Phân tích khổ thơ thứ 6 trong bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu
Hướng dẫn
Phân tích khổ thơ thứ 6 trong bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu
Bài Làm
Tố Hữu là một trong những cây bút tài năng trưởng thành trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông đã đóng góp vào nền thơ ca nước nhà rất nhiều tác phẩm xuất sắc. Việt Bắc là một trong những sáng tác được coi là đỉnh cao trong thơ Tố Hữu. Bao trùm lên toàn bài thơ là nỗi nhớ, sự lưu luyến giữa chiến sĩ cán bộ rời chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội và nhân dân Việt Bắc. Bên cạnh đó, hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp hùng vĩ cùng con người chăm chỉ, đôn hậu nơi đây cũng được khắc họa thật đẹp trong bài thơ, đặc biệt là trong khổ thơ thứ sáu:
“Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.”
Mở đầu đoạn thơ lại là một câu hỏi tu từ khéo léo thể hiện nỗi nhớ của người đi, kẻ ở:
“Ta về, mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người”
Câu thơ với thể thơ lục bát cùng cách xưng hô “ta-mình” nghe mới thật thân thương làm sao. Nhịp thơ nhịp nhàng, ngôn ngữ dung dị làm người đọc liên tưởng tới lối đối đáp thân tình trong ca dao, dân ca Việt Nam xưa “Ta về mình có nhớ ta – Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”. Không biết kẻ ở có nhớ người đi không, nhưng người đi thì sẽ nhớ “những hoa cùng người”. Nhà thơ đã khéo léo nhắc tới “hoa” bởi “hoa” là đặc trưng của vùng núi Việt Bắc tươi đẹp, với mỗi mùa trong năm lại là một mùa hoa để nhớ để thương. Cả câu thơ mang ý nghĩa nỗi nhớ khôn nguôi, sự tiếc nuối khi phải rời xa của người về xuôi với cả thiên nhiên và con người Việt Bắc.
Nhà thơ tiếp tục đưa người đọc đến với vẻ đẹp của Việt Bắc suốt bốn mùa và mở đầu là một mùa đông không hề lạnh giá mà vẫn đầy sức sống:
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.”
Những tưởng mùa đông nơi rừng thiêng nước độc u ám và lãnh lẽo lắm, nhưng với Việt Bắc trong thơ Tố Hữu thì khác, vẫn rất đẹp đẽ vô cùng. Với cách diễn tả màu “xanh” của “rừng” đối lập với màu “đỏ tươi” của “hoa chuối”, bài thơ đã đưa chúng ta đến với một bức tranh bạt ngàn một màu xanh bất tận của rừng già. Nổi bật trên cái nền xanh ngút ngàn ấy là những bông “hoa chuối đỏ tươi” điểm tô thêm sức sống căng tràn của thiên nhiên nơi đây. Và thấp thoáng trong bức tranh nên thơ ấy lại là hình ảnh con người đang hăng say lao động. Với cách miêu tả nắng chiếu làm ánh lên trên chiếc dao gài bên thắt lưng cùng việc dung động từ “ánh”, câu thơ càng làm toát lên được vẻ đẹp siêng năng của những người lao động nơi đây.
Tiếp tục với bức tranh thiên nhiên và con người Việt Bắc, nhà thơ như một người hướng dẫn viên du lịch đưa chúng ta đến với vùng đất thơ mộng ấy vào mùa xuân đầy sắc trắng của hoa mơ:
“Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”
Mùa xuân Việt Bắc dường như cũng đẹp không kém gì mùa đông. Hình ảnh “mơ nở trắng rừng” cho người đọc cảm giác như thiên nhiên bừng tỉnh sau mùa đông để khoác lên mình một sắc trắng ngút ngàn, như một cô gái khoác lên mình chiếc áo mới tinh khôi vậy. Bên cạnh cái đẹp trong màu trắng hoa mơ của rừng núi lại tiếp tục là con người đang cần mẫn từng ngày “đan nón chuốt từng sợi giang”. Động từ “chuốt” giữa câu thơ đã nhấn mạnh được sự tỉ mỉ, khéo léo và cẩn thận trong công việc của người dân Việt Bắc. Bức tranh thiên nhiên và con người hiện lên thật sống động khiến cho người đọc hình dung như mình đang đứng trên chính mảnh ngập đầy sắc trắng của rừng mơ, bên những ngôi nhà sàn người dân đang say mê làm việc, chuốt từng sợi giang nhanh thoăn thoắt. Làm sao mà người đi không nhớ cho được một vùng đất tuyệt vời đến thế.
Nếu mùa đông hiện lên với màu đỏ tươi của hoa chuối nổi bật trên nền xanh bất tận của núi rừng, mùa xuân khoác lên mình sắc trắng hoa mơ thì mùa hè Việt Bắc cũng góp vào bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp một màu vàng rực rỡ:
“Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình.”
Tố Hữu thật khéo léo và tinh tế khi đưa vào trang thơ của mình tiếng “ve kêu” cùng sắc “vàng” của “rừng phách”. Mùa hè nơi đây không chỉ có màu sắc mà còn có cả âm thanh thật sống động. Tiếng ve kêu giữa mùa hè dường như tạo nên một bản nhạc tuyệt vời của rừng già. Động từ “đổ” trong câu thơ khiến cho người đọc có cảm giác như tiếng ve kêu tới đâu, rừng phách đổ vàng đến đó, một sắc vàng ngút ngàn rực rỡ. Cảnh vật nên thơ là vậy, con người hiện lên trong bức tranh thơ Tố Hữu cũng hữu tình không kém. Giữa rừng phách đổ vàng đầy lôi cuốn ấy, hình ảnh cô em gái hái măng một mình lại tiếp tục thể hiện sự chăm chỉ, gần gũi của con người Việt Bắc, khiến cho bức tranh thiên nhiên càng trở nên đầy sức sống hơn.
Bốn mùa có xuân hạ thu đông, sẽ thật là thiếu xót nếu như bức tranh thiên nhiên và con người Việt Bắc trong thơ Tố Hữu thiếu đi sự yên bình, sâu lắng của mùa thu:
“Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.”
Nếu Việt Bắc bước vào trang thơ với hình ảnh núi rừng vào ban ngày của mùa đông, mùa xuân, mùa hạ, thì mùa thu lại mang một nét riêng vào ban đêm. Hình ảnh trăng đã từng xuất hiện rất nhiều trong thơ ca kim cổ thì nay lại được bước vào thơ Tố Hữu khi miêu tả mùa thu Việt Bắc. Hình ảnh “trăng rọi hòa bình” mang đến cho núi rừng một không gian êm đềm, bình yên. Từ “rọi” khiến cho người đọc có cảm giác dường như ánh trăng sáng lung linh len lỏi qua từng tán lá cây, chiếu xuống bên dưới thật êm ả. Giữa bức tranh tĩnh lặng ấy lại vọng từ phía xa nào đó “tiếng hát ân tình thủy chung”. Đại từ “ai” trong câu thơ còn chỉ ai khác nữa nếu không phải là con người chân thành, đôn hậu của núi rừng nơi đây. Cụm tính từ “ân tình thủy chung” trong câu thơ nói về tiếng hát nhưng cũng chính là nói về đồng bào Việt Bắc – những con người hiền lành, chất phác, chăm chỉ và một lòng thủy chung với bộ đội, với cách mạng Việt Nam. Bức tranh thu với tiếng hát của con người vừa tình mà lại động, khiến cho người đọc có một cảm giác ấm áp vô cùng.
Bao trùm lên toàn bộ khổ thơ là một bức tranh tứ bình với bốn mùa xuân hạ thu đông. Việt Bắc hiện lên thật đẹp đẽ với cả thiên nhiên và con người qua cách viết một câu tả cảnh lại một câu tả người trong mỗi cặp thơ lục bát. Với thể thơ lục bát có nhịp thơ nhịp nhàng, lối đối đáp quen thuộc như ca dao dân ca, ngôn ngữ dung dị, hình ảnh đặc trưng, đoạn thơ đã khẳng định được tài năng bậc thầy trong thơ Tố Hữu.
Gấp trang sách lại mà hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ và con người bình dị, nghĩa tình của Việt Bắc vẫn hiện lên trong tâm trí người đọc. Qua đó, đoạn thơ cũng thể hiện nỗi nhớ, tình cảm chứa chan của nhân vật trữ tình với mảnh đất Việt Bắc thân thương. Bài thơ nói chung cũng như đoạn thơ nói riêng sẽ mãi là một khúc ca thời chiến đẹp đẽ trong nền thơ ca Việt Nam.