Đôi nét về Hoàng Phủ Ngọc Tường và bố cục “Ai đã đặt tên cho dòng sông”
Hướng dẫn
Đôi nét về Hoàng Phủ Ngọc Tường và bố cục “Ai đã đặt tên cho dòng sông”
Các tác phẩm chính trong sự nghiệp sáng tác của Hoàng Phủ Ngọc Tường là: Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (1971), Rất nhiều ánh lửa (1979), Ai đã đặt tên cho dòng sông? (1986)…
Ai đã đặt tên cho dòng sông? Là bút kí xuất sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường viết tại Huế. Bài bút kí có ba phần, đoạn trích trong sách giáo khoa thuộc phần thứ nhất. Đây là bút kí đậm chất tùy bút, người đọc tìm thấy trong đó một phong cách tài hoa, tự do, phóng túng với vốn văn hóa sâu rộng, tâm hồn nhạy cảm, nhất mực say mê với cái đẹp của cảnh vật và con người xứ Huế thân yêu.
Trước khi về với vùng châu thổ êm đềm và kinh thành Huế, sông Hương có cội nguồn quan hệ với dãy Trường Sơn. Sông Hương như bản trường ca của rừng già, hoành tráng, dữ dội, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn,
Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương được ví như cô gái Di – gan phóng khoáng, man dại, bản lĩnh và gan dạ. Nhưng khi rời khỏi rừng già, sông Hương nhanh chóng mang vẻ đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của xứ sở văn hóa này.
Trước khi trở thành người tình dịu dàng, thủy chung với kinh thành Huế, sông Hương chảy xuôi về đồng bằng ngoại vi thành phố. Giữa cánh đồng Châu Hóa, sông Hương như cô gái đẹp ngủ mơ màng, nàng được đánh thức lên sức trẻ và niềm khao khát trong sự chuyển dòng liên tục, rồi vòng những khúc quanh đột ngột uốn mình mềm mại qua những địa danh và chuyển hướng Tây Bắc….vẽ những hình vòng cung ôm lấy chân đồi Thiên Mụ,
Xuôi dần về Huế, có lúc sông mềm như tấm lụa, nước trong xanh biếc. Vòng qua dãy đồi phía tây nam thành phố, sông Hương mang vẻ đẹp trầm mặc của những lặng trầm, đền đài và những rừng thông âm u, phong kín…
Khi gặp thành phố thân yêu, sông Hương tươi tắn hẳn lên giữa những bến bãi xanh biếc của vùng ngoại ô. Ở đây, sông vắt một cánh cung sang đến Cồn Hến, mềm như “một tiếng vâng” không nói ra của tình yêu. Sông Hương được tác giả nhìn nhận ở nhiều góc độ của hội họa, âm nhạc và người tình dịu dàng, thủy chung. Sông Hương đã làm nên vẻ đẹp của Huế thơ mộng.
Sông Hương không chỉ đơn thuần là một kì quan của tạo hóa mà còn gắn với lịch sử, văn hóa của dân tộc. Dòng sông là bản anh hùng ca ghi dấu những thế kỷ quang vinh của dân tộc. Oanh liệt mà vẫn thơ mộng trữ tình, là nguồn thi hứng của bao thi sĩ: Tản Đà, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan….và rồi có một nhà thơ Hà Nội đã đến ngắm dòng sông, bâng khuâng buông một câu hỏi với đất trời: “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”
Theo Hocsinhgioi.com