Phân tích khổ 6 bài thơ Việt Bắc

Phân tích khổ 6 bài thơ Việt Bắc

Hướng dẫn

Phân tích khổ 6 bài thơ Việt Bắc

Người ta thường nói lúc gian nan hoạn nạn mới thấu hiểu lòng nhau. Đúng vậy, những lúc khó khăn cùng cực người ta mới thấy được tình nghĩa dành cho nhau đáng quý biết nhường nào. Trong bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu đã có những vần thơ đầy nghĩa tình như thế:

“Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi

Thương nhau, chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.

Loading…

Nhớ sao lớp học i tờ

Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan

Nhớ sao ngày tháng cơ quan

Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo

Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều

Chày đêm nện cối đều đều suối xa…”

Những vần thơ như tiếng hát được cất lên từ nỗi nhớ, niềm thương của tác giả, của những người lính miền xuôi nay đã hoàn thành nhiệm vụ cứu nước khỏi bàn tay tàn ác của bọn giặc ngoại xâm, họ chia tay những người dân thật thà chất phác nơi núi rừng Việt Bắc. Những con người đã gắn bó với nhau trong suốt “mười lăm năm” “thiết tha mặn nồng”.

Trong đoạn thơ này, Tố Hữu đã kể lại những kỷ niệm thân thương khi còn ở chiến khu của dân và quân miền núi. Họ cùng nhau trải qua biết bao gian nan khổ cực. Nhưng càng vất vả bao nhiêu, càng thiếu thốn bao nhiêu họ càng trân trọng nhau, giúp đỡ san sẻ lẫn nhau bấy nhiêu. Dù có đắng cay hay ngọt bùi, một khi đã là “mình” là “ta” thì không còn khoảng cách gì nữa. Thay vào đó là tình nghĩa trước sau như một, là sự san sé từ củ sắn lùi, từ bát cơm vơi, từ chiếc chăn sui.Từng chi tiết được tác giả nâng niu, trân trọng vô cùng. Rất giản dị, rất đơn sơ nhưng đậm đà tình nghĩa chân thành, mộc mạc. Họ không cần biết ai được sinh ra từ đâu, hoàn cảnh gia đình như thế nào,… chỉ biết rằng họ đã gặp nhau trong cùng một ý chí chiến đấu, cùng một khát vọng tự do và lòng căm thù quân giặc. Chỉ bấy nhiêu thôi là quá đủ để họ sẻ chia cho nhau từ những thứ nhỏ nhất, giản dị nhất. Trong hoàn cảnh thiếu thốn ấy, lẽ ra khi có được bát cơm hay củ sắn, hẳn là họ sẽ mừng lắm nhưng dù thế nào đi nữa, họ vẫn nhớ đến nhau, vẫn cùng nhau san sẻ chứ không ăn một mình. Đây chính là phẩm chất cao quý của con người Việt Nam nói chung và người dân miền núi nói riêng. Bởi vậy, họ rất xứng đáng được làm “mình” làm “ta” với nhau, tuy hai mà một. Chỉ tiếc rằng, đến giây phút nay, “mình” và “ta” phải chia tay nhau trong sự quyến luyến xúc động khiến cho lòng người nhớ nhớ thương thương.

“Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô

Nhớ sao lớp học I tờ

Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan

Nhớ sao ngày tháng cơ quan

Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo

Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều

Chày đêm nện cối đều suối xa…”

Những nỗi nhớ nối tiếp nhau, chen lấn nhau trong tâm trí người ra đi. Nỗi nhớ ấy đã khắc họa nên một bức tranh chân thực và sinh động của cảnh sinh hoạt bình dị nơi núi rừng Tây Bắc. Ở nơi đó, mỗi người là một sự nỗ lực, cố gắng hết mình để hậu thuẫn cho chiến trường, cho đoàn quân đang ngày đêm đánh giặc. Vì thế, dù có nắng cháy lưng, người mẹ vẫn địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô. Không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng có lẽ nếu thiếu những người mẹ như thế này thì quân ta khó lòng mà đủ sức đánh giặc. Mẹ không đổ máu nhưng những giọt mồ hôi mẹ đổ xuống cũng cao quý biết nhường nào. Đêm đến, nhân dân lại cùng nhau học chữ để cố gắng phấn đấu thoát khỏi cảnh mù chữ, tiến đến xây dựng nền văn minh cho nước nhà…

Dù phải trải qua bao gian lao khổ cực, những con người nơi đây vẫn luôn lạc quan, yêu đời, luôn dành hết cả sức mình và tâm trí mình cho kháng chiến, cho đất nước. Bởi thế, giữa cuộc chiến đấu đầy gam go quyết liệt, vẫn thấp thoáng những hình ảnh rất đỗi bình yên khiến lòng người không khỏi nhớ nhung:

“Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều

Chày đêm nện cối đều xuối xa…”

Hình ảnh những chiếc cối xay gạo chạy bằng sức nước bên suối cứ nện đều đều gợi lên một khung cảnh rất thanh bình, như chưa hề có sự xuất hiện của chiến tranh. Nếu như không có chiến tranh, có lẽ cuộc sống sẽ còn bình yên hơn thế khi không có những cuộc chia ly, không có những mất mát đau thương khi người anh hùng phải ngã xuống bỏ lại mình nơi chiến trường xa xôi.

Bằng thể thơ lục bát và cách sử dụng từ ngữ thân quen, giản dị, nhịp thơ nhẹ nhàng, uyển chuyển, nhà thơ đã vừa thể hiện tấm lòng của mình, của những người ra đi, vừa khắc họa lại khung cảnh của núi rừng Tây Bắc trong thời kỳ kháng chiến. Ở nơi ấy, có tình nghĩa đậm đà, có những phút giây rộn rã tiếng cười và có cả những khoảnh khắc rất bình yên. Chế Lan Viên cũng đã từng viết:

“Khi ta đến chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”

(Trích – Tiếng hát con tàu)

Ở đây, Tố Hữu cũng vậy, trong giây phút chia xa đầy xao xuyến, xúc động làm sao ta không nhớ đến những ngày gian khó bên nhau. Và có lẽ, càng thiếu thốn bao nhiêu, tình nghĩa lại càng đong đầy bấy nhiêu. “Ta” với “mình”, “mình” với “ta” dù có cách xa cũng không bao giờ quên những tháng ngày đã gắn bó cùng nhau. Tình cảm ấy không chỉ đơn thuần là sự giúp đỡ nhau lúc khó khăn mà còn là tình yêu đất nước, là tình đoàn kết của cả một dân tộc khi bị giặc ngoại xâm.

Bởi vậy, khó khăn đâu có là gì. Chỉ cần ngày mai là ánh sáng, là độc lập tự do thì ngày hôm nay dù có phải chết họ cũng sẵn sàng. Những kỉ niệm trong đoạn thơ vừa đi vào lòng người bởi cảm xúc, vừa nhắn nhủ tới thế hệ sau về ý thức xây dựng và gìn giữ đất nước ngày một giàu mạnh, văn minh để không phụ công thế hệ cha anh đã đổ mồ hôi, đổ máu để chiến thắng kẻ thù.

Bài liên quan

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc – Tố Hữu

Bài viết số 3 lớp 12 đề 1: Tính dân tộc trong bài thơ Việt…
Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1

Giải bài tập Ngữ văn lớp 12: Kiểm tra tổng hợp cuối học kỳ 1…

Bình luận

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *