Phân tích đoạn kịch Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt của Lưu Quang Vũ

Đề bài: Phân tích đoạn kịch Hồn Trương Ba, Da Hàng Thịt của Lưu Quang Vũ.

Bài làm

1. Lưu Quang Vũ là một trong những hiện tượng nổi bật nhất của đời sống văn học dân tộc những năm tám mươi của thế kỉ XX. Chỉ trong bảy, tám năm mà ông sáng tác khoảng năm mươi kịch bản dược dàn dựng hầu hết. Công chúng náo nức đến với ánh đèn sân khấu, sàn diễn của nhiều nhà hát, đoàn nghệ thuật ở kháp mọi miền đất nước nhờ kịch bản của Lưu Quang Vũ. Có những đợt Hội diễn sân khấu toàn quốc, đa số vở được trình diễn và đoạt giải mang tên tác giả Lưu Quang Vũ. Kịch Lưu Quang Vũ viết về nhiều đề tài, có giá trị về nhiều mặt, trong dó Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở có tính triết lí sâu sắc.

Hồn Trương Ba, da hàng thịt được Lưu Quang Vũ sáng tác theo hướng khai thác cốt truyện dân gian để gửi gắm những suy ngẫm về nhân sinh, về hạnh phúc, kết hợp phê phán một sô tiêu cực trong lối sống hiện thời. Cốt truyện dân gian có thể tóm tắt như sau : Có ông Trương Ba hiền lành, chăm chí và rất cao cờ, một hôm đột ngột chết (do việc làm tắc trách của hai vị quan Nam Tào, Bắc Đẩu trên Thiên đình). Tiếc tài đánh cờ của người nông dân ấy, tiên Đế Thích dùng phép cho hồn Trương Ba nhập vào xác một anh hàng thịt để tiếp tục sống. Vậy là xảy ra chuyện tranh chấp chồng giữa hai người vợ, phải đưa lên quan xét xử. Quan tiến hành phép thử bằng cách ra lệnh cho đương sự lần lượt làm hai việc : mổ lợn và đánh cờ. Đương sự không biết cầm dao mổ lợn thế nào cho thuận song đánh cờ lại rất cao tay. Quan bèn quyết định cho bà Trương Ba đem chồng về.

hon truong ba da hang thit

Như thế, tình huống kịch của Hồn Trương Ba, da hàng thịt được bắt đầu từ chỗ kết thúc của tích truyện dân gian. Khi hồn Trương Ba được sống “hợp pháp” trong xác anh hàng thịt, mọi sự ngày càng trở nên rắc rối, éo le. Nhân vật đâu được sống bình thường, yên ổn. Ba tháng “ngụ cư” trong thân xác lạ, hồn Trương Ba có nguy cơ bị thân xác lấn át. Nó đã phải trải qua những cuộc đấu tranh gay gắt với chính thể xác mà mình trú ngụ – một thể xác đầy ham muốn bản năng của anh hàng thịt. Hồn Trương Ba ngày càng trở nên xa lạ, đáng sợ trong mắt những người thân. Một tâm hồn thanh cao lại phải sống nhờ trong một thân xác thô lỗ, cồng kềnh. Thậm chí, đã có khi Hồn Trương Ba sắp ngã vào tay chị vợ anh hàng thịt, nhân vật chút nữa bị thất bại trước sự dẫn dắt của thể xác. Kết cục, để bảo toàn sự thanh sạch của mình, Hồn Trương Ba chấp nhận cái chết vĩnh viễn, khước từ cuộc sống không còn được là mình, dù sự sống muôn phần đáng quý. Nội dung chính của vở kịch là tình cảnh trớ trêu, nỗi đau khổ, giày vò của Hồn Trương Ba từ khi “bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo”, là quyết định đúng đắn, cao thượng của nhân vật để thoát khỏi tình cảnh ấy.

2. Văn bản trong sách Ngữ văn 12 thuộc cảnh VII và Đoạn kết, cũng là cảnh cuối cùng của kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Ở cảnh này, xung đột trung tâm của vở kịch (xung đột giữa linh hồn và thân xác trong nhân vật Hồn Trương Ba) lên đến đính điểm. Có thể nhận ra diễn biến cụ thể của tình huống kịch ở đây theo các bước:

Sau mấy tháng sống trong tình trạng bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo, nhân vật Hồn Trương Ba ngày càng trở nên xa lạ đối với những người thân trong gia đình, với bạn bè và cũng tự chán mình. Hồn Trương Ba cảm thấy không thể sống như thế này mãi, muốn tách ra khỏi thân xác kềnh càng, thô lỗ của anh hàng thịt. Tâm trạng này được thể hiện qua lời nói của nhân vật ở ngay đầu đoạn trích.

-Cuộc đối thoại giữa hồn và xác với sự giễu cợt, tự đắc của xác khiến hồn càng khổ đau, càng cảm thấy bế tắc.

-Thái độ, cư xử của những người thân trong gia đình (người vợ, đứa cháu và nhất là chị con dâu mà Trương Ba hằng thương yêu, tin cậy) khiến nhân vật Hồn Trương Ba càng đau khổ, tuyệt vọng, cuối cùng đi đến quyết định giải thoát.

-Cuộc gặp gỡ, đối thoại cuối cùng cua Hồn Trương Ba với tiên Đế Thích và quyết định dứt khoát của Hồn Trương Ba.

Quyết định của Hồn Trương Ba thể hiện qua độc thoại nội tâm của nhân vật này : quyết không chịu khuất phục thân xác và tự đánh mất mình. Ông châm nén hương để gọi tiên Đế Thích. Đây là bước ngoặt chuẩn bị cho việc giải quyết xung đột kịch về sau.

Trong quá trình phát triển của tình huống, cái chết của cu Tị có ý nghĩa đẩy nhanh diễn biến kịch đi đến chỗ “mở nút”. Nó là đứa bé “ngoan lắm, khôn lắm” mà Hồn Trương Ba rất quý. Tình thế này buộc Hồn Trương Ba phải dứt khoát chọn ngay một cách giải quyết.

Qua diễn biến của xung đột kịch, cho thấy Lưu Quang Vũ đã khéo dồn nén mâu thuẫn, đã đẩy tình huống kịch lên cao trào (thắt nút) rồi giải quyết (mở nút) thật tự nhiên, hợp lí.

3.Sự thay đổi của Trương Ba trong thời gian để hồn trú ngụ trong thân xác anh hàng thịt ngày càng rõ rệt như thế nào ? Diễn tả sinh động điều này có ý nghĩa quan trọng bởi từ đó, người đọc thấy rõ tình cảnh trớ trêu, nỗi đau khổ của Hồn Trương Ba. Lưu Quang Vũ đã khéo mượn lời các nhân vật khác – những người thân trong gia đình Trương Ba (người vợ, đứa cháu, chị con dâu) để chỉ ra điều đó. Hồn Trương Ba bây giờ đâu còn là người làm vườn chăm chỉ, hết lòng thương yêu vợ con như trước. Ông cũng chẳng quan tâm gì đến chuyện của bà con hàng xóm. Hồn Trương Ba bây giờ vụng về, thô lỗ, phũ phàng chứ không còn khéo léo, nhẹ nhàng khi chăm sóc cây cối, khi chữa diều như trước nữa. Ngay cả người biết thương cảm cho tình cảnh của Hồn Trương Ba như chị con dâu giờ cũng xót xa, ngỡ ngàng bởi không còn được thấy hình ảnh con người “hiền hậu, vui vẻ tốt lành như thầy của chúng con xưa kia”,… Những lời thoại của Hồn Trương Ba với Đế Thích sau đó chứng tỏ nhân vật này đã tự ý thức, đã thấm thía về tình cảnh trớ trêu, đầy tính chất bi hài của mình.

4.Những quan niệm về hạnh phúc, về lẽ sống và cái chết của Lưu Quang Vũ được gửi gắm nhiều ở cuộc trò chuyện giữa Hồn Trương Ba với tiên Đế Thích. Đoạn kịch này cũng là nơi kết tinh giá trị tư tướng của tác phẩm. “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi trọn vẹn”. Qua lời thoại này của Hồn Trương Ba, nhà viết kịch muốn khẳng định rằng con người là một thể thống nhất, hồn và xác phải hài hoà. Không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục, tội lỗi. Khi con người bị chi phối bởi những nhu cầu ban năng của thân xác thì đừng chỉ đổ lỗi cho thân xác, đừng vỗ về mình bằng vẻ đẹp siêu hình của tâm hồn… “Sống nhờ vào đổ đạc, của cải người khác đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phái sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết !”. Đây là lời thoại có ý nghĩa triết lí về lẽ sống. Sống thực sự cho ra con người quả không hề dễ dàng, đơn giản. Khi sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá, khi không được là mình thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa. Thời gian Hồn Trương Ba trú ngụ trong thân xác anh hàng thịt để Trương Ba tiếp tục được sống thì ông bị mọi người xa lánh, bản thân ngày càng tự cảm thấy khó chịu, đau khổ. Nhưng khi Hồn Trương Ba dứt khoát chọn cái chết để thoát khỏi tình trạng bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo, để nhường cuộc sống cho cu Tị thì ông lại được sống trong tâm trí mọi người, được con cháu mãi nhớ thương, kính trọng. Ông như được gần gũi, quấn quýt quanh mọi người. Lời dạy của ông được con cháu nhắc nhở, thấm thìa. Đó chính là ý nghĩa sâu xa của đoạn kết vở kịch.

Từ tình cảnh của nhân vật Hồn Trương Ba, từ các lời thoại giàu ý vị triết lí, vở kịch toát lên tinh thần phê phán lối sống chạy theo những ham muốn tầm thường về vật chất, chỉ thích hưởng thụ đến trở nên phàm phu, thô thiện. Tác phẩm cũng cất lên lời cảnh báo về tình trạng con người phải “sống giả”, vì những lí do nào dó mà không còn được là mình. Đó là nguy cơ đẩy con người đến chỗ tha hoá do danh và lợi. Như vậy, vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt thể hiện tinh thần chiến đấu thẳng thắn của Lưu Quang Vũ – một nghệ sĩ hăng hái tham dự vào tiến trình cải cách xã hội ở những năm 80 của thế kỉ XX ; đồng thời nêu lên những bài học về lẽ sống – chết, về hạnh phúc, có ý nghĩa với nhiều thời. Cuộc sống thật đáng quý nhưng không phải sống thế nào cũng được ; hạnh phúc chân chính của con người là được sống trọn vẹn, sống thật với chính mình, với mọi người. Đó là triết lí sâu sắc toát lên từ vở kịch này.

Bài liên quan

Phân tích tác phẩm ‘Chiếc thuyền ngoài xa’ của Nguyễn Minh Châu

Phân tích tác phẩm ‘Chiếc thuyền ngoài xa’ của Nguyễn Minh Châu

Đề bài:Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Bài làm…
Phân tích tác phẩm Đất của Anh Đức

Phân tích tác phẩm Đất của Anh Đức

Đề bài: Phân tích tác phẩm Đất của Anh Đức. Bài làm 1.Anh Đức thuộc…
Phân tích truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn

Phân tích truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn

Đề bài: Phân tích truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn. Bài làm Lỗ Tấn (1881…
Phân tích tác phẩm Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS

Phân tích tác phẩm Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS

Đề bài: Phân tích tác phẩm Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống AIDS…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *