Phân tích cuộc hội thoại của Hồn Trương Ba và xác hàng thịt
Hướng dẫn
Phân tích cuộc hội thoại của Hồn Trương Ba và xác hàng thịt
Được sống làm người quý giá thật, nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn những giá trị mình vốn có và theo đuổi còn quý giá hơn. Vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ đã nói lên những triết lý rất sâu sắc về cuộc sống. Cuộc sống chỉ hoàn thiện khi được làm chủ chính mình, khi linh hồn và thể xác hòa nhập với nhau làm một. Lưu Quang Vũ – một nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại đã cho người đọc được thưởng thức một màn kịch thật tuyệt vời, xuất sắc. Không ít người đã nhìn nhận thấy chính bản thân mình cũng ở trong vở kịch ấy, bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo. Nhất là lúc Hồn Trương Ba và xác hàng thịt tranh luận với nhau, đây là đoạn cao trào của cuộc đấu tranh đầy mâu thuẫn giữa linh hồn và thể xác.
Trương Ba chết do lỗi của Nam Tào nên hồn ông đã được Đế Thích cho nhập vào xác hàng thịt để tồn tại. Những tưởng cứu vãn được cuộc sống, mọi người sẽ mừng vui chào đón ông trở về từ cõi chết. Nhưng mọi chuyện diễn ra lại hoàn toàn trái ngược lại với những gì Trương Ba mong muốn. Vợ hàng thịt nhìn thấy chồng mình còn đó thì đòi chồng, còn gia đình Trương Ba cũng khó lòng nhìn nhận một người ông đáng kính, một người cha mẫu mực, một người chồng ân cần giàu lòng yêu thương với vóc dáng, hình hài của một kẻ phàm phu tục tĩu, thô kệch. Những rắc rối trong gia đình thường xuyên xảy ra. Đặc biệt ngay chính bản thân Trương Ba là người phải chịu nhiều biến cố nhất, đau khổ nhất khi phải sống trái tự nhiên, giả tạo. Đặc biệt, thân xác hàng thitij làm Trương Ba nhiễm một số thói xấu và những nhu cầu vốn không phải là của chính bản thân ông. Trước nguy cơ tha hóa về nhân cách và sự phiền toái do mượn thân xác của kẻ khác, Trương Ba quyết định trả lại xác cho hàng thịt và chấp nhận cái chết.
Hồn Trương Ba là hình ảnh đại diện cho tâm hồn và trí óc con người. Hồn không có hình thù cụ thể, mà được ẩn sâu trong mỗi con người. Còn xác hàng thịt là cái thể xác hiện hữu của mỗi người. Những suy nghĩ của tâm trí thường thể hiện bằng hành động. Nhưng trong nhiều trường hợp, tâm trí và thể xác không hòa nhập với nhau, tâm trí không thể nào chiến thắng được những thói hư tật xấu của thể xác. Ở đây, Lưu Quang Vũ đã cố tình dựng nên tình huống Hồn Trương Ba nhập và xác hàng thịt để mọi người thấy rõ sự khác biệt giữa tâm hồn và thể xác, để từ đó nói lên những triết lý sâu sắc về đạo đức và cuộc sống. Hồn Trương Ba cao quý với những ý nghĩ trong sáng, tốt đẹp. Còn xác hàng thịt lại ham mê những thứ tầm thường như rượu thịt, dục vọng… Sống trong cái thân xác ấy, Hồn Trương Ba không thể được làm chính mình, ông thất vọng và đau khổ. Và rồi ông bắt đầu sợ cái thân xác ấy. “Cái thân thể kềnh càng thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta chỉ muốn rời xa mi tức khắc! Nếu cái hồn của ta có hình thù riêng nhỉ, để nó được tách ra khỏi cái xác này, dù chỉ một lát”. Khao khát được sống là chính mình, được trở về nguyên vẹn và trong sáng như những gì mình nghĩ, nhưng thật đáng đau buồn là Hồn Trương Ba không thể nào làm được như vậy. Đang lúc tuyệt vọng, xác hàng thịt còn mỉa mai, chế giễu Trương Ba: “Vô ích, cái linh hồn mờ nhạt của ông Trương Ba khốn khổ kia ơi, ông không tách ra khỏi tôi được đâu, dù tôi chỉ là thân xác…” Dù mỉa mai nhưng xác hàng thịt cũng đã nêu lên một chân lý rất thực tế: thân xác và linh hồn phải luôn hòa nhập làm một thì mới tồn tại được. Cũng bởi thế nên Hồn Trương Ba mới phải mượn xác ông để được sống lại. Chỉ tiếc rằng, những lối sống, suy nghĩ giữa Trương Ba và hàng thịt hoàn toàn trái ngược nhau, tạo nên những mẫu thuẫn tất yếu giữa hai người. Trương Ba cho rằng hàng thịt lúc này chỉ là cái xác thịt âm u đui mù. Nhưng thực tế, xác thịt có tiếng nói và Trương Ba đã luôn luôn bị tiếng nói ấy sai khiến. Ngược lại với điều mọi người thường nghĩ rằng mọi hành động của thể xác là do ý chí quyết định. Nhưng do thể xác không phải của mình nên Trương Ba không thể điều khiển nó được. Thậm chí, chính vì âm u, đui mù mà thể xác có sức mạnh ghê gớm, lắm khi át cả linh hồn cao khiết. Đúng thế, khi những nhu cầu của thể xác quá cao, ý chí con người nếu không mạnh mẽ sẽ bị thể xác làm cho lu mờ. Dù trước đây, Trương Ba là con người đức độ, nhã nhặn, khéo léo, nhưng lúc này ông đã bị sức mạnh ghê gớm của xác hàng thịt lấn át. Ông cứ nghĩ tâm hồn mình vẫn nguyên vẹn, trong sáng và thẳng thắn… nhưng xác hàng thịt đã nói lên một sự thât đau đớn: “Nực cười thật! Khi ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi mà còn nhận là nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn.” Dù Trương Ba có chối bỏ nhưng thực tế là vậy, chẳng có cách nào chối bỏ được cái thể xác thô lỗ này nếu Trương Ba vẫn còn muốn tồn tại. Bởi thể xác và linh hồn không thể tách rời nhau.
Dù thế nào đi nữa, thể xác cũng nói lên những điều rất thực tế: “Nhưng tôi là cái hoàn cảnh mà ông buộc phải quy phục! … Đâu phải lỗi tại tôi… Sao ông có vẻ khinh thường tôi thế nhỉ? Tôi cũng đáng được quý trọng chứ! Tôi là cái bình để chứa đựng linh hồn. Nhờ tôi mà ông có thể làm lụng, cuốc xới. Ông nhìn ngắm trời đất, cây cối, những người thân… Nhờ có đôi mắt của tôi, ông cảm nhận thé giới này qua những giác quan của tôi…. Khi muốn hành hạ tâm hồn con người, người ta xúc phạm thể xác… Những vị lắm chữ nhiều sách như các ông là hay vin vào cớ tâm hồn là quý, khuyên con người ta sống phần hồn, để rồi bỏ bê cho thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác… Mỗi bữa tôi đòi ăn tám, chín bát cơm, tôi thèm ăn thịt, hỏi có gì là tội lỗi nào?”. Có lẽ cũng không thể trách thể xác được. Bởi vốn dĩ thể xác thuộc về những điều tầm thường, điều đáng buồn là linh hồn và thể xác không hòa hợp được với nhau nên linh hồn không sai khiến được thể xác. Mặt khác, Hồn Trương Ba cũng đã ít nhiều tham dự vào những thú vui của thể xác.
Vậy nên, khi dựng nên bi kịch này, tác giả đã cố tình đặt Trương Ba vào tình thế éo le mang lại cho người xem bài học sâu sắc: Thứ nhất, không thể nào sống bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo. Chỉ khi cả thể xác và linh hồn hòa nhập làm một, cuộc sống mới có ý nghĩa. Thứ hai, không thể sống dựa vào những gì không thuộc về mình. Thứ ba, kẻ thù lớn nhất của mỗi người chính là bản thân mình, hãy nâng cao ý chí, hãy sáng suốt để bản thân không vấp phải những sai lầm đáng tiếc. Thứ tư, nếu chỉ có suy nghĩ tốt đẹp mà hành động xấu xa thì cũng không thể gọi đó là một người tốt được. Vì vậy, muốn được sống toàn vẹn, trước hết, mỗi người hãy tự ý thức bản thân mình, làm chủ chính mình và hãy luôn để tâm trí sáng suốt điều khiển mọi hành vi, không để những ham muốn tầm thường mua chuộc và lấn át.
Cuộc đối thoại của Hồn Trương Ba và xác hàng thịt là những giây phút cho mỗi người tự nhìn nhận lại bản thân mình. Tự xem mình đã sống ra sao, đã đủ mạnh mẽ để lùi xa những tật xấu chưa? Đôi khi, chỉ cần yếu mềm một chút thôi cũng dễ khiến bản thân lầm đường lạc lối. Nhất là những bạn trẻ hiện nay, trong tâm trí nghĩ về một tương lai sáng lạn lắm, tươi tắn lắm nhưng chưa kịp gặp khó khăn thì đã lùi bước rồi. Để có được những gì mình muốn, hãy bắt bản thân dừng những thú vui lại, tập trung vào học hành, làm việc, siêng năng và cố gắng, ắt sẽ có ngày thành công. Đồng thời, tâm trí cũng phải luôn sáng suốt, minh mẫn mới có thể điều khiển được thể xác mình.
Tâm hồn và thể xác là hai thứ không thể tách rời nhau. Tâm trí có trong sáng đến mấy mà hành động thô lỗ cũng không có ý nghĩa gì. Ngược lại, dù bản thân có làm điều tốt mà trong đầu lại chỉ nghĩ đến những điều đen tối thì dù tốt đến mấy cũng chẳng được ích chi. Vì vậy, mỗi người hãy sống sao thật là chính mình, để bên trong và bên ngoài luôn hòa nhập làm một. Đừng ai để mình phải rơi vào bi kịch đau thương như Hồn Trương Ba. Ông đã chấp nhận cái chết để được sống là chính mình. Nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ đã rất thành công khi xây dựng nên tình huống éo le này. Cho đến nay, vở kịch vẫn được nhiều lần công diễn như một bài học đầy triết lý sâu xa cho mọi người cảm nghiệm.