Không ai chôn cất tiếng đàn, Tiếng đàn như cỏ mọc hoang, Giọt nước mắt vầng trăng, Long lanh trong đáy giếng.
ĐỀ BÀI: Cảm nhận về đoạn thơ: “Không ai chôn cất tiếng đàn …đáy giếng” – trích Đàn ghita của Lorca
BÀI LÀM
Từ sau năm 1975, Thanh Thảo, một nhà thơ trẻ có nhiều nỗ lực trong việc cách tân thơ một cách đầy tâm huyết và táo bạo; với một trái tim thiết tha với những những tâm hồn phóng khoáng, yêu tự do, bất khuất, thanh cao, lại thích đổi mới về nghệ thuật, Thanh thảo đã rất thành công với bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca”, một khúc ca về người nghệ sĩ thiên tài Tây Ban Nha, một chiến sĩ chiến đấu kiên cường không mệt mỏi cho nền dân chủ và sự cách tân nghệ thuật.
Nói đến đất nước và con người Tây Ban Nha là nói đến cây đàn ghi ta. Người Tây Ban Nha hầu như được sinh ra cùng cây đàn ghi ta. Nó là bản sắc, là tâm hồn dân tộc Tây Ban Nha. Vì thế, người ta thường gọi là ghi ta Tây Ban Nha hay là Tây Ban Nha cầm. Còn Lorca là nhà thơ nổi tiếng của Tây Ban Nha, là người con anh hùng của đất nước Tây Ban Nha, gắn liền với quê hương cây đàn ghi ta. Vì thế, những giai điệu thánh thót của ghi ta (trong đêm thanh vắng) vọng lên trong không gian bao la đã khơi nguồn cảm hứng mãnh liệt cho Thanh Thảo sáng tạo nên một bài thơ với những câu thơ tự do rất giàu tính nhạc. Ngay câu đề từ của bài thơ – câu đề từ thường có ý nghĩa đặc biệt đối với một tác phẩm văn học, nó nêu rõ ý đồ nghệ thuật và khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho tác giả: “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”. Câu đề từ đã thể hiện rõ tâm hồn và khát vọng của Lorca nếu có phải chết cũng được chết trong tiếng đàn dân tộc, trong nỗi niềm dân tộc và trong niềm vui được làm người Tây Ban Nha, được người đời tiếp tục cách tân nền nghệ thuật đất nước.
Khổ thơ “Không ai chôn cất tiếng đàn …đáy giếng” đầy ắp những hình ảnh biểu tượng và siêu thực, với hình ảnh hoán dụ “không ai chôn cất tiếng đàn”, hình ảnh so sánh “Tiếng đàn như mọc cỏ hoang” gợi thương cảm về cái chết bi thảm của nhà thơ. Đặc biệt hình ảnh “Giọt nước mắt vầng trăng” là một hình ảnh siêu thực, đa nghĩa, bắt nguồn việc có thực: kẻ thù bắn nhà thơ và vứt xác ông xuống giếng để phi tang. Nước mắt vầng trăng còn là tình thương, sự cao khiết, sự toả sáng. Với Thanh Thảo đó là nước mắt sáng đẹp và vĩnh cửa như vầng trăng, những giọt nước mắt anh hùng như trong vãn của Nguyễn Đình Chiểu (nước mắt anh hùng lau chẳng ráo) vầng trăng như là sự hoá thân, sự thăng hoá của tâm hồn liệt sĩ trong “Khoảng trời hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ:
“Đêm đến tâm hồn em toả sáng
Những vì sao ngời chói lung linh.”
Hình ảnh này vừa gợi cảm thương về cái chết bi thảm của nhà thơ – chiến sĩ trong tay bọn phát xít dã man, khi đất nước còn chìm trong sự đau thương và hỗn loạn; vừa gợi lên nỗi xót tiếc hành trình cách tân dang dở, về nền nghệ thuật vắng thiếu kẻ dẫn đường. Hình ảnh “giọt nước mắt vầng trăng; long lanh nơi đáy giếng” được viết theo cấu trúc “gián đoạn” của nghệ thuật siêu thực tượng trưng là một hình ảnh tuyệt đẹp. Hình ảnh ấy thật đa nghĩa, là nỗi đau thương và cái đẹp, là sự cao khiết và vĩnh hằng. Ở đây, nước mắt như vầng trăng, nỗi buồn đau đã kết tinh toả sáng, hay nước mắt là vầng trăng “nước mắt anh hùng lau chẳng ráo” sáng và đẹp trở thành vầng trăng vĩnh viễn ngời sáng lung linh trong lòng độc giả Tây Ban Nha và độc giả nhân loại hằng yêu mến và tiếc thương nhân cách, tâm hồn trong sáng của vầng trăng thi ca Lorca?
Tiếng đàn đã trở thành một nhân vật có linh hồn – Đó là chiến thắng, là bất tử của người anh hùng.
Ở đây Lor-ca không hiện diện mà chi có sự hiện diện của tiếng đàn. Nó đã trở thành biểu tượng của tâm hồn Lor-ca, trái tim Lor-ca. Cuộc đời của ông sống tự do, thanh thản trong suốt như giọt nước mắt vầng trăng long lanh trong đáy giếng. Lor-ca đã chết (về thể xác) nhưng dư âm vang vọng của cuộc đời ông thì còn mãi.
Hoctotnguvan.vn