Đáp án và lời giải chi tiết Đề số 2 – Đề kiểm tra học kì 1 (Đề thi học kì 1) – Ngữ văn 12
Đề bài
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Khuyến khích và tạo điều kiện cho con tự trải nghiệm để hiểu rõ giá trị của lao động là cách nhiều ông bố bà mẹ nổi tiếng đã làm nhằm tạo bước đệm vững chãi giúp con tự đứng trên đôi chân của mình…
[…] Làm việc, không chỉ vì muốn tự chủ tài chính mà còn là cơ hội giúp một người thỏa sức sáng tạo và định nghĩa bản thân qua cọ xát thực tế. Đó cũng là cách ông chủ Nhà Trắng và phu nhân của mình muốn hai con gái hiểu rõ. […] Họ luôn lấy câu chuyện thực tế của mình làm tấm gương và đồng ý cho hai con gái làm thử ít nhất một lần những công việc nặng nhọc với mức lương thấp nhất.
Đồng tình với quan điểm trên, danh ca nhạc Pop – Sting tuyên bố không để lại gia tài 180 triệu bảng Anh cho con một cách dễ dàng vì ông không muốn làm hư con mình trước khi chúng hiểu được giá trị của lao động. Từ nhỏ các con của ông đã được dạy bài học sống không dựa dẫm. Các con của ông đều lăn xả đi làm thêm như bất cứ bạn trẻ nào từ rất sớm. Giờ đây họ trưởng thành, có sự nghiệp riêng, chẳng “đoái hoài” đến tài sản của bố.
Susan Bruno, chuyên viên quản lí tài sản, người đồng sáng lập trang tư vấn đầu tư CollegeCFO.or, chia sẻ bí quyết dạy con: “Nếu bố mẹ hy sinh cho con, làm thay con quá nhiều thì chẳng khác nào làm hư đứa trẻ…”
(Theo Thiên Anh, Lối đi ngay dưới chân mình, Báo Phụ nữ, ngày 18/7/2015)
Câu 1. (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2. (0,5 điểm) Ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của toàn bộ đoạn trích trên.
Câu 3. (1,0 điểm) Theo anh/chị, vì sao danh ca nhạc Pop – Sting tuyên bố “không để lại gia tài 180 triệu bảng Anh cho con một cách dễ dàng”?
Câu 4. (1,0 điểm) Anh/chị có đồng tình với quan điểm của Susan Bruno khi cho rằng: “Nếu bố mẹ hi sinh cho con, làm thay con quá nhiều thì chẳng khác nào làm hư đứa trẻ” không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày ý kiến của mình về vấn đề “sống không dựa dẫm”.
Câu 2. (5,0 điểm) (ID: 278094)
Về bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng: Bài thơ thể hiện quan niệm rất mới mẻ, hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu. Lại có ý kiến khác cho rằng: Bài thơ thể hiện quan niệm về tình yêu mang tính truyền thống.
Từ cảm nhận về bài thơ, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.
Lời giải chi tiết
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
Câu 2:
Câu văn nêu chủ đề của toàn bộ đoạn trích trên: Khuyến khích và tạo điều kiện cho con tự trải nghiệm để hiểu rõ giá trị của lao động là cách nhiều ông bố bà mẹ nổi tiếng đã làm nhằm tạo bước đệm vững chãi giúp con tự đứng trên đôi chân của mình…
Câu 3:
Danh ca nhạc Pop – Sting tuyên bố “không để lại gia tài 180 triệu bảng Anh cho con một cách dễ dàng” vì:
– Ông không muốn làm hư con mình trước khi chúng hiểu được giá trị của lao động.
– Ông muốn các con tự lập.
Câu 4:
Đồng tình vì:
– Khi bố mẹ làm quá nhiều cho con, con sẽ mặc định là đó là thứ mà mọi người phải làm cho mình, sẽ đòi hỏi ở người khác.
– Đứa con sẽ mất đi tính tự lập và tự chủ trong cuộc sống.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
v Yêu cầu về hình thức:
– Viết đúng 01 đoạn văn khoảng 200 từ.
– Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
– Hiểu đúng yêu cầu của đề, có kĩ năng viết đoạn văn nghị luận.
v Yêu cầu về nội dung:
– Nêu vấn đề
– Giải thích vấn đề
Sống dựa dẫm là sống ỷ lại, phụ thuộc vào người khác.
– Phân tích, bàn luận vấn đề
– Tác hại của lối sống dựa dẫm:
+ Đối với cá nhân, lối sống này sẽ làm cho con người ngày càng lệ thuộc vào người khác, không có chính kiến cá nhân, lập trường và tư tưởng
+ Những người mang trong mình lối sống này sẽ trở thành gánh nặng của xã hội, dễ bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội
– Nguyên nhân của lối sống dựa dẫm:
+ Do quen được người khác lo lắng và làm cho nhiều việc, được gia đình nuông chiều
+ Do chưa lười biếng, chưa nhận thức được trách nhiệm của mình đối với chính cuộc sống của mình.
+ Do chưa được giáo dục đúng cách.
– Biện pháp khắc phục:
+ Mỗi cá nhân tự nhận thức lại giá trị của mình cũng như trách nhiệm của mình trong cuộc sống.
+ Gia đình, nhà trường cần phải rèn luyện cho con em mình lối sống tự lập, tự chủ.
– Liên hệ bản thân
Câu 2:
*Phương pháp:
– Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
– Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.
*Cách giải:
* Giới thiệu tác giả, tác phẩm, ý kiến bàn luận
-Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì chống Mỹ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường,
-Sóng được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), là một bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ in trong tập Hoa dọc chiến hào.
– Về bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng: Bài thơ thể hiện quan niệm rất mới mẻ, hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu. Lại có ý kiến khác cho rằng: Bài thơ thể hiện quan niệm về tình yêu mang tính truyền thống.
⟹ Hai ý kiến bổ sung cho nhau.
* Phân tích làm rõ nhận định
* Bài thơ thể hiện quan niệm rất mới mẻ, hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu.
– Hình tượng “sóng” ẩn dụ cho hình ảnh người con gái trong tình yêu. Qua hình tượng “sóng”, ta cảm nhận được tư thế và tâm thế nhân vật trữ tình. Đó là người con gái chủ động bày tỏ những khát khao yêu đương mãnh liệt và những rung động rạo rực của lòng mình. Không còn sự thụ động, cam chịu, yên phận của người phụ nữ truyền thống, nhân vật nữ trong bài thơ rất táo bạo chủ động trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc: Nếu “sông không hiểu nổi mình” thì “sóng tìm ra tận bể”. Nghĩa là dứt khoát từ bỏ cái nhỏ bé, tầm thường để tìm đến với cái bao la khoáng đạt đủ sức bao dung và mang chứa. Cũng rất mãnh liệt và hiện đại là lời thú nhận chân thành: tình yêu đã phá vỡ mọi giới hạn không gian, thời gian, chiếm lĩnh trọn vẹn tâm hồn người con gái thậm chí lặn sâu cả vào tiềm thức. Đó còn là một tình yêu được cảm nhận toàn diện với mọi cung bậc cảm xúc có khi đối lập nhưng vẫn thống nhất.
– Khát vọng được dâng hiến hết mình cho tình yêu gắn liền với khát vọng được hưởng một tình yêu đích thực, trường tồn: “Làm sao được tan ra…Để ngàn năm còn vỗ”
* Bài thơ thể hiện quan niệm về tình yêu mang tính truyền thống.
Mượn hình tượng “sóng” trong tự nhiên, nhà thơ đã diễn tả được những cung bậc cảm xúc phổ biến, những quy luật tình cảm muôn đời của con người trong tình yêu:
+ Đó là những trạng thái cảm xúc đối lập mà thống nhất trong lòng người đang yêu: “dữ dội” – “dịu êm”, “ồn ào” – “lặng lẽ”.
+ Đó là khát vọng vươn tới cái cao cả, lớn lao trong tình yêu: “Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể”
+ Con sóng bất biến trong dòng chảy thời gian cũng như tình yêu luôn là điều khao khát trong trái tim tuổi trẻ.
+ Những bí ẩn về cội nguồn của “sóng” cũng như bí ẩn của tình yêu
+ Tình yêu luôn song hành cùng nỗi nhớ
+ Muốn tình yêu bền vững, con người cần biết vượt qua những thách thức, giới hạn và biết hoà nhập, hiến dâng, hi sinh…
⟹ 2 ý kiến tưởng trái chiều nhưng góp phần bổ sung cho nhau để làm nổi bật nét độc đáo của hồn thơ Xuân Quỳnh qua bài thơ “Sóng”. Mang trong mình vẻ đẹp truyền thống và hiện đại của tình yêu khiến “Sóng” trở nên bất tử trong lòng độc giả bao thế hệ, trở thành lời “tự hát” của biết bao trái tim tha thiết yêu đương.
* Tổng kết
Hoctotnguvan.vn