Những đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn Những đứa con trong gia đình
Hướng dẫn
Trong truyện ngắn thường có ba tình huống truyện chủ yếu:
Tình huống hành động: thông qua những hành động của nhân vật mà tính cách nhân vật được bộc lộ, thể hiện một cách rõ nét.
Tình huống cảm giác: thông qua những cảm giác, những dòng liên tưởng mà câu chuyện hiện dần lên và tính cách nhân vật được thể hiện.
Tình huống nhận thức: đó là dạng tình huống mà nhân vật thức tỉnh, nhận ra một điều gì đó có ý nghĩa lớn lao.
Trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình, nhà văn Nguyễn Thi đã tạo được một tình huống truyện độc đáo và hợp lí.
Đó là việc một chiến sĩ giải phóng quân trẻ tuổi tên là Việt rơi vào một tình huống đặc biệt: Trong một trận đánh bị thương nặng, hai mắt không nhìn thấy gì, phải năm lại giữa chiến trường, anh nhiều lần ngất đi rồi tỉnh lại và câu chuyện được kể theo dòng nội tâm nhân vật khi đứt (ngất đi), khi nối (tỉnh dậy).
Qua những dòng cảm xúc của nhân vật Việt, lịch sử của một gia đình nông dân Nam Bộ được tái hiện một cách rõ nét, đồng thời tính cách của nhân vật cũng được khắc họa cụa thể, sinh động.
Tình huống truyện giữ một vai trò rất quan trọng đối với thể loại truyện ngắn. Thậm chí, nó quyết định sự thành công hay thất bại của tác phẩm đó. Một truyện ngắn hay thường có cốt chuyện độc đáo, hấp dẫn.
Chính thông qua tình huống truyện mà tính cách nhân vật được bộc lộ một cách rõ nét.
Nghệ thuật trần thuật của truyện ngắn Những đứa con trong gia đình cũng rất độc đáo. Nhà văn không kể lại câu chuyện một cách trực tiếp mà trần thuật theo phương thức thứ 3, ý nghĩa người trần thuật tự giấu mình nhưng cách nhìn và lời kể lại theo ngôn ngữ và giọng điệu, nhân vật. Nói một cách khác là ở truyện ngắn này, tác giả kể lại câu chuyện thông qua cái nhìn và những suy nghĩ, tâm trạng của nhân vật Việt.
Lối trần thuật này có tác dụng: câu chuyện vừa được thuật kể cùng lúc tính cách nhân vật cũng được khắc họa. Mặt khác, câu chuyện dù không có gì gay cấn, đặc biệt cũng trở nên mới mẻ, hấp dẫn vì được kể qua con mắt, tấm lòng và bằng ngôn ngữ, giọng điệu riêng của nhân vật.
Các nhân vật trong truyện ngắn được xây dựng rất thành công.
Ở những nhân vật này vừa có những nét chung bản chất của tính cách con người Nam Bộ như: thẳng thắng, bộc trực, lạc quan, yêu đời, yêu nước mãnh liệt, căm thù giặc sâu sắc, gan góc, dũng cảm nhưng đồng thời cũng có những nét riêng sinh động. Mỗi nhân vật, một tâm lí, một tính cách riêng được diễn tả chính xác, tinh tế, đặc biệt là hai nhân vật Chiến và Việt.
Trong tác phẩm này, nhà văn cũng chọn lựa được những chi tiết đặc sắc tiêu biểu, gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Đọc truyện ngắn Những đứa con trong gia đình không ai có thể quên được đọn văn rất cảm động miêu tả cảnh hai chị em Viêt khiêng bàn thờ Má sang gửi bên nhà chú Năm: “Nào, đưa má sang ở tạm nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập, con lại đưa má về”. Việt khiêng trước, chị Chiến khiêng bịnh bịch ở phía sau. Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên, Việt mới thấy lòng mình rõ như thế.
Còn mối thù thằng Mỹ có thể rờ thấy được vì nó đang “đè nặng ở trên vai”. Đây là một chi tiết tiêu biểu, cô đọng, dồn nén, chứa chất bao ý nghĩa. Vừa là hành động cụ thể, vừa có ý nghĩa tâm linh, vừa nặng trĩu câm thù, vừa chứa chan yêu thương.
Theo hoctotnguvan.vn