Suy nghĩ về câu: “Chiến trường thử thách người dũng cảm, cơn giận thử thách người khôn ngoan, khó khăn thử thách bạn bè” – Ngữ văn 12
Hướng dẫn
Nghị luận xã hội về tình bạn
Đề bài
“Chiến trường thủ thách người dũng cảm, cơn giận thử thách người khôn ngoan, khó khăn thử thách bạn bè”.
Quan điểm của anh (chị) về câu ngạn ngữ trên của người Nga (trình bày trong một bài văn khoảng 600 chữ)
Hướng dẫn làm bài:
Câu ngạn ngữ có ba vế, như vậy, tự nó đã là ba luận điểm rõ ràng. Người viết phải trả lời các câu hỏi: Tại sao nói, chiến trường là nơi thử thách người dũng cảm? Vì sao cơn giận thử thách người khôn ngoan? Vì sao khó khăn thử thách bạn bè? Trong ba vế, trọng tâm của vấn đề dồn vào vế thứ ba, vì thế, phải tập trung triển khai kĩ hơn vế này.
Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:
– Không có giá trị nào được khẳng định mà không qua sự kiểm chứng bằng những cách riêng. Sự kiểm chứng càng khắt khe, kết luận rút ra càng đáng tin. Với con người, đó là những thử thách. Thử thách có thể đánh bật những gì không thể trụ vững, ngược lại, đó cũng là điều kiện để người ta khẳng định những phẩm chất của mình. Điều này được người Nga đúc rút trong câu ngạn ngữ: “Chiến trường thử thách người dũng cảm, cơn giận thử thách người khôn ngoan, khó khăn thử thách bạn bè”.
– Chiến trường là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt, ở đó, hai lực lượng đối nghịch phái chiến đấu hết mình để tiêu diệt nhau. Ngày xưa, vũ khí đớn giản, thô sơ; ngày nay, vũ khí tối tân, hiện đại, song đều giống nhau ờ chỗ: chiến trường bao giờ cũng gắn với chết chóc, huỷ diệt. Có những trận đánh máu chảy thành sông, thây chất thành núi. Ở chiến trường, mạng sống con người hết sức mong manh. Không tiêu diệt được kẻ thù thì sẽ bị kẻ thù tiêu diệt. Giữa chiến trường, sự gan dạ, lòng dũng cảm của con người chịu sự thử thách cao độ. Có người bình tĩnh, gan góc thực hiện nhiệm vụ. Có người sợ hãi hoảng loạn, thậm chí hèn nhát lẩn trốn. Đó cũng là thứ phản xạ rất dễ xảy ra ở con người trước nguy cơ bị tước đoạt mạng sống.
– Nếu chiến trường là nơi thử thách người dũng cảm, thì cơn giận lại có tác dụng thử thách người khôn ngoan. Giận dữ là trạng thái tâm lí thường tình của con người. Đó là sự phản ứng tức thì trước những gì mà con người cảm thấy bất như ý. Giận vì bị vu khống, bôi nhọ. Giận vì bị lật lọng, lừa đảo. Giận vì bị đối xử bất công. Giận vì bị phản bội… Có trăm ngàn lí do khơi lên ngọn lửa tức giận ở con người.
Mức độ giận dữ của con người cũng khác nhau, tuỳ vào tính cách. Có những người khôn ngoan bình tĩnh, nuốt giận vào lòng, tìm nguyên nhàn để hoá giải. Kết quả, mọi chuyện được giải quyết một cách êm thấm. Ngược lại, có người bừng bừng nộ khí, giận dữ ngút tròi, muốn triệt hạ ngay đối thủ. Đúng như dân gian đã nói, “no mất ngon, giận mất khôn”, người nóng nảy bao giờ cũng thiếu sáng suốt khi giải quyết mâu thuẫn. Họ có thể nói những câu không nên nói, có thể làm những điều lẽ ra không nên làm. Vì những câu nói, những cách hành xử như thế mà nhiều mối quan hệ vốn tốt đẹp trước đây bị đổ vỡ một cách đáng tiếc.
– Với kiểu suy luận tương tự, từ hai vế trên, câu ngạn ngữ đi đến khẳng định điều thứ ba: khó khăn thử thách bạn bè. Có thể diễn đạt điều này theo một cách khác: trong khó khăn, mới biết bạn bè là người thế nào.
Xưa nay, đã là bạn bè thân tình thì phải thấu hiếu và chia sẻ với nhau trong mọi cảnh ngộ. Bạn bè quây quần bên nhau khi vui vẻ, lúc bình an là lẽ thường, không có gì đáng nói. Nhưng trong hoạn nạn, khó khăn mà vẫn gắn bó thuỷ chung thì đó mói là biểu hiện của tình cảm sắt son.
Trong lúc khó khăn mà bạn bè vẫn giữ được tình cảm bền chặt, sâu nặng với nhau quả là điều không dễ. Bởi vì, tình cảm ấy phải thể hiện bằng sự giúp đỡ nhiệt tình, vô tư cả về vật chất lẫn tinh thần. Thậm chí, nhiều khi cần đến cả sự xả thân hi sinh. Ta từng biết có người bao nhiêu năm trời cõng bạn đi học. Có những người cưu mang bạn mình khi sa cơ thất thế. Có những người nâng đỡ bạn bè những lúc sảy bước, sa chân. Ngay cả khi bạn vướng vào vòng lao lí, bị tù tội, vẫn không hề xa lánh. Đó là những bằng chứng sinh động cho thấy khó khăn thực sự là yếu tố thử thách tình cảm bạn bè. Những tình cảm hời hợt, nông cạn sẽ bị lật tẩy. Những tình cảm chân thành, sâu sắc sẽ được chứng minh.
– Trong cuộc sống, ai cũng cần có bạn bè. Đó phải là thứ tình cảm gắn bó tự nhiên, xuất phát từ sự đồng điệu về nhiều mặt. Ở tuổi học trò, tình cảm bạn bè là hết sức cần thiết. Nó giúp ta có được điểm tựa tinh thần để học tập và phấn đấu. Cuộc sống vốn không hề đơn giản. Nhưng dù ở tình huống nào, đã là bạn thân của nhau, phải luôn luôn thấu hiểu, sẻ chia, giúp đỡ nhiệt tình. Có như vậy, tình bạn mói trở nên bền chặt.