Nghị luận xã hội về ô nhiễm môi trường nước

Nghị luận xã hội về ô nhiễm môi trường nước

Hướng dẫn

Loading…

Bài tập làm văn nghị luận xã hội về ô nhiễm môi trường nước bao gồm dàn ý nghị luận xã hội về ô nhiễm môi trường nước và các bài văn mẫu chọn lọc. Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các bạn học sinh làm tốt bài văn nghị luận xã hội về ô nhiễm môi trường nước.

Dàn ý nghị luận xã hội về ô nhiễm môi trường nước

1. Mở bài – Nghị luận xã hội về ô nhiễm môi trường nước

Ngày nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn ở Việt Nam. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh, những thông tin về việc môi trường bị ô nhiễm ngay trên các phương tiện truyền thông. Điều này khiến ta phải suy nghĩ…

2. Thân bài – Nghị luận xã hội về ô nhiễm môi trường nước

a. Giải thích

– Ô nhiễm môi trường là tình trạng môi trường sống tự nhiên của con người như đất, nước, không khí bị nhiễm bẩn tới mức có thể gây độc hại đối với sức khoẻ, tinh thần… của con người, xã hội.

b. Bàn luận

(1) Biểu hiện

– Môi trường hiện nay đang bị ô nhiễm nặng nề: đất, nước, không khí…

  • Mặt đất đầy rác thải khó phân huỷ
  • Nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp chảy tự do vào nguồn nước sạch ở các sông, hồ, ao, đầm.
  • Không khí bị ô nhiễm bởi khói bụi, tiếng ồn từ các khu công nghiệp.
(2) Hậu quả

– Tài nguyên thiên nhiên như nước sạch ngày càng khan hiếm, cạn kiệt.

– Chất lượng cuộc sống của con người nói chung bị giảm sút: tinh thần hoang mang, lo âu, đặc biệt sức khoẻ của con người bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có những nơi cả làng nhà nào cũng có người mắc bệnh hoặc chết vì ung thư.

– Từng gia đình phải tốn nhiều tiền để chạy chữa bệnh tật. Nhà nước cũng phải chi nhiều tiền cho việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

(3) Nguyên nhân

– Chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và việc giải quyết những vấn đề phát sinh về xã hội, môi trường…

– Nguyên nhân chính: do ý thức kém của con người: chặt phá rừng, vứt rác thải, xả nước thải bừa bãi, săn bắt thú quý hiếm, tiến hành các hoạt động khai thác các tài nguyên thiên nhiên một cách vô tội vạ mà không chú ý đến các giải pháp bảo vệ môi trường… đã làm cho môi trường ngày một bị tàn phá nặng nề, bị ô nhiễm đến mức báo động.

(4) Giải pháp

– Phải có các hình thức xử phạt thật nặng và nghiêm minh đối với các cá nhân, tổ chức, cơ quan có hành vi phá hoại môi trường, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

– Bên cạnh đó, cũng cần giáo dục ý thức cho người dân qua các hình thức tuyên truyền, cổ động như tổ chức những buổi giao lưu bàn về vấn đề môi trường tại các đơn vị hành chính cấp phường, xã…

– Đưa những bài viết chi tiết hơn về môi trường trong các sách giáo khoa ngay từ cấp tiểu học, giúp học sinh có thái độ và cái nhìn đúng đắn về môi trường và những hậu quả của việc phá hoại môi trường, từ đó giúp các em biết yêu và bảo vệ môi trường mình đang sống. Một cách khác để giúp bảo vệ môi trường phát động thường xuyên hơn những phong trào tình nguyện như bảo vệ môi trường khu dân cư, dọn rác ở các khu vực công cộng, làm sạch bãi biển…

c. Bài học nhận thức và hành động

– Có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường. Hiểu rằng bảo vệ môi trường chính là bảo vệ cuộc sống của mình, của tất cả những người quanh mình, của toàn xã hội. Đó là trách nhiệm lớn lao của bản thân, thế hệ trẻ trong xã hội ngày nay.

– Hành động

3. Kết bài – Nghị luận xã hội về ô nhiễm môi trường nước

Việt Nam – một nước đang phát triển, vấn đề ô nhiễm môi trường là 1 vấn đề hết sức cấp bách…

– Cần phải thực hiện các giải pháp trên một cách đồng bộ, thường xuyên để khắc phục những hậu quả của sự ô nhiễm môi trường, tạo ra môi trường sống trong lành cho con người,…

– Bài học cho mỗi người.

Loading…

Bài văn mẫu nghị luận xã hội về ô nhiễm môi trường nước

Nghị luận xã hội về ô nhiễm môi trường nước – Bài 1

Theo Liên hiệp quốc, hiện nay có hơn 2,6 triệu người trên toàn cầu không được tiếp xúc với điều kiện vệ sinh cơ bản và gần một tỷ người không được dùng nước sạch. Cứ 20 giây lại có một trẻ em tử vong vì các bệnh liên quan đến tình trạng thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh phù hợp. Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới ước tính, tới năm 2030, nhu cầu về nguồn nước của con người sẽ vượt lượng cung tới 40%.

Nguồn nước sạch đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nước sạch là nước chúng ta dùng trong sinh hoạt hằng ngày, và phải không bị ô nhiễm và nhiễm độc… Nước chiếm ¾ trái đất và là nguồn tài nguyên quí giá đối với sự sống của con người. 70% diện tích Trái Đất được bao phủ bởi nước nhưng chỉ có 2,5% nước trên thế giới là nước ngọt, trong khi 97,5% là đại dương. Trong đó, 0,3% nước ngọt của thế giới nằm trong các sông, hồ; 30% là nước ngầm, phần còn lại nằm trên các sông băng, núi băng. 70% lượng nước trên thế giới được sử dụng cho nông nghiệp, 22% cho công nghiệp và 8% phục vụ sinh hoạt.

Theo ước tính, trung bình một người ở các nước phát triển sử dụng 500-800 lít/ngày so với 60-150 lít/người/ngày ở các nước đang phát triển. Hiện nay, các thành phố lớn, nhất là ngay tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nơi vẫn đang thiếu nước sạch sinh hoạt. Nguồn nước ngầm đang bị khai thác không thể kiểm soát. Việc khoan giếng lấy nước ngầm xảy ra tràn lan, không những gây thất thoát, lãng phí còn có nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước đó.Hơn nữa, do không thấy hết vị trí quan trọng của tài nguyên nước, nên trên khắp cả nước, đâu đâu cũng thấy có những bãi rác, nơi chôn cất, xử lý rác thải không được thực hiện theo đúng quy định và quy trình bảo vệ môi trường, để nước rác rò rỉ ngấm xuống nguồn nước ngầm và tràn ra nguồn nước mặt.

Gần đây tại Singapore đã khai mạc Tuần lễ nước quốc tế. Thông điệp được đặt ra là: phải giữ cho nguồn nước sạch, thậm chí hứng từng giọt nước; cần tái chế nước bẩn thành nước sạch để lấy nước cho cuộc sống, cứu vãn môi trường. Theo đánh giá tại đây, ở Việt Nam nước sạch rất rẻ, trong khi ở nhiều quốc gia khác, giá nước sạch có khi đắt gấp 10 lần so với Việt Nam. Tỷ lệ thất thoát nước sạch ở Singapore chỉ khoảng 1% còn ở Việt Nam là hơn 10%, thậm chí còn cao hơn nữa. Đất nước ta có những vùng “đất khát” đến cùng cực như cao nguyên đá Hà Giang, thiếu nước chạy thủy điện, cho trồng trọt mùa khô mà vẫn bị đánh giá là lãng phí nước mới thấy việc sử dụng nước của ta còn nhiều điều phải bàn. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực có tài nguyên nước dồi dào. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những năm gần đây, nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm với mức độ trầm trọng hơn, nguy cơ thiếu nước sạch đã hiện hữu.

Riêng đối với cuộc sống của con người. Nước có một vai trò hết sức đặc biệt. Đối với cơ thể con người nước không phải là một chất dinh dưỡng nhưng chúng ta có thể nhịn ăn thậm chí 1 tuần nhưng không thể nhịn không uống nước trong vòng 3-5 ngày được. Như chúng ta đã biết, 70% cơ thể chúng ta là nước, nước trong cơ thể ta chính là dòng máu đỏ chảy trong mỗi con người. Các bạn hãy thử tưởng tưởng xem nếu không có dòng máu này liệu con người có sống được không?. Chỉ một ví dụ rất đơn giản cũng đủ để chúng ta thấy được tầm quan trọng của nước. Tất nhiên là một việc làm cần thiết của mọi con người chúng ta là phải biết quý trọng nguồn nước quý báu mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta các bạn nhé!. Không có nước sạch mọi sinh hoạt của con người sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không có nước sạch sẽ sinh ra nhiều vấn đề đáng lo ngại cho sự sống của con người. Lúc đó: bệnh tật nảy sinh, môi trường cũng bị ảnh hưởng trầm trọng.

Tình hình thiếu nước sạch hiện nay cũng là một vấn nạn toàn cầu đáng báo động. Bởi lẽ, theo Maude Barlow, chuyên gia của Dự án Hành Tinh xanh tại Canada, từng là tư vấn cao cấp về nước cho chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc, nước là trung tâm của mọi thứ: “Không có nước thì không có thực phẩm, không có sức khỏe, không có trường học, không có bình quyền và không có hòa bình”.

Với tầm quan trọng về tài nguyên nước trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, Nhà nước cần có chiến lược khai thác và sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý, bảo đảm sự cân bằng sinh thái và cân bằng môi trường. Đặt vị trí, vai trò của tài nguyên nước cũng quan trọng, cần được bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý như các nguồn tài nguyên khác của đất nước, thậm chí coi như tài nguyên than đá.

Xem thêm:  Nghị luận xã hội về tác dụng của việc đọc sách

Sử dụng nước sạch sao cho hợp lý là cần thiết. Nếu ta lãng phí nước thì một ngày nào đó chúng ta sẽ hết nước đến lúc đó ta sẽ cảm thấy nuối tiếc và muốn quay lại thời gian trước đó để có thật nhiếu nước sạch dùng. Bởi theo tôi được biết hiện nay nước biển đang xâm chiếm khá mạnh đến nước ngọt đến một lúc nào đó ta sẽ hết nước thì sao? Bạn đã nghĩ đến điều này chưa? Hãy nhớ rằng nước sạch đối với ta rất quan trọng và nếu như bạn làm cho nó không bị mất đi giá trị cao quý của nó. Bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Hạn chế đến thấp nhất việc khoan giếng tự do, tràn lan. Việc khoan giếng này không những sẽ làm cho việc khai thác cạn kiệt nguồn nước ngầm mà qua đó nước bẩn lại theo những giếng khoan này gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Nguồn nước ngầm bị ô nhiễm là cả một hệ sinh thái nước sạch bị mất cân bằng, mất đi một nguồn cung cấp nước sạch tin cậy cho cuộc sống. Có lý khi các chuyên gia khuyên rằng, trước hết phải nhận thức sâu sắc sự quan trọng của tài nguyên nước, có ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên nước và những người có trách nhiệm có thể từ chối những dự án gây ô nhiễm nguồn nước, dù rằng dự án đó có đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế. Từ chối hôm nay là để đỡ tốn kém và gìn giữ cho mai sau.

Nguồn nước sạch quan trọng thế đấy! Vì thế chúng ta hãy bảo vệ chính dòng máu của mình.Hãy giữ gìn nguồn nước thật tinh khiết không chỉ cho thế hệ của chúng ta mà còn cho thế hệ mai sau.Hãy vì sự tồn tại của con người, vì hành tinh xanh của chúng ta mãi mãi xanh và tràn đầy sự sống bạn nhé. Trách nhiệm của mỗi người la phải tiết kiệm nguồn nước quí giá mà thiên nhiên ban tặng cho ta.

Nghị luận xã hội về ô nhiễm môi trường nước – Bài 2

Ngày nay, vấn đề về ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Chúng ta có thể dễ dàng để bắt gặp những hình ảnh về môi trường bị ô nhiễm ngay chính xung quanh chúng ta và điều này khiến cho chúng ta phải suy nghĩ.

Trước hết là tình trạng quy hoạch các đô thị chưa thể gắn liền với vấn đề vê xử lý chất nước thải cho nên ô nhiễm ở các thành phố lớn, ở các khu công nghiệp và nhất là khu đô thị cũng đang ở mức báo động.

Trong tổng số 183 khu công nghiệp ở trong cả nước thì đã có tới 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý về nước thải tập trung. Các đô thị chỉ có khoảng từ 60 tới 70 chất thải rắn đã được thu gom, cơ sở hạ tầng chưa thoát nước và xử lí nước thải cho nên chất thải vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường. Hầu hết là lượng nước thải đều đổ thẳng ra sông.

Ví dụ điển hình của việc xả nước thải không ai không biết đó là con sống Vải bị ô nhiễm bởi hóa chất từ nhà máy thải ra của công ti bột ngọt suốt 14 năm trời. Con sông đã bị ô nhiễm nghiêm trọng làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân xung quanh. Hay việc ô nhiễm hồ Hoàn Kiếm, là một biểu tượng cho nền văn hóa dân tộc.

Vậy nguyên nhân của những sự việc trên là do đâu?

Đầu tiên đó là do sự thiếu ý thức của nhiều người dân, đặc biệt là tầng lớp giới trẻ. Họ có thể vứt rác bừa bãi khi đã ăn xong rồi thải nước lung tung khi cho rằng bảo vệ môi trường chỉ có trách nhiệm cuta nhà nước chứ không phải của mình. Hành động tuy nhỏ nhưng nếu góp lại thì rất to, làm ảnh hưởng tới môi trường công cộng.

Một nguyên nhân đáng kể tới đó là do sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp. Họ thường đặt mục tiêu lợi nhuận đầu tiên cho nên có không ít các doanh nghiệp đã vi phạm quy trình khai thác, làm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, chính sự chưa chặt chẽ trong việc quản lý bảo vệ môi trường cho nên cũng đã tiếp tau cho các hành vi phá hoại môi trường ngày càng tiếp diễn

Điều này đã để lại hậu quả gì?

Nhiều người đã trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của nạn ô nhiễm môi trường này. Điển hình đó là làng un thư ở Thạch Sơn Phú thọ có hàng trăm người chết vì căn bệnh ung thư quái ác mà nguyên nhân đó là dò dùng nguồn nước thải đang bị ô nhiễm.

Cạn kiệt về tài nguyên sinh vật là một trong những hậu quả không thể tránh được khi môi trường bị ô nhiễm. Các rặng san hô ở phía cửa sông cũng như là các vùng nước lợ đang dần biến mất. HIện tượng về thủy triều cũng xuất hiện ở Ninh Thuận, Khánh Hòa..

Các xác cá chết từ biển cũng chính là nguyên nhân gây nên tình trạng mùi hôi thối, nguồn nước đặc ngầu và ô nhiễm trầm trọng. Ngoài ra ở trong tương lai gần thì Việt Nam sẽ có thể bị thiếu nước sinh hoạt một cách trầm trọng do lượng nước sạch bị ô nhiễm ngày càng nhiều.

Chúng ta cần phải tiếp tục về công cuộc bảo vệ và làm sạch môi trường bằng những biện pháp tốt và thiết thực hơn nữa. Hơn nữa là phải có hình phạt nặng và nghiêm khắc đối với những hành động làm ảnh hưởng tới môi trường.

Bên cạnh đó thì cũng cần phải giáo dục về ý thức của người dân qua các kênh truyền hình, báo chí…

Hãy đưa những bài viết chi tiết hơn về môi trường ở trong các sách giáo khoa từ cấp tiểu học để giúp cho học sinh có cái nhìn đúng đắn hơn về môi trường và hậu quả của việc phá hoại môi trường.

Hãy tổ chức các phong trào tình nguyện mang tính chất bảo vệ môi trường như dọn rác ở các khu dân cứ, làm sạch bãi biển …

Tình trạng môi trường chúng ta hiện nay ngày càng nghiêm trọng cho nên các bạn hãy chung tay góp sức bảo vệ môi trường để chính bản thân được sống trong môi trường xanh, sạch, đẹp.

Nghị luận xã hội về ô nhiễm môi trường nước – Bài 3

Tài nguyên nước là thành phần chủ yếu của môi trường sống. Nguồn tài nguyên thiên nhiên này rất quan trọng đối với sự tồn vong của sự sống trên Trái đất. Tuy nhiên, nước ta đang phải đổi mặt với nguy cơ ô nhiễm và cạn kiệt tài nguyên này.

Ba phần tư diện tích trên Trái Đất là các đại dương, biển, hồ, sông ngòi. Nước có rất nhiều vai trò trong cuộc sống. Vai trò của nước vô cùng quan trọng đối với thiên nhiên. Nước chiếm một lượng lớn trong tế bào thực vật, bảo đảm cho thực vật có một hình dạng và cấu trúc nhất định. Nước hòa tan chất màu có trong đất. Rễ cây thấm hút nước chuyển hóa lên lá, quang hợp ánh sáng, tạo chất dinh dưỡng nuôi cây phát triển. Nước nối liền cây với đất và khí quyển, góp phần tích cực trong việc bảo đảm môi liên hệ khăng khít sự thông nhất giữa cơ thể và môi trường. Với một số loài cây, nước là môi trường sống của chúng. Vì vậy, nếu không có nước, cây sẽ chết và có ảnh hưởng không nhỏ đối với môi trường. Trái Đất sẽ thiếu oxi cho sự sống và có thể trở thành hành tinh chết. Các cơn mưa cung cấp cho cây cối lượng nước cần thiết để cây phát triển. Những loài động vật sống trên cạn và dưới nước cũng rất cần nước, đặc biệt là những loài động vật sống dưới nước. Nếu thiếu nước, động vật sẽ chết. Do đó, sự phong phú của hệ sinh thái sẽ bị giảm sút. Nếu không có nước, đất đai sẽ cằn cỗi, cuộc sống của con người bị đe dọa. Nước quan trọng đối với chúng ta như không khí vậy. Nước chiếm 74% trọng lượng trẻ sơ sinh, 55% đến 60% cơ thể nam trưởng thành, 50% cơ thể nữ trưởng thành. Nước cần thiết cho sự tăng trưởng và duy trì cơ thể bởi nó liên quan đến nhiều quá trình sinh hoạt quan trọng. Các quá trình tiêu hóa, hấp thụ thức ăn,… đều cần có nước. Nước duy trì sự sống trong cơ thể ta.

Hai phần ba lượng nước trong cơ thể con người là thành phần cơ bản của 50 ngàn triệu tế bào sống. Chính vì vậy, cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể là nhu cầu cần thiết bậc nhất của con người. Chúng ta có thể nhịn đói cả tháng nhưng không thể nhìn khát quá năm ngày. Ngoài ra, nước biển còn cung cấp muối cho con người. Trong sản xuất nông nghiệp, nước đóng vai trò quan trọng nhất, quyết định đến năng suất cây trồng và vật nuôi. Nước giúp cho cây trồng xanh tốt, đem lại vụ mùa bội thu, mọi người có đầy đủ lương thực, thực phẩm. Đặc biệt đối với các quốc gia nghèo, nơi sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân thì nước càng có ý nghĩa sống còn. Trong sản xuất công nghiệp, nước cũng đóng vai trò quan trọng. Nước dùng để tẩy rửa nguyên vật liệu, nước tham gia các quá trình trao đổi nhiệt, tham gia các phản ứng chế tạo vật chất mới,… Trong giao thông đường thủy, sông và biển giúp con người đi lại thuận tiện hơn. Đặc biệt, khi giao thông đường thủy kết hợp với công nghiệp, mọi người có thể dễ dàng vận chuyển và buôn bán hàng hóa, góp phần phát triển giao thông và kinh tế. Trong xây dựng, nước cần thiết cho thủy điện. Các nhà máy thủy điện từ đó tạo ra dòng điện phục vụ cho nhân dân.

Xem thêm:  Suy nghĩ về câu nói của Victor Hugo: “Lười nhác, ăn chơi, hai thứ đó chẳng khác gì vực thẳm”

Nước còn được xem là nguồn khoáng sản và năng lượng to lớn của nhân loại. Đây là một tiềm năng cần được con người khai thác và sử dụng hợp lí. Có thể nói, thiên nhiên và con người tạo thành một vòng tuần hoàn của tự nhiên. Nếu một thành phần trong vòng tuần hoàn đó mất đi thì các thành phần khác cũng không thể tồn tại. Qua đó, ta cũng thấy được nước quan trọng đối với Trái Đất như thế nào.

Tuy vậy, tình trạng sử dụng nước hiện nay đang trở thành mối lo của toàn cầu. Sự biến đổi khí hậu đã làm nước trở thành một thứ xa xỉ. Nước đang bị sử dụng lãng phí và không hợp lí. Các đô thị thường được ưu tiên sử dụng nước sạch. Và đáng buồn hơn, nước sạch còn được dùng để tưới vườn và sân golf. Trong khi đó, nông dân phải gieo trồng trên các vùng đất khô cằn hoặc trả tiền để mua từng xô nước. Rất nhiều sản phẩm đang khiến lượng nước sạch tiêu hao mau chóng. Cụ thể, 1,5 tấn nước được dùng để sản xuất một máy tính, 6 tấn nước được dùng để làm ra một cái quần bò, 60 lít nước để sản xuất lkg cà chua. Lượng nước sạch được dùng trên thế giới hằng năm tương đương với 10 con sông Nin. Trong khi ở nhiều nơi, nước bị sử dụng một cách lãng phí thì trên thế giới, tình trạng thiếu nước trầm trọng đang diễn ra ngày càng nhiều. Khoảng 700 triệu người tại 40 quốc gia đang chịu ảnh hưởng do thiếu hụt nguồn nước. Khoảng một tỉ người không có nước ngọt. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, hằng năm có hơn 1,6 triệu người trên thế giới tử vong do không được tiếp cận và sử dụng nguồn nước sạch, 90% trong số đó là trẻ em dưới 5 tuổi và ở các quốc gia đang phát triển. Tại châu Á và châu Phi, 141 triệu dân cư ở các thành phố lớn không được bảo đảm về nước ngọt và nước sạch. Tại các nước đang phát triển như Braxin và Ấn Độ, 820 triệu người sống tại các khu nhà ổ chuột đang thiếu nước sạch. WHO cảnh báo đến năm 2025, số người không có nước sạch sinh hoạt sẽ tăng gấp 3 so với mức khoảng 1 tỉ người hiện nay. Tình trạng thiếu hụt nước sạch, những căn bệnh liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm sẽ càng thêm trầm trọng. Cùng với việc thiếu nước, hiện nay, ô nhiễm nguồn nước cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Các nguồn nước bị ô nhiễm bao gồm: nước biển, nước sông hồ, nước ngầm. Khi nước bị ô nhiễm, trong thành phần của nó tồn tại các chất khác, mà các chất này có thể gây hại cho con người và cuộc sống các sinh vật trong tự nhiên. Ở đại dương, nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước là do sự cố tràn dầu. Váng dầu ở các vùng ven biển tạo nên “thủy triều đen”.

Ô nhiễm nước còn có nguyên nhân từ các loại chất thải và nước thải công nghiệp chưa xử lí được thải ra các con sông, các loại phân bón hóa học và thuốc trừ sâu ngấm vào nguồn nước ngầm và nước ao hồ, nước thải sinh hoạt được thải ra từ các khu đô thị, khu dân cư ven sông. Các chất độc hại đó đã làm nhiễm bẩn nước sông, hồ và nước ngầm trên đất liền. Sau đó, chúng lại bị đưa ra biển là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “thủy triều đỏ”, làm chết ngạt các sinh vật sống trong nước. Các hiện tượng thủy triều đỏ, thủy triều đen,… gây những hậu quả nghiêm trọng cho toàn Trái Đất. Vì vậy, cung cấp nước sạch đang trở thành một nhiệm vụ khó khăn trên toàn thế giới.

Vậy, chúng ta phải làm gì để bảo vệ nguồn tài nguyên nước của chúng ta? Trước hết, mỗi chúng ta cần có ý thức tự giác tiết kiệm nước hằng ngày. Tùy theo mục đích sử dụng mà chúng ta có thể dùng nước sạch, nưốc giếng, nước mưa, nước sông, nưốc tái sử dụng. Sử dụng nước cho ăn uống, sinh hoạt vệ sinh cá nhân, sản xuất thực phẩm, các ngành sản xuất cần nước tinh sạch, ta sử dụng nước sạch từ công ty cấp nước, nước giếng hoặc nước sông đã qua hệ thống xử lí đạt tiêu chuẩn cho phép. Sử dụng để tưới cây, vệ sinh công nghiệp, vệ sinh chuồng trại, ta có thể sử dụng nước giếng, nước sông rạch hoặc nước thải đã được xử lí. Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, ta nên nuôi trong chuồng trại có hệ thống xử lí chất thải, không chăn thả rong để dẫn đến ô nhiễm nguồn nước và môi trường. Chúng ta cũng cần tự giác không vứt rác xuống sông, hồ, bảo vệ nguồn nước. Để kêu gọi mọi người tham gia tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước, thế giới đã chọn ngày 22-3 là ngày Nước thế giới.

Nước là một yếu tố sinh thái, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường. Nước là nguồn tài nguyên quan trọng có khả năng tái tạo vô cùng quý giá. Mỗi con người chúng ta cần có những thái độ tích cực đốì với nước. Bởi vì, nguồn nước quyết định ít nhiều đến sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc.

Nghị luận xã hội về ô nhiễm môi trường nước – Bài 4

Nước là một quà tặng của mẹ thiên nhiên. Nó là sự sống của nhân loại, chảy trôi mãi không ngừng, nó tinh khiết, nó cũng đáng quý giống như thời gian vậy. Tài nguyên ấy không hữu hạn, nó lại là thứ cần thiết phục vụ sự sống, mọi lĩnh vực, mọi mục đích sống của con người,. Sự nhận thức về tính cấp bách, tầm quan trọng của nước với hệ sinh thái,con người như vậy, nâng việc giải quyết sự việc gây ô nhiễm nguồn nước lên hàng đầu, những việc làm lãng phí nguồn nước cũng cần được nhanh chóng lên án, khắc phục.

Nguồn nước trên trái đất ta có thể chia chủ yếu thành hai loại, nước mặn ở biển khơi chiếm số lượng lớn, chỉ một số ít là nguồn nước ngọt, chúng ta sử dụng cho vô vàn mục đích của con người. Từ xưa đến nay, con người đã tận dụng, khai thác thêm nhiều vùng đất để tìm kiếm những nguồn nước, họ sống bằng nguồn nước mát, phục vụ cho tưới tắm nông nghiệp, giặt giũ,…Ngày nay khi xã hội càng phát triển,trong quá trình sinh hoạt đồng thời mọi mặt của cuộc sống cũng đi lên, dân số cũng tăng, làm sao tránh khỏi cái nạn nhức nhối khi người dân không quan tâm, không đầy đủ kiến thức để bảo vệ nguồn nước như một tài sản vô giá, vì cuối cùng cũng có thể đến cái ngày chung ta sẽ phải sống trong cảnh không còn nguồn nước mát lành để nuôi sống cơ thể vì cơ thể sinh vật đa số cần nước. Có một câu nói “Bạn có thể sống thiếu thức ăn trong 3 ngày, nhưng không thể thiếu nước trong 3 giờ, không thể thiếu O2 trong 3 phút.Mới chứng tỏ sự vô cùng quan trọng của nước.

Cụm từ ô nhiễm nguồn nước dường như đã quá quen thuộc trong nhiều năm trở lại đây, nó được hiểu rằng sự thay đổi của nguồn nước theo chiều xấu đi các tính chất vật lý – hoá học – sinh học, với sự xuất hiện các chất lạ ở thể lỏng, rắn làm cho nguồn nước trở nên độc hại với con người và sinh vật. Làm giảm độ đa dạng sinh vật trong nước.Có hai kiểu gây ô nhiễm do tự nhiên và do con người.

Ô nhiễm do tự nhiên được hiểu là do mưa,tuyết tan, lũ lụt, gió bão… hoặc do các sản phẩm hoạt động sống của sinh vật, kể cả xác chết của chúng ngấm vào nguồn nước ngầm cứ thế chảy trôi. Cây cối, sinh vật chết đi, chúng bị vi sinh vật phân hủy thành chất hữu cơ. Do lượng muối khoáng và hàm lượng các chất hữu cơ quá dư thừa làm cho các quần thể sinh vật trong nước không thể đồng hoá được, hàm lượng ôxy trong nước sẽ bị giảm đột ngột, các khí độc tăng lên, tăng độ đục của nước.Những vụ thiên tai, lũ quét, giông bão, làm bẩn, khuấy động nguồn nước, làm xảy ra tình trạng ô nhiễm. Nước đó ngấm đầy những loại hóa chất tạp nham nguy hiểm cho con người và sinh vật, cuốn đầy vào nhà cửa, quần áo lênh láng mỗi khi có thiên tai.Nhưng nó không quá ảnh hưởng thường xuyên đến chất lượng cuộc sống của hành tinh này. Mà nó chủ yếu là ô nhiễm do con người gây nên.

Con người ngày trước, được sống được gắn bó tuổi thơ mình với những dòng sông hiền hóa, sạch sẽ vô cùng. Ngày nay, con người vô cùng văn minh,càng tiến bộ, càng thay đổi thế nhưng họ lại càng sống thiếu trách nhiệm với việc giữ vệ sinh nguồn nước người dân vẫn có thói quen dùng bồn chứa nước không an toàn và kém vệ sinh như bể xi măng, chum, vại, họ đang ngày càng phải đối mặt với thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, nhất là các thành phố lớn, nền công nghiệp phát triển, thải thẳng các chất độc không qua xử lí ra thẳng môi trường, ở khu vực nông thôn chất thải của người dân, của gia súc không được xử lý, việc lạm dụng các chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp dễ thấm xuống đất hoặc rửa trôi làm cho tình trạng ô nhiễm nặng hơn, sử dụng nước ngầm dưới hình thức khoan nguồn nước ngầm, sau khi ngưng không sử dụng không bịt kín các lỗ khoan lại làm cho nước bẩn chảy lẫn vào làm ô nhiễm. Các nhà máy xí nghiệp xả khói bụi công nghiệp vào không khí làm ô nhiễm không khí, khi trời mưa, các chất ô nhiễm này sẽ lẫn vào trong nước mưa cũng góp phần làm ô nhiễm nguồn nước.. Nước chảy trôi không ngừng ra hồ, ra suối, ra sông, ra biển người dân khac lại sử dụng nguồn nước đó,nguồn đất đó để sinh hoạt,các sinh vật biển lại hấp thu nguồn nước đó,nó như một vòng tuần hoàn lớn, rồi tất cả chỉ gây ô nhiễm, gây bệnh cho mọi sinh vật, ảnh hưởng đến môi trường trên trái đất.

Xem thêm:  Soạn bài lớp 12: Đò Lèn

Ngày nay con người gặp phải nhiều bệnh tật vô cùng hiểm nghèo,quái ác đặc biệt phải kể đến như ung thư đột biến, bênh liên quan đến hệ tiêu hóa, viêm da cấp và mãn, viêm nhiễm nấm, … do các chất độc, các ion kim loại cao, các hợp chất hữu cơ được tổng hợp bao gồm các nhiên liệu, thuốc trừ sâu, chất tẩy, hóa chất, các vi khuẩn sinh sôi, vi rút truyền bệnh có trong nguồn nước, không khí ô nhiễm. Gây ra nhiều cái chết thương tâm.

Vậy chúng ta hãy thức tỉnh ngay từ bây giờ, phòng tránh dần từng chút một để việc xử lí môi trường ô nhiễm sẽ từng chút bớt khó khăn, cần là có sự chung tay của cả động đồng cùng kế sách dài lâu…

Điều quan trọng đầu tiên chính là cần tuyên truyền để mọi người nâng cao ý thức bảo vệ môi trường vì bảo vệ môi trường chính là góp phần bảo vệ chúng ta, và vì nguồn nước không phải vô tận nếu tiếp tục tình trạng ô nhiễm này, sớm muộn tác hại của ô nhiễm nguồn nước sẽ đem đến những thứ khủng khiếp cho sức khỏe của bản thân, người khác, chúng ta sẽ tự đánh mất nguồn nước sạch quý phục vụ cho nhu cầu con người, ta sẽ mãi mãi bệnh tật và không bao giờ có thể lao động. Phải Ý thức được tìm cách bỏ đi những thói quen xấu lười biếng và lối sống lạc hậu ích kỷ chĩ nghĩ đến quyền lợi cá nhân của một số người. Giáo dục rất kỹ cho thế hệ trẻ về ý thức bảo vệ môi trường sống xanh – sạch – đẹp, bỏ đi thói quen xả rác bừa bãi, có ý thức vệ sinh sạch sẽ bản thân sau khi tiếp xúc với chất bẩn xung quanh, nâng cao chất lượng lọc nước bẩn trước khi dùng bằng những công nghệ hiện đại. Tuyên truyền hạn chế sử dụng bao đựg bằng ni lông trong sinh hoạt vỉ rất khó phân hủy, hại môi trường nhiều năm. Với những người ương bướng, cố tình vi phạm cần phải bị xử phạt thích đáng. Không thể nhẹ tay với những con người vô ý thức, tàn phá môi trường nghiêm trọng vì nếu quá dễ dãi với họ thì sẽ mãi không bao giờ chấm dứt được tình trạng trên

Thấy được tầm quan trọng của nước, ta càng trân trọng nó với cuộc sống sức khỏe của mỗi người, càng thấy kinh tởm, không đồng tình các việc làm phá hoại môi trường nước. Bản thân em là người học sinh còn đang tu dưỡng trên ghế nhà trường người chủ tương lai của đất nước thì giờ đây cần phải xem lại bản thân mình, và điều chỉnh hành động của mình,đem những hiểu biết, tấm lòng của mình để tuyên truyền bảo vệ môi trường cho người khác, góp phần công sức nhỏ vào việc giữ gìn môi trường nói chung, nguồn nước nói riêng.

Nghị luận xã hội về ô nhiễm môi trường nước – Bài 5

Hiện nay khi cuộc sống của con người chúng ta ngày càng phát triển, nền kinh tế ngày càng được nâng cao, những hoạt động của con người càng ngày càng tác động nhiều hơn tới môi trường.

Đặc biệt là các ngành phát triển công nghiệp, khói bụi, chất thải từ các ngành công nghiệp thải ra không khí gây ô nhiễm bầu khí quyển, ô nhiễm tầng ozon và nguồn oxy trong không khí của chúng ta.

Ô nhiễm môi trường đang vấn đề lớn của cả thế giới của chúng ta, và là thách thức của toàn thể loài người trên toàn thế giới.

Vậy ô nhiễm môi trường là gì? Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi khí hậu dẫn tới những tình trạng hạn hán, lũ lụt của thời tiết, làm cho thời tiết nóng lên hoặc lạnh đi một cách bất thường.

Sự ô nhiễm môi trường chính là sự thay đổi thời tiết, khí hậu, có thể do con người gây ra.

Quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa phát triển công nghiệp, làm cho nguồn nước ngầm cũng bị ô nhiễm bởi nhiều công ty sản xuất công nghiệp tìm cách trốn tránh trong việc xử lý rác thải công nghiệp trước khi đưa ra môi trường, làm cho nguồn nước bị ô nhiễm nặng.

Như vụ công ty sản xuất thép Fomosa, đã làm ô nhiễm môi trường biển, khiến cho nguồn nước biển bị ô nhiễm, cá chết hàng loạt, dịch vụ du lịch biển không phát triển được vì mọi người không ai dám tắm biển vì sợ nhiễm chất ung thư da.

Ô nhiễm rác thải sinh hoạt trong những khu dân cư, trong thành phố, nhiều người vứt rác bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường, nhiều công ty vệ sinh môi trường lại đưa rác thải đi vứt lại ở những bãi đất trống gần nhà dân. Nhiều người dân sống gần khu vực đổ rác phải ăn cơm mắc màn vì chỉ cần để mâm cơm ra bên ngoài tâm một phút là ruồi nhặng đã bu đen kịt cả mâm cơm, không ai còn dám ăn.

Ô nhiễm môi trường chính là hậu quả do con người gây ra, làm ảnh hưởng tới quy luật tuần hoàn của tự nhiên dẫn tới sự biến đổi khí hậu, gây ra ô nhiễm nghiêm trọng. Và hậu quả cuối cùng lại chính con người chúng ta phải gánh chịu, khi mà khí hậu ngày càng nóng lên, khiến cho băng của vùng Bắc cực có nguy cơ tan chảy.

Trong tương lai khi khối băng này tan ra thì một số tỉnh thành nước ta sẽ bị xóa sổ bởi nước biển như tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng ở khu vực miền Bắc nước ta.

Rồi hiện tượng lạnh giá, tuyết rơi phủ trắng đỉnh núi mẫu sơn, nhiệt độ hạ xuống thất thường khiến người dân không kịp trở tay. Nguồn không khí bầu khí quyển ô nhiễm nghiêm trọng bởi khói bụi, khói ô tô xe máy, chất thải khí thải nhà máy xí nghiệp là gia tăng các căn bệnh về đường hô hấp.

Nguồn nước ngầm bị ô nhiễm trầm trọng nhiều nơi nhân dân không có nước để dùng phải mua nước từ vùng khác với giá vô cùng đắt đỏ, để sử dụng trong sinh hoạt bởi nguồn nước ngầm bị ô nhiễm không thể nào sử dụng ăn uống được.

Nguồn nước biển ô nhiễm khiến người ngư dân không thể đánh bắt hải sản bán được, phát triển du lịch gặp khó khăn, vì nước biển chứa chất gây ung thư nên khách du lịch không tới tắm biển, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, công ăn việc làm của người dân lao động.

Ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng rất lớn đến sự sống của con người ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Những năm gần đây, thiên tai, hạn hán lũ lụt, sóng thần, động đất đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người, gây ra nhiều hậu quả nặng nề về người và của cho con người trên toàn trái đất.

Nhiều căn bệnh lạ xuất hiện khiến cho nên y học chưa tìm ra cách chữa trị. Đó cũng là do sự ô nhiễm môi trường biến đổi khí hậu gây ra.

Việc ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nhức nhối khiến cho cả thế giới cần chung tay giải quyết hậu quả và ngăn chặn sự biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, chúng ta cần phải có ý thức bảo vệ môi trường, chính là bảo vệ cuộc sống tốt đẹp của chính mình.

Trên đây là bài tập làm văn nghị luận xã hội về ô nhiễm môi trường nước, chúc các bạn làm tốt bài văn của mình!

Theo hoctotnguvan.vn

Bài liên quan

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt…
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *