Phân tích Hồn Trương Ba da hàng thịt-Lưu Quang Vũ
Hướng dẫn
Hồn Trương Ba da hàng thịt, cuộc đấu tranh giữa nhân tính và thần tính
- Mở bài:
Lưu Quang Vũ được coi là một hiện tượng đặc biệt của sân khấu, một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nên văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Các vở kịch của ông mang đậm dấu ấn hiện thực cuộc sống, phản ánh chân thực và sinh động các vấn đề của thời đại.
Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một trong những vở kịch gây tiếng vang nhất của Lưu Quang Vũ. Từ cốt truyện dân gian, nhà văn xây dựng một vở kịch hiện đại chứa đựng nhiều vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng và triết lí nhân sinh sâu sắc
- Thân bài:
Vị trí của lớp kịch: Lớp kịch này là phần của cảnh 7, cảnh cuối cùng của vở kịch. Hồn Trương Ba bị đẩy vào tình huống rắc rối éo le, gay gắt. Ba tháng “ngụ cư” trong xác lạ, phải trải qua những cuộc đấu tranh gay gắt với chính thể xác mà mình được trú ngụ – thể xác đầy ham muốn bản năng của anh hàng thịt. Đây là khi cuộc đối đầu giữa Hồn và Xác lên đến cao trào; Hồn có nguy cơ bị lấn át. Nỗi đau khổ dằn vặt trong nhân vật Hồn Trương Ba phát triển đỉnh điểm để từ đó đi đến quyết định cuối cùng.
Lớp kịch kể về chuyện mượn hồn đổi xác của Trương Ba và anh hàng thịt. Trương Ba là một người làm vườn và giỏi đánh cờ đã bị Nam Tào bắt chết nhầm. Vì muốn sửa sai, nên Nam Tào và Đế Thích cho Hồn Trương Ba sống lại và nhập vào xác hàng thịt mới chết. Trú nhờ trong xác anh hàng thịt, Trương Ba gặp rất nhiều phiền toái: lý tưởng sách nhiễu, chị hàng thịt đòi chồng, gia đình Trương Ba cũng cảm thấy xa lạ,… mà bản thân Trương Ba thì đau khổ vì phải sống trái tự nhiên và giả tạo.
Đặc biệt thân xác hàng thịt làm Trương Ba nhiễm một số thói xấu và những nhu cầu vốn không phải chính bản thân ông. Trước nguy cơ tha hóa về nhân cách và sự phiền toái do mượn thân xác của kẻ khác, Trương Ba quyết định trả lại xác cho hàng thịt và chấp nhận cái chết.
Hồn Trương Ba da hàng thịt vốn xuất phát từ câu chuyện dân gian nhưng dưới tài năng của Lưu Quang Vũ, cốt truyện đã được tối ưu hóa làm tăng thêm kịch tính, phản ánh sâu sắc hiện thực cuộc sống và ý nghĩa nhân văn. Nếu ở truyện dân gian chỉ mang một tư tưởng triết học có phần cơ bản đúng, nhưng chỉ đề cao linh hồn, tuyệt đối hóa linh hồn, không để ý đến mối quan hệ giữa thể xác và linh hồn thì ở vở kịch của Lưu Quang Vũ nhấn mạnh phản ánh đòi hỏi sự thống nhất giữa nội dung và hình thức, giữa tư tưởng và biểu hiện hành động…
Bi kịch của hồn Trương Ba khi thoát ra khỏi thể xác:
Nỗi đau khổ day dứt của một nhân vật khi tâm hồn thanh cao phải sống nhờ và xác anh hàng thịt thô thiển, hơn thế nữa Hồn Trương Ba có nguy cơ bị thân xác lấn át. Nó phải trải qua những cuộc đấu tranh gây gắt với thể xác đầy ham muốn bản năng của anh hàng thịt. Cuộc đối thoại giữa Hồn và Xác với sự giễu cợt, tự đắc của Xác khiến Hồn càng khổ đau, cảm thấy bế tắc.
Từ khi phải trú ngụ trong thân xác anh hàng thịt, nhân vật Hồn Trương Ba ngày càng trở nên đáng sợ, xa lạ trong mắt người thân. Hồn Trương Ba bây giờ đâu còn là người làm vườn chăm chỉ, nhân hậu hết lòng yêu thương vợ con như trước kia. Ông cũng chẳng quan tân gì đến chuyện của bà con hàng xóm. Ngay cả người thông cảm cho tình cảnh của Hồn Trương Ba là chị con dâu cũng xót xa, ngỡ ngàng bởi không còn được thấy hình ảnh con người “hiền hậu, vui vẻ tốt lành như thầy của chúng con xưa kia”.
Tất cả những người thân yêu của Hồn Trương Ba đều nhận ra cái nghịch cảnh trớ trêu. Sau tất cả những đối thoại ấy, mỗi nhân vật bằng cách nói riêng, giọng nói riêng của mình đã khiến Hồn Trương Ba cảm thấy không thể chịu nổi. Nỗi cay đắng với chính bản thân mình cứ lớn dần… lớn dần, muốn đứt tung, muốn vọt trào. Thái độ cư xử của những người thân trong gia đình khiến Hồn Trương Ba càng đau khổ tuyệt vọng, đi đến quyết định giải thoát.
Khát vọng của Hồn Trương Ba khi sống bằng thân thể của người khác:
Hồn Trương Ba cảm thấy không thể sống “bên trong một đằng bên ngoài một nẻo” muốn tách ra khỏi thân xác kềnh càng thô lỗ. Những lời thoại của Hồn Trương Ba với Đế Thích chứng tỏ nhân vật này đã tự ý thức rõ về tình cảnh trớ trêu đầy tính chất bi hài của mình khi hồn và xác ngày càng vênh lệch.
Quyết định dứt khoát xin tiên Đế Thích cho cu Tị được sống lại, cho mình được chết hẳn chứ không nhập hồn vào thân thể ai nữa của nhân vật Hồn Trương Ba là kết quả của một quá trình diễn biến hợp lí. Hơn nữa, quyết định này cần phải đưa ra kịp thời vì cu Tị vừa mới chết. Hồn Trương Ba thử hình dung cảnh hồn của mình lại nhập vào xác cu Tị để sống và thấy rõ “bao nhiêu sự rắc rối” vô lí lại tiếp tục xảy ra.
Nhận thức tỉnh táo ấy cùng tình thương mẹ con cu Tị càng khiến Hồn Trương Ba đi đến quyết định dứt khoát. Qua quyết định này, chúng ta càng thấy Trương Ba là con người nhân hậu, sáng suốt, giàu lòng tự trọng. Đặc biệt đó là con người có ý thức được ý nghĩa của cuộc sống, khát khao được cuộc sống đúng với mình.
Nghệ thuật thể hiện
Lưu Quang Vũ đã xây dựng tình huống kịch hết sức căng thẳng, trớ trêu. Hành động của nhân vật phù hợp với hình ảnh, tính cách thể hiện được sự phát triển của tình huống kịch. Ngôn ngữ nhân vật sinh động gắn liền với tâm trạng, tình cảnh cụ thể đặc biệt những lời thoại của nhân vật Hồn Trương Ba với Đế Thích vừa hướng ngoại lại vừa hướng nội. Cùng với diễn tả những hành động bên ngoài, tác giả còn rất thành công khi phản ánh thế giới tinh thần của nhân vật.
Thể hiện bi kịch và khát vọng của nhân vật Hồn Trương Ba, Lưu Quang Vũ đã gửi gắm triết lí sâu sắc về lẽ sống. Cuộc sống rất đáng quý nhưng không thể thế nào cũng được. Nếu sống vay mượn, chắp vá, không có sự hài hòa giữa vẻ đẹp tâm hồn nhân cách và nhu cầu vật chất thì con người chỉ gặp bi kịch. Con người là một thể thống nhất, hồn và xác phải hài hòa. Không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục, tội lỗi. Khi con người bị chi phối bởi những nhu cầu bản năng của thân xác thì đừng chỉ đổ tội cho thân xác, không thể tự an ủi, vỗ về mình bằng vẻ đẹp siêu hình của tâm hồn.
Sống là để khẳng định là chính mình. Sống thực sự cho ra con người quả không hề dễ dàng, đơn giản. Khi sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá, khi không được là mình thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa. Những lời thoại của Hồn Trương Ba với Đế Thích chứng tỏ nhân vật đã ý thức rõ về tình cảnh trớ trêu, đầy tính chất bi hài của mình, thấm thía nỗi đau khổ về tình trạng ngày càng vênh lệch giữa hồn và xác, đồng thời càng chứng tỏ quyết tâm giải thoát nung nấu của nhân vật trước lúc Đế Thích xuất hiện.
- Kết luận
Có người nói rằng: “Lương tâm là tiếng nói của tinh thần, tham vọng là tiếng nói của thể xác”. Qua việc khắc hoạ bi kịch của nhân vật hồn Trương Ba đã thể hiện một ý nghĩa triết lí về nhân sinh, về hạnh phúc con người. Lưu Quang Vũ muốn góp phần phê phán một số biểu hiện tiêu cực trong lối sống lúc bấy giờ đồng thời đã khẳng định khao khát hoàn thiện nhân cách, đâu tranh chống lại sự tha hoá trong mỗi con người.Trích đoạn kịch cũng khẳng định sự sắc sảo và thành công vượt trội về nghệ thuật của nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ.
Theo hoctotnguvan.vn