Giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ
Hướng dẫn
Giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ
Chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm văn học rất phong phú và đa dạng: Đó là biểu hiện của lòng yêu nước thương nòi, lên án tố cáo các thế lực tàn bạo chà đạp lên con người. Đồng thời, khẳng định đề cao phẩm chất, tài năng, những khát vọng chính như khát vọng về quyền sống, quyền hạnh phúc, công lý và chính nghĩa, đề cao đạo lý tốt đẹp giữa người với người.
Tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài sáng tác năm 1952 đề cập tới số phận hai nhân vật Mị và A Phủ, thông qua việc lên án tố cáo sự tàn bạo của giai cấp thống trị ở niềm núi; đồng thời bênh vực, cảm thông sâu sắc với nỗi bất hạnh, khổ đau của họ. Bên cạnh đó, Tô Hoài còn trân trọng những khát vọng sống và đồng tình với tinh thần phản kháng mở ra một con đường mới. Đó chính là giá trị nhân đạo cao cả của tác phẩm.
Từ cổ chí kim, tư tưởng nhân đạo là linh hồn, là thước đo giá trị tác phẩm văn học. Tư tưởng giá trị ấy được nhà văn thể hiện thông qua nhân vật trung tâm của tác phẩm. Tô hoài từng quan niệm nhân vật là linh hồn của tác phẩm để nhà văn bộc lộ tư tưởng, tình cảm, thái độ của tác giả với cuộc đời.
Ngay từ đầu tác phẩm, Tô Hoài đã cho người đọc thấy hai cảnh đối lập: Mị đang ngồi quay sợi bên cạnh tảng đá, tàu ngựa, mặt lúc nào cũng cúi xuống và buồn rười rượi. Một bên là cảnh nhà thống lý đang tấp nập người ra kẻ vào có nhiều nương, nhiều bạc tiền, nhiều thuốc phiện nhất làng.
Câu văn kể thản nhiên như phơi bày bản chất của kẻ làm tay sai cho đế quốc, vừa ức hiếp chính người dân của mình. Qua đó, hé mở cho người đọc hiểu vì sao Mị có mặt trong cái nhà quan lại giàu có nhất làng mà Mị vẫn phải làm việc quần quật, bị đối xử như nô lệ, thậm chí không bằng kiếp trâu, kiếp ngựa. Bởi Mị còn phải trả món nợ truyền thống của cha mẹ để lại cho nhà thống lý.
Xây dựng nhân vật A Phủ, Tô Hoài tô đậm thêm bức tranh hiện thực cuộc sống. Từ một đứa trẻ mồ côi, vô tội, A Phủ lang thang kiếm sống, lớn lên và thành nô lệ nhà thống lí vì tội đánh lại con quan – con trời.
Thật nực cười khi kẻ ngồi trên ghế quan tòa phán quyết lý lẽ đúng sai lại chính là một tên kẻ cướp. Cái lí lẽ vay trả đối với gia đình Mị và A Phủ chẳng phải là lí lẽ của kẻ thống trị chuyên quyền, áp bức, cướp đoạt sức lao động, cướp quyền làm người của những người dân vô tội?
Nói về nỗi khổ đau của Mị và A Phủ cùng những hành động tàn độc, vô nhân đạo của cha con thống lí Pá Tra, nhà văn đã nhân danh quyền con người và lên án, tố cáo tội ác của chúng với người dân vô tội.
Khi nói về cuộc sống khổ đau, tăm tối của Mị và A Phủ, ẩn sâu trong ngòi bút Tô Hoài là sự bênh vực và cảm thông sâu sắc. Xót xa miêu tả cuộc đời Mị khi còn ở với cha mẹ. Lúc ấy còn là cô gái xinh đẹp, nết na, hiền thảo, có tâm hồn trong sáng và nhiều khát khao hạnh phúc. Mị còn có tài thổi sáo, kèn lá vì thế có nhiều chàng trai say mê. Thế mà bỗng chốc, Mị trở thành con dâu gạt nợ, thực chất là nô lệ.
Còn A Phủ mới 10 tuổi đã bị người làng bán xuống vùng thấp lấy thóc để ăn. A Phủ bị quỳ, bị đánh chửi suốt một ngày một đêm mà vẫn phải câm như thóc, phải cầm dao giết lợn để phục vụ cho chính kẻ hành hạ mình, phải đóng cọc để tự trói mình vào, bất lực không thể làm gì khi cái chết đã đến kề bên…
Viết về nỗi khổ đau, bất hạnh, ngòi bút nhà văn như có nước mắt, ông đã gieo vào lòng người đọc một niềm thương cảm sâu xa trước số phận con người.
Giá trị nhân đạo của tác phẩm, sâu sắc nhất là sự trân trọng khát vọng tự do, hạnh phúc và phẩm chất tốt đẹp của người nông dân cùng khổ. Ngòi bút Tô Hoài từng bước rọi sâu khám phá vào miền thân u của thế giới nội tâm nhân vật, ông hiểu tâm tư, nỗi niềm và khát vọng của họ. Không chỉ trân trọng khát vọng tự do của Mị và A Phủ mà còn đồng tình với tinh thần phản kháng, đấu tranh của họ; đồng thời vạch ra cho họ con đường giải phóng.
Nhà văn đã miêu tả quá trình diễn biến nội tâm và hành động nhân vật tự nhiên và sống động. Đó cũng là quy luật tự nhiên tất yếu của sự sống,
Với truyện ngắn “ Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài đã phải đi, phải nhìn, phải nghe, phải suy ngẫm, phải đào bởi bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử. Đó là tấm lòng của một nhà văn lớn luôn đứng về phía người cùng khổ để sống và viết.
Theo Hocsinhgioi.com