng mơ của thi sĩ dường như đã cảm nhận được tất cả: sông trăng, bến trăng, thuyền chở trăng. Khổ thơ cho thấy con người nhà thơ rất cô đơn, đang khao khát được ai đó chia sẻ, tâm sự. Có chở trăng về kịp tối nay là một câu hỏi vừa như khắc khoải, bồn chồn, vừa như hy vọng chờ đợi một cái gì đang rời xa, biết có khi nào quay trở lại.

Xem thêm:  Phân tích truyện ngắn “Vi hành” của Nguyễn Ái Quốc

Khổ thơ thứ ba thể hiện một nỗi niềm canh cánh của thi sĩ trong không gian bao la của trời, mây, sông, nước đã thấm đẫm ánh trăng. Đó là sự hy vọng, chờ đợi, và một niềm khắc khoải khôn nguôi. Vẫn ở trong mộng ảo, vì vậy cảnh và người ở đây đều hư hư, thực thực.

“Mơ khách đường xa,khách đương xa

Áo em trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?”

Nhà thơ mơ thấy một khách đường xa, cảm nhận rõ một bóng hình người con gái Huế thơ mộng trong tà áo trắng song không thể nắm bắt được, thoắt ẩn, thoắt hiện.Sự hụt hẫng đến cao độ, nhà thơ muốn bấu víu, cầm nắm mà không được vì cảnh đầy màu hư ảo lẫn khói mây.Thi sĩ như cảm thấy sự vô lực với tình yêu,như một nỗi day dứt mối tình không được toàn vẹn.Biết là “em” mà lại “nhìn không ra”,không phải thi sĩ không nhìn thấy mà là không dám nhìn vào hạnh phúc,bởi hạnh phúc giờ đây là quá xa vời,quá hư ảo

Cảnh xứ Huế mộng mơ thật đẹp, giàu sức sống nhưng đượm một nỗi buồn bâng khuâng, da diết. Cảnh ấy như là sự thể hiện tâm hồn của một thi sĩ tài hoa nhưng đa sầu, đa cảm. Mỗi khổ thơ là một câu hỏi, như một nỗi buồn day dứt lòng người. Bài thơ thể hiện một tâm trạng rất thật của nhà thơ đó nỗi buồn,sự luyến tiếc với cõi trần,với cuộc sống ,với tình yêu .Tình yêu được viết ra từ trái tim của một con người đang ngày đêm đếm từng giờ để trở về bên kia thế giới

Phân tích bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ – Bài làm 6

Trong làn thơ mới nước ta nếu như chúng ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, phươu lưu trong trường tình của Lê Trọng Lư, đắm say cùng Xuân Diệu với tình yêu và cuộc sống thì cũng điên dại cùng với Hàn Mạc Tử. Thật vậy trong phong trào Thơ Mới hàn Mạc Tử nổi tiếng với những phần thơ điên loạn cùng hình ảnh của hồn và trăng. Thế nhưng lại ít có ai biết rằng ngoài những phần thơ điên loạn ấy Hàn Mạc Tử còn có những vần thơ trữ tình dịu dàng đằm thắm. Trong số những tác phẩm trữ tình nhẹ nhàng ấy nổi bật có bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ. Bài thơ không chỉ thể hiện được tâm trạng của nhà thơ mà còn vẽ lên một bức tranh quê tuyệt đẹp, ở trong bức tranh quê ấy ta thấy một tấm lòng yêu đời của nhà thơ.

Bài thơ được viết khi ông đang ở trại phong Tuy Hòa, sống trong cảnh cách ly với tất cả mọi người. Chính vì thế mà ông chỉ có thơ làm bạn, thơ văn như một cứu tinh tâm hồn của Hàn Mạc Tử. Khi ấy ông bất ngờ nhận được bức thư của người con gái năm xưa tên Hoàng Thị Kim Cúc. Đó là người con gái mà nhà thơ thầm thương trộm nhớ nhưng vì nhút nhát mà ông tơ mà nguyệt chẳng thèm se duyên kết tóc cho hai người. bức thư ấy mang lại cảm xúc cho nhà thơ viết lên bài thơ này.

Trước hết là bức tranh quê được thể hiện rất rõ nét và mang đậm bản chất xứ Huế trong bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ của Hàn Mạc Tử. Đó là những hình ảnh thiên nhiên mà chỉ có xứ Huế mới có, nó mang một nét đẹp không pha trộn không lẫn với một địa danh nào.

Thứ nhất trong tứ thơ Đây thôn Vĩ Dạ bức tranh thiên nhiên được hiện lên với hình ảnh của buổi sáng tinh khôi với ánh nắng mai nhẹ nhàng:

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”

Câu hỏi không về chơi thôn Vĩ như là cái tựa để cho nhà thơ giới thiệu về bức tranh quê xứ Huế mộng mơ. Sao không về chơi thôn Vĩ giống như câu hỏi và lời trách của người con gái tên Hoàng Cúc cũng giống như một lời mời gọi hãy về xứ Huế thôn Vĩ Dạ. Ở đó có bức tranh quê hương đẹp đẽ tuyệt vời. Nhà thơ chọn khung cảnh buổi sáng để nói về thiên nhiên nơi đây. Hình ảnh “nắng” được nhắc đến hai lần trong một câu thơ nhấn mạnh nét đẹp nơi đây là ánh sáng của nắng. Đến với thôn Vĩ chúng ta như được ngập tràn trong những ánh nắng của bình minh và những hàng cau dài thẳng vút lên trời. Ánh nắng nơi đây vào buổi sáng không mang cái màu “sớm mai hồng” của quê hương Tế Hanh mà nó mang màu nắng tinh khôi nhẹ nhàng thanh khiết. Ánh nắng của trời đất như soi tỏ xuyên chiếu vào từng thân cau đọt cau khiến cho những cây cau cũng trở nên lung linh trong nắng sớm. nắng chiếu cả xuống những mảnh vườn của con người Vĩ Dạ khiến cho màu xanh trở nên trong trẻo như ngọc vậy. Tính từ “mướt” như thể hiện được sự tốt tươi sinh sôi nảy nở của thiên nhiên nơi đây. Ban sang bắt đầu một ngày mà hình ảnh thiên nhiên nơi đây dịu dàng mà lại lung linh đến như vậy. Nhắc đến Huế người ta không chỉ biết đến những con người dịu dàng thơ mộng mà còn biết đến thiên nhiên cũng dịu dàng như con người vậy.

Tiếp theo bức tranh quê Vĩ Dạ được nhà thơ khám phá vào lúc tối đến đêm về. Không phải ngẫu nhiên nhà thơ lại chọn hình ảnh thiên nhiên vào buổi tối và buổi sáng. Mà có lẽ là do bức tranh quê hương Huế hiện lên ở hai khoảnh khắc thời gian đó đẹp nên nhà thơ nhớ đến và miêu tả về nó:

“Gió theo lối gió, mây đường mây, 

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay… 

Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó, 

Có chở trăng về kịp tối nay?”

Hình ảnh gió, mây, sông, nước, con thuyền, hoa bắp hiện lên cũng thật sự thu hút hấp dẫn người đọc. Nếu bức tranh buổi sớm tinh khôi trong trẻo thế nào thì đến buổi tối lại hắt hiu đến thế. Nó không còn sự sinh sôi nảy nở tươi tốt nữa mà nó mang một nét thơ mộng nhưng phảng phất nỗi buồn. Vốn thường là gió thổi mây bay mà nhà thơ lại nói là gió theo lối gió mây đi đường mây. Phải chăng chính tâm trạng buồn thương của mình cho nên hình ảnh cũng mang tính chia ly chi a cắt đến như thế?. Tuy nhiên trước mắt chúng ta vẫn hiện lên một bức tranh thiên nhiên thật đẹp. Nó vẫn không tài nào dấu đi được sự nhẹ nhàng đặc trưng của xứ Huế. Gió chỉ nhẹ nhàng khẽ thổi khiến cho cành hoa bắp khẽ lay chứ không tài nào rung rinh được. Lẽ nào đến cây cối nơi đây cũng nhẹ nhàng như con người. Trăng không thể thiếu trong một cảnh đêm tuyệt đẹp càng không thể thiếu được trong xứ Huế thơ mộng này. Ánh trăng như soi tỏa in hình dáng mình lên dòng sông kia. Con thuyền đứng cạnh đó như đang chuẩn bị trở trăng về. Thật là một hình ảnh thơ mộng biết bao, ở đây thuyền không gắn với biển mà gắn với hình ảnh của trăng. Tất cả những hình ảnh ấy tạo nên một bức tranh thiên nhiên thơ mộng lung linh trữ tình.

Bức tranh xứ Huế còn hiện lên mờ ảo trong hình ảnh của khách đường xa, sương khói mờ nhân ảnh:

“Áo em trắng quá nhìn không ra… 

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”

Lúc nào cũng thế Huế luôn mơ màng và thơ mộng khiến cho người ta thấy thương thấy nhớ vô cùng.

Thứ hai là trong bài thơ này ta còn cảm nhận được tấm lòng yêu đời của Hàn Mạc Tử mà trước hết đó là tình yêu thiên nhiên:

“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên. 

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”

Hay

“Gió theo lối gió, mây đường mây, 

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay… 

Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó, 

Có chở trăng về kịp tối nay?”

Có thể nói nhà thơ phải là một người yêu thiên nhiên lắm thì mới có thể miêu tả một bức tranh thiên nhiên quê đẹp đến như vậy. Ngay cả khi tâm trạng ông rất là buồn, đau khổ, nhớ thương dằn vặt khiến cho hình ảnh thiên nhiên cũng mang sự chia cắt nhưng càng chia cắt càng bi kịch thì lại càng thể hiện sự yêu đời yêu thiên nhiên của nhà thơ. Bởi lẽ trong bị kịch ấy nhà thơ vẫn thể hiện sự khao khát được sống, được yêu thương được hòa nhập với cuộc đời này.

Một tình cảm minh chứng cho sự yêu đời của Hàn Mạc Tử đó chính là tình yêu, sự nhớ thương tới người con gái năm ấy. Hình ảnh người con gái hiện lên với nét đẹp của đặc trưng của con người xứ Huế đó là nét đẹp phúc hậu, kín đáo qua hình ảnh “lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Không những thế dù Kim Cúc đã đi lấy chồng, mặc cho hoàn cảnh khó khăn cũng như bệnh tình của mình nhà thơ vẫn thương vẫn nhớ người con gái Huế ấy.

Qua đây ta thấy được bức tranh quê tinh khôi trong trẻo, lãng mạn thơ mộng lung linh và tấm lòng yêu đời của con người tài năng nhưng bạc mệnh. Dù sống trong hoàn cảnh đau đớn của bị kịch tinh thần và bệnh tật nhưng niềm yêu đời của nhà thơ mãi như ngọn lửa sáng trong đêm trường, dù cho mọi đau đớn dằn vặt ông vẫn giữ nguyên tấm lòng yêu người yêu đời ấy.

Bài liên quan

Tìm hiểu về bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm

Tìm hiểu về bài thơ “Nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm – Bài làm 1 Loading……
So sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều

So sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em Thúy Kiều

So sánh tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều trong đoạn trích Chị em…
Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài thơ Vội vàng của Xuân…
Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng Giang của Huy Cận

Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng Giang của Huy Cận

Phân tích hai khổ thơ cuối bài Tràng Giang của Huy Cận – Bài làm…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *