Nghị luận xã hội về vấn nạn bạo lực học đường – Ngữ văn 12
Hướng dẫn
Nghị luận xã hội về bạo lực học đường
Đề bài
Hiện nay, bạo lực học đường đang là tình trạng đáng báo động. Có người cho rằng, cá nhân gây ra bạo lực phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành vi của mình. Lại có người muốn quy trách nhiệm ấy cho sự phối hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Viết bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày ý kiến của anh (chị) về vấn đề trên.
Hướng dẫn làm bài:
Đề bài yêu cầu bàn luận về một hiện tượng đời sống, một vấn đề đang tồn tại nhức nhối, gây bức xúc cho những người có trách nhiệm trong xã hội hiện nay: bạo lực trong nhà trường. Để giải quyết được yêu cầu của đề bài, cần hiểu bản chất của bạo lực học đường, xác định đúng nguyên nhân của hiện tượng, thấy được trách nhiệm của cá nhân hoặc những bên liên đới. Tuy đề bài đặt ra hai cái nhìn trái ngược, nhưng thực chất, phải kết hợp hai cái nhìn đó thì mới thấy đầy đủ về vấn đề.
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
– Bạo lực học đường là tình trạng sử dụng “ngôn ngữ của quả đấm” để giải quyết các mâu thuẫn, xích mích trong không gian của trường học. Trên các phương tiện truyền thông hiện nay, nạn bạo lực học đường đang thường xuyên được đề cập, khiến những người có trách nhiệm không khỏi suy nghĩ, lo âu. Những nữ sinh trong tà áo dài thướt tha không ngờ có thể lao vào giật tóc, xé áo, cào cấu nhau, chẳng kể gì đến thể diện, nữ tính. Một nhóm học sinh trong lóp học vung những chiếc ghế giáng thẳng vào đầu nhau. Một em nữ sinh yếu đuối đứng thu mình trong góc lớp, chịu một trận đòn hội đồng, mà những kẻ ra tay chính là đám bạn bè cả nam lẫn nữ. Một thầy giáo sẵn sàng xuống tay với một học sinh chỉ vì em đã có một lời nói thiếu cân nhắc. Một phụ huynh tìm đến lớp học, lôi một học sinh trong lóp ra đánh chỉ vì em đó đã có xích mích vói con mình… Có thể nói, chưa bao giờ nạn bạo lực học đường lại diễn ra tràn lan như hiện nay. Nếu nói rằng đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng thì nạn bạo lực học đường chính là một trong những bằng chứng sinh động, cho phép ta kết luận như vậy.
– Do đâu có nạn bạo lực học đường? Rất nhiều người đã suy nghĩ về nguyên nhân của tình trạng này và ý kiến nêu lên không phải bao giờ cũng thống nhất. Có người cắt nghĩa vấn đề từ bản năng thích phô diễn bạo lực của giới trê. Có người nhìn nhận sự tác động tiêu cực của các phương tiện nghe nhìn, của những trang mạng xấu tràn ngập trên xa lộ thông tin. Có người truy tìm cái gốc của vấn đề ở sự phối hợp chệch choạc giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục con em. Sự đa dạng của ý kiến giúp ta có được cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề.
– Loại ý kiến lí giải vấn đề bằng cách quy trách nhiệm cho các cá nhân có hành vi bạo lực là hoàn toàn có cơ sở. Tại sao trước một sự việc xảy ra, trong cùng một môi trường, kẻ này thì thích phô diễn sức mạnh cơ bắp, còn người kia lại không? Rõ ràng, yếu tố quyết định là ở bản thân cá nhân. Những kẻ ưa bạo lực, thích dùng nắm đấm thay cho lời lẽ, nhất định có sự lệch lạc về nhân cách, méo mỏ về nhận thức và tình cảm. Vì thế, trước hết, họ phải chịu trách nhiệm về chính hành động của bản thân, không thể đổ lỗi cho ai. Gây ra hậu quả nghiêm trọng, khi đúng trước sự phán xét của pháp luật, có người đã cố biện minh bằng những nguyên nhân khách quan, Đó chỉ là sự nguỵ biện. Nhận thức rõ ràng như vậy là điều kiện cần thiết để có hướng giải quyết tận gốc vấn đề. Nếu là học sinh gây bạo lực, cha mẹ, thầy cô phải tìm hiểu đặc điểm đạo đức, tâm lí, nhân cách của em đó. Không loại trừ, có những em, sự hung hăng đã trở thành một nét tính cách cố hữu, việc giáo dục, uốn nắn sẽ không dễ dàng. Nếu là người lớn gây bạo lực, trách nhiệm cá nhân lại càng hiển nhiên. Họ phải bị phê phán trực diện, và tuỳ những mức độ của hành vi, họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước xã hội. Nhẹ thì xin lỗi, bồi thưòng cho người bị hại, nặng thì phải bị xử lí theo pháp luật.
– Loại ý kiến quy mấu chốt của vấn đề vào môi trường giáo dục, vào sự phối hợp chưa tốt giữa nhà trường, gia đình và xã hội, cũng có căn cứ vững chắc. Có những gia đình trở thành môi trường thuận lợi cho xu hướng phát triển lệch lạc về nhân cách của trẻ. Có những thầy cô chỉ chú ý việc giảng dạy kiến thức mà ít quan tâm đến hành vi, cách ứng xử của các em. Có những trường học chạy đua thành tích về học hành, thi cử mà sao nhãng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Một thực tế hiển nhiên, khi nào, ở đâu có sự phối hợp giáo dục tốt giữa các bên, thì khi đó, ở đó, tình trạng bạo lực học đường ít xảy ra, và nếu có xảy ra thì cũng chỉ ở mức xô xát nhẹ, có thể hoà giải được. Ngược lại, khi nào, ở đâu có sự buông lỏng kỉ cương, có sự ỷ lại về trách nhiệm, sự coi thường tác động xấu của các hình thức giải trí kích động bạo lực, thì khi đó, ở đó, tình trạng bạo lực học đường (đôi khi theo kiểu xã hội đen) càng trở nên khó kiểm soát. Rõ ràng, nhà trường, gia đình và xã hội không thể chối bỏ trách nhiệm của mình trước vấn đề này.
– Liên hệ bản thân: Là học sinh, chúng ta không thể làm ngơ trước hiện tượng bạo lực học đường. Tình trạng này chỉ có thể được ngăn chặn nếu mỗi cá nhân sống hiền hoà, thương yêu, không vô cảm vói nỗi đau và bất hạnh của kẻ khác; biết tôn trọng kỉ cương; biết học cách đối thoại vói nhau;… Bạo lực học đường và nhiều loại bạo lực khác có mẫu số chung là sự mất nhân tính. Chính vì vậy, bạo lực học đường cần phải được loại trừ để chúng ta có được một môi trường sống văn minh, nhân ái.