Trương Ba đã thay đổi cả về tâm hồn và thể xác bởi ông phải sống trong một hoàn cảnh trớ trêu đầy bi kịch khi có sự chênh lệch giữa Hồn và Xác. Mâu thuẫn và xung đột gay gắt giữa sự thanh sạch cao khiết của tâm hồn với một thể xác thô lỗ, cộc cằn.
Trong cuộc sống hàng ngày của mỗi con người chúng ta luôn luôn phải có sự hài hòa giữa tâm hồn và thể xác. Nếu giữa tâm hồn và thể xác có một sự chênh lệch nào đó thì chúng ta không bao giờ được sống bình yên mà phải luôn luôn trăn trở đầy khổ đau và gặp toàn những bi kịch mà thôi. Điều đó đã được Lưu Quang Vũ thể hiện một cách sinh động và đầy nghệ thuật trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, nhất là khi Hồn Trương Ba trú ngụ trong thân xác của anh hàng thịt.
Như chúng ta đã biết Hồn Trương Ba nguyên là một con người ngay thẳng, giàu lòng yêu thương vợ con, là một người làm vườn chăm chỉ và khéo léo, có tài đánh cờ, có tâm hồn thanh cao trong sáng. Nhưng từ khi Hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt mọi cái đều thay đổi. Hồn Trương Ba bây giờ không còn giống như trước nữa. Ông thay đổi cả ngoại hình lẫn tâm hồn, ông không còn là một người chồng mà bà vợ ông rất mực yêu thương, kính trọng. Vợ Trương Ba cảm thấy bực bội trước sự thờ ơ của Hồn Trương Ba trước những sự việc đang diễn ra xung quanh ông, như việc cu Tị bị ốm: “Ông bây giờ còn biết đến ai nữa! Cu Tị ốm thập tử nhất sinh từ đêm qua tới giờ bắt đầu mê man, mẹ nó khóc đỏ cả mắt…”. Vợ Trương Ba chán ngán chồng đến nỗi bà muốn bỏ ông mà đi: “Tôi nói thật đấy… Ông Trương Ba ạ, tôi đã nghĩ kỹ: có lẽ tôi phải đi..”. Đi đâu vợ Trương Ba cũng chưa biết, nhưng vì buồn quá, chán quá nên bà nói như nói lẫy: “Đi cấy thuê làm mướn ở đâu cũng được… đi biệt… Để ông được thảnh thơi… với cô vợ người hàng thịt… còn hơn là thế này…”. Bà nói mà mắt cứ rưng rưng nước mắt.
Vợ Trương Ba vốn là người vợ rất yêu chồng, nhưng vì bây giờ Hồn Trương Ba đã biến đổi quá nhiều không còn giống như Hồn Trương Ba trước kia nữa: “Tôi biết, ông là người rất thương, yêu vợ con… Chỉ tại bây giờ (khóc). Ông đâu còn là ông, đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa…”. Trước những lời thoại ấy của vợ khiến Hồn Trương Ba cảm thấy đau đớn, xót xa đến thảng thốt, bàng hoàng tự hỏi: “Sao lại đến nông nỗi này?” rồi “ngồi xuống, tay ôm đầu”.
Ngay cả cái Gái đứa cháu nội mà Trương Ba hết mực yêu thương bây giờ cũng không thừa nhận ông: “Tôi không phải là cháu của ông”, “Ông nội tôi chết rồi. Nếu ông nội hiện về được, hồn ông nội tôi sẽ bóp cổ ông! Ông dám nhận ông là ông nội, dám đụng vào cây cối trong vườn cua ông nội tôi”. Khi Hồn Trương Ba nói với cái Gái: “Dù sao… Cháu… Sáng nào ông cũng ra cuốc xới chăm chút cây cối ngoài vườn, cháu không thấy sao: chỉ có ông nội cháu mới biết quý cây như thế…” thì cái Gái đã phản đối quyết liệt: “Quý cây! Hừ, tôi phải rình lúc này, cả nhà đi vắng hết để đến nói với ông: Từ nay ông không được động vào cây cối trong vườn ông tôi nữa! Ông mà biết quý cây hả? Sáng qua, tôi để ý lúc ông chiết cây cam, bàn tay giết lợn của ông làm gãy tiệt cái chồi non, chân ông to bè như cái xẻng, giẫm nát lên cả cây sâm quý mới ươm! Ông nội đời nào thô lỗ phũ phàng như vậy?”. Cái Gái còn kết án Hồn Trương Ba chính là thủ phạm làm gãy cái diều của cu Tị: “Còn cái diều của cu Tị nữa, chiều hôm kia nó mang cái diều sang đây chơi, ông cầm lấy đòi chữa cho nó, thế là ông làm gãy cả nan, rách cả giấy, hỏng mất cái diều đẹp mà cu Tị rất quý!…”, “Cu Tị nó cũng rất ghét ông! Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!”. Hồn Trương Ba còn gì đau đớn hơn khi đứa cháu mà ông rất mực yêu thương, bây giờ lại nói với ông những điều phũ phàng, đau đớn ấy, vì ông không còn là ông trước kia nữa.
