Phân tích ý nghĩa câu chuyện cuộc đời của người đàn bà hàng chài ở tòa án huyện trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu
Hướng dẫn
Tại tòa án, mọi thứ được phơi bày. Câu chuyện sự thật về cuộc đời người đàn bà được chính bà giải bày. Chánh án Đẩu mời người đàn bà đến tòa để thu xếp chuyện gia đình và đề nghị chị từ bỏ lão chồng vũ phu. Đây là lần thứ hai, người đàn bà được Đẩu mời đến về công việc gia đình.
Lúc đầu, người đàn bà tỏ ra sợ sệt và lúng túng. Chánh án Đẩu và nghệ sĩ Phùng tận tình động viên chị bình tĩnh và làm cho chị cảm tháy dễ chịu hơn bằng mọt không gian rộng mở để chị yên tâm. Đang ngồi cúi gục xuống, người đàn bà bỗng ngẩng lên nhìn thẳng vào chúng tôi, lần lượt từng người một, với một vẻ ban đầu hơi ngơ ngác.
Sau lời nói mạnh mẽ, cứng rắn của chánh án Đẩu, chị mới tự tin, tự nhiên và sắc sảo, từng bước thuật lại bi kịch của đời mình.
Đó là câu chuyện nhiều bí ẩn và éo le của một người đàn bà nghèo khổ, lam lũ… Chị vốn xấu xí, khó lấy chồng rồi lỡ vận. Khi có chồng, đẻ nhiều con, cả gia đình nheo nhóc, đói khổ, chen chúc trên một chiếc thuyền chật chội. Trong cảnh khổ, chị thường xuyên bị chồng đánh đập, hành hạ mà vẫn cam chịu vì “phải sống cho con chứ không thể sống cho mình!”. Thi thoảng mới có niềm vui “là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no”.
Chị đau đớn đánh đổi bằng mọi giá để không phải bỏ chồng, người chồng vũ phu. Chị chấp nhận bị tòa án bắt tội cũng được, phạt tù cũng được, chứ đừng bắt chị bỏ chồng. Khi lí giải: “chưa bao giờ các chú biết thế nào là nổi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông”. Chị “cần có người đàn ông để nuôi nấng đặng một sấp con”. Chị chấp nhận số phận: “trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn nên phải gánh lấy cái khổ”…
Người đàn bà kể lại câu chuyện trong tiếng thở dài, có cả niềm vui, sự hài lòng, tin tưởng. Gia đình ấy là tất cả đối với người đàn bà. Mọi khổ đau, cơ cực hay hạnh phúc cũng ở từ nơi đó. Gã đàn ông vũ phu kí tuy bề ngoài dữ tợn, hành động tàn bạo nhưng bên trong lại rất hiền hòa. như lời người đàn bà phân minh: “ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hoà thuận, vui vẻ”.
Câu chuyện của người đàn bà đã thức tỉnh nhận thức của nghệ sĩ Phùng và chánh án Đẩu. Với chánh án Đẩu, từ hào hứng, tin tưởng vào giải pháp li hôn của mình là đúng đắn, đến ngạc nhiên chua chát khi chị từ chối giúp đỡ, sau khi nghe xong câu chuyện của người đàn bà hàng chài “một cái gì vừa vỡ ra trong đầu vị Bao Công…”. Đẩu ngộ ra những nghịch lí của đời sống và hiểu rằng chỉ có những thiện chí và kiến thức sách vở sẽ không giải thoát được những cảnh đời tăm tối. Đẩu cũng nhận ra mình chưa sâu sát trong quần chúng nhân dân để thấu hiểu, để giúp đỡ họ nhiều hơn. Câu chuyện gia dình người đàn bà là một bài học sâu sắc đối với công việc bảo vệ công lí của anh.
Với người nghệ sĩ Phùng, anh hiểu ra nhiều điều. Anh hiểu nhiều hơn về người đàn bà. Một phụ nữ nghèo khổ, vẽ cam chịu nhẫn nhục chỉ là bề ngoài, bên trong là tình cảm yêu thương con vô bờ bến, đó chính là nguồn gốc sự hy sinh của chịu đựng của chị. Chị không hề nông nổi mà ngược lại rất sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời. Tuy xấu xí, thô kệch nhưng tâm hồn đẹp đẽ nhân hậu, vị tha, giàu đức hy sinh…
Về người chồng của chị, tuy đánh vợ như một phương cách để giải tỏa những uất ức, khổ đau “lúc nào khổ quá lại lôi vợ ra đánh” nhưng sau đó lại hiền lành, lại yêu thương. Về chánh án Đẩu, phùng nhận thấy đó là người có lòng tốt, sẵn sàng bảo vệ công lý. Nhưng kinh nghiệm sống không nhiều. Với chính mình, anh sẵn sàng làm tất cả vì sự công bằng nhưng lại đơn giản trong cách nhìn nhận suy nghĩ.
Qua câu chuyện ở tòa án, Nguyễn Minh Châu đã nhẹ nhàng nêu lên quan ddiemr nghệ thuật sâu sắc. Đừng bao giờ nhìn cuộc đời, con người một cách đơn giản, phiến diện, phải đánh giá sự việc, hiện tượng, con người trong các mối quan hệ đa diện, nhiều chiều.
Với ngôn từ dung dị đời thường, từ câu chuyện về một bức ảnh nghệ thuật và sự thật cuộc đời đằng sau bức ảnh, truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng. Cách khắc hoạ nhân vật, xây dựng cốt truyện, sử dụng ngôn ngữ rất linh hoạt, sáng tạo đã góp phần làm nổi bật chủ đề – tư tưởng của tác phẩm. Đó cũng là cái nhìn mới về cuộc đời, về tình người, một sự cách tân táo bạo của Nguyễn Minh Châu trong giai đoạn đổi mới nền văn học sau giải phóng đất nước.
Theo hoctotnguvan.vn