Phân tích ý nghĩa nhan đề tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu
Hướng dẫn
Phân tích ý nghĩa nhan đề tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu
Bài làm
Tên khai sinh đầu tiên của truyện Nguyễn Minh Châu là Mảnh trăng. Khi in lại trong tập Những vừng trời khác nhau, tác giả thêm hai chữ cuối rừng. Sự thêm thắt đó lại mang đến một cái tên ưng ý nhất, mang nhiều ý nghĩa.
Nếu như “vầng trăng” gợi nên sự tròn đầy, viên mãn của trăng giữa tháng thì mảnh trăng gợi hình ảnh trăng đầu tháng mảnh mai, e ấp, tinh khôi. Hai chữ mảnh trăng gợi nên một hình ảnh đẹp, thơ mộng trong tác phẩm. Đây là hình ảnh được Nguyễn Minh Châu thể hiện rất thành công trong tác phẩm.
Sóng đôi cùng hình tượng mảnh trăng trong thiên truyện là hình ảnh Nguyệt. Trong tác phẩm, Nguyệt và trăng luôn soi chiếu, làm rạng ngời thêm vẻ đẹp của nhau. Mảnh trăng cuối rừng là ẩn dụ về nhân vật chính của truyện – một cô gái xinh đẹp, mảnh dẻ. Nguyệt là tên cô gái nhưng cũng là trăng. Với ý nghĩa đó, nhan đề tác phẩm thể hiện cảm hứng lãng mạn và bút pháp lí tưởng hóa của Nguyễn Minh Châu.
Mảnh trăng cuối rừng là một nhan đề hay, giàu chất thơ, gợi mở chủ đề của tác phẩm. Mảnh trăng phù hợp với tình yêu vừa nhen nhóm, hứa hẹn ngày mai sẽ tròn đầy của đôi trai gái. Nó cùng phù hợp với cuộc gặp gỡ tình cờ, ngẫu nhiên trong truyện. Cuộc hẹn hò có vẻ đẹp của một mảnh trăng đầu tháng, họ tìm nhau, gặp nhau mà hóa ra chưa gặp. Hai chữ cuối rừng gợi không gian khuất lấp, thu hút sự tìm kiếm.
Mảnh trăng cuối rừng là truyện ngắn đậm chất lãng mạn. Chất lãng mạn đó trước tiên được mang đến từ nhan đề. Một nhan đề như thế thể hiện sự tinh tế của ngòi bứt nghệ thuật Nguyễn Minh Châu.
Nguồn: Tài liệu văn học
Theo Hocsinhgioi.com