Và ngay cả người con dâu, người mà rất hiểu, rất thương, rất thông cảm cho hoàn cảnh Hồn Trương Ba bây giờ, nhưng cũng không khỏi chua xót khi có lúc không nhận ra Hồn Trương Ba trước kia nữa, bởi Hồn Trương Ba đã mất đi cái tính hiền hậu, vui vẻ trước kia rồi: “Thầy bẩu con: Cái bên ngoài là không đúng kể, chỉ có cái bên trong, nhưng thầy ơi, con sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy… mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nỗi có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa… Con càng thương thầy, nhưng thầy ơi, làm sao, làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con xưa kia? Làm thế nào, thầy ơi”.
Như vậy từ khi Hồn Trương Ba nhập vào xác của anh hàng thịt thì Hồn Trương Ba không còn là Hồn Trương Ba trước kia nữa, Hồn Trương Ba đã sống trong những tấn bi kịch, ông rơi từ bi kịch này đến bi kịch khác, và những bi kịch ấy đã đi đến điểm đỉnh, giằng xé tầm hồn Hồn Trương Ba, đó là cuộc đối thoại giữa Hồn và Xác với sự giễu cợt, tự đắc của Xác khiến Hồn Trương Ba càng khổ đau, càng cảm thấy bế tắc. Trong cuộc đối thoại này Xác đã đưa ra nhiều lí lẽ thật xác đáng để công kích lại những quan điểm thật trong sáng, cao đẹp của Hồn. Nếu Hồn tỏ ra chán ngán khi phải cư ngụ trong cái thân xác kềnh càng, thô lỗ và muốn “tách ra khỏi cái xác này, dù chỉ là một chút!” thì Xác đã phản kháng một cách gay gắt: “Vô ích, cấi linh hồn mờ nhạt của ông Trương Ba”.
Khi Hồn bảo với Xác là “mày không thể biết nói! Mày không có tiếng nói, mà chỉ là xác thịt âm u, đui mù” thì Xác đã không hề chịu thua, ngược lại đã phản kháng quyết liệt luận điểm của Hồn: “Có đấy! Xác thịt có tiếng nói đấy! Ông đã biết tiếng nói của tôi rồi, đã luôn luôn bị tiếng nói ấy sai khiến. Chính vì âm u, đui mù mà tôi có sức mạnh ghê gớm, lắm có khi át cả cái linh hồn cao khiết của ông đấy”. Càng lúc Xác càng đẩy Hồn vào chân tường và Hồn chỉ còn phản kháng yếu ớt: “Ta… ta… đã bảo mày im đi!”, “Ta không muốn nghe mày nữa!”. Và cuối cùng Hồn như đuối lí trước lập luận của Xác: “Những vị lắm chữ nhiều sách như các ông là hay vin vào cớ tâm hồn là quý, khuyên con người ta sống vì phần hồn, để rồi bỏ bê cho thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác…”. Đây là cuộc đấu tranh thật gay gắt giữa Hồn và Xác. Cuộc đấu tranh gay gắt này đã đi đến đỉnh điểm của kịch tính là khi Hồn Trương Ba sắp ngã vào tay chị vợ anh hàng thịt. Hồn có nguy cơ bị thân xác lấn át, Hồn Trương Ba đã phải trải qua những cuộc đấu tranh gay gắt với chính thể xác mà nó trú ngụ. Cuối cùng, để giữ sự thanh sạch Hồn Trương Ba đã chấp nhận cái chết vĩnh viễn, khước từ cuộc sống không phải là mình. Đây chính là sự bộc lộ một triết lí sống sâu sắc của Lưu Quang Vũ: cuộc sống thật đáng quý, nhưng không phải sống như thế nào cũng được. Nếu sống vay mượn, sống chắp vá, không có sự hài hòa giữa vẻ đẹp tâm hồn và nhu cầu vật chất thì cuộc sống ấy là một bi kịch. Hay nói một cách khác, Lưu Quang Vũ muốn nói với chúng ta rằng: cuộc sống của mỗi con người chỉ thực sự hạnh phúc, chỉ có giá trị khi được sống đúng là mình, được sống tự nhiên trong một thể thống nhất. Tóm lại, từ khi Hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt thì Hồn Trương Ba đã thay đổi cả về tâm hồn và thể xác bởi ông phải sống trong một hoàn cảnh trớ trêu đầy bi kịch khi có sự chênh lệch giữa Hồn và Xác. Mâu thuẫn và xung đột gay gắt giữa sự thanh sạch cao khiết của tâm hồn với một thể xác thô lỗ, cộc cằn. Hồn Trương Ba không thể sống mãi trong cái cảnh bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được nên kết cục đã chọn lấy cái chết vĩnh viễn để giữ tâm hồn thanh sạch. Đó chính là tư tưởng là quan niệm sống đúng đắn của Lưu Quang Vũ và cũng là bài học sâu sắc cho chúng ta trong cuộc sống.
Hoctotnguvan.vn