Nghị luận xã hội về bệnh thành tích
Hướng dẫn
Nghị luận xã hội về bệnh thành tích
Đề bài
Liều thuốc cho bệnh thành tích.
Anh (chị) hãy thử làm bác sĩ kê đơn với “đơn thuốc” là một bài văn khoảng 600 chữ.
Hướng dẫn làm bài
Để làm tốt đề bài này, thí sinh phải ý thức được chủ nghĩa thành tích là một căn bệnh đang phát tác ở quy mô toàn xã hội, rất khó chữa nhưng phải kiên quyết chữa trị để đất nước phát triển, cần biết đối lập bệnh thành tích vói thái độ coi trọng thực chất, vói tinh thần tôn trọng sự thực để “chẩn bệnh” và “kê đơn” đúng.
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
– Bệnh thành tích đã tồn tại từ lâu trong xã hội nhưng tên gọi của nó mới được xác định gần đây. Cội nguồn của bệnh này là thói chuộng hư danh, thích phô trương, sẵn sàng nói dối một cách không hề ngượng ngùng. Đây là “căn bệnh xã hội” có khả năng “lây nhiễm” cao khiến mọi đối tượng đều có thể mắc, từ cá nhân đến các tổ chức xã hội, tổ chức nhà nước. Hiện nay, việc tuyên chiến với bệnh thành tích đã trở thành một đòi hỏi bức thiết.
– Bệnh thành tích có các biểu hiện đặc thù như: sẵn sàng che giấu thực chất yếu kém để được vinh danh; “có ít xuýt ra nhiều” mong nhận được các danh hiệu, phần thưởng; ganh đua hơn kém quyết liệt mà bỏ qua việc nhìn lại mình, chấn chỉnh mình…
– Bệnh thành tích gây tác hại rất lớn. Nó có thể làm suy đồi nhân cách con người, phá huỷ những nền tảng văn hoá tốt đẹp được xây đắp từ lâu. Nó có thể đưa một xã hội, một đất nước tụt dốc không phanh do sự ngộ nhận về mình, và vì ngộ nhận về mình mà ngộ nhận về phần còn lại của thế giói. Nó còn có thể đưa đến sự suy đồi của ngôn ngữ bởi việc đánh lộn sòng các giá trị và cách định danh chúng.
– Đã có nhiều nỗ lực khắc phục bệnh thành tích, nhưng do cách làm không triệt để, chúng ta đã để phát sinh ra một “chủng bệnh” mới là thi đua lập thành tích để xoá bỏ bệnh thành tích, đưa cuộc đấu tranh vốn rất chính đáng sa vào một vòng luẩn quẩn.
– Để chữa bệnh thành tích, thực chất là bệnh nói dối, phải đề cao tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật” mà Đảng đã đề xướng từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới; phải khuyến khích tinh thần phản biện xã hội; phải mở rộng dân chủ để việc thực hiện khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đạt được hiệu quả thực tế; phải tạo được dư luận mạnh mẽ để bài trừ thói “làm láo, báo cáo hay”. Dĩ nhiên, công tác kiểm tra, giám sát phải được đẩy mạnh với sự chủ trì của những con người thật sự liêm chính…
– Ở môi trường học đường, công tác đánh giá có thể phải đi trước một bước với những cải cách mạnh mẽ, trên cơ sở áp dụng những thang chuẩn đánh giá được quốc tế thừa nhận; khắc phục thói học vẹt; khuyến khích việc bộc lộ thẳng thắn ý kiến cá nhân của người học. Bệnh thành tích sẽ dần được khắc phục khi mỗi con người được bồi dưỡng thường xuyên về lòng tự trọng, về ý thức phẩm giá, về khả năng đánh giá đúng mình. Xã hội sẽ tốt đẹp khi từng cá nhân biết đâu là điều thực sự tốt đẹp để hướng tới, và ngược lại, từng cá nhân sẽ trở thành những con người công chính nếu xã hội biết nhìn nhận, đánh giá họ một cách đúng thực chất.
Theo hoctotnguvan.vn