Hình tượng Sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh

Xuân Quỳnh viết bài thơ Sóng khi chị mới 25 tuổi – cái tuổi đầy căng sức sống dạt dào tình yêu. Vì vậy, đối diện với “sóng”, chị nhìn thấy rất rõ tình yêu đang trào dâng trong trái tim phụ nữ của mình – một trái tim khao khát yêu đương, mong muốn được yêu và được sống trong tình yêu vĩnh viễn.

Xuân Quỳnh viết bài thơ Sóng khi chị mới 25 tuổi – cái tuổi đầy căng sức sống dạt dào tình yêu. Vì vậy, đối diện với “sóng”, chị nhìn thấy rất rõ tình yêu đang trào dâng trong trái tim phụ nữ của mình – một trái tim khao khát yêu đương, mong muốn được yêu và được sống trong tình yêu vĩnh viễn. Và rất hiển nhiên, chị đã bắt gặp “sóng” như gặp chính mình, đã tìm ra trong hình ảnh sóng những âm vang của nhịp đập trái tim mình. Đứng trước biển, trái tim  Xuân Quỳnh tuôn chảy thành những sóng – thơ – tình yêu, và những đợt sóng ấy cứ dập dềnh suốt bài thơ, khi thì “dịu êm lặng lẽ”, lúc lại “ồn ào dữ dội” trong “khát vọng bồi hồi” và trong nỗi “nhớ bờ không ngủ được”. Cái âm điệu êm êm ấy ru ta, đưa ta về với vương quốc của tình yêu, gây ấn tượng mạnh mẽ bởi một ẩn dụ toàn bài: Sóng! Sóng không được miêu tả bằng màu sắc, đường nét mà được vẽ lên bằng âm điệu, nhạc điệu của tình yêu. Cái tài của Xuân Quỳnh là chỉ bằng nhạc điệu đã vẽ lên đúng hình ảnh của sóng biển, và đúng hơn, là sóng tình trong lòng người phụ nữ trẻ đang khao khát yêu đương. Nhạc điệu của bài thơ, tự nó, đã có giá trị truyền cảm mạnh mẽ.

Nhưng đối diện với “sóng” là để nhận ra chính mình. Vì vậy, bên cạnh hình tượng “sóng” còn có “em” – hình ảnh của người phụ nữ đang yêu: Xuân Quỳnh Đây là hai hình ảnh sóng đôi xoắn xuýt lấy nhau, soi chiếu vào nhau, hình tượng “sóng” chính là nỗi lòng của “em” và “em” là hiện thân của “sóng”.

“Sóng” và cái Tôi (em) đồng hiện, tuy hai mà một, tuy một mà hai” trong toàn bài thơ cùng như trong từng cặp khổ thơ khiến cho chủ đề được bộc lộ được bộc lộ rõ ràng và thấm thía:

 Ôi con sóng nhớ bờ

           Ngày đêm không ngủ được

     Lòng em nhớ đến anh

     Cả trong mơ còn thức.

     Nơi nào em củng nghĩ

              Hướng về anh – một phương

    Con nào chẳng tới bờ

     Dù muôn vời cách trở.

Thơ tình đạt đến những điều nói trên cũng đáng trân trọng lắm rồi. Nhưng nếu chỉ có thế thì cũng chưa phải là tất cả hồn thơ Xuân Quỳnh. Ở ngòi bút thơ nữ này, có nhiều khám phá mới lạ và nhiều phát hiện tinh tế trong tình yêu của giới mình.

Trước hết, đó là một tình yêu thật lạ, phụ nữ trong đời thường của họ, từ cực này sang cực khác:

  Dữ dội và dịu êm

 Ồn ào và lặng lẽ

Nhưng đó không phải là một tình yêu trong khuôn khổ nhỏ hẹp, chật chội, bởi khi “sóng không hiểu nổi mình” thì dứt khoát “sóng tìm ra tận bể” để đến với một tình yêu rộng lớn, cao đẹp hơn. Những ai từng quan niệm một thứ tình yêu tầm thường nhỏ bé chắc cũng phải giật mình trước ý thơ này. Đây là một sự phát hiện, một khám phá mới mẻ về tình yêu của giới mình đồng thời cũng là một đóng góp của Xuân Quỳnh trong lĩnh vực thơ tình: chị đã ý thức được một cách rõ ràng vẻ đẹp cao quý của tình yêu người phụ nữ – và hẳn là có chị trong đó!

Người ta thường khen thơ tình Xuân Quỳnh tinh tế. Điều đó là đúng, và ta dễ dàng tìm thấy trong Sóng những khổ thơ như thế:

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?

      Em cũng không biết nữa

 Khi nào ta yêu nhau.

Cái điều mà Xuân Diệu trước kia đã nói như tổng kết một chân lí “làm sao cắt nghĩa được tình yêu?” thì nay Xuân Quỳnh lại phát hiện ra, nhưng bằng trực cảm, bằng tất cả lòng mình, như một lời “thú nhận” thành thật, hồn nhiên mà ý nhị, sâu sắc.

Nhưng người đọc thích nhất thơ tình Xuân Quỳnh là ở sự chân thành, nồng ấm nhiều khi đến cháy bỏng trong tình yêu của chị. Người phụ nữ “nhớ đến anh” – cả trong mơ còn thức” ấy, trước sau vẫn là người phụ nữ với một ước vọng khiêm tốn của đời thường:

     Thành trăm con sóng nhỏ

 Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ

Ước vọng khiêm nhường là vậy mà sao không ngăn nổi những bi kịch của tình yêu?

Hoctotnguvan.vn

 

Bài liên quan

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt…
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *