Suy nghĩ về danh và lợi trong cuộc sống hiện nay
Hướng dẫn
Hai chữ danh và lợi làm điên đảo lòng người
- Mở bài:
Từ khi có văn minh, con người đã nghĩ đến danh và lợi. Xuất phát từ học thuyết Chính danh của đức khổng Tử, hai chữ danh và lợi đã bị con người lạm dụng để thu vén địa vị và lợi lộc cho riêng mình mà gây nên biết bao nghiệp chướng, oan tình, kì án. Danh và lợi là hai lưỡi kiếm rất ác độc và mãnh liệt, thường theo đuổi ta trên suốt đường đời không sao dứt bỏ được.
- Thân bài:
Danh là gì?
Theo nghĩa từ điển, chữ danh có nghĩa là tên tuổi nổi bậc, là danh tiếng, là tiếng tốt, được xã hội biết đến và coi trọng. Chữ danh còn được hiểu là công danh, sự nghiệp, địa vị, danh dự của con người. Ví như người xưa đi tìm công danh, sự nghiệp vĩ đại nơi quan trường hoặc chiến trường, từ đó khẳng định địa vị, danh dự của mình trong xã hội.
Lợi là gì?
Chữ lợi xuất phát từ nghĩa là nguồn lợi, tài nguyên thu được sau một chuỗi hành động nào đó. Lợi tức là phần được tạo ra từ một việc làm nhất định. Đôi khi chữ lợi được đồng nhất với chữ lộc trong cuộc sống.
Vì sao sống phải biết tìm kiếm danh và lợi?
Khẳng định địa vị, danh dự cao đẹp và làm giàu cho bản thân, gia đình vốn là quyền của con người. Suốt cuộc đời người chăm lo học tập, trau dồi đạo đức, giữ gìn nhân cách, nhân phẩm cũng chỉ để tìm kiếm địa vị, danh dự, sự nghiệp cho riêng mình, từ đó đóng góp một phần giá trị hữu ích cho xã hôi. Về cơ bản, danh và lợi chính là động lực cho sự phát triển của xã hội.
Một người luôn khát vọng lập công danh, làm điều lớn lao là mong muốn tự khẳng định mình, khao khát được nổi bật trong xã hội, được mọi người tôn trọng và giúp đỡ đẻ thành công. Đây là một ước mơ lành mạnh và chính đáng vì nó thúc đẩy xã hội phát triển lên tầm cao.
Xưa sĩ tử ngày đêm đèn sách, kinh thi ứng cử là để mong cầu đỗ đạt, có quan có tước, lãnh trị thiên hạ, kinh bang tế, thế đem lại nhiều điều tốt đẹp cho cuộc sống, được nhiều người kính trọng. Lại còn vinh quy bái tổ, làm rạng rỡ danh tiếng gia tộc. Người lính nơi chiến trường, xông pha trận mạc, liều mình như chẳng có, cũng chỉ mông muốn lập nên chiến công hiển hách, đeo ấn phong hầu, được người đời ca tụng. Đó là họ luôn khát vọng lập công danh cho bản thân, làm điều hữu ích cho đất nước. Các anh hùng nghĩa sĩ ấy mãi mãi còn được tôn vinh.
Cái lợi từ chữ danh ấy mà ra. khi đã thành danh tất được hưởng lợi. Người ra làm quan được chu cấp bổng lộc, được thu lợi từ chính công việc của mình, có được cuộc sống sung túc, phồn vinh. Đó hẳn là cái lợi chính đáng, đáng được trân trọng.
Ngày nay, để có danh thì phải học, học để thành tài, kiện toàn năng lực, để có dịp đem cái tài ra phụng sự đất nước. Đất nước luôn cần có những con người giàu nhiệt huyết, khát vọng, hoài bão lớn lao, lý tưởng cao đẹp, dám xung phong đi đầu trong những nhiệm vụ khó khăn, dám hi sinh đánh giặc giữ nước, chấn chỉnh phong hóa, phát triển văn học, thúc đẩy kĩ thuật, cải cách kinh tế… cho nước nhà. Danh và lợi của cá nhân gắn chặt với lợi ích của đất nước đó là danh lợi trong sáng, vĩ đại và giàu tính nhân văn cao cả. “Thanh danh là hương thơm của những hành độnh anh hùng” (Socrate).
Có danh là để dễ bề làm sáng nghiệp của tổ tiên, làm cho xã hội công bằng, văn minh, tiến bộ. Một nhà khoa học miệt mài nghiên cứu sẽ tạo ra những phát minh hữu ích phục vụ cho sự tiến bộ của nhân loại; một thầy giáo giỏi tận trung với sự nghiệp giáo dục sẽ tạo ra những học trò xuất sắc; một bác sĩ tận tâm với nghề nghiệp sẽ cứu được biết bao con người qua khỏi cơn bệnh hiểm nghèo. Với tài năng và lòng yêu thương con người, họ thúc đẩy xã hội phát triển đồng thời nhận được lợi ích chính đáng về mình.
Danh bao giờ cũng đi liền với trách nhiệm và bổn phận đối với xã hội. Người khao khát công danh luôn nổ lực để trở thành người chân thiện, mang cái lợi cho cộng đồng, qua đó tự hoàn thiện bản thân, trở thành người ưu tú với những phẩm chất cao quý.
Mặt khác, lợi ích chính là động lực phát triển của mọi nền kinh tế, là điều kiện tiên quyết để mọi loài vật có thể tồn tại và phát triển được. Vì muốn hưởng lợi, muốn nhàn hạ, muốn làm ít mà hưởng nhiều, muốn thực hiện những việc vượt quá sức người, nên con người mới bắt cái đầu nghĩ ra khoa học kĩ thuật, công nghệ, máy móc. Vì muốn kiếm lời con người mới đem hàng hóa từ nơi này đến nơi khác tiêu thụ, giúp nền kinh tế phát triển, cuộc sống con người cũng nâng cao hơn. Tạo ra lợi ích để tận hưởng một cuộc sống tiện nghi, đầy đủ, giàu có vốn là khao khát mãnh liệt của con người từ xưa đến nay.
Cái danh lợi ích kỉ trong cuộc sống:
Con người vốn ích kỉ, ít ai không vì một lợi ích nào đó mà làm việc hăng say. Bởi trước khi hướng đến làm điều lợi ích cho xã hội họ cần làm lợi cho bản thân trước. Bản thân đầy đủ, cuộc sống an toàn thì con người mới cống hiến sức mình cho xã hội.
Phấn đấu để có được công danh và hưởng lợi từ công danh ấy vốn không có gì là sai trái. nhưng có nhiều kể bất chấp thủ đoạn. Mọi ham muốn, tham lam trong cuộc đời đều xuất phát từ lợi danh. Thắng thua chỉ là thước đo trong cuộc chơi địa vị. Tình thương giữa người với người, lòng hiểu biết giữa tâm hồn và tâm hồn mới là điều quan trọng nhất. Có tình thương trong trái tim, ta là người tự do, danh lợi không có chỗ đứng. Mất tình thương, ta chính là người danh lợi, quay về danh và lợi ích kỉ. Vì danh và lợi con người muốn thâu đoạt về mình càng nhiều càng tốt, để thỏa mãn lòng tự ái và ích kỉ.
Hám lợi làm con người mù quáng lương tâm, ra nhiều tội lỗi và đau khổ cho người khác; chuyên quyền, tham nhũng tràn lan, buôn bán ma túy, sản xuất sữa độc, kẹo bột đá, thải nước độc ra môi trường sống, làm cho các giống hổ, voi, tê giác, cá mập,… có nguy cơ bị tuyệt chủng, các cánh rừng nguyên sinh có nguy cơ bị xóa sổ.
Khát danh làm cho con người có những toan tính tầm thường, xu nịnh, tranh giành, chiếm đoạt, mua quan bán tước, bằng cấp giả… làm đảo lộn giá trị cuộc sống, thật giả bất phân. Những người bán danh, hám lợi thường bị mọi người xem thường, không thể tin tưởng.
Làm thế nào để có được danh và lợi chính đáng?
Làm người thì cần phải có danh vọng và lợi lộc. Thiếu một trong hai thứ ấy cuộc sống khó đạt được hạnh phúc. Nhiều người cao ngạo cho rằng họ trọng nghĩa (tình nghĩa) khinh tài (danh lợi) nhưng kì thật đó chỉ là phát ngôn lúc trong viên mãn, tràn đầy, cuộc sống không khó khăn gì mà thôi. Chúng ta luôn sống vì bản thân và người thân. Chúng ta làm việc vì lợi ích của cá nhân. Chúng ta cần lợi ích để sinh tồn và khẳng định, nhưng không vì thế mà bất chấp đạo lí và phát luật, làm điều trái với đạo nghĩa.
Thanh niên ngày nay, muốn có lợi danh hãy chăm chỉ học tập thành tài, bằng sức mình hăng say làm việc, tạo ra nhiều lợi ích tất sẽ nhận được danh tiếng và lợi lộc xứng đáng. Có được danh tiếng, địa vị và lợi ích từ chính năng lực của mình, đựa trên thành quả lao đông mình tạo ra đó là danh lợi chính đáng và bền vững nhất.
Phải liên tục rèn luyện, trau dồi, bồi dưỡng đạo đức, nhân cách, nhân phẩm, lý tưởng, giữ mình trong sạch, vững mạnh, tránh được tham vọng cá nhân, hướng đến cộng đồng để không làm điều sai trái mà hủy hoại cả sự nghiệp. Pháp luật tuy im lặng mà khó thoát, đời người trong kiếp phù sinh trùng trùng nhân quả, làm điều sai trái tất không khỏi nhận lấy hậu quả về mình.
Sống phải luôn có ước mơ, hoài bão làm điều lớn lao để không uổng kiếp người quý báu. Được nổi bậc và nhiều người tôn vinh trong tập thể, cộng đồng đó là danh dự. Được nhiều yêu mến, kính trọng, tri ơn và giúp đỡ trong cuộc sống đó là hạnh phúc. “Có trung hiếu nên đứng trong trời đất. Không công danh thà nát với cỏ cây” như cụ Nguyễn Công Trứ đã từng kiên định thực hiện.
Đừng bao giờ kiêu ngạo, khinh thường người khác khi đã có được danh và lợi. Đừng bao giờ lạm dụng chức vị, quyền lực, địa vị mà thu lợi bất chính, không những tạo ra nhiều điều tổn thất cho tập thể, cộng đồng và đất nước mà còn gây nên những mối hiểm họa cho bản thân ở tương lai.
Khi vướng vào danh lợi, ta bị cuốn vào trong vòng xoáy của hơn thua. Một khi đã ở trong vòng xoáy đó, nhất định ta luôn có trong mình sự căm thù, ganh ghét và phân biệt. Tâm thức đầy tràn những tâm hành tiêu cực có thể dẫn ta đến chuyện oán hận, bạo động. Ta hoàn toàn đánh mất tình thương trong mình.
Từ xưa đến nay, có biết bao anh hùng hào kiệt và tài tử cao nhân đức cao vọng trọng, liêm khiết chính trực nhưng cũng chỉ vì hai chữ danh lợi mà điên đảo thân tâm, làm điều bất nghĩa để đến nỗi thân bại danh liệt, đời đời còn lưu tiếng xấu. Cái giá phải trả vì tham danh cầu lợi là uổng phí trọn một kiếp người, vẫn ở trong vòng luân hồi quả báo, khổ sở không lúc nào hết.
Bài học về danh và lợi:
Vì nhận thức được rằng tài cao, đức trọng thì có danh lớn nên bản thân quyết tâm học tập thật giỏi để lập công danh, khẳng định mình trong xã hội, làm rạng danh gia đình, dòng họ, đất nước. Hãy luôn làm việc thật tốt mang lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội. Chỉ phấn đấu bằng chính danh, chính lợi bằng nổ lực của bản thân, quyết không làm điều khuất tất và thiệt hại đến người khác, đến đất nước. Danh lợi là mục tiêu phấn đấu nhưng nếu quá tham vọng hoặc mưu danh cầu lợi quá mức lại là hành động sai trái, đáng bị lên án.
- Kết bài:
Khuất Nguyên, một danh sĩ thời Chiến quốc từng nhắc nhở rằng “Thiện không do từ ngoài lại. Danh không từ hư mà có”. Làm người đừng bị lợi danh mà bất chấp vinh nhục ở đời. Bởi thế, tu dưỡng năng lực và tinh thần của chính mình để tìm kiếm danh lợi chính đáng, từ khát vọng danh lợi của bản thân đóng góp vào sự phát triển của đất nước mới là lý tưởng của thanh niên thời nay.
Theo hoctotnguvan.vn
Từ khóa tìm kiếm nhiều:
- danh ngôn người ích lợi cho gia đình xã hội