Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ
Hướng dẫn
- Mở bài:
Bà cụ Tứ là một nhân vật phụ xuất hiện ở cuối tác phẩm nhưng nếu thiếu nhân vật này, tác phẩm sẽ mất đi chiều sâu, sự đằm thắm của nó. Xây dựng nhân vật bà cụ Tứ, Kim Lân muốn hướng người đọc nhìn nhận việc lấy vợ của Tràng từ một góc độ khác.
- Thân bài:
Cũng như dân làng xóm ngụ cư, khởi đầu tâm lý của bà là sự ngỡ ngàng, bà ngạc nhiên ngay từ sự đón tiếp khác thường của con trai: “ bà lão phấp phản theo con vào trong nhà”. Trạng thái ngỡ ngàng của bà cụ Tứ được diễn tả qua hàng loạt những câu hỏi nghi vấn: “ quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ý nhỉ? Người đàn bà nào đứng ngay đầu giường thằng con trai mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u… không phải con cái Đục mà? Ai thế nhỉ?
Sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên của bà cụ Tứ trước việc Tràng lấy vợ đã được nhà văn Kim Lân mỗi lúc một dâng cao. Đầu tiên là sự ngỡ ngàng. Tiếp theo là hàng loạt câu hỏi mà không có lời giải đáp. Bà không tin vào mắt mình: “bỗng dưng bà thấy mắt mình nhoèn đi thì phải”.bThậm chí khi Tràng giới thiệu đây là vợ của mình và cô gái chào bà bằng “U” thì bà cũng không tin vào tai mình nữa.
Vì sao bà cụ Tứ lại ngỡ ngàng, ngạc nhiên đến vậy? Đó là vì bà không dám nghĩ tới, nhất là vào thời điểm đói kém này. Bà quá hiểu hoàn cảnh nhà mình và cậu con trai của mình. Mọi việc diễn ra một cách quá hay nói cách khác là bà chưa được chuẩn bị tâm thế để tiếp nhận.
Bà cụ Tứ làm sao ngờ được giữa năm đói, nhà thì nghèo,mà con mình lại dẫn về một người vợ. Rồi khi đã hiểu mọi sự tình, bà lão “ cuối đầu nín lặng”. Mạch truyện lắng xuống thiết tha: “lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao cơ sự, vừa ai oán, vừa xót thương cho số kiếp của con trai mình”. Kinh nghiệm, vốn sống của bà mách bảo rằng mối duyên kiếp trớ trêu kia không nên có: “ chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, còn mình thì,…”.
Đọc những dòng này thì, ta có cảm giác trái tim người mẹ nghèo đang rung lên xót xa. Bà cụ thương con tủi phận rồi thương con dâu: “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được…
Nổi xót xa, tủi hờn của bà cụ Tứ trước việc Tràng lấy vợ. Bà “cúi đầu nín lặng”. Bà nghĩ về người chồng đã quá cố, và nhớ lại cuộc đời dài dằng dặc với biết bao nổi vất vả khổ đau. Bà hiểu rõ sự đời, lẽ ra làm dăm mâm cơm mời hàng xóm, láng giềng, nhưng cảnh nhà mình nghèo đến như vậy làm sao lo nổi. Bà cảm thấy thương mình, thương con, thương cả con dâu về nhà chồng trong tình cảnh khốn khó.
Trong tình cảnh ấy, điều đầu tiên là bà tự trách mình không làm tròn bổn phận của người mẹ. Bà đã chẳng lo lắng được cho con, cũng chẳng lo được “dăm ba măm cơm” cho con vào ngày trọng đại ấy. Bà cụ nghẹn ngào, “ nước mắt cứ ròng ròng”… đó là giọt nước mắt lấp lánh, tấm lòng vị tha cao quí của người mẹ, những giọt nước mắt mằn mỏi của trái tim yêu thương vô hạn.
Nhưng ở chính bà cụ Tứ, niềm tin, sự lạc quan lại được bộc lộ nhiều hơn cả: từ việc đan phên ngăn riêng chổ ở cho vợ chồng Tràng cho đến việc nuôi gà “rồi may ra ông trời cho khá”. Bà hào hứng lễ mẻ bưng ra “nồi cháo cám” mà bà nói vui là “nồi chè khoán”, rồi đen đả cười múc cho con, cảm thấy hạnh phúc khi khối nhà chẳng có cám mà ăn”. Bà dường như đang cố gắng xua đi không khí ảm đạm, cố gắng vượt lên hoàn cảnh bằng sự tươi tỉnh, động viên con và đó là ý nghĩa của đời bà: sống vì con, vun vén cho con, hi vọng vào thế hệ sau.
- Kết bài:
Khắc họa hình ảnh bà cụ Tứ là một thành công nghệ thuật của Kim Lân trong truyện ngắn “Vợ nhặt”. Có lẽ ông đã thấu hiểu kiếp đời cơ cực và trách nhiệm cao cả của bậc làm cha làm mẹ phải nhen nhóm lên niềm hi vọng cho con cái trong cảnh khốn cùng. Càng đọc ta càng cảm thương và rơm rớm nước mắt khi hình dung bóng bà cụ lọ mọ trong buổi hoàng hôn đen tối mà chưa biết bao giờ mới tìm thấy được cuộc sống tốt hơn cho con trai và con dâu của bà.
Theo hoctotnguvan.vn