Bình giảng 8 câu đầu trong bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu

Bình giảng 8 câu đầu trong bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu

Hướng dẫn

Loading…

Bình giảng 8 câu đầu trong bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu

Bài Làm

Tố Hữu là một trong những nhà thơ đi đầu trong nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Những sáng tác của ông đều mang lại những dấu ấn riêng, để lại nhiều dư âm tốt đẹp trong trái tim độc giả. Việt Bắc là một trong những sáng tác như thế. Bài thơ được sáng tác nhân sự kiện Hiệp đình Giơ-ne-vơ được ký kết sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình lập lại ở miền Bắc, các cơ quan trung ương của Đảng rời chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Tám câu đầu trong bài thơ đã thể hiện một sự lưu luyến, bịn rịn giữa những người cán bộ và nhân dân miền ngược khi sắp phải rời xa nhau sau bao năm gắn bó với biết bao ân tình.

Khổ thơ đầu bài thơ là tiếng lòng của những người ở lại nói với cán bộ chiến sĩ chuẩn bị về dưới xuôi:

“Mình về mình có nhớ ta?

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không?

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn.”

Loading…

Với cách sử dụng cặp đại từ “mình – ta”, người đọc cảm nhận được sự ngọt ngào, gần gũi thân thương vô cùng giữa chiến sĩ và người dân. Bởi lẽ, con người ta phải thật sự thân thiết lắm mới gọi nhau bằng “mình”, bằng “ta” như thế. Nhà thơ đã rất tài tình khi sử dụng câu hỏi “mình về mình có nhớ” tạo cho người đọc cảm giác rất đỗi thân quen như trong ca dao, dân ca Việt Nam “Mình về mình có nhớ ta – Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”. Điệp từ “Mình về mình có nhớ” được điệp lại hai lần trong khổ thơ, cũng là hai câu hỏi tu từ đắt giá nhất trong đoạn đầu đã cho thấy sự trào dâng cảm xúc, lưu luyến khôn nguôi của người ở lại. Lưu luyến như thế, chân thành như thế cũng vì “mười lắm năm ấy thiết tha mặn nồng”. Thì ra đây là cuộc chia tay của những con người đã từng gắn bó keo sơn, đã cùng nhau trải qua bao khó khăn trong suốt quãng thời gian “mười lăm năm” dài. Chỉ với bốn từ “thiết tha mặn nồng” đủ để nhà thơ diễn tả được sự gần gũi, sự sẻ chia đắng cay ngọt bùi và tấm chân tình sâu sắc của những cán bộ chiến sĩ và nhân dân dành chon nhau trong suốt bao năm tháng. Hình ảnh đặc trưng, giản dị của Việt Bắc được nhà thơ đưa vào trong câu thơ như “cây”, “núi”, “sông”, “nguồn” là lời nhắc nhở những người về xuôi có nhớ về những hình ảnh gần gũi thân thương của mái nhà chung đã nuôi dưỡng bao người con của cách mạng.

Xem thêm:  Phân tích diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ Nhặt của Kim Lân

Đáp lại những lời lẽ ân tình, lưu luyến của đồng bào Việt Bắc là nỗi niềm xúc động, lưu luyến của chiến sĩ về xuôi:

– Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân ly

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…”

Những người ở lại thì cứ “tha thiết” như thế khiến cho người ra đi cũng không khỏi trào dâng một nỗi niềm “bâng khuâng” xúc động trong lòng, “bồn chồn” khó tả trong từng bước đi. Các từ láy “bâng khuâng”, “bồn chồn” dường như đã diễn tả rất đúng tâm trạng của người ra đi lúc này. Đó là lưu luyến khôn nguôi, là bịn rịn chẳng muốn xa rời. Làm sao không bâng khuâng cho được khi mà phải chia tay những người dân thật thà, chất phác đã cùng đồng cam cộng khổ với chiến sĩ suốt bấy nhiêu năm. Hình ảnh “áo chàm” trong câu thơ là hình ảnh hoán dụ của toàn thể đồng bào Việt Bắc, những con người giản dị, nghèo khó nhưng luôn chứa chan tình nghĩa. Hiện lên trong tâm trí người đọc qua hình ảnh “áo chàm” là những cụ già làng râu tóc bạc phơ, là các mế đôn hậu vẫn giã gạo nuôi bộ đội, vá áo cho các anh hàng đêm, là các em thơ hàng ngày vẫn vui đùa dưới gốc cây trước mỗi ngôi nhà sàn. Bao nhiêu kỷ niệm gắn bó cùng tình cảm chân tình của những người con Việt Bắc khiến chiến sĩ không khỏi nghẹn ngào. Nỗi nghẹn ngào thật khó có thể diễn tả bằng lời trong không khí chia tay xúc động ấy, khiến cán bộ về xuôi chỉ có thể “cầm tay” mà “không biết nói gì hôm nay”. Không nói gì không phải không có gì để nói mà có lẽ có quá nhiều thứ để nói nhưng sự nghẹn ngào khiến các anh khó có thể diễn tả được bằng lời nói. Chỉ hành động “cầm tay nhau” thôi cũng đủ để thể hiện sự trân trọng và biết ơn sâu sắc tới đồng bào đã cưu mang người chiến sĩ cách mạng.

Xem thêm:  Phân tích ý nghĩa bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca của Thanh Thảo

Cả hai khổ thơ đầu của bài thơ thành công khi thể hiện ngập tràn nỗi nhớ và tình cảm giữa người ở lại và người ra đi. Để có được thành công ấy không thể không nhắc đến nghệ thuật sử dụng thể thơ lục bát cùng lối đối đáp giao duyên trong ca dao dân ca Việt Nam tạo nên những vần thơ giản dị, giọng điệu trữ tình ngọt ngào dễ chạm tới trái tim của người đọc, người nghe.

Bằng việc sử dụng ngôn ngữ tài tình, các biện pháp tu từ khéo léo, chỉ với tám câu thơ ngắn gọn nhưng bao trùm nỗi nhớ, nhà thơ Tố Hữu đã tái hiện lại sự lưu luyến, bịn rịn lúc chia tay giữa đồng bào miền núi với cán bộ chiến sĩ trước khi rời chiến khu Việt Bắc về Hà Nội sau một khoảng thời gian dài gắn bó. Đoạn thơ đầu chứa chan ân tình cũng góp một phần tạo nên thành công cho toàn bài thơ, để lại nhiều tình cảm tốt đẹp trong trái tim người đọc.

Bài liên quan

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt…
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *