Hãy phân tích hình tượng nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của nhà văn Nguyễn Thi

Việt là nhân vật trung tâm của câu chuyện. Việt xuất thân trong một gia đình lớn, gia đình cách mạng. Những con người trong gia đình ấy đã gắn bó với nhau trong một mối tình ruột thịt, người nào cũng đáng yêu, đáng quý.

BÀI LÀM

        Nguyễn Thi là cây bút khá nổi tiếng của văn xuôi thời kháng chiến chống Mỹ. Truyện của Nguyễn Thi đã phản ánh khá sinh động cuộc sống của nhân dân Miền Nam dưới sự đàn áp dã man của Mỹ và chính quyền Sài Gòn; đồng thời cũng làm nổi bật vẻ đẹp của con người Miền Nam trong cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù để giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, giành độc lập, tự do về cho dân tộc. Trong những sáng tác của mình, Nguyễn Thi đi sâu khai thác đề tài: chủ nghĩa yêu nước anh hùng cách mạng của nhân dân Nam Bộ. Đó là những tập thể anh hùng được làm nên bởi mọi lứa tuổi. Trong đó, tầng lớp thiếu niên đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên bức tranh hào hùng này như nhân vật Việt trong “Những đứa con trong gia đình” của ông.

       Thật vậy, Việt là nhân vật trung tâm của câu chuyện. Việt xuất thân trong một gia đình lớn, gia đình cách mạng. Những con người trong gia đình ấy đã gắn bó với nhau trong một mối tình ruột thịt, người nào cũng đáng yêu, đáng quý, người nào cũng có bản chất riêng, nhưng lại thống nhất với nhau về bản chất đó là: lòng căm thù giặc sâu sắc, hành động dũng cảm, gan góc trong chiến đấu, có niềm say mê và khao khát được đánh giặc, rất tình nghĩa, rất đỗi thủy chung với gia đình, với cách mạng và Tổ quốc. Hơn nữa, Việt xuất thân trong một gia đình mang nặng thù nhà, nợ nước. Ông nội của Việt bị lính tổng Phòng bắn vào giữa bụng, bà nội bị lính quận Sơn hành hạ, đánh đập. Ba của Việt thì bị giặc chặt đầu, má Việt thì bị trái ca nông của Mỹ giết chết khi đi đấu tranh ở Mỏ Cày, thím Năm thì bị giặc bắn bể xuồng chết khi đi rọc lá chuối… những người thân trong gia đình của Việt lần lượt bị giặc sát hại. Những đau thương mất mát này đã sớm khơi dậy lòng căm thù giặc của Việt, đồng thời cũng sớm khơi dậy ý thức đấu tranh để trả thù nhà và góp phần vào việc đấu tranh giải phóng miền Nam của Việt.

        Việt là một cậu con trai mới lớn, ngây thơ và hiếu động. Việt đã tiến xa hơn thế hệ của ông cha mình. Lúc nhỏ Việt đã rất gan , đúng như lời nhận xét của chú Năm: “Việt là một thằng nhỏ nhưng rất gan lì”. Trước nỗi đau mất cha, cậu bé Việt không còn biết sợ hãi là gì, Việt đã đi theo má mà la “Trả đầu ba! Trả đầu ba!”, rồi khi thằng giặc liệng đầu ba vào ngực mẹ, làm máu me văng cùng đầu chị em Việt. “Đầu ba ở dưới không lượm” mà Việt “cứ nhè cái thằng liệng đầu mà đá”. Lòng căm thù giặc đã dậy lên trong lòng Việt. Càng lớn lên ý thức và hành động của Việt càng chín chắn hơn. Việt đã cùng chị đánh giặc trên sông Định Thủy, rồi lại cùng chị tranh nhau xin đi bộ đội. Ý thức đấu tranh quyết liệt đã thể hiện ở Việt ngay trong câu chuyện giữa hai chị em trong cái đêm cả hai đều được đi bộ đội. Khi Chiến nói với Việt: “Chú Năm nói mày với tao kỳ này là ra chân trời mặt biển, xa nhà thì ráng học chúng học bạn, thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu”, thì Việt trả lời ngay với chị: “Chị có bị chặt đầu thì chặt chứ chừng nào tôi mới bị”.

         Câu nói ấy của Việt đã thể hiện một thái độ khá dứt khoát, một ý chí quyết ra đi trả thù cho ba má Việt. Và ngay sau khi vào bộ đội, tân binh Việt đã lập nên chiến công trong một trận đánh quyết liệt với quân thù. Việt đã diệt được một xe đầy Mỹ và bắn nhào một xe tăng. Việt bị thương ở hai mắt, không còn thấy được gì cả. “Việt cảm thấy chân tay tê dại, khắp người nước hay máu không biết, chỗ ướt, chỗ sũng, chỗ dẻo quẹo, chỗ đã khô cứng”, “người Việt khô khốc”, “chỗ nào đụng tới, ruồi cũng bay lên như vải trấu…”. Thế mà Việt vẫn quyết bò đi tìm đồng đội “Việt cho mũi lê đi trước, rồi tới hai cùi tay, hai cái chân nhức nhối cho nó đi cuối cùng. Cái nào không chịu đi thì bắt phải đi”. Trong cơn mê Việt nhớ lại những gì đã xảy ra trong gia đình mình. Việt nhớ má, nhớ chú Năm, nhớ chị Chiến… tỉnh ra Việt càng cảm thấy căm thù, càng có ý thức quyết tâm chiến đấu. Nghe tiếng máy bay và tiếng xe bọc thép của địch rú lên, Việt không hề run sợ mà trong tư thế sẵn sàng chiến đấu: Được, tao cứ nằm đây! Tao sẽ chờ mày! Trên trời có mày, dưới đất có mày, cả khu rừng này có còn mình tao cũng bắn được mày. Nghe súng nổ các anh sẽ tới đâm mày! Mày chỉ giỏi giết gia đình tao, còn đối với tao thì mày là thằng chạy”. Như vậy, là Việt đã đi xa hơn khúc sông truyền thống gia đình. Việt chủ động đi tìm giặc mà đánh. Việt chính là hình tượng nhân vật điển hình cho tầng lớp thanh niên thời đánh Mỹ tham gia vào cuộc kháng chiến với tất cả nhiệt huyết và niềm hăng say của tuổi trẻ, làm nên khúc sông truyền thống dào dạt hơn, rộng lớn hơn trước khi đổ vẻ biển cả.

        Tuy chiến đấu rất dũng cảm nhưng ở Việt vẫn còn mang tính chất trẻ con: rất thương chị nhưng không biết lo toan cùng chị, chỉ biết đi chiến đấu. Đi chiến đấu mà Việt vẫn giắt sau lưng một chiếc ná thun. Khi bị thương Việt có thoáng nghĩ đến cái chết, nhưng Việt cũng chưa hiểu cái chết là như thế nào: “Chết là gì nhỉ? Chắc là đau gấp mấy lần bị thương. Hay chết là người thật biến lên trên nóc nhà, còn người giả thì nằm lại đó? Việt chưa bao giờ nghỉ tới cái chết, mà cũng chưa nghe ai nói rõ nó ra xao”. Và Việt không hề biết sợ chết, chỉ sợ là “không còn được ở chung với anh Tánh và cũng không được đi bộ đội nữa thì buồn lắm”. Những điều suy nghĩ của Việt thật ngây thơ và thật đáng yêu làm sao. Trước sau, trong hoàn cảnh nào Việt cũng nghĩ đến chiến đấu. Đó chính là bản chất vốn có của Việt và cũng chính là bản chất tốt đẹp của tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mỹ.

        Tóm lại, trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình Nguyễn Thi đã xây dựng khá thành công hình tượng nhân vật Việt – một nhân vật tiêu biểu cho tuổi trẻ miền Nam, tuổi trẻ của cả đất nước anh hùng. Sức mạnh của tuổi trẻ không gì ngăn nổi, hứa hẹn sẽ mở ra những khúc sông hào hùng hơn, vẻ vang hơn để đổ về biển lớn của cách mạng.

 Hoctotnguvan.vn

Bài liên quan

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt…
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *