Phân tích phần cuối đoạn trích “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
Hướng dẫn
Phân tích phần cuối đoạn trích “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm
Phần cuối đoạn trích “Đất nước” trong sách giáo khoa 12 là đỉnh cao của tư tưởng “Đất nước của nhân dân”. Nhà thơ bày tỏ quan điểm về đất nước qua mỗi thời đại. Dù ở thời đại nào thì các nhà tư tưởng vẫn nhìn thấy vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân đối với đất nước. Nhân dân gánh trên đôi vai mình đất nước đi đến suốt cuộc trường chinh cũng như những công cuộc khai khẩn đất hoang, mở mang bờ cõi. Khi dân tộc trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ thì tư tưởng “Đất nước của Nhân dân” được ý thức rõ ràng hơn trong các tác phẩm.
Nếu như ở phần trước, nhà thơ lí giải đất nước có từ bao giờ, đất nước là gì, ở đâu thì phần này, nhà thơ lí giải ai làm ra đất nước.
Xuyên suốt mạch cảm xúc chương Đất nước là tư tưởng Đất nước của nhân dân. Tư tưởng ấy được triển khai trên những bình diện: địa lý, lịch sử, văn hóa, truyền thống, tinh thần dân tộc thú vị, độc đáo. Nguyễn Khoa Điềm có những phát hiện độc đáo về những cảnh quan kì thú của non sông gấm vóc: đá Vọng Phu, hòn Trống Mái, núi Bút, non Nghiên…. Không chỉ là tặng vật của thiên nhiên tạo hóa mà đã gắn với cuộc sống con người, với văn hóa, lịch sử dân tộc qua những áng ca dao, cổ tích, qua những cuộc vệ quốc vĩ đại của nhân dân.
Nét đặc sắc là cái nhìn của nhà thơ thấm sâu ý thức về nhân dân. Sự hóa thân của nhân dân vào Đất nước: những người vợ chờ chồng như đá Vọng Phu, cặp vợ chồng yêu nhau như hòn Trống Mái, những cái tên đất tên làng như Ông Đốc, Bà Đen…thật bình dị nhưng họ là những người làm nên Đất nước.
Nhà thơ không cảm nhận những cảnh quan kì thú đơn thuần là thắng cảnh thiên nhiên mà trong đó là chiều sâu số phận, cảnh ngộ, công lao của mỗi người đã đóng góp, hóa thân vào Đất nước. Đất nước thâm sâu tâm hồn, máu thịt của nhân dân.
Thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Khoa Điềm vừa mộc mạc, dân dã vừa đẹp lấp lánh những chất liệu văn hóa dân gian. Văn hóa dân gian thấm vào ngôn ngữ và cấu trúc hình tượng trong đoạn thơ, để hình tượng nhân dân hiện diện khắp nơi trong lối sống, ao ước, khát vọng, trong suốt dọc dài đất nước hơn 4000 năm lịch sử.
Đoạn thơ là sự dồn nén, hội tụ đỉnh cao của cảm xúc trữ tình – Đất nước của Nhân dân – Đất nước của ca dao, thần thoại. Nguyễn Khoa Điềm hướng người đọc nhìn về chiều sâu quá khứ bốn ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước của nhân dân. Họ sống và chết, giản dị và bình tâm, họ đã trở thành anh hùng, không ai nhớ mặt đặt tên chỉ đơn giản là những người chiến sĩ vô danh nhưng họ là những người bất tử, hóa thân cho dáng hình xứ sở.
Phải thấu hiểu, trân trọng giá trị văn hóa dân gian đến tột độ máu thịt, nhà thơ mới có thể có cái nhìn sâu sắc, mới mẻ đến vậy trong quan niệm “Đất nước của Nhân dân”. Với cảm xúc trữ tình – chính luận vừa sâu lắng vừa giàu chất suy tư với hình thức trò chuyện tâm tình tha thiết của đôi trai gái nhà thơ gợi được cả không khí, không gian nghệ thuật đầy màu sắc sử thi nhưng lại mới mẻ trong cách cảm nhận và hình thức phóng khoáng.
Theo Hocsinhgioi.